Ý kiến của ĐBQH Lê Văn Cuông – Tỉnh Thanh Hoá

Thứ Sáu 14:29 10-11-2006
Kính thưa Quốc hội.

Vừa qua, dư luận cũng xôn xao về Luật thuế thu nhập cá nhân ở 3 lĩnh vực.

Thứ nhất, đối tượng nộp thuế.

Thứ hai, đối tượng chịu thuế.

Thứ ba, mức thuế khởi điểm.

Trong nội dung Dự án luật điều chỉnh chủ yếu là những đối tượng có thu nhập trên mức trung bình, chứ không phải là cho tất cả các đối tượng có thu nhập. Do đó, tên luật không thể dùng là thuế thu nhập cá nhân mà nên dùng điều chỉnh thuế thu nhập cho người có thu nhập cao, như thế nó chính xác hơn so với dự thảo luật trình Quốc hội.

Vấn đề thứ hai, đối tượng chịu thuế tại Điều 4 nhất trí như các ý kiến trước là không nên đưa các đối tượng nộp thuế là các lãi suất gửi tiền tiết kiệm.

Thứ nhất, hiện nay mức lãi suất do Nhà nước điều chỉnh, quy định ngân hàng chủ yếu tính trên trượt giá đồng tiền. Cho nên, người ta gửi tiền tiết kiệm vào để ổn định giá trị đồng tiền trong điều kiện trượt giá chứ không phải có lợi gì trong việc này. Nếu như gửi ngoài có lãi suất cao hơn Nhà nước thì độ rủi ro cao nên người ta không gửi, nên gửi vào Nhà nước để ổn định đồng tiền thôi. Nhà nước điều chỉnh liên tục vấn đề này cho nên không để cho người dân có một hưởng lợi quá cao, cho nên cái này tôi thấy đó là thứ nhất.

Thứ hai, chúng ta đang muốn huy động vốn cho nên công cụ thuế là điều chỉnh hoạt động của xã hội, bây giờ trong phát triển kinh tế ta cần huy động vốn nhàn rỗi để đầu tư thì vấn đề này cũng là phù hợp và cũng khuyến khích.

Thứ ba, dân ta nếu quy định như thế này cũng sẵn sàng người ta tìm cách người trốn được. Ví dụ như vừa rồi quy định mỗi người mua một xe máy nhưng vừa rồi người ta gửi người khác mua, vậy tiết kiệm cũng thế thôi nếu chúng ta mà làm như thế thì người ta san ra cho người khác, họ không đứng tên người ta nữa. Hai nữa là những người thật nếu cứ kê khai thì người ta thiệt, còn những người mà tìm cách tránh thì mình cũng không thu được, có khi lại tạo ra một sự phức tạp không cần thiết trong vấn đề quản lý Nhà nước, tôi thấy vấn đề này không có nên.

Tôi bổ sung thêm một đối tượng chịu thuế, ví dụ bây giờ có một số người đi vào rừng, người ta lấy được trầm hương chẳng hạn, vừa qua có một số nơi hay đang đi lao động người ta đào một số kim cương loại quý hay cái gì đó thì người ta chỉ có một thu nhập may rủi ấy thôi, gọi là gặp may, thế thì có nên bổ sung vào khoản thu không? Cái này tất nhiên cũng không nhiều lắm, nhưng thực tế cũng có vấn đề này và điểm nữa cũng để cho nó công bằng xã hội về vấn đề ấy.

Còn người ta mua sổ xố  người ta cũng gặp may, nhưng cái đó là có định hướng người ta mua vé rồi, tất cả các thứ thì cũng chịu, bây giờ những người gặp may trong quá trình làm việc cũng gặp được cái đó, có thu nhập rất cao hàng trăm triệu đồng, bây giờ như thế nào, có nên bổ sung vào không? Tôi thấy vấn đề đó đủ cần thiết.

Vấn đề thứ ba, mức khởi điểm tôi thấy không nên quy định cụ thể 5 triệu, 4 triệu, vì thực tế cuộc sống chúng ta càng ngày càng phát triển lên, mức sống hôm nay nó sẽ rất khác vài ba năm sau, cũng không thể quy định cứng như thế được, hai nữa là thu nhập càng cao thì chi phí càng lớn. Bởi vì có chi phí lớn mới thu nhập cao được, cho nên chúng ta không nên quy định cứng nhắc là con số tuyệt đối. Theo tôi lấy lương khởi điểm làm chuẩn, tức gấp 10 hay mười mấy lần lương khởi điểm để thu thuế này, khi nước lên thì thuyền lên, tức là khi mức lương khởi điểm Nhà nước đã tính toán rồi, ví dụ bây giờ có khoảng 10 lần lương khởi điểm, tức là 450.000 đồng lương khởi điểm, bây giờ lên 4,5 triệu chẳng hạn, hoặc tính 12 lần thì lấy cái đó để khi nào có điều chỉnh và mức sống lên thì cứ theo cái đó chiếu sang, chứ không phải điều chỉnh lại để nâng lên kỳ kèo bớt 1 thêm 2 là 4 triệu, hay 5 triệu, 5,5 triệu hay 6 triệu, như thế tôi thấy nó không linh hoạt trong vấn đề điều chỉnh thuế, tôi thấy cần nghiên cứu thêm.

Một điểm cuối cùng tôi băn khoăn, bây giờ 1 người có thể có nhiều kênh thu nhập, ví dụ có thể người ta thu nhập bằng tiền lương, tiền công, nhưng cũng có thể thu nhập qua gửi về cổ tức, hoặc có các khoản thu nhập khác của đối tượng chịu thuế, có 3, 4 đối tượng chịu thuế người ta có thu nhập đó nhưng nếu mình chỉ tính riêng có một phần một thì có khi người ta đến mức đó, nhưng 3, 4 đối tượng cộng lại có khi lại tăng lên, liệu các vấn đề này xử lý như thế nào, tôi thấy vấn đề đó cần phải làm rõ. Xin hết. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan