Ý kiến của ĐBQH Phạm Quang Dự – Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Thứ Hai 14:38 30-10-2006

Kính thưa Quốc hội,

Chúng tôi cho rằng Luật Chuyển giao công nghệ lần này nếu Quốc hội chúng ta thông qua được, tiếp theo đó, sắp tới Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua được Pháp lệnh công nghệ cao, sẽ đóng góp một phần quan trọng vào việc tăng trưởng kinh tế đất nước, sẽ thay đổi phần đóng góp bằng hiệu quả, chất lượng vào tỷ lệ tăng trưởng, không còn tiếp tục được đánh giá như trong vài năm gần đây chủ yếu là do tăng vốn, lao động và xuất thô nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đi vào đóng góp cụ thể chúng tôi thấy có một số điểm:

Thứ nhất, ở Điều 5 về chính sách Nhà nước đối với chuyển giao công nghệ. Tương tự như chúng tôi nghiên cứu ở Pháp lệnh Công nghệ cao, mặc dù là dự thảo rồi đây Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua cũng tại Điều 5, chúng tôi thấy một điểm mà chính sách rất quan trọng cần bổ sung, mà cái cần hơn Quỹ, quy định ở Điều 43, Điều 44 chính là chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng. Nếu được đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu về điều này. Vì muốn chuyển giao công nghệ hay muốn chuyển giao đặc biệt là công nghệ cao thì điều quan trọng trước hết là cơ sở hạ tầng. Cơ sở hạ tầng ở đây theo nghĩa rộng không phải chỉ mặt bằng mà những công nghệ nó đòi hỏi những điều kiện khắt khe về cơ sở hạ tầng, điện, nước v.v... mọi chuyện rất khắt khe mà chúng ta không đầu tư, Nhà nước mà không có chủ trương đầu tư thì rất khó chuyển giao công nghệ, đó là Điều 5 đề nghị thêm về chính sách về đầu tư cơ sở hạ tầng.

Nhân đây chúng tôi muốn phát biểu ý như đại biểu Huỳnh Thành Lập đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh đã phát biểu trước Quốc hội nhân về kinh tế xã hội. Thành phố Hồ Chí Minh đã có một thành tựu rất đáng kể là đã thu hút được đầu tư vào khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh tới trên 1 tỷ đô la, nhưng cơ sở hạ tầng hiện nay vẫn chưa rõ ràng và trong hơn 2 ngàn tỷ đầu tư cơ sở hạ tầng vào khu công nghệ cao để thu hút đầu tư hàng tỷ đô la như vậy thì mới chỉ cấp từ ngân sách được khoảng 1/10 tức rất nhỏ. Theo nghiên cứu phân bổ ngân sách năm nay thì 2 khu công nghệ cao Hòa Lạc và Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến cũng chỉ 300 tỷ, như vậy quá ít ỏi so với điều chúng ta mong muốn phát triển.

Về các điều liên quan đến quản lý Nhà nước, Điều 5, 6, 7, 8, 9 và Điều 10 tôi thấy ở luật này soạn có khác với thông thường, thông lệ ở các luật khác và chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem lại. Vì thông thường ở các luật khác chúng ta đều chỉ cần 2 điều là đủ, chứ không cần tới 5 điều như thế này, không biết tại sao luật này sau khi sửa đi sửa lại chúng ta vẫn khá chi tiết mà rồi cũng chưa chắc đã đầy đủ. Là thứ nhất chúng ta cần một điều về nội dung quản lý Nhà nước; Còn điều thứ hai là điều về phân cấp trách nhiệm quản lý Nhà nước và bao giờ cũng theo thông lệ Khoản 1 là Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước rồi đến Bộ Khoa học công nghệ, rồi các Bộ khác, đến các Uỷ ban nhân dân các cấp, thì nó theo thông lệ như vậy, nó có vẻ là không phải là khuôn, không những là khuôn pháp mà có lẽ nó đầy đủ hơn và đúng hơn. Tất cả các nội dung quản lý Nhà nước của tất cả các điều này chúng ta lọc ra đưa chung vào một điều, là điều nội dung chung. Còn điều thứ hai về quản lý Nhà nước chung thì có lẽ nó phù hợp hơn.

Một điều nữa chúng tôi muốn góp ý liên quan đến Điều 13: Công nghệ được khuyến khích chuyển giao, thì chúng tôi cũng tán thành nhưng mà nghiên cứu kỹ thì để mà chuẩn bị khi Chính phủ ra văn bản hướng dẫn. Trong danh mục công nghệ được khuyến khích chuyển giao thì chúng tôi thấy phát hiện một điều là sau này khi mà ở dưới nghị định thì nhân đây bàn, nghiên cứu luôn, chúng tôi đề nghị Chính phủ nên lưu ý tới một lĩnh vực công nghệ mà chúng ta phải khuyến khích chuyển giao, đó là công nghệ chế biến dầu khí nói chung và công nghệ lọc hoá dầu tiên tiến nói riêng. Chứ nếu chúng ta không khuyến khích lĩnh vực này, chúng ta tiếp tục xuất thô tài nguyên và chúng ta sẽ không thể phát triển được công nghệ chế biến dầu khí. Đề nghị trong Nghị định thì các đồng chí nêu, còn các tiêu chí ở đây thì nó đáp ứng.

Tiếp đến chúng tôi thấy ở Điều 18: Các hành vi nghiêm cấm trong hoạt động chuyển giao công nghệ. Ban soạn thảo nêu trong này 4 khoản chưa được cụ thể. Khoản 1, theo tôi nên tách làm hai vì hai cái rõ nó khác nhau.

Thứ nhất, cấm lợi dụng hoạt động chuyển giao công nghệ làm tổn hại quốc phòng, an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đấy là một cái riêng.

Thứ hai, cấm chuyển giao công nghệ huỷ hoại môi trường, tài nguyên v.v...

Hai cái đó nên tách riêng để khi chúng ta xem nó rõ hơn.

Nhưng ở Khoản 2 hiện hành chuyển giao, tức là cấm chuyển giao công nghệ trái pháp luật. Ghi như thế này quá chung, quá chung thì khi vận dụng tức là người ta cũng rất có thể hiểu rằng công nghệ này được chuyển giao là trái và không cho chuyển giao nhưng đồng thời chúng ta không ngăn ngừa được những công nghệ mà chúng ta muốn cấm. Ghi như thế này là quá chung, phải chăng nên cụ thê hoá hơn. Ví dụ, ở Điều 15 chúng ta có những công nghệ cấm chuyển giao thì chúng ta ghi rõ, ví dụ: Chuyển giao công nghệ cấm được chuyển giao. Còn cụ thể hoá những gì trái pháp luật nữa thì nên cụ thể hoá thêm, không nên ghi chung chung là trái pháp luật như thế này, nó quá chung.

Tiếp đến, chúng tôi thấy ở Điều 28, 29, 30, 31, thủ tục nêu như thế này về xuất, nhập khẩu cũng như đăng ký chuyển giao công nghệ là rất thông thoáng và có lẽ nếu thủ tục hành chính nếu giải quyết được như thế này thì quá lý tưởng. Nhưng chúng tôi lại thấy băn khoăn, lo là nó sẽ khó khả thi. Bởi vì nếu nói chung như thế này thì có nhưng công nghệ thông thường thì chúng ta có thể thực hiện được với khoảng thời gian 30 ngày cho chấp thuận sơ bộ, rồi sau đó 10 ngày thì chấp thuận. Thứ hai là đăng ký thì sau 15 ngày sau khi làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ, thì đã có thể là cơ quan quản lý Nhà nước mà lại sau khi có việc tổ chức thẩm định công nghệ được chuyển giao. Nếu là các công nghệ thông thường thì được, nhưng những công nghệ lớn.

Ví dụ như công nghệ Nhà máy lọc dầu Dung Quất chẳng hạn, thì kể từ lúc xin cho đến lúc chuyển giao được vào như vậy thì quá trình hàng năm trời, chứ không phải thời gian như thế này. Vì vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo cũng nghiên cứu thế nào cho phù hợp. Nếu không thì tôi e rằng khó khả thi. Đấy là những điểm mà chúng tôi muốn bổ sung để làm rõ thêm đối với Luật này, nhưng chúng tôi cho rằng soạn thảo lần này khá hoàn chỉnh và có lẽ những đóng góp ấy chỉ có tính hoàn thiện thêm, đề nghị lần này Quốc hội chúng ta cố gắng thông qua Luật này và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cố gắng thông qua Pháp lệnh Công nghệ cao tạo hành lang pháp lý để chúng ta có thể tăng GDP bằng con đường năng suất chất lượng, hiệu quả, chứ không phải như bấy lâu nay chúng ta làm.

Các văn bản liên quan