Ý kiến của Ông Cao Bá Khoát – Công ty K và Cộng sự

Thứ Ba 14:23 19-03-2013

GÓP Ý DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP

Cao Bá Khoát, Công ty K và Cộng sự

1. Vai trò của Doanh nghiệp trong liên minh giai cấp công nhân, nông dân và tầng lớp trí thức

·        Doanh nghiệp liên kết người lao động, là cấu nối để xuất hiện sự liên minh giai cấp

·        Là nơi để các giai cấp chia sẻ lợi ích với nhau

·        Doanh nghiệp phát triển sẽ điều tiết lợi ích xã hội, phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động trong giai cấp.

2.  Vai trò của các thành phần kinh tế trong nền kinh tế

Theo Điều 16 Hiến pháp 1992 thì các thành phần kinh tế Nhà nước bao gồm kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể, tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

a. Kinh tế Nhà nước

Kinh tế Nhà nước là thành phần kinh tế dựa trên chế độ sở hữu toàn dân về tư liệu sản xuất. Kinh tế nhà nước bao gồm các doanh nghiệp Nhà nước, ngân hàng Nhà nước, ngân sách Nhà nước, các quỹ dự trữ quốc gia, quỹ bảo hiểm nhà nước và các tài nguyên quốc gia, các tài sản khác thuộc sở hữu Nhà nước có thể dựa vào vòng chu chuyển kinh tế.

Kinh tế Nhà nước giữ vai trò trong nền kinh tế như sau:

·        Doanh nghiệp Nhà nước giữ những vị trí then chốt ở những ngành, lĩnh vực kinh tế và đian bàn quan trọng của đất nước, các doanh nghiệp Nhà nước đi đầu trong ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả kinh tế và chấp hành pháp luật

·        Kinh tế Nhà nước là lực lượng vật chất quan trọng và công cụ để Nhà nước thực hiện chức năng điều tiết quản lý vĩ mô nền kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nó mở đường, hướng dẫn hỗ trợ và lôi cuốn các thành phần kinh tế khác cùng phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

·        Kinh tế Nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân và chấp hành pháp luật

b. Kinh tế tập thể

Kinh tế tập thể với nhiều hình thức hợp tác đa dạng mà nòng cốt là hợp tác xã, dựa trên sở hữu của các thành viên và sở hữu tập thể; liên kết rộng rãi những người lao động, các hộ sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc các thành phần kinh tế, không giới hạn quy mô, lĩnh vực và địa bàn (trừ một số lĩnh vực quy định riêng); phân phối theo lao động, theo vốn góp và mức độ tham gia dịch vụ; hoạt động theo nguyên tăc: hợp tác tự nguyện, dân chủ, bình đẳng và công khai; tự chủ, tự phát triển cộng đồng. Do vậy, kinh tế tập thể góp phần xóa đói, giảm nghèo, tiến lên làm giàu cho các thành viên, phát triền cộng đồng.

c. Kinh tế cá nhân, tiểu chủ

Kinh tế cá nhân, tiểu chủ là thành phần kinh tế dựa trên chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Kinh tế cá nhân, tiểu chủ là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng là một trong những động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Sự khác nhau giữa kinh tế cá thể và kinh tế tiểu chủ ở chỗ: trong kinh tế cá thể nguồn thu nhập hoàn toàn dựa vào nguồn lao động và vốn của bản thân và gia đình, còn trong kinh tế tiểu chủ, tuy nguồn thu nhập vẫn chủ yếu dựa vào lao động và vốn của bản thân và gia đình, nhưng có  thuê lao đông. Ở nước ta do trình độ lực lượng sản xuất còn thấp, kinh tế cá thể,tiểu chủ có vị trí quan trọng, lâu dài trong nhiều ngành nghề và ở khắp các địa bàn cả nước.

d. Kinh tế tư bản tư nhân

Kinh tế tư bản tư nhân dựa trên hình thức sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất và bóc lột lao động làm thuê. Trong thời kỳ quá độ ở nước ta, thành phần này còn có vai trò đáng kể để phát triển lực lượng sản xuất, xã hội hóa sản xuất, khai thác các nguồn vốn, giải quyết việc làm và góp phần giải quyết các vẫn đề xã hội khác. Kinh tế tư bản tư nhân rất năng động, nhạy bén với kinh tế thị trường, do đó sẽ có những đóng góp không nhỏ vào quá trình tăng trưởng kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, kinh tế tư bản tư nhân có tính tự phát cao.

đ. Kinh tế tư bản Nhà nước

Kinh tế tư bản nhà nước dựa trên hình thức sở hữu hỗn hợp về vốn giữa kinh tế Nhà nước với kinh tế tư bản tư nhân trong nước và ngoài nước dưới các hình thức hợp tác liên doanh. Kinh tế tư bản Nhà nước có khả năng to lớn trong việc huy động vốn, công nghệ, khả năng tổ chức quản lý tiên tiến vì lợi ích của bản thân kinh tế tư bản tư nhân và phát triền kinh tế của đất nước. Thành phần kinh tế này có vai trò đáng kể trong việc giải quyết việc làm và tăng trưởng kinh tế. Sự tồn tại thành phần kinh tế này là rất cần thiết, cần phát triển mạnh mẽ nó trong thời kỳ quá độ ở nước ta.

e. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài

Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế- xã hội của nước ta thông qua bổ sung nguồn vốn đầu tư, chuyển giao và phát triển công nghệ, nâng cao năng lực quản lý, tạo việc làm. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài góp phần rất lớn vào tăng trường kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam.

3. Quyền tự do kinh doanh và các chính sách mà Nhà nước bảo đảm cho doanh nghiệp thực hiện quyền kinh doanh.

Tự do kinh doanh về thực chất là khả năng của chủ thể được thực hiện những hoạt động sản xuất, mua bán, cung cấp dịch vụ kinh doanh. Việc xác lập quyền tự do kinh doanh là cần thiết và doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường cần được tự mình quyết định các vấn đề về cơ cấu tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp. Quyền của doanh nghiệp, của nhà đầu tư được pháp luật thể chế hóa trong Luật doanh nghiệp, cho phép các doanh nghiệp tự xác định quyền của mình trong các điều lệ và quy chế của doanh nghiệp.

Tự do kinh doanh cũng có thể dẫn tới tình trạng các chủ thể có thể chèn ép nhau, tìm cách loại bỏ nhau trong xu thế cạnh tranh khốc liệt. Lừa đảo, gian lận thương mại, vi phạm quyền sở hữu công nghiệp là những mánh khóe dễ thấy trong nền kinh tế thị trường. Tự do kinh doanh trong nền kinh tế thị trường nhưng cũng cần phải được đặt trong những giới hạn nhất định của pháp luật. Sự can thiệp của Nhà nước là cần thiết vì chính Nhà nước mới đảm bảo cho nền kinh tế thị trường không tự hủy hoại chính mình bởi động lực lợi nhuận. Nhà nước đảm bảo cho việc thực hiện tự do kinh doanh bằng việc khuyến khích hoạt động cạnh tranh lành mạnh; Hạn chế độc quyền; Quyền tự định đoạt của doanh nghiệp trong việc tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh và tự do ký kết hợp đồng. Bên cạnh đó, pháp luật cũng cấm và hạn chế hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp; gian lận thương mại và vi phạm hợp đồng.

Pháp luật tạo cơ chế giải quyết tranh chấp giữa các doanh bằng quy định cho phép doanh nghiệp hoàn toàn chủ động trong việc khởi kiện hoặc không khởi kiện các đối tác của mình hoặc sử dụng các phương thức như hòa giải, thương lượng để giải quyết các tranh chấp.

4. Quyền tiếp cận đất đai của người sử dụng đất và các thủ tục hành chính có liên quan

Quyền tiếp cận đất đai của người sử dụng đất hiện nay rất hạn chế do đất đai thuộc sở hữu toàn dân và sự rườm rà của các thủ tục hành chính Nhà nước, được thể hiện cụ thể như sau:

·        Hiến pháp quy định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” nhưng khái niệm “sở hữu toàn dân” không có chủ thể rõ ràng. Toàn dân không phải là pháp nhân, không phải là thể nhân, là khái niệm mang tính tượng trưng. Do tính chất sở hữu toàn dân, Nhà nước là đại diện, nên về thực chất, đất đai thuộc sở hữu của chính quyền các cấp và Nhà nước được thực hiện quyền định đoạt chuyển đổi mục đích sử dụng đất và thu hồi đất.

·        Nhà nước có nhiều quy định theo hướng tạo thuận lợi về phía mình: thu hồi đất, quy định hạn điền và thời hạn giao đất. Chính quy định này đã hạn chế hiệu quả khai thác đất bởi chủ sử dụng không yên tâm đầu tư chiều sâu đối với mảnh đất của mình được giao, bởi họ không biết tương lai của mảnh đất đó sau khi hết thời hạn vì họ không phải là chủ sở hữu.

·        Thủ tục hành chính còn rườm rà và giữa các văn bản pháp luật còn có sự mâu thuẫn chồng chéo dẫn đến việc giải quyết khiếu nại về đất đai bị bế tắc và người dân không có đất để canh tác.

Đất đai là tài sản có giá trị lớn nên cần đảm bảo và có chế độ sở hữu rõ ràng. Hiến pháp quy định thể chế kinh tế là đa sở hữu nhưng thể chế đất đai lại là sở hữu toàn dân.Thể chế kinh tế và thể chế đất đai phải thống nhất. Do vậy, việc xác lập một chế độ đa sở hữu về đất đai là rất cần thiết cho người dân, quy định đất đai thuộc sở hữu Nhà nước, ở hữu tập thể và sở hữu tư nhân. Các loại đất, như: đất an ninh quốc phòng, đất trống đồi núi trọc, đất bờ biển, đất rừng đặc dụng… thuộc sở hữu quốc gia. Nhà nước sẽ lập ra một tổ chức trực thuộc Quốc hội để quản lý loại tài sản này. Còn các loại đất, như: nghĩa trang, đất tôn giáo, rừng phòng hộ, ao hồ… sẽ thuộc sở hữu cộng đồng, chủ sở hữu sẽ là chính quyền địa phương hoặc cộng đồng dân cư hay một tổ chức nào đó. Đối với đất nông nghiệp, đất ở, đất rừng sản xuất, đất sản xuất phi nông nghiệp, trường học, bệnh viện… thì có thể thuộc sở hữu tư nhân hoặc tổ chức.

5. Chính sách của Nhà nước đối với các lĩnh vực có tác động đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế: khoa học công nghệ, môi trường, các tài nguyên thiên nhiên…

·        Nhà nước phát triển giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

·        Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phòng chống tham nhũng, lãng phí, phát triển kinh tế.

·        Nhà nước tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội.

Các văn bản liên quan