Ý kiến của Phan Vũ Anh – Tại hội thảo Hoàn thiện báo cáo sửa đổi Luật đấu thầu.

Thứ Hai 11:45 03-10-2011

     Về đối tượng điều chỉnh của luật đấu thầu. Nếu chúng ta cứ loanh quanh trong việc xác định vốn nhà nước 30% thì đó là một vấn đề rất lớn bởi vì trong thực tiễn chủ thể tham gia dự án không chỉ có nhà nước, các ủy ban tỉnh, Bộ, ngành mà còn liên quan đến các doanh nghiệp. Trong các doanh nghiệp này thì có các doanh nghiệp cổ phần hóa trong đó có vốn nhà nước tham gia. Thời gian qua các doanh nghiệp rất lúng túng trong việc lựa chọn việc thực hiện hay không thực hiện cơ chế đấu thầu. Tôi đề nghị nên chăng giới hạn luôn đối tượng nào áp dụng và không áp dụng? Tôi đề nghị đối tượng áp dụng bao gồm: dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước; dự án của các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và các dự án liên quan đến sử dụng đất nhà nước, các tài sản nhà nước. Còn các chủ thể khác thì cho họ quyền đấu thầu hay không đấu thầu.

     Về thủ tục hành chính trong đấu thầu thì chúng ta cũng mong muốn giảm bớt các thủ tục hành chính thì làm thế nào? Chống tiêu cực thì phải chống thế nào? Hiện nay đã bắt đầu nghiên cứu mô hình thí điểm đấu thầu qua mạng là rất tiến bộ, tuy nhiên sẽ không áp dụng được trong phạm vi cả nước bởi vì tùy điều kiện hạ tầng về công nghệ thông tin, trình độ đội ngũ và việc chống tin tặc. Tuy nhiên cũng nên nghiên cứu và đưa vào các dự án nào có điều kiện.

     Về nhà thầu nước ngoài tham gia vào các dự án Việt Nam. Tôi khẳng định những dự án có nhà thầu nước ngoài tham gia đều rất là tốt. Thế nhưng lại giao cho một nhà thầu Việt Nam khác đứng ra làm tổng thầu và thuê các nhà thầu Việt Nam khác thì nhiều công trình rơi vào tình trạng chậm tiến độ, chất lượng không đảm bảo. Chúng ta không nên đặt ra các tiêu chí cụ thể để hạn chế người Việt Nam nhưng khi tổ chức đầu thầu đặc biệt là các công trình lớn thì phải rất chuẩn trong việc đưa ra bộ hồ sơ mời thầu. Hồ sơ này sẽ thể hiện rất cả yêu cầu, trách nhiệm của nhà thầu. Ngoài ra cũng đã có hình thức là nhà thầu nước ngoài khi đấu thầu phải liên doanh với một đơn vị Việt Nam thì trong thời gian qua đã thực hiện nhưng nhiều liên doanh chỉ là trên danh nghĩa. Thế nên chúng ta phải quy định rõ hơn liên doanh đó phải chiếm bao nhiêu %, trong dự án đó bao nhiêu đó phải giao cho Việt Nam… Bởi vì nhiều công trình rất lớn, vốn hàng trăm triệu đô giao cho Việt nam sau đó trì trệ 2, 3 năm thì thiệt hại vô cùng lớn. Và đặc biệt ở Việt Nam trách nhiệm của các nhà thầu khi có thiệt hại xảy ra thì tôi thấy không có ai chịu trách nhiệm cả.

     Cuối cùng vấn đề chế tài trong đấu thầu. Hiện nay cũng đã có nhưng phải có chế tài mạnh mẽ, quyết liệt, có tính răn đe thì mới gỉai quyết được.

Các văn bản liên quan