Ý kiến của TS Đặng Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội kế toán kiểm toán Việt Nam tại Lễ Công bố báo cáo Tổng hợp rà soát pháp luật Kinh doanh

Chủ Nhật 22:20 11-12-2011

Trước hết, tôi muốn bày tỏ sự vui mừng là sau một quá trình làm việc rất nghiêm túc thì Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chủ trì với sự tham gia của rất nhiều chuyên gia, các cơ quan, hiệp hội đã đưa ra được một đánh giá theo tôi là khá tổng quát. Đây là một kết quả làm việc rất nghiêm túc, rất đáng đánh giá cao. Cá nhân tôi cũng có may mắn được tham gia một số năm ở cơ quan lập pháp, một số năm ở cơ quan hành pháp và hiện nay tham gia các tổ chức hiệp hội.

Chúng tôi cho rằng, kết quả hôm nay VCCI công bố đạt được mấy tiêu chí cơ bản thế này, rất đáng tiếp tục triển khai:

Thứ nhất, phương pháp khoa học rất đáng tin cậy. Đặc biệt là đã lựa chọn được quy trình và quá trình lựa chọn các tiêu chí đánh giá mà theo tôi tiêu chí đánh giá về luật là một trong các tiêu chí khó nhất. Bởi vì, xem xét luật từ rất nhiều góc độ và vấn đề quan trọng cuộc sống thì luôn luôn biến đổi, sôi động. Nó chấp nhận, thừa nhận hay không là vấn đề rất khó. Cho nên các tiêu chí liên quan đến vấn đề minh bạch, thống nhất hay hợp lý, khả thi đưa ra để chọn lựa căn cứ đánh giá là rất khoa học và hợp lý.

Thứ hai, kết quả hôm nay là dựa trên cơ sở lượng thông tin được thu thập rất rộng rãi, từ tất cả các tổ chức, cá nhân. Và đặc biệt là VCCI đã thu thập khá có hệ thống từ các doanh nghiệp, các tổ chức nghề nghiệp. Đồng thời, các ý kiến này phản ánh một cách khách quan, tương đối toàn diện các kết quả đưa ra. Mặc dù chúng ta mới tạm thời tiến hành rà soát 16 luật trên cơ sở hàng chục các luật khác nữa về kinh tế trong thời gian qua. Nhưng 16 luật cũng đã đủ cho chúng ta cái nhìn tương đối toàn diện về các quy định luật pháp liên quan đến lĩnh vực kinh doanh ở Việt Nam trong thời gian vừa qua.

Thứ ba, trên cơ sở báo cáo chi tiết chuyên ngành, chúng ta đã đưa ra được ý kiến mang tính đánh giá tổng quát. Với tư cách là một chuyên gia kinh tế đồng thời với tư cách là một hội nghề nghiệp, chúng tôi rất cảm ơn và đánh giá cao kết quả rà soát các luật mà VCCI chủ trì. Trong đó có những luật liên quan đến ngành nghề của chúng tôi như Luật kế toán, Luật doanh nghiệp…

Chúng tôi chỉ mong kết quả đánh giá này của VCCI làm sao sớm chuyển tải đến các cơ quan của Nhà nước, mà đặc biệt nếu được nữa thì sớm chuyển tải đến các cơ quan của Quốc hội, bao gồm cả cơ quan thẩm tra, cơ quan giúp việc cho Quốc hội và đặc biệt chuyển tải đến các đại biểu Quốc hội. Bởi vì xin thưa rằng vấn đề liên quan đến luật pháp thì cuối cùng Quốc hội chính là người quyết định. Nhưng đặc thù của Quốc hội Việt Nam thì quyết định cao nhất diễn ra tại kỳ họp và theo nguyên tắc đa số. Trong khi thông qua các luật thì trên 50% đa số thì quốc hội thông qua. Cho nên ngay trong một bộ luật với 500 đại biểu chỉ cần 251 đại biểu thông qua, còn 249 đại biểu có thể chưa đồng tình luật vẫn được thông qua. Vì thế quá trình thảo luận của Quốc hội là quá trình thuyết phục lẫn nhau, quá trình tìm sự đồng nhất, thống nhất, tìm sự hài hòa trong hệ thống luật và đặc biệt Quốc hội đại diện cho cử tri cả nước bao gồm rất nhiều thành phần xã hội, nhiều giai tầng xã hội. Ví dụ Luật ngân sách nhà nước có 100 đại biểu Quốc hội cực kỳ giỏi về Luật ngân sách nhà nước nhưng lại có 400 người khác lại quan tâm có mức độ. Cho nên 100 đại biểu ấy có ý kiến rất sâu sắc, chuyên nghiệp nhưng biểu quyết cuối cùng chưa chắc qua nổi được 250 người. Vì thế chúng tôi cho rằng những cái này càng rộng rãi càng tốt.

Đến nay Quốc hội Việt Nam đánh giá quá trình đổi mới kinh tế của chúng ta diễn được 25 năm, chúng ta đã làm được rất nhiều việc. Việc lớn nhất là đã tạo được hệ thống pháp lý về kinh tế Việt Nam. Dù sao, có một điều mà Quốc hội vẫn rất trăn trở là luật pháp ta tuổi thọ không dài, phải sửa đổi quá nhiều. Trong đó có những bộ luật thậm chí chưa kịp ban hành văn bản hướng dẫn đã phải sửa đổi rồi. Đó là điều thể hiện tuổi thọ, sức sống của văn bản luật trong đời sống thực tế. Bởi vì cuộc sống biến đổi rất nhiều, Việt Nam đang trong quá trình từ kinh tế kế hoạch tập trung sang kinh tế thị trường cho nên nhận thức về kinh tế thị trường cũng còn những vấn đề chưa thật đồng nhất. Thứ hai là rất yếu tố kinh tế thị trường của chúng ta chưa phải bộc lộ một cách thực sự.

Chính vì lẽ đó chúng tôi cho rằng đây là một quá trình rất cần thiết, đặc biệt là tiêu chí hợp lý. Thế nào là hợp lý? Hợp lý với bộ phận xã hội này, có thể không hợp lý với bộ phận xã hội kia. Hợp lý với nhóm lĩnh vực này, có thể không hợp lý với nhóm lĩnh vực kia. Vấn đề quan trọng là Quốc hội làm sao đó để có đủ lý luận, lý lẽ để thuyết phục lẫn nhau, để tạo ra sự hài hòa nhất định, đặc biệt là hài hòa về lợi ích. Vì thế tôi cho rằng đây là quá trình tiến tới của luật pháp Việt Nam. Hơn nữa chúng ta đang tiến hành hội nhập, có những nguyên tắc, những thông lệ quốc tế chúng ta phải chấp nhận lựa chọn. Ngược lại có những đặc thù rất Việt Nam mà quá trình tiến triển của chúng ta phải dần dần chứ không phải một lúc. Tôi mong tới đây ngoài việc đưa ra những vấn đề được, chưa được thì nên chăng các nhà rà soát giúp cho Quốc hội có một lộ trình cụ thể hơn. Vậy chúng ta sửa cái gì, sửa thời gian nào, trong giai đoạn nào?

Tôi xin lấy ví dụ về nghề kế toán: nghề kế toán bắt đầu xuất hiện cách đây 5,7 năm được Quốc hội chính thức thừa nhận là một nghề, hành nghề mang tính độc lập, tự do. Còn trước đây chỉ có người làm về kế toán. Như vậy trong rà soát nói người làm nghề kế toán và hành nghề kế toán thì khác gì? Với những người được tuyển dụng trong một cơ quan làm kế toán với những người đang hành nghề kế toán cung cấp dịch vụ thì hai cái đó phân định gì trong điều kiện kinh tế thị trường. Cách đây khoảng 20 năm không ai thừa nhận cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán. Bây giờ bắt đầu phân định người được tuyển dụng chính thức là công chức hoặc viên chức hoặc người hành nghề tự do trong một công ty cung ứng dịch vụ. Đấy là chưa nói tới còn rất nhiều vấn đề lớn khác nữa.

Cũng như hiện nay xã hội đang đặt ra vấn đề độc quyền chẳng hạn. Chúng ta có Luật phá sản, chống độc quyền, cạnh tranh lành mạnh nhưng trong thực tế chừng mực nào đó chúng ta chấp nhận được. Ví dụ trong kinh doanh xăng dầu có những doanh nghiệp độc quyền tới 70%. Vấn đề này liệu trong một thời gian ngắn có xóa bỏ được không? Đấy là chưa kể tới trong lúc chính sách Nhà nước với vai trò không thuần túy chỉ điều hành kinh tế bằng luật pháp mà trong chừng mực nhất định còn có vai trò đảm bảo sự ổn định của kinh tế vĩ mô.

Ngay trong điều chỉnh giá cả cũng vậy. Chúng ta chuyển dần sang kinh tế thị trường nhưng vẫn có vai trò của Nhà nước. Vì thế chúng tôi cho rằng rất cần trong rà soát ấy chúng ta có vận dụng, có thực hiện các cam kết quốc tế, các thông lệ, nguyên tắc quốc tế đồng thời tính đến những đặc thù rất Việt Nam. Từ đó cần phải có lộ trình và lộ trình ấy để tạo lập dần các yếu tố đến khi nền kinh tế Việt Nam hoàn chỉnh.

Về phía Hiệp hội chúng tôi cũng xin cam kết rằng sẽ tham gia tích cực hơn nữa cùng VCCI để tiếp tục rà soát những luật pháp về kinh doanh trong đó có những luật pháp liên quan đến tài chính, kế toán. Theo thống kê chúng tôi, trên đất nước Việt Nam có không dưới 2 triệu người làm về kế toán, như Hiệp hội chúng tôi có hàng chục vạn hội viên. Cho nên những hội viên này chắc chắn rằng sẽ góp phần tích cực việc phản ánh cuộc sống luật pháp. 

Một lần nữa xin chúc cho VCCI tiếp tục thành công, chúc cho các báo cáo của chúng ta sẽ được chuyển tải đến các cơ quan, cá nhân cần thiết, góp phần xây dựng hệ thống luật pháp Việt Nam ngày càng hoàn chỉnh.

Các văn bản liên quan