Góp ý của Ông Nguyễn Võ Liễu – Tổng thư ký HH vận tải ô tô VN

Thứ Ba 13:56 17-07-2007


Góp ý Dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại

Nguyễn Võ Liễu
Hiệp hội vận tải ô tô

Luật Thương mại được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 14/6/2005 đã có hiệu lực thay thế Luật Thương mại do Quốc hội thông qua ngày 10/5/1997 kể từ ngày 01/01/2006.

Nghị định số 175/2004/NĐ-CP ngày 10/10/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại cũng mặc nhiên hết hiệu lực từ 01/01/2006. Nay mới được bàn đến Dự thảo lần 5 Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại 2005 quả là một sự chậm trễ không đáng có. Song so sánh với thời gian thông qua Luật Thương mại 1997 và thời gian ban hành Nghị định 175/2004 thì Dự thảo lần 5 này cũng chỉ mới chậm khoảng 1/3 thời gian (2/7 năm).

Đây là điều đáng khích lệ đối với bản Dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại.

Về bố cục và quan điểm của Dự thảo Nghị định đã thể hiện sự làm việc nghiêm túc và khẩn trương của Ban soạn thảo.

Tuy nhiên, một số nội dung dưới đây, theo ý chúng tôi là nên được xem xét:

1. Nguyên tắc xử phạt cần định rõ những vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại cần phải được phát hiện kịp thời và phải bị đình chỉ ngay. Ví như vi phạm về sản xuất kinh doanh hàng giả, độc hại…bị phát hiện chậm vì cố tình che dấu, hoặc chậm thu hồi hàng kém chất lượng…

2. Đối tượng áp dụng - khoản 2 Điều 2 về tổ chức, cá nhân là người nước ngoài có hành vi vi phạm nên định rõ phạm vi như ghi ở điểm c khoản 1 điều 6 của Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính (…trong lĩnh vực thương mại trong phạm vi lãnh thổ, vùng đặc quyền kinh tế…của nước ta, chứ không chỉ có hoạt động và cư trú tại Việt Nam như dự thảo).

3. Từ kinh doanh trong Nghị định chỉ nên giới hạn “kinh doanh trong lĩnh vực thương mại”. Do đó cần ghi rõ hơn với việc giải thích kinh doanh là hoạt động vận chuyển, bởi nếu hoạt động vận chuyển hàng không nhằm mục đích để bán thì đó có thể là vận chuyển thuê, sẽ thuộc lĩnh vực vận tải hàng bằng các loại phương tiện - được điều chỉnh bởi Luật chuyên ngành Giao thông.

4. Hàng giả không chỉ là hàng hóa lưu thông trên thị trường, mà còn là hàng đang sản xuất, chế tác, đang cất giữ.
Hàng giả còn có thể là giả về xuất xứ, giả về thành phần, tiêu chuẩn, chất liệu…

5. Cần quy định về xử phạt vi phạm trong trường hợp hoạt động kinh doanh bằng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh giả.

6. Việc xử phạt các hành vi vi phạm hành chính về thủ tục đăng ký kinh doanh, đầu tư, về trụ sở, địa điểm, về biển hiệu có thể áp dụng theo quy định tại các Nghị định khác. Song thực tế hiện còn những hành vi vi phạm hành chính về thương mại mà chưa có quy định xử phạt vi phạm hành chính hoặc không rõ xử phạt theo Nghị định nào. Đề nghị nên đưa vào Nghị định này những hành vi vi phạm về địa điểm cửa hàng, cửa hiệu, về biển hiệu, bán phá giá về giả biển hiệu cửa hàng, nhại biển hiệu.

7. Mức phạt tiền và hình phạt bổ sung trong dự thảo đã phù hợp với thực tiễn hiện nay, đủ sức răn đe.

Với một số hành vi kinh doanh trái pháp luật có ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nên có hình phạt bổ sung là buộc phải thực hiện nghĩa vụ lao động để khắc phục hậu quả.

8. Với hành vi vi phạm gây tổn thất cho người tiêu dùng cần áp dụng biện pháp cưỡng chế để hạn chế tổn thất như buộc đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh có thời hạn.

9. Hành vi họp chợ không đúng nơi quy định, kinh doanh không đúng nơi quy định cần được áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại để tránh “chợ cóc”.

10. Hoạt động kinh doanh lưu động, và hàng rong cũng cần có chế tài xử phạt vi phạm hành chính.

Các văn bản liên quan