Trích ý kiến của ĐBQH Hứa Chu Khem – Tỉnh Sóc Trăng

Thứ Hai 14:36 30-10-2006

Kính thưa Quốc hội.

Tôi đi thẳng vào một số vấn đề xin tham gia:

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh, sau khi nghiên cứu Điều 1 này chúng tôi thấy có một trường hợp đề nghị Ban soạn thảo cũng nên xem xét là đối với trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài, bây giờ người đó chuyển giao công nghệ ở Việt Nam cho một đối tượng khác ở nước ngoài. Bởi vì trong Điều 2 đối tượng áp dụng ta không nêu rõ trường hợp này, vì nếu không quy định trong Luật Chuyển giao công nghệ thì trường hợp có một số công nghệ thuộc về phạm vi bí mật quốc gia hoặc công nghệ quý, công nghệ nào có giá trị lớn mà chúng ta cấm chuyển giao như Khoản 3, Điều 15 thì phạm vi điều chỉnh này không đề cập tới và nó sẽ lọt ra ngoài.

Thứ hai, tôi xin tham gia Điều 11 về Đối tượng chuyển giao công nghệ, trong Điều 11 này tôi đề nghị bỏ Khoản 2, vì nếu đã nói đối tượng chuyển giao công nghệ, ta mới kể ra tất cả những cái bí quyết, giải pháp, quy trình, kỹ năng, kiến thức v.v... Còn Khoản 2 thì nói rằng: đối tượng được chuyển giao có thể gắn, hoặc không gắn với đối tượng sở hữu công nghiệp, rồi lại có thể không có văn bằng bảo hộ, hoặc là có v.v... Tôi nghĩ là không nên ghi cái này vào trong khoản này. Nếu ghi như thế này thì sau này nó sẽ gặp trường hợp rất khó là người ta viện dẫn Khoản 12, Điều 11 này để mà chuyển giao những cái trái phép mà người ta không có quyền sở hữu, hay là quyền sử dụng đối với giải pháp, công nghệ mà người ta chuyển giao. Tôi nghĩ rằng đối với Khoản 2 này Luật Sở hữu trí tuệ đã có quy định rõ, cho nên chúng tôi thấy nếu ghi như thế này thì người ta có viện dẫn và lợi dụng.

Ý thứ ba, về Điều 40 và Điều 41, trong dự thảo lần này đã đưa ra những nội dung rất rõ về lĩnh vực công nghệ, khuyến khích chuyển giao đối với vùng nông thôn, địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn. Với ý này rất phù hợp và theo hướng phát triển công nghệ hiện nay để đưa vào trong nông thôn, nhất là người nông dân ở những vùng khó khăn như thế, thì trong sản xuất thiếu hiểu biết về kiến thức kỹ thuật. Có thể những giống cây con mới, nếu không được chuyển giao thì khi người nông dân họ nuôi trồng cũng không thành công được, nên phải biết được quy trình kỹ thuật, cần phải có cơ quan chuyển giao.

Do vậy, Điều 40 này, để thực hiện được tôi nghĩ rằng nên có một chính sách để hỗ trợ cho các đơn vị có quyền sử dụng, hay quyền sở hữu về công nghệ được thực hiện khi chuyển giao đến cho người dân ở nông thôn, và cần phải có ưu đãi. Khi xem về Khoản 40 và 41 thì chúng tôi lại thấy rằng: khi mà để ưu đãi cho đơn vị có công nghệ chuyển giao cho vùng nông thôn sâu, thì chúng ta trong chính sách khuyến khích, ở Điều 49, chúng tôi thấy rằng Khoản 6 này nó chưa bao quát hết những trường hợp mà những doanh nghiệp, có thể doanh nghiệp không phải nằm trong địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng người ta muốn chuyển giao công nghệ đó đến vùng địa bàn kinh tế khó khăn, thì trong Điều 49 này không có được ưu đãi. Quý vị đại biểu có thể đọc lại Khoản 6, Điều 49 thì thấy rằng doanh nghiệp ở địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn khi thực hiện các dự án trực tiếp đầu tư thì mới được ưu đãi.

Như vậy ở những nơi khác họ muốn chuyển giao, hay dự án thực hiện ở địa bàn khó khăn thì lại không được cơ hội ưu đãi. Tôi nghĩ Điều 49 này nên nói rõ thêm và bổ sung vào là những doanh nghiệp ở trên địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, địa bàn đặc biệt khó khăn hoặc là những doanh nghiệp ở những địa bàn nhưng nếu thực hiện dự án đầu tư trực tiếp ở trên những địa bàn khó khăn, địa bàn kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn thì sẽ được hưởng ưu đãi. Có như vậy ta mới khuyến khích được Điều 40, Điều 41.

Điều 44, chúng tôi thấy thành lập Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, đây là một hướng rất phù hợp theo kinh tế thị trường khi chúng ta gia nhập WTO. Tuy nhiên, chúng tôi thấy nếu Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia mà quy định trong Khoản 1, Điểm b thì tôi thấy cũng khó thực hiện được. Vì thúc đẩy chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển nông, lâm nghiệp cho vùng đặc biệt khó khăn, thì đối với đơn vị nhận chuyển giao việc này là những đơn vị nêu sở xa xôi quá mà đi xuống chuyển giao ở vùng nông thôn, rồi quỹ đổi mới quốc gia này không biết là phải đăng ký rồi được chấp thuận đầu tư như thế nào? Cho nên tôi nghĩ rằng, cũng như quỹ phát triển khoa học, công nghệ thì quỹ đổi mới công nghệ quốc gia cũng nên có một hệ thống đến địa phương. Để cho quản lý của địa phương nó trực tiếp và sự đầu tư đóng góp của quỹ này là các doanh nghiệp ở trên địa phương đó, rồi ngân sách Nhà nước sẽ đầu tư vô qũy này. Nếu để quỹ quốc gia thì nó ở Trung ương và quỹ không có hệ thống cho địa phương thì các dự án hay hỗ trợ đến nông thôn vùng sâu rất khó thực hiện. Cho nên chúng tôi thống nhất Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia nhưng phải có một hệ thống tổ chức đến địa phương như thế nào? mới có thể thực thi được.

Về Điều 49, tôi xin tham gia vào Điều 49 có một ý tương tự như trước đây có đại biểu đã phát biểu. Nếu chúng ta không có khéo trong việc quy định về luật pháp thì sẽ vướng phải sự lạm dụng và sẽ miễn thuế tràn lan. Tôi đơn cử như một doanh nghiệp, khi sản xuất họ đã đi vào hoạt động bình thường rồi, bây giờ họ đổi mới công nghệ bằng cách nhập thiết bị, dây truyền, mua công nghệ mới về sản xuất ra sản phẩm hay là nâng cao giá trị cạnh tranh trên thị trường thì ta sẽ miễn thuế hoặc là giảm 50% số thuế phải nộp trong thời gian 7 năm. Nhưng trong Điều 49 này không nói rõ thì ở Khoản 4 là bị lợi dụng rất lớn. Bởi vì, hiện nay những doanh nghiệp hoạt động sản xuất này thì cứ 3-4 năm họ lại đổi mới dây truyền. Đó là điều đương nhiên họ phải đổi mới, chứ không thể nào không đổi mới. Như vậy, đối với doanh nghiệp mà họ đổi mới dây truyền, công nghệ không theo hướng đổi mới một công nghệ nào đó mà mục đích chỉ để thay đổi dây truyền sản xuất mới thôi, để nâng cao năng lực sản xuất hay mở rộng năng qui mô, không theo hướng đổi mới công nghệ thì trường hợp đó thì tôi đề nghị là không nên miễn thuế. Cho nên tôi đề nghị thiết kế lại Khoản 4 này, tôi đề nghị bỏ một vài chữ để tránh trường hợp doanh nghiệp họ lợi dụng khoản này thì cứ vài ba năm họ lại đầu tư cái mới mà không phải là họ đưa công nghệ mới vào mà chỉ dây truyền mới thôi để mở rộng sản xuất thì chúng ta lại vô hình chung lọt vào trong Khoản 4 này như vậy sẽ xảy ra trường hợp miễn thuế, giảm miễn thuế tràn nan. Tôi đề nghị bỏ chữ "nâng cao năng lực sản xuất " và thêm "cơ sở sản xuất, kinh doanh đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới hoặc mở rộng quy mô để thực hiện đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường sinh thái được miễn thuế cho phần thu nhập tăng thêm trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 7 năm tiếp theo", chặt chẽ những câu như thế trong một ý tứ ở Khoản 4 thì nó sẽ tránh trường hợp lợi dụng khoản này để đầu tư dây chuyền công nghệ mới, nhưng không phải mới.

Các văn bản liên quan