Ý kiến của Ths. Trần Thị Quang Hồng – P.Trưởng ban NCPL Dân sự- Kinh tế – Viện Khoa học pháp lý về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm

Thứ Năm 16:25 07-04-2011

Dưới góc độ của một bản góp ý về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật thì bản bình luận này cũng không đưa ra những nhận xét về cách tiếp cận chính sách hay các phương thức quản lý đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm mà chỉ đi vào những vấn đề cụ thể và căn cứ vào mục đích của việc ban hành Nghị định.

 

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm được xây dựng căn cứ vào và với mục đích hướng dẫn thực hiện Luật An toàn thực phẩm. Do vậy, các quy định của Nghị định phải đảm bảo sự nhất quán với Luật An toàn thực phẩm, phù hợp với Luật này và các đạo luật liên quan khác, đồng thời đảm bảo sự rõ ràng, dễ hiểu, giúp cho các cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân áp dụng luật dễ dàng hơn. Đây cũng là những tiêu chí để đưa ra các bình luận đối với Dự thảo này.

 

Những góp ý cụ thể:

 

1.      Về phạm vi của Nghị định:

Phạm vi của Nghị định đã được xác định tại Điều 1 của Dự thảo. Tuy nhiên, các điều sau đó của Dự thảo đã đi xa hơn so với phạm vi đã xác định tại Điều 1. Cụ thể, trong phần Điều 3 Chương II có quy định yêu cầu về đăng ký lưu hành đối với thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng (nhưng lại hẹp hơn so với yêu cầu về đăng ký lưu hành trong Luật bao gồm cả thực phẩm biến đổi gen, thực phẩm qua chiếu xạ); trong khi lại có những nội dung có vẻ lại như bị thu hẹp lại so với phạm vi tại Điều 1: cụ thể là điều 1 bao gồm cả vấn đề công bố hợp quy đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, vật liệu bao gói, dụng cụ chứa đựng nhưng sau đó, tại Chương II lại chỉ có thực phẩm.

 

2.      Về vấn đề công bố hợp quy (Chương II)

-         Quy định tại Chương II chưa phản ánh đầy đủ các yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm quy định tại Chương III Luật An toàn thực phẩm. Theo quy định tại Điều 10 và các điều liên quan khác thì điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm ngoài “đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật” còn phải đáp ứng các điều kiện khác về bảo đảm an toàn đối với thực phẩm.  Trong khi đó, tại Nghị định này, yêu cầu công bố hợp quy được áp dụng đối với sản phẩm đã có quy chuẩn kỹ thuật; sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật thì phải công bố phù hợp điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm. Như vậy, phạm vi phải công bố phù hợp điều kiện an toàn thực phẩm đối với sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật sẽ rộng hơn sản phẩm có quy chuẩn kỹ thuật, trong khi quy chuẩn kỹ thuật lại chưa thể hiện hết yêu cầu về đảm bảo an toàn thực phẩm. Ban soạn thảo cần xem xét lại vấn đề này.

 

-         Hồ sơ công bố hợp quy quy định tại Điều 6 chưa phù hợp vì: (i) hồ sơ của sản phẩm được cấp chứng nhận hợp quy cũng tương tự như sản phẩm tự đánh giá hợp quy, trong khi đó, theo Quyết định số 24/2007/QĐ-KHCN về việc ban hành “Quy định về chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy và công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy” thì những sản phẩm đã được cấp chứng nhận hợp quy chỉ cần có 3 loại giấy tờ trong hồ sơ là (i) Bản công bố hợp quy theo mẫu quy định tại Phụ lục XI của Quy định; Bản sao chứng chỉ chứng nhận sự phù hợp của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do tổ chức chứng nhận hợp quy cấp; Bản mô tả chung về sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường (đặc điểm, tính năng, công dụng....) (ii) khái niệm “nếu bắt buộc” là không rõ ràng; (iii) sử dụng khái niệm “giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm” trong khi Luật ATTP không có giấy này mà chỉ có quy định về đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

 

-         Hiện nay, vấn đề công bố hợp quy cũng đã được hướng dẫn khá đầy đủ và chi tiết tại Quyết định số 24/2007/QĐ-KHCN, vì vậy, Nghị định này chỉ nên quy định về những vấn đề đặc thù đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm và chưa được quy định tại  Quyết định số 24 nêu trên.

 

-         Thời hạn của Giấy xác nhận hợp quy quy định tại Điều 9: việc quy định thời hạn như vậy không rõ căn cứ vì quy trình cấp giấy xác nhận hợp quy chủ yếu dựa vào hồ sơ và dựa vào kết quả kiểm nghiệm, kết quả chứng nhận hợp quy của tổ chức khác. Quy trình xem xét như vậy không có nghĩa về thời hạn  nên việc quy định thời hạn như vậy là không thích hợp.

 

3.      Về thực phẩm biến đổi gen (Chương III)

 

-         Quy định tại Điều 10 về điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm có thành phần từ sinh vật biến đổi gen  là không rõ ràng về vấn đề giấy xác nhận chỉ được cấp cho sinh vật biến đổi gen hay cấp cho cả sản phẩm từ sinh vật biến đổi gen. Bên cạnh đó, cần phân biệt rõ hoạt động: công bố Danh mục sinh vật biến đổi gen đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm (định kỳ, do cơ quan nhà nước thực hiện), thay đổi, cập nhật Danh mục này (do cơ quan nhà nước thực hiện khi có phát sinh) và xin cấp giấy chứng nhận đối với sinh vật chưa có trong Danh mục (do tổ chức, cá nhân thực hiện).

-         Điều 11: quy định về 5% mỗi thành phần là không rõ ràng, khó áp dụng.

 

4.      Về đối tượng sản xuất, kinh doanh không phải cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP

-         Nên bỏ khái niệm Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thực phẩm vì không có và thay bằng khái niệm “có chức năng kinh doanh thực phẩm”’ Các khái niệm nhỏ lẻ, hộ gia đình không phải là khái niệm pháp lý và phải được giải thích rõ. Trong Điều 12 này, không tương thích giữa Khoản 3 với các khoản 1, 2, vì vậy cần phải điều chỉnh lại.

-         Điều 13: nội dung điều không phù hợp với tên điều.

 

5.      Về thực phẩm xuất khẩu (Chương IV):

-         Điều 15 Dự thảo cần xem lại cách quy định. Về đối tượng, lưu ý là Nghị định này không thể quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân xuất khẩu thực phẩm vào Việt Nam (thường  là tổ chức, cá nhân hoạt động tại nước xuất khẩu và là người bán) mà chỉ có thể quy định trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân nhập khẩu thực phẩm vào Việt Nam (có thể là chính tổ chức, cá nhân xuất khẩu hoặc tổ chức, cá nhân mua thực phẩm từ người xuất khẩu để đưa vào Việt Nam). Các tổ chức, cá nhân nhập khẩu mới là người phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Về vấn đề kiểm tra tại nước xuất khẩu, cần sửa lại thành “Việc kiểm tra thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam tại nước xuất khẩu được thực hiện theo điều ước ký kết giữa nước CHXHCN Việt Nam và quốc gia xuất khẩu và trong trường hợp cần thiết theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.

 

6.      Về ghi hạn sử dụng (Chương V)

-         Về vấn đề ghi hạn sử dụng trên  nhãn thực phẩm, trước hết phải lưu ý rằng các cụm từ “ngày hết hạn sử dụng”, “hạn sử dụng cuối cùng” không phải là thuật ngữ được sử dụng trong Luật An toàn thực phẩm (“hạn sử dụng” hoặc “sử dụng đến ngày”). Bên cạnh đó, việc cho rằng “hạn sử dụng” được ghi đối với những thực phẩm dễ có khả năng bị hư hỏng do vi sinh vật và những thực phẩm khác có thể ghi “sử dụng tốt nhất trước ngày” là không hoàn toàn hợp lý vì đa phần thực phẩm là dễ bị  hư hỏng do vi sinh vật

 

7.      Về quản lý nhà nước (Chương VII):

Trong phạm vi Nghị định thì vấn đề phân công quản lý nhà nước phải cụ thể và một quy định mang tính nguyên tắc như Điều 17 là không phù hợp, nên bỏ và các điều khác trong Chương này cần quy định càng rõ càng tốt trách nhiệm của các Bộ, ngành.

Các văn bản liên quan