Ý kiến của Ông Nguyễn Tiến Lập-Công ty Luật NHQuang và Cộng sự “Một số vấn đề liên quan đến chế độ kinh tế”

Thứ Ba 14:23 19-03-2013

GÓP Ý SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP NĂM 1992

MỘT SỐ VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN CHẾ ĐỘ KINH TẾ

Luật sư Nguyễn Tiến Lập

Thảo luận về sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nói chung và bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đang được lấy ý kiến nhân dân nói riêng có nhiều vấn đề cần và có thể đóng góp ý kiến. Tuy nhiên, trong khuôn khổ Hội thảo của VCCI, với tư cách là diễn đàn của các doanh nhân và doanh nghiệp, tôi xin góp một số ý kiến liên quan đến chế độ kinh tế nói tại Chương III của bản Dự thảo. Cụ thể, đó là Điều 54, 56, 57 và 58.

1.     Điều 54: Hiến định về bản chất nền kinh tế Việt Nam

Tại Khoản 1, Điều này xác định: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế”. Chúng ta biết rằng trên thế giới đã và đang tồn tại ba mô hình của trật tự kinh tế, đó là: kinh tế thị trường tự do (điển hình nước Mỹ), kinh tế thị trường xã hội (điển hình nước Đức) và kinh tế kế hoạch và chỉ huy (có lẽ điển hình là Bắc Triều Tiên và Cu Ba). Vậy, phải chăng Việt Nam đã và đang sáng tạo ra một “con đường thứ tư”: kinh tế thị trường định hướng XHCN ?

Trước hết, cần nói ngay là chúng ta đã rời bỏ nền kinh tế kế hoạch và chỉ huy trước đây (với ba đặc trưng cơ bản là sở hữu nhà nước, kinh tế nhà nước và kế hoạch nhà nước) rồi nên không cần nhắc lại nữa. Vậy, lấy căn cứ hay tiêu chí gì để phân định nền kinh tế của chúng ta hiện nay ? Thông lệ của thế giới lấy hai khía cạnh để xem xét, đó là mục tiêu của Nhà nước thông qua phát triển nền kinh tế và mối quan hệ của nó với thị trường.

Như vậy, khi khẳng định “định hướng XHCN” phải chăng chúng ta nhấn mạnh yếu tố mục tiêu, tức bảo đảm sự công bình tương đối về xã hội và chế độ an sinh xã hội phổ cập đối với người dân. Điều này giống với mục tiêu của nền kinh tế thị trường xã hội của nước Đức, và khác với nền kinh tế thị trường tự do của nước Mỹ khi Nhà nước không quản lý tập trung Qũy bảo hiểm xã hội và có tới trên 40 triệu người dân không có bảo hiểm y tế. Có nghĩa rằng, nếu cam kết theo đuổi mục tiêu này, Nhà nước phải đồng thời xác định trách nhiệm thực hiện được hai mục tiêu xã hội nói trên, đồng thời khẳng định trong Hiến pháp nguyên tắc Nhà nước phải thực hiện phổ cập chế độ an sinh xã hội, bao gồm trợ cấp cho người già và người thất nghiệp cùng với chế độ bảo hiểm ý tế cho toàn dân. Điều này có là thực tế trong những năm qua và khả thi trong những năm sắp tới không ? Tôi e rằng không. Thậm chí, thực tiễn vừa qua đang đi ngược lại, ví dụ như việc tăng phí bệnh viện và phí học đường đang trở thành gánh nặng cho người nghèo chẳng hạn. Trong Dự thảo, Điều 63 có quy định: “Nhà nước phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng, toàn diện, có tính chia sẻ, công bằng, bền vững, trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn”. Nghe rất lủng củng và tối nghĩa, thậm chí nếu đi theo hướng hệ thống “đa dạng”, tức là áp dụng mô hình nước Mỹ trong đó Nhà nước chỉ bảo đảm một phần trách nhiệm thôi. 

Ở khía cạnh thứ hai, quan hệ giữa Nhà nước và thị trường, điều này sẽ có ảnh hưởng trực tiếp hơn tới doanh nghiệp. Xin lưu ý rằng trong nền kinh tế thị trường xã hội, lấy nước Đức làm ví dụ, Chính phủ tuyên bố phải thực hiện bốn mục tiêu, đó là (i) ổn định tiền tệ hay kiểm soát lạm phát, (ii) bảo đảm việc làm, (iii) cân bằng ngoại thương và (iv) tăng trưởng; đồng thời, cũng bảo đảm rằng mọi sự can thiệp của Nhà nước không được làm tổn hại các quan hệ thị trường, tức quy luật tự điều tiết thông qua quan hệ cung cầu và tự do cạnh tranh. Còn ở nước ta, khi xác định “tính chất xã hội chủ nghĩa” của nền kinh tế, phải chăng chúng ta vẫn muốn quay lại cơ chế cũ ngày xưa, tức là Chính phủ có quyền can thiệp vào mọi việc, mọi lúc và mọi nơi. Tôi e rằng thực tiễn vừa qua đã và đang minh chứng điều này. Ví dụ như việc Chính phủ can thiệp qua sâu vào giá cả, duy trì độc quyền trong nhiều lĩnh vực, thậm chí đang bàn đến chính sách “giải cứu thị trường bất động sản” nữa. Hậu quả của việc không xác định mô hình kinh tế và duy trì các mối quan hệ không rõ ràng giữa Nhà nước và thị trường sẽ tạo nên tình thế “không biết đằng nào mà lần” cho các doanh nghiệp, đồng thời biến họ thành các chủ thể phục thuộc ngày càng lớn hơn vào Nhà nước. Câu hỏi là tại sao sau hơn hai mươi năm chuyển sang kinh tế thị trường mà cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vẫn èo uột như vậy và chủ yếu lấy cơ chế xin-cho làm tôn chỉ hành động, không tăng được năng lực cạnh tranh v.v.. phải chăng đã tìm được câu trả lời từ chính sự mập mờ của cái gọi là “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa này”.     

Góp ý và đề nghị của tôi, do đó là hoặc bỏ cụm từ hay cái đuôi không rõ ràng ấy, hoặc cần thiết phải định nghĩa nó là gì trong chính bản Hiến pháp mới này.   

2.     Điều 56: Quyền và nghĩa vụ của doanh nhân, doanh nghiệp

Khoản 1, Điều 56 ghi rằng: “Tổ chức, cá nhân được tự do kinh doanh, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật”. Điều này vừa có sự trùng lắp, vừa tối nghĩa lại vừa vô nguyên tắc. Cụ thể là: Nếu nói về quyền tư do kinh doanh của người dân thì Điều 34 trong Chương II (Quyền con người và Quyền và Nghĩa vụ cơ bản của công dân) đã quy định rồi. Còn khi nhắc đến nghĩa vụ thì Điều 50 cũng đã yêu cầu: “Mọi công dân có nghĩa vụ nộp thuế”. Vậy thì điều này lại quy định thêm nữa về thực hiện các nghĩa vụ một cách đầy đủ với Nhà nước nhằm ám chỉ điều gì ?  

Tôi cho rằng về kỹ thuật, nếu một bản dự thảo dở thì có thể soạn lại để hoàn chỉnh về chất lượng văn bản, nhưng nếu là “lỗi tư duy” thì cần thảo luận và làm rõ. Tôi đoán rằng khi ghi thêm điều này, Ban soạn thảo muốn nhấn mạnh và mở rộng hơn nữa các nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với Nhà nước trên một căn bản nhận thức là “đã có quyền thì phải có nghĩa vụ”, hai cặp phạm trù này đi đôi và thống nhất với nhau. Nếu vậy thì xin thưa rằng đó là lối tư duy cũ và rất cũ rồi. Khi đó, Nhà nước đứng trên và bao trùm tất cả, luôn luôn muốn và yêu cầu người dân thực hiện các nghĩa vụ để làm cho Nhà nước mạnh lên và giàu lên, trên cơ sở đó sẽ ban phát hay bao cấp lại cho người dân thông qua thực hiện các quyền công dân. Cần phải thống nhất với nhau rằng, ít nhất là theo lý thuyết, khi người dân bàn về Hiến pháp hay xây dựng Hiến pháp không phải đó là cuộc đàm phán giữa hai bên Nhân dân và Nhà nước, trong đó bao hàm sự co kéo, đấu tranh và thỏa hiệp với nhau về quyền và nghĩa vụ. Mà bản chất là người dân thảo luận với nhau về một Nhà nước mà mình muốn có và đặt ra các yêu cầu và trách nhiệm mà Nhà nước phải thực hiện để bảo đảm các quyền tự do và lợi ích của mình. Do đó, sẽ không bao giờ có sự đối xứng và ngang bằng về quyền và nghĩa vụ của công dân trong khi bàn về Hiến pháp. Ngay bản thân nghĩa vụ đóng thuế, xét cho cùng đó không phải là nghĩa vụ pháp lý mà là sự bảo đảm của người dân thông qua sự chu cấp về tài chính cho bộ máy nhà nước mà mình dựng lên để nó có thể hoạt động. Cách tư duy như vậy khi xây dựng Hiến pháp, theo tôi cần được xem xét lại, mà cụ thể là bỏ luôn cả điều này.   

 Điều 57 và 58: Vấn đề đất đai và tài nguyên   

Trước hết, như đã từng phát biểu quan điểm của mình trên nhiều diễn đàn thảo luận về Luật Đất đai, tôi cho rằng phải không thể chỉ coi đất đai là tài nguyên quan trọng hay tài sản đặc biệt mà cao hơn thế đó là nguồn và không gian sống. Xin lưu ý rằng chính Hiến pháp của CHLB Nga đã định nghĩa về đất đai như vậy, bởi đó là cách tiếp cận mới và đúng bản chất chất. Coi đất đai là tài sản là tầm thường hóa nó và sẽ ngay lập tức biến nó thành hàng hóa buôn bán trên thị trường, trong khi chúng ta không thấy rằng con người và tất cả thuộc nền văn minh đều tồn tại gắn liền với đất đai. Chỉ có xác định đất đai là nguồn sống và không gian sống thì chúng ta mới đối xử một cách nghiêm túc và thích hợp với nó.

Thứ hai, nếu chủ trương của Đảng là không cho phép quay trở lại chế độ đa sở hữu về đất đai trong sửa đổi Hiến pháp lần này như nhiều ý kiến đề nghị, đồng thời vẫn duy trì “sở hữu toàn dân”, thì quan điểm của tôi cho rằng cần làm rõ khái niệm Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân. Trong suốt thời gian qua chúng là đã sống với sự lạm quyền của các cơ quan nhà nước một cách tràn lan trong quản lý đất đai, thậm chí Văn phòng Chính phủ đã có một thống kê mà báo chí đã đưa tin rằng từ năm 1993 đến nay Thủ tướng Chính phủ đã ký tới 3000 quyết định cấp đất không đúng thẩm quyền do Luật Đất đai quy định. Vậy thì một khi toàn dân cho phép Nhà nước đại diện mình để quản lý đất đai thì Hiến pháp phải xác định rõ ai là Nhà nước ? Đó là Quốc hội, Hội đồng nhân dân hay là mọi cơ quan chính quyền từ Chính phủ đến tỉnh, huyện và xã.

Thứ ba, vấn đề thu hồi đất đã giao cho người dân. Dự thảo Hiến pháp lần này liệt kê theo hướng mở rộng năm trường hợp mà Nhà nước tự quyết định thu hồi đất đó là: (i) lý do quốc phòng, (ii) lý do an ninh, (iii) lợi ích quốc gia, (v) lợi ích công cộng và (vi) dự án phát triển kinh tế - xã hội. Căn cứ vào năm lý do này, ai cũng có thể kết luận được là Nhà nước muốn thu hồi lúc nào cũng được bởi không có lý do này thì sẽ có lý do kia. Tôi thấy rằng trước hết Điều này tự mẫu thuẫn với Điều 56 trong đó khẳng định tài sản hợp pháp của tổ chức, công dân không bị quốc hữu hóa và chỉ bị trưng mua hoặc trưng thu trong một số trường hợp đặc biệt theo luật định. Lý do là quyền sử dụng đất chính là tài sản, hơn nữa là toàn bộ tài sản có ý nghĩa quan trọng và thiết yếu nhất của mọi tổ chức và cá nhân, bởi không có cái gì mà không tồn tại trên đất cả. Có nghĩa rằng, một khi thu hồi đất là Nhà nước sẽ tước đoạt hoặc phá hủy mọi tài sản hợp pháp của người dân.

Còn về các lý do cụ thể, hầu như theo thông lệ của thế giới trong các trường hợp như vậy chỉ duy nhất có lý do thứ tư (“lợi ích công cộng”) là chính đáng. Lý do quốc phòng và an ninh là gì ? Ai xác định và phát sinh trong tình huống nào ? Chẳng hạn xây dựng một trường học hay sân bóng đá cho bộ đội và công an có phải là lý do quốc phòng và an ninh không ? Tôi xin lưu ý là các vấn đề về quốc phòng và an ninh cần phải được xem xét khác nhau giữa thời chiến và thời bình. Còn về lợi ích quốc gia. Thu hồi một mảnh đất cụ thể thường liên quan đến lợi ích cục bộ của một địa phương hơn là quốc gia. Do đó lợi ích ấy người dân phải đong đếm được.

Cuối cùng, tôi thấy rằng rất nhiều người đã thắc mắc về việc bổ sung thêm lý do thứ năm là “các dự án phát triển kinh tế - xã hội” bởi cho rằng nguyên nhân gây nên thảm trạng tàn phá tài nguyên đất đai và bất ổn xã hội ở nông thôn vừa qua chính là quy định vi Hiến này của Luật Đất đai 2003. Câu hỏi đơn giản là nếu một khi Hiến định điều này thì ai có lợi ? Quốc gia, đa số người dân hay các “nhóm lợi ích”?

Ý kiến của tôi cho rằng giả sử toàn bộ các điều quy định của Hiến pháp về chế độ kinh tế được sửa đổi mà không có sự đổi mới theo hướng tích cực và đúng đắn hơn của các lý do thu hồi đất thì sẽ đồng nghĩa với việc chẳng có gì mới. Hậu quả trong trường hợp đó sẽ là gì đối với đất nước ta trong năm hay mười năm sau thì chắc chắn ai cũng có thể tiên lượng được./.     

Các văn bản liên quan