Ý kiến của Thẩm phán Hoàng Ngọc Thành – Tòa Kinh tế, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tại Lễ công bố báo cáo tổng hơp rà soát pháp luật kinh doanh

Chủ Nhật 22:22 11-12-2011

Trước hết, chúng tôi đánh giá cao về Dự án do Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì trong khuôn khổ hợp tác với Đại sứ quán Anh và Bộ phát triển Quốc tế Anh về rà soát, đánh giá 16 luật và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ đang có hiệu lực, liên quan đến doanh nghiệp. Đây là những văn bản pháp luật có quy định tác động nhiều nhất đến các hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp hiện hay, như là Luật đất đai, Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật thương mại, Bộ luật dân sự, Bộ luật hàng hải, Luật đấu thầu, Luật xây dựng, Luật sở hữu trí tuệ, Luật hải quan, Luật bảo vệ môi trường, Luật quản lý thuế, Luật kế toán, Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và khoảng gần 200 văn bản hướng dẫn của Chính phủ và các bộ ngành.

Đánh giá về tính thiết thực và vai trò của Dự án, chúng tôi cho rằng đây là một dự án lớn cần được thực hiện đồng bộ, đầy đủ và toàn diện. Để thực hiện chi tiết, đi sâu vào nền kinh tế thị trường, Nhà nước ta đã xây dựng nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 16 văn bản pháp luật mà chúng ta đang tiến hành rà soát và đánh giá. Bối cảnh ban hành 16 văn bản pháp luật này là trong giai đoạn đầu những năm 1990 đến năm 2000, tuy trong đó đã có nhiều văn bản luật được sửa đổi, bổ sung nhưng cho đến nay vẫn chưa đáp ứng được những đòi hỏi thực tiễn khách quan và đặc điểm hình thành phát triển hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam. Chính vì vậy, việc rà soát, đánh giá lại các văn bản có liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp là hết sức cần thiết để các văn bản thực sự đi vào đời sống xã hội, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền. Nói như vậy, không có nghĩa là việc rà soát đánh giá lần này là đảm bảo có sự hoàn thiện tối ưu các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc tiến hành rà soát các văn bản pháp luật cụ thể được nghiên cứu trên một số tiêu chí cơ bản, có tính khái quát nhất, phù hợp với đặc điểm đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp đã được các nhà khoa học phân tích trong Báo cáo, đó là tính minh bạch, tính hợp lý, tính thống nhất và tính khả thi và các kiến nghị với những đánh giá, phân tích và đề xuất từng câu chữ trong các văn bản Luật được rà soát, thể hiện tính khoa học, thận trọng và khách quan của chuyên gia pháp lý, kinh tế đến từ các công ty luật, văn phòng luật sư, các viện nghiên cứu, trường đại học, các cơ quan quản lý nhà nước…

Cũng tại Báo cáo, qua nghiên cứu, rà soát đã nêu ra được bất cập, vướng mắc của quy định pháp luật hiện hành như một số quy định pháp luật chưa bảo đảm quyền tự do kinh doanh của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp; một số quy định pháp luật chưa đủ thông thoáng, chưa tạo điều kiện tốt nhất cho việc tiếp cận các nguồn lực cho đầu tư; một số quy định pháp luật thiếu minh bạch, chưa đầy đủ, thiếu thống nhất thậm chí nhiều quy định còn chồng chéo nhau giữa các văn bản Luật; một số quy định pháp luật chưa phù hợp với thực tế, không hợp lý hoặc thiếu tính khả thi; khung pháp lý còn thiếu tính nhất quán, đồng bộ và sự ổn định về cơ chế, chính sách. Chính từ những nguyên nhân như trên đã kìm hãm sự phát triển của các doanh nghiệp. Việc chúng ta nghiên cứu, đề xuất đến các cơ quan có thẩm quyền để có phương án sửa đổi, bổ sung các văn bản luật là việc làm hết sức cần thiết, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Như chúng ta đã biết, Tòa án là cơ quan xét xử của nhà nước. Trong những năm qua Tòa án chúng tôi đã giải quyết nhiều vụ tranh chấp giữa các doanh nghiệp với nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh, các tranh chấp liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp giữa các thành viên công ty với nhau, góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền và các lợi ích hợp pháp của các tổ chức, các nhân. Trong quá trình giải quyết các vụ án, Tòa án căn cứ vào các quy định của các văn bản luật để đưa ra các phán quyết. Để các bản án, các quyết định của Tòa án có tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, để tạo ra môi trường pháp lý tốt, nhằm bảo vệ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh đứng đắn của doanh nghiệp phát triển, thì phải bảo đảm là các quy định của pháp luật phải phù hợp với thực tiễn, không chồng chéo, mâu thuẫn với nhau. Trong hoạt động của Tòa án thì các văn bản pháp luật được Tòa án áp dụng nhiều nhất trong 16 văn bản Luật đang được nghiên cứu, rà soát là Bộ luật dân sự, Luật thương mại, Luật đất đai, Luật kinh doanh bất động sản, Luật doanh nghiệp và Luật sở hữu trí tuệ. Qua thực tiễn xét xử chúng tôi có những góc nhìn riêng đối với những văn bản Luật này, đó là những quy định pháp luật được áp dụng trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án nhân dân. Từ đó, phát hiện những điều luật có mâu thuẫn, chồng chéo, các quy định có thiếu tính thực tiễn, không có khả năng áp dụng trong thực tế. Có những quy định pháp luật khi nghiên cứu kỹ có nhiều cách hiểu khác nhau, từ chỗ nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến nhiều giải thích khác nhau và đương nhiên là sẽ nhiều phán quyết khác nhau trong cùng một quan hệ tranh chấp tại các tòa án các cấp. Có những vụ án bị hủy đi hủy lại nhiều lần cũng chỉ vì có nhiều cách hiểu khác nhau, thiếu sự thống nhất trong áp dụng pháp luật. Điều này không chỉ làm cho các doanh nghiệp lúng túng mà ngay các Thẩm phán của chúng tôi cũng hoang mang vì sợ án hủy sẽ khó khăn cho việc tái bổ nhiệm sau này.

Chúng tôi cho rằng, việc VCCI được sự tài trợ của Đại sứ quán Anh, Bộ phát triển quốc tế Anh tiến hành rà soát 16 luật nêu trên là một việc làm hết sức cần thiết. Qua đó, đánh giá những thực tiễn áp dụng pháp luật, ý kiến của các nhà khoa học, các luật gia và những chuyên gia kinh tế trong nhiều lĩnh vực khác nhau để xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam. Chúng tôi cho rằng cuộc Hội thảo hôm nay là hết sức cần thiết, tuy nhiên, do điều kiện tham gia có hạn, nên Tòa án ít được tham gia trong quá trình xây dựng và hoàn thiện các văn bản Luật. Chúng tôi đề nghị khi tiến hành đánh giá, rà soát các văn bản Luật, chúng tôi là những người có kinh nghiệm trong công tác xét xử tại các Tòa án nhân dân có thể được mời tham gia nhiều hơn, để có những ý kiến đóng góp vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Chúng tôi xin chân thành cám ơn.

Các văn bản liên quan