Ý kiến của TS. Dương Thị Thanh Mai – Cố vấn Cao cấp Bộ Tư pháp tại Lễ Công bố báo cáo Tổng hợp rà soát pháp luật Kinh doanh

Chủ Nhật 22:21 11-12-2011

Bộ Tư pháp lần này không có luật nào do Bộ chủ trì được rà soát nhưng với tư cách là đại diện cơ quan giúp Chính phủ trong việc quản lý công tác xây dựng pháp luật luật và thi hành pháp luật, chúng tôi xin có một số ý kiến sau:

Nhìn lại lịch sử phối hợp giữa VCCI với Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình xây dựng chính sách về pháp luật thì chúng tôi thấy một điều rằng VCCI đã đi những bước rất là bài bản, vững chắc và có mục tiêu. Chị Hiền có nói đến Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định đã quy định vai trò của VCCI, điều đó không phải tự nhiên mà có được. Chính VCCI đã là một thành viên rất tích cực tham gia vào chương trình cải cách hành chính năm 2001 – 2010. Ở đó chương trình thứ nhất là chương trình về hoàn thiện và nâng cao chất lượng của hệ thống pháp luật. Và chính với sự tham gia tích cực của VCCI cho nên Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Nghị định hướng dẫn đã thể hiện quan điểm rất là mới về việc xây dựng chính sách pháp luật. Đó là tính công khai, tính dân chủ trong quá trình xây dựng pháp luật với sự tham gia sớm và rộng rãi của cộng đồng. Trong đó đặc biệt là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của các văn bản, và ở đó vai trò của cộng đồng doanh nghiệp với cơ quan đại diện VCCI đã được thể hiện, khẳng định.

Với công cụ đã được tạo ra là làm luật và làm chính sách sao cho đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn thì trong những năm vừa qua VCCI đã tiếp tục sử dụng công cụ đó để tham gia vào việc xây dựng các chính sách và pháp luật cụ thể liên quan đến môi trường kinh doanh.

Một hoạt động thể hiện rất rõ là việc VCCI lại tiếp tục tích cực và chủ động trong việc đánh giá công tác xây dựng pháp luật và thi hành luật mà kết quả lần đầu tiên được công bố là năm 2010, bằng cách thức đưa ra các tiêu chí đánh giá thể hiện cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp để có một xếp hạng theo cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp về tính công khai, tính minh bạch, tính hiệu quả trong công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật. Kết quả này lúc đầu cũng gây ra những phản ứng nhất định, có thể gọi là "cơn sốc" với cơ quan quản lý Nhà nước, nhưng Chính phủ lại nhìn nhận nó dưới góc độ rất tích cực. Và đến đầu năm 2011 thì Thủ tướng Chính phủ đã chính thức giao cho VCCI tiếp tục hoàn thiện công cụ đó cùng với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ bắt đầu thực hiện hàng năm việc đánh giá các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật. Cùng với việc đang làm đó thì VCCI lần này lại thực hiện việc rà soát 16 luật liên quan đến quyền tự do kinh doanh. Tôi cho rằng đây là một lựa chọn rất là đúng đắn.

Trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 – 2020 chúng ta cũng biết là có 3 cái đột phá chiến lược mà đột phá chiến lược đầu tiên chính là thể chế kinh tế thị trường. Và đây chính là khâu mà VCCI chọn để thực hiện giải pháp chiến lược đó. Đó là làm sao để đánh giá rà soát và đưa ra những kiến nghị để hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh doanh.

Về những kết quả cụ thể của Báo cáo này thì hôm nay chúng ta thể hiện sự đánh giá cao đối với những kết quả đó. Về phía Bộ Tư pháp, từ năm 2008 được Chính phủ giao cho trách nhiệm mới là theo dõi việc thi hành pháp luật mà mục tiêu của nó là thông qua việc thi hành các đạo luật để tìm ra cơ chế thi hành pháp luật, để hoàn thiện cơ chế thi hành pháp luật sao cho không phải luật chỉ làm ra trên giấy mà phải được thực thi đầy đủ trong cuộc sống. Một mục tiêu rất quan trọng của việc theo dõi thi hành pháp luật chính là để phát hiện ra những bất cập, những chỗ trống trong hệ thống pháp luật và để tiếp tục hoàn thiện pháp luật.

Qua hoạt động theo dõi thi hành pháp luật trong 3 năm vừa qua, lắng nghe tất cả tiếng nói từ các bộ ngành địa phương cùng với Bộ Tư pháp thì thấy rõ rằng bên cạnh những công cụ quản lý của Nhà nước, bên cạnh những kiểm tra, thanh tra thống kê của hệ thống cơ quan Nhà nước thì không thể thiếu được phản ánh của cộng đồng, của những người đang thực thi những Luật đó. Nếu như từ trước đến nay chúng ta mới chỉ có các công cụ như thẩm định, thẩm tra các dự thảo văn bản quy phạm cũng như là hoạt động kiểm tra các văn bản về tính hợp hiến, hợp pháp ngay sau khi ban hành thì như ở Bộ Tư pháp chúng tôi nói rằng đấy vẫn chỉ là những công cụ để chúng ta kiểm tra tính an toàn của một con thuyền đang trên cạn. Nhưng khi luật đã đi vào cuộc sống tức là con thuyền đã ra khơi rồi thì lúc ấy nó có an toàn hay không, có trải qua được những sóng gió trong cuộc sống hay không thì phải được qua kiểm nghiệm của thực tiễn.

Chính việc VCCI rà soát luật đã qua ít nhất hai năm thi hành như anh Huỳnh nói chính là sự kiểm nghiệm của những người đang đứng trên con thuyền đó để nói rằng con thuyền ấy có đáng tin cậy hay không. Điều này có ý nghĩa rất lớn, sử dụng công cụ mình đã tạo ra là sự tham gia của cộng đồng trong việc xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật. 

Bộ tư pháp cũng vừa mới cử một đoàn đi sang Liên bang Nga để học tập kinh nghiệm về việc tổ chức hoạt động theo dõi thi hành pháp luật. Vì từ tháng 5/2011 thì Tổng thống Nga có ra một sắc lệnh về việc giao cho Bộ tư pháp quản lý, theo dõi đánh giá tình hình thi hành pháp luật. Có một điểm rất đáng chú ý là bên cạnh hệ thống theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật của các cơ quan nhà nước thì ở Nga Chính phủ có ban hành Nghị định về việc thành lập một Hội đồng tư vấn. Hội đồng tư vấn đó gồm có đại diện của cộng đồng doanh nghiệp, có tổ chức của Phòng Thương mại Công nghiệp Nga cùng với các tổ chức hiệp hội luật sư, luật gia. Hội đồng tư vấn ấy hoạt động thường xuyên bên cạnh các cơ quan nhà nước để đánh giá về tình hình thi hành pháp luật và từ đó đưa ra các kiến nghị về hoàn thiện hệ thống pháp luật. Đó chính là một trong các cách thức mà Bộ Tư pháp Nga đang thực hiện để cùng với cộng đồng doanh nghiệp thường xuyên để góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật. Tôi cho đó là kinh nghiệm rất tốt. Bên cạnh đó, họ còn sử dụng ba trang web của các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội để thường xuyên thu nhận các ý kiến, kiến nghị. Không phải chỉ chờ có rà soát này mà phải có những địa chỉ khách quan và độc lập để có thể thu thập được. Tôi cho rằng vibonline.com.vn cũng là một địa chỉ như thế. Như vậy chúng ta đã và đang đi rất đúng hướng, và sự gặp gỡ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc xây dựng chính sách, pháp luật với cộng đồng doanh nghiệp và đại diện là VCCI.

Cuối cùng, tôi nghĩ rằng, trong tương lai với việc VCCI đã đi đúng hướng như vậy, Chính phủ và các cơ quan tư pháp đều cảm nhận được rất rõ lợi ích và đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp với đại diện là VCCI. Chúng tôi xin chắc rằng ta sẽ có những phương thức trong tương lai để kết hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn thường xuyên hơn giữa các cơ quan quản lý nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp. Kết quả này là một bước nữa để khẳng định tính đúng đắn của các hoạt động của VCCI và khả năng hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp, góp phần thực hiện mục tiêu chung của chúng ta là xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật thực sự đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Các văn bản liên quan