Ý kiến của ĐBQH Nguyễn Văn Trì – Tỉnh Vĩnh Phúc

Thứ Sáu 14:26 10-11-2006


Kính thưa Quốc hội.

Trước hết, tôi tán thành với sự cần thiết phải xây dựng và ban hành Luật thuế thu nhập cá nhân. Cũng như những quan điểm, mục tiêu và những yêu cầu đặt ra Luật thuế thu nhập cá nhân theo Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội, tôi thấy rằng trong quá trình chuẩn bị xây dựng luật này, chúng ta đã tiến hành tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các chính sách về thuế hiện hành và có sự tham khảo của một số nước ở trên thế giới. Tôi thấy đây là việc làm hết sức cần thiết khi xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân. Đây là luật mới và cũng rất khó khi thực hiện ở Việt Nam.

Tôi xin phát biểu thêm một số ý kiến cụ thể như sau:

Thứ nhất, về tên gọi của Luật. Tôi thống nhất với quan điểm đặt tên là Luật Thuế thu nhập cá nhân. Bởi vì đặt như vậy, nó bao quát được yêu cầu đặt ra và nội dung đã đề cập trong Luật và cũng phù hợp với tên gọi của nhiều nước trên thế giới đang dùng, đó là Luật Thuế thu nhập cá nhân. Hai nữa, nếu dùng là Luật Thuế thu nhập với người có thu nhập cao thì có phần chưa chính xác, vì mức thu nhập thì thường xuyên thay đổi.

Theo Pháp lệnh Thuế thu nhập cá nhân đối với người có thu nhập cao thì trong 15 năm qua, từ 1991 đến nay thì chúng ta đã phải điều chỉnh từ 500 nghìn đến 5 triệu. Tức là tăng, so với thời điểm năm 1991, đến 10 lần. Mức khởi điểm để tính chịu thuế thu nhập theo dự thảo luật vào thời điểm 2009, khi mà mức thu nhập bình quân đầu người, chúng ta dự đoán, khoảng 1.000 đôla, tức là gấp 1,5 lần so với hiện nay, thì đến lúc đó, việc đánh giá người có thu nhập cao, chắc chắn sẽ có thay đổi. Vì vậy, tôi đề nghị lấy tên là Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Thứ hai, qua nghiên cứu tôi băn khoăn khi giải thích về người phụ thuộc theo dự thảo luật và dự thảo của Nghị định đã xây dựng. Theo quy định này sẽ là căn cứ để giảm trừ gia cảnh khi tính thuế. Ở đây có vấn đề đặt ra cần phải nghiên cứu.

Thứ nhất, người thuộc đối tượng phụ thuộc như vợ, chồng, con hoặc bố, mẹ thu nhập quá thấp, tức là dưới mức lương tối thiểu, hay dưới mức giảm trừ cho người phụ thuộc, tức 1,6 triệu theo phương án 1, tức là phương án tính thời điểm là 4 triệu thì được tính giảm trừ như thế nào, liệu có được tính bù ở mức 1,6 triệu như những trường hợp tính phụ thuộc không. Do vậy, tôi đề nghị chỗ này cần phải nghiên cứu kỹ.

Trường hợp thứ hai, con đã thành niên nhưng vẫn sống phụ thuộc như đi học đến 22 - 23 tuổi, hoặc chưa có việc làm thì xác định như thế nào? Về đối tượng này trong quy định đã rõ, nhưng tôi đề nghị trong dự thảo luật cần quy định cụ thể hơn về các trường hợp này và nghiên cứu có thể quy định ở từng mức để giảm trừ gia cảnh, kể cả độ tuổi của người phụ thuộc và nghiên cứu mức giảm đối với cá nhân người nộp thuế theo độ tuổi, nhất là những người tuổi cao. Vấn đề này qua nghiên cứu một số nước có thực hiện việc này, do vậy tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm cái này.

Vấn đề thứ ba, mức tính khởi điểm chịu thuế, tôi thấy cần nghiên cứu, tính toán một cách hợp lý, phải có căn cứ như cách tính của một số nước mức thu nhập bình quân đầu người năm 2009, cũng như mức trượt giá từ nay khi luật có hiệu lực. Về quy định cũng nên ở mức ổn định tương đối dài như pháp lệnh thu nhập đối với người có thu nhập cao, 3 năm chúng ta đã điều chỉnh một lần, 15 năm đã điều chỉnh lên 10 lần. Trước mắt, tôi ủng hộ theo phương án 5 triệu đồng/tháng, nhất trí mức giảm trừ gia cảnh theo loại ý kiến thứ hai mà theo Báo cáo của Uỷ ban Kinh tế Ngân sách đã giải trình. Trên thực tế, nhiều nước người ta đã đặt mức khởi điểm thấp hơn Việt Nam chúng ta, ví dụ Trung Quốc tính mức khởi điểm 1 tháng khoảng 50 đôla, khoảng 500 tệ.

Thứ tư, về đối tượng chịu thuế, theo Dự thảo luật thì đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân bao gồm 6 khoản thu nhập, chứ không phải là tổng các khoản thu nhập. Nếu quy định như vậy, với những trường hợp có nhiều khoản thu nhập, tổng thu nhập rất cao, nhưng mỗi khoản chưa đến mức phải chịu thuế thì việc quy định như vậy đã công bằng chưa? Một người có thu nhập 5 triệu thì phải chịu thuế, còn người khác có 6 khoản thu nhập gần bằng 6 lần, khoảng xấp xỉ bằng 30 triệu, nhưng chưa có một khoản nào đến mức phải chịu thuế thì việc này phải tính toán như thế nào. Cái này trong Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế Ngân sách đã nêu, tôi đề nghị Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu thêm vấn đề này.

Thứ hai, về thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm, tôi tán thành như nhiều ý kiến các vị đại biểu đã phát biểu. Đối với nước ta chưa nên quy định thuộc diện chịu thuế, nó vừa ảnh hưởng tới việc huy động tiền nhàn rỗi để đầu tư phát triển mà nước ta đang rất khuyến khích cái này. Và thực tế tính khả thi không cao, như việc hạn chế tiền gửi, việc chia nhỏ các khoản để gửi ở nhiều ngân hàng khác nhau hoặc đứng tên khác nhau. Vì như vậy khi tính tổng thu nhập để khấu trừ và nộp thuế vào ngân sách Nhà nước cũng rất khó khăn. Trên thực tế số lượng này thu không được nhiều, vả lại đây cũng là khoản tiền tiết kiệm của người gửi, còn người kinh doanh là ngân hàng thì đã phải chịu thuế. Tôi đề nghị việc này Ban soạn thảo cân nhắc để xem xét cho phù hợp.

Vấn đề thứ năm, về các biện pháp triển khai thi hành luật, tôi đồng tình dự thảo luật cần phải lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, sau đó tiếp tục hoàn chỉnh để xem xét thông qua vào năm 2007 và có hiệu lực bắt đầu vào 1/1/2009. Tuy nhiên để luật sớm đi vào cuộc sống ngoài việc chuẩn bị các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, của Bộ tài chính thì một trong những việc cần quan tâm đó là phải tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu, chấp hành luật thuế thu nhập cá nhân, đồng thời phải tạo ra sự đồng thuận trong xã hội. Cũng như tăng cường các biện pháp nhằm thực hiện tốt công tác quản lý thuế để kiểm soát việc thu nhập của các đối tượng này, đặt biệt phải nâng cao ý thức trách nhiệm về việc thực hiện nghĩa vụ thuế, tạo thói quen cho người dân về nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Luật Thuế thu nhập cá nhân là vấn đề mới, nhất là với điều kiện thực tế nước ta, do đó cũng cần phải có bước đi thích hợp, trong quá trình làm cần phải tổng kết để có bổ sung phù hợp.

Vấn đề thứ sáu, về bố cục tôi thấy đây là một luật chuyên ngành, một số điều theo thông lệ khi chúng ta xây dựng luật thì trong dự thảo không quy định như các hành vi bị cấm, nguyên tắc thuế thu nhập cá nhân, quyền và nghĩa vụ các tổ chức, cá nhân trong thực hiện thuế thu nhập cá nhân, các trường hợp vi phạm và xử lý vi phạm v.v… Mặc dù Luật quản lý thuế chúng ta sẽ thông qua tại kỳ họp lần này cũng đã quy định, xong tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm những vấn đề nêu trên để bổ sung quy định vào luật, những nguyên tắc thực hiện thuế thu nhập cá nhân mà các trường hợp vi phạm, xử lý vi phạm khi vi phạm luật thế này vào dự thảo luật.

Vấn đề thứ bảy, về Nghị định của Chính phủ kèm theo tôi đồng tình như một số đại biểu đã phát biểu. Tôi có đọc cả 2 bản dự thảo luật và dự thảo Nghị định thì tôi thấy có 28 điều, tức Điều 1, Điều 2, Điều 7 cho đến Điều 32 trùng với dự thảo luật và chỉ có 5 điều khác đôi chút, có cụ thể như Điều 3, Điều 4, Điều 5, Điều 6 và Điều 33, nếu quy định như Nghị định thì không biết nay mai Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn như thế nào, vì tất cả những điều này đã quy định tất cả trong luật rồi, Nghị định cũng lại viết lại luật đã ban hành. Theo tôi, đề nghị chỗ này Ban soạn thảo cần soát xét lại, nếu thấy cần thiết quy định cụ thể trong luật thì sau này không nhất thiết phải có Nghị định của Chính phủ cũng như hướng dẫn của Bộ Tài chính. Hoặc nếu thấy cần thiết phải có hướng dẫn của Nghị định và có hướng dẫn của Bộ Tài chính nên quy định rõ là giao cho Chính phủ hướng dẫn những điều nào trong luật, không nhất thiết quy định chi tiết như trong Điều 33 này.

Do vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo cũng cân nhắc để xem xét, khi ban hành Nghị định cho phù hợp. Trên đây là một số ý kiến của tôi về Dự thảo luật. Xin hết. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan