Góp ý của Bà Nguyễn Thị Phương Minh – Ban Pháp chế Ngân hàng Ngoại thương

Thứ Ba 15:54 10-07-2007


I. Nhận xét chung:

-         Trong dự thảo Thông tư đã đưa ra quá nhiều trách nhiệm cho Ngân hàng Việt Nam trong việc mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. Như Ngân hàng phải làm các thủ tục xin phép để nhà đầu tư nước ngoài được phép mua cổ phần ở Ngân hàng Việt Nam, bất kể nhà đầu tư nước ngoài đó đầu tư với số lượng lớn hay nhỏ, nhà đầu tư đó là tổ chức hay cá nhân. Trong khi đó các thủ tục này là khá phức tạp, Ngân hàng lại là một đơn vị kinh doanh, phải chăng các Ngân hàng Việt Nam sẽ phải dành riêng một bộ phận để chuyên đảm nhiệm những công việc này, những công việc không đem lại lợi nhuận gì cho Ngân hàng. Và nếu Ngân hàng từ chối thực hiện các thủ tục này cho nhà đầu tư nước ngoài thì có phải chịu chế tài gì không? Nên chăng chỉ nên quy định trách nhiệm này thuộc về Ngân hàng khi họ kêu gọi nhà đầu tư chiến lược nước ngoài mua cổ phần của Ngân hàng mình. Các trường hợp khác nhà đầu tư nước ngoài sẽ trực tiếp nộp hồ sơ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc xác định Ngân hàng Việt Nam đó có đủ điều kiện để một nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần hay không sẽ thuộc về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước. Việc xác định này cũng nên được tiến hành định kỳ với tất cả các Ngân hàng và các Ngân hàng nào đáp ứng đủ các điều kiện sẽ được công bố rộng rãi để nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc lựa chọn trước khi quyết định đầu tư.

-         Để đảm bảo môi trường đầu tư ổn định, thống và minh bạch cho các nhà đầu tư nước ngoài, dự thảo cần xem xét lại một số quy định có tính hạn chế quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài với tư cách là cổ đông của Ngân hàng. Như việc hạn chế quyền chuyển nhượng cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Mục 2, điểm 3.2. Nếu như đã cho phép họ mua mà lại không cho phép họ có quyền quyết định việc bán cổ phần của mình thì quyền lợi của họ có được đảm bảo không? Trong dự thảo cũng có quy định việc chuyển nhượng cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài phải trên cơ sở quyết định của HĐQT ngân hàng Việt Nam, quy định này là không hợp lý.

II. Ý kiến cụ thể:

1.     Mục I, điểm 2 Ngôn ngữ sử dụng. Đề nghị làm rõ khái niệm “tiếng nước ngoài thông dụng”, những tiếng nước ngoài nào được coi là thông dụng. Đồng thời, tại điểm này có quy định: “Trường hợp có sự khác nhau giữa bản tiếng Việt và bản tiếng nước ngoài thì áp dụng bản tiếng Việt”. Đề nghị xem xét lại nội dung này vì trong nhiều trường hợp bản tiếng nước ngoài là bản gốc (ví dụ: hồ sơ pháp lý liên quan đến việc thành lập và hoạt động hợp pháp của một tổ chức nước ngoài). Đối với những loại giấy tờ này việc coi bản tiếng Việt là bản có giá trị áp dụng thì có hợp lý không.

2.     Mục 1, điểm 4 Giải thích từ ngữ: Ngoài cụm từ “Người có liên quan” trong dự thảo Thông tư có nhiều cụm từ khác cần được giải thích nhưng không được giải thích, trong khi cụm từ “Người có liên quan” đã được giải thích rõ tại Điều 3 Nghị định 69/2007/NĐ-CP. Do vậy, Thông tư không cần giải thích lại những từ ngữ đã được giải thích trong Nghị định số 69 mà chỉ giải thích những từ chưa được giải thích trong Nghị định số 69. Ngoài ra, do Thông tư này hướng dẫn Nghị định số 69 nên Thông tư cần quy định các từ ngữ được sử dụng trong Thông tư này sẽ được hiểu như giải thích tại Điều 3 của Nghị định 69/2007/NĐ-CP.

3.     Mục II, điểm 1: Trong điểm này có nêu ra các điều kiện mà Ngân hàng Việt Nam phải đáp ứng khi thực hiện việc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Vậy trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài muốn mua cổ phần của một Ngân hàng Việt Nam từ các cổ đông đang sở hữu cổ phần tại Ngân hàng Việt Nam thì các nhà đầu tư này có phải chọn các Ngân hàng Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu tại Mục II, điểm 1 này hay không? Nếu có thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ lấy thông tin này từ đâu? Ngân hàng Nhà nước với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng có công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng danh sách các Ngân hàng Việt Nam đáp ứng các điều kiện này để các nhà đầu tư có thể quyết định đầu tư hay không?

4.     Mục II, điểm 3.2: Đề nghị xem lại quy định này. Việc yêu cầu các trường hợp chuyển nhượng này phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận có thực sự cần thiết hay không? Vì để được sở hữu cổ phần của một Ngân hàng Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài đã phải xin phép Ngân hàng Nhà nước và phải chịu những khống chế về tỉ lệ sở hữu, thời gian nắm giữ cổ phiếu… Hơn nữa, tại Điều 14 khoản 1 của Nghị định có quy định các nhà đầu tư nước ngoài “được hưởng các quyền như cổ đông khác theo quy định tại Điều lệ của Ngân hàng Việt Nam mà nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần”. Nội dung quy định tại Thông tư này sẽ làm hạn chế quyền được chuyển nhượng cổ phần đã mua của nhà đầu tư nước ngoài không phù hợp với tinh thần của Nghị định. Nên chăng sửa đổi quy định này từ việc yêu cầu phải có sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước thành nghĩa vụ thông báo cho Ngân hàng Nhà nước khi thực hiện các giao dịch như vậy.

5.     Mục III điểm 1: Tại điểm này có quy định về Hồ sơ đề nghị bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài của Ngân hàng Việt Nam. Vậy đề nghị làm rõ trong trường hợp Ngân hàng Việt Nam đó đã có cổ đông hiện hữu là nhà đầu tư nước ngoài và Ngân hàng Việt Nam muốn tăng vốn bằng phương thức bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu thì có phải làm thủ tục xin phép bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài hay không, đặc biệt là trong trường hợp tổng mức sở hữu cổ phần của cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài không thay đổi (không vi phạm Điều 4 của Nghị định 69/2007/NĐ-CP).

6.     Mục III điểm 1.5: Đề nghị chỉ áp dụng quy định này đối với nhà đầu tư là cổ đông chiến lược của Ngân hàng Việt Nam. Đối với các nhà đầu tư thông thường, quy định này là không cần thiết, nhất là khi nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của Ngân hàng Việt Nam thông qua đấu giá.

7.     Mục III điểm 2.1.1.d: Tại điểm này, Dự thảo Thông tư có quy định các tổ chức là nhà đầu tư nước ngoài phải nộp báo cáo tài chính đã được kiểm toán, báo cáo thường niên. Tuy nhiên, đối với các đầu tư là tổ chức nước ngoài không phải là tổ chức tín dụng thì chưa có quy định nào về các điều kiện tài chính, kinh nghiệm cũng như quy mô của tổ chức này. (Hiện tại chỉ có Điều 12 của Nghị định có quy định về điều kiện của các tổ chức tín dụng nước ngoài mua cổ phần của Ngân hàng Việt Nam mà chưa có điều kiện của các tổ chức nước ngoài nói chung không phải là tổ chức tín dụng).

8.     Mục III điểm 3.1.d: Tại điểm này có quy định trong hồ sơ xin chuyển nhượng phải có “Biên bản họp Hội đồng quản trị quyết định việc chuyển nhượng cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài”. Tuy nhiên, trong dự thảo Thông tư, Nghị định 69/2007/NĐ-CP và các văn bản khác liên quan đều không quy định trong các trường hợp chuyển nhượng như vậy phải được sự đồng ý của Hội đồng quản trị. Hơn nữa nhà đầu tư nước ngoài cũng là một trong các chủ sở hữu của Ngân hàng. Trong khi đó, Hội đồng quản trị chỉ là một cơ quan do Đại hội cổ đông bầu ra để quản trị điều hành ngân hàng thì việc quy định HĐQT quyết định việc cho phép chuyển nhượng cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là không hợp lý. Quy định này sẽ làm hạn chế quyền của nhà đầu tư nước ngoài với tư cách là cổ đông của Ngân hàng. Gây ra sự áp dụng không thống nhất giữa các ngân hàng dẫn đến quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài là không thống nhất, không rõ ràng. 

9.     Mục IV điểm 1.2 có quy định “Cổ đông cá nhân Việt Nam khi mang quốc tịch nước ngoài phải đảm bảo nguyên tắc sở hữu cổ phần quy định tại Điều 4 của Nghị định này”. Quy định này là chưa đầy đủ, vì ngoài Điều 4 của Nghị định 69/2007/NĐ-CP, cá nhân Việt Nam khi mang quốc tịch nước ngoài được coi là cá nhân nước ngoài (Điều 3 khoản 1 điểm b Nghị định 69/2007/NĐ-CP) và phải tuân thủ các quy định tại Nghị định 69/2007/NĐ-CP và các quy định tại Thông tư này. Do đó, đề nghị bổ sung vào điểm 1.2 nêu trên đoạn “và các quy định khác có liên quan áp dụng đối với cổ đông nước ngoài

10. Mục V. Đề nghị xem xét lại trách nhiệm của Ngân hàng Việt Nam trong việc tiếp nhận, thẩm định và nộp hồ sơ để đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của Ngân hàng mình. Nên chăng chỉ giao trách nhiệm này cho Ngân hàng Việt Nam khi nhà đầu tư là cổ đông chiến lược mua cổ phần của Ngân hàng Việt Nam. Vì đối với trường hợp nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của Ngân hàng Việt Nam từ các cổ đông hiện hữu thì việc buộc các Ngân hàng Việt Nam phải đứng ra làm thủ tục xin cấp phép cho nhà đầu tư nước ngoài là không hợp lý.

11. Mục V. Trong mục này, đề nghị quy định rõ tổng mức thời gian tối đa mà các cơ quan có thẩm quyền phải có câu trả lời chính thức về việc giải quyết hồ sơ của Ngân hàng Việt Nam hay của nhà đầu tư nước ngoài. Trường hợp từ chối thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Quy định này nhằm nâng cao trách nhiệm giải quyết công việc của các cơ quan có thẩm quyền, tránh gây phiền hà cho Ngân hàng Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài.

12.  Mục VI điểm 2 có quy định “Trong thời gian 24 tháng kể từ ngày cá nhân Việt Nam chuyển đổi quốc tịch, Ngân hàng Việt Nam phải hoàn tất việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông này theo quy định tại Điểm 1.2 Mục IV Thông tư này”. Do đó, cần xem xét lại quy định tại điểm 2.1.a của Mục IV áp dụng đối với trường hợp này. Nếu dự thảo vẫn giữ nguyên quy định hiện tại thì cần xem xét lại việc quy định trách nhiệm điều chỉnh tỷ lệ. Trách nhiệm này thuộc về Ngân hàng Việt Nam là không hợp lý mà phải thuộc trách nhiệm của chính cá nhân đó.

Nguyễn Thị Phương Minh

Ngân hàng Ngoại thương VN

Các văn bản liên quan