Ý kiến của ĐBQH Trần Công Kích – Tỉnh Ninh Bình

Thứ Sáu 14:21 10-11-2006
Thưa Quốc hội.

Tôi xin đề cập luôn đến những vấn đề cụ thể như sau:

Điều 2 về đối tượng nộp thuế thì chúng ta nói là cá nhân thì đúng rồi, vì nó mang tính phổ biến, nhưng giờ còn hộ gia đình sản xuất kinh doanh thì điều chỉnh nó vào đâu. Hộ gia đình nó không đăng ký thành lập doanh nghiệp, cái này trước đây Ủy ban kinh tế ngân sách cũng nên đề cập rõ đưa vào đối tượng này, nói là cá nhân và hộ gia đình sản xuất, kinh doanh cũng phải chịu thuế, nó là đối tượng chịu thuế.

Thứ hai, tôi đồng tình cũng phải có luật, cũng như các đồng chí đã phát biểu. Nhưng suy nghĩ của tôi luật mà soạn thảo thế này thì thiếu chế tài, bây giờ người ta không nộp thì sao, cái này không phải là ít đâu. Nếu cán bộ thuế phát sinh tiêu cực thì làm sao? Tôi nghĩ khi bàn về luật quản lý thuế thì mong muốn chặn được tiêu cực mang tính phổ biến là một bộ phận lớn. Ở đây theo tôi cũng phải có chế tài, thì hiệu của luật nó mới tốt.

Thứ ba, nói cần có luật thật, nhưng cái này chúng ta chỉ thu được ở những cái mà đo đếm được, nghĩa là trong quản lý Nhà nước hiện nay chúng ta thất thu nhiều. Vì vậy vấn đề đặt ra Nhà nước phải tiếp tục tính toán về phương pháp quản lý. Nếu không  thì dẫn đến tình trạng không công bằng, bởi vì kinh tế ngầm nhiều lắm, phương pháp thu của ta bây giờ nhiều cái nó chưa khoa học, để thất thu, rò rỉ nhiều lắm. Chẳng hạn bây giờ ta thấy quay vòng hoá đơn rồi, mua hàng hoá không bằng hóa đơn, rồi vấn đề chặt, cưa, sẻ trong Ngành Thuế và v.v. Cho nên, nếu không tính tiếp những vấn đề này bổ sung thì sẽ dẫn đến chuyện không công bằng, mà chỉ có trường hợp đòi lấy được. Đấy, ông tính hẳn hoi, không thể giấu được Nhà nước thì tôi mới phải chịu thuế. Còn các trường hợp ngoài ra tôi nghĩ là rất nhiều. Ở Trung Quốc người ta tính được tỷ lệ kinh tế ngầm của thời gian 55% trước đây. Ta chưa tính được. Nhưng vừa vào kinh tế thị trường thì cái này chắc chắn là rất cao. Đấy là điều đáng phải suy nghĩ.

Vấn đề thứ tư cũng phải suy nghĩ là tính khởi điểm chịu thuế. Tôi nghĩ là 4 triệu hay 5 triệu, bàn, co cử vấn đề này, tôi nghĩ cũng chưa thực tế. Bởi vì ta chuẩn bị năm nay thì hết sang năm rồi năm nữa. Theo tôi, tính theo từng năm, chứ không nên theo một mức cố định. Bởi vì kinh tế luôn luôn phát triển. Mức thu nhập hoặc là chuyển hóa kinh tế, hình thức biểu hiện kinh tế, hoạt động của người ta nó khác đi, hay là phương pháp thu hoặc là anh tính dồn cho cả năm hay là khấu trừ ngay. Đấy, toàn là những vấn đề rất cụ thể. Cho nên, theo tôi vấn đề này nên suy nghĩ như vậy. Chứ còn cứ nói mãi là 4 triệu hay là 5 triệu. Còn thế nào để có 4 triệu, 5 triệu thì tôi nghĩ còn thời gian để chuẩn bị nữa, kinh tế năm nay sẽ khác sang năm. Nếu sang năm làm ăn tốt hơn, sang năm nữa tốt hơn nữa thì theo tình hình cụ thể lúc đấy chúng ta tính đến mức như vậy nó phù hợp và nghe được, chứ còn đặt số cố định khi nền kinh tế luôn luôn thay đổi, làm sự bàn bạc tốn nhiều giấy tờ, báo chí nói nhiều quá chuyện này, tôi nghĩ hơi cứng.

Thứ năm, tôi thấy một số luật nói ra nhưng không làm được. Ví dụ như Điều 25 thu từ đầu tư vốn, nói vậy chứ ông quản lý được cái này khi người ta trao cho vốn à? Có thể có một số trường hợp tổ chức nào nó đầu tư cho cá nhân thế này thế khác, số đó rất ít, còn người ta trao tay ngầm cho nhau mới là nhiều. Nói điều này không rõ thì anh đưa Điều 25 tôi nói thật đố các đồng chí làm được, lôi mấy ông thuế, nói ra để mà nói có vẻ như là cũng có đề cập đến chuyện như vậy.

Bây giờ tôi xin đề cập một vài vấn đề cụ thể sau:

Một là đối tượng chịu thuế, Khoản 1 thu nhập từ kinh doanh tôi thấy rất chung, nói hướng của ta như trước đây đồng chí Chủ tịch Quốc hội nói làm sao tránh luật ống, luật là rạch ròi cụ thể, có luật xong làm luôn, nhưng mình nói cứ thu nhập từ kinh doanh, thế thì bây giờ kinh doanh như thế này ở mức độ nào là đối tượng chịu thuế, phải nói rõ vào đây nữa, chẳng hạn anh chưa khẳng định được giá trị tuyệt đối thì anh phải nói mức, vì có liều lượng của mức, nói chung thế này làm sao dân chúng hiểu như chúng mình, bây giờ phương pháp thu của ta gọi là tự kê khai, nói thẳng ra, báo cáo với Bộ trưởng Bộ Tài chính phương pháp tự kê khai cảm thấy một sự bất lực của ngành thuế rồi, trong tình hình kinh tế chuyển động thế này thì tự  kê khai tôi thấy là đã thất thu rồi. Một số lý do kể trên, ví dụ tiêu tiền mặt, thanh toán hoá đơn v.v…những vấn đề này nói thế này là bất ổn.

Thứ hai, Khoản 3, tôi đồng ý với ý kiến của đại biểu Châu Thị Lê, thu làm gì tiền gửi tiết kiệm, các đồng chí dẫn chứng bao nhiêu nước nhưng đố tìm ra nước nào ở nền kinh tế thấp mà lại thu thuế từ người gửi tiền tiết kiệm, ở các nước phát triển mà mình cứ dập khuôn vào đây, nước phát triển khác với Việt Nam. Một cái dễ lý giải, mối quan hệ giữa ngân hàng và sản xuất kinh doanh ai chẳng biết, nhưng từ nền kinh tế còn chậm phát triển, nguồn vốn lâu dài vẫn từ ngân hàng, bây giờ anh thu thuế thì tôi không gửi nữa. Dân chúng người ta bảo như vậy đấy, hai nữa gửi vào ngân hàng có phải như anh Thuý bảo là lợi nhất đâu, không phải lợi nhất, nói như vậy không đúng với dân, có được là bao đâu, ta có thời kỳ trở lại ngược dòng lịch sử bán 2 con bò gửi tiết kiệm lúc lấy ra không mua nổi bát phở, trượt giá cái này được bao nhiêu mà cứ thu, dù anh bảo 700 triệu chỉ mất mấy chục, đừng vì mấy chục, mà bỏ hẳn đi, vì dù sao cũng mang tiếng với dân chúng.

Hay bây giờ chuyển sang mua vàng, mua đô la, có sự thật, con theo học, sau này học nhiều nó cứ bảo tích lũy đô la hơn bố ạ, nhưng bảo không cứ vàng vẫn hay hơn đô la. Vừa rồi vàng lên, bảo đấy các con thấy không, qua tết một cái 1 cây vàng là được mấy trăm ngàn ngon ơ, cháy nhà vàng cũng chẳng mất được. Bây giờ gửi tiền tiết kiệm cũng là con đường chặn của dân. Bây giờ tôi có tiền thì một là tôi không gửi, gửi trả giải quyết được cái gì, bây giờ ông lại thu thuế nữa thì có phải là lợi bất cập hại không, thôi bỏ đi. Tôi đồng ý đại biểu Châu Thị Lê đừng có bàn đến chuyện thu, chẳng được bao nhiêu cả.

Hay thu nhập từ việc chuyển nhượng bất động sản sau này nói, nhưng vấn đề này cũng không rõ, chúng ta cứ gạch một từ, một khái niệm chung vào đối tượng chịu thuế này nó rất chung thì tôi cũng không bằng lòng lắm.

Khoản 6 cũng nên làm rõ đi, xổ số mà trúng độc đắc thì vậy, còn một số hình thức thưởng vui chơi, giải trí này khác thì mình đưa vào luật, kể vào đây nó đáng là bao nhiều đâu, đưa vào thấy mình "cận thu", "cận" tôi rất lấn cấn về chuyện "cận thu", thu để mà phát triển sản xuất, kinh doanh, có cái đáng thu nhưng mà không thu nữa, để cho người ta tiếp tục đầu tư để sau này, thôi thì thu ít nhưng được nhiều. Mình cứ kể ra đây nhiều đối tượng để mà gọi là gom góp để tăng thu đáng được bao nhiêu đâu mà mình tính cái này, cho nên thu hẹp phạm vi đối tượng này lại.

Điều 18, về khấu trừ gia cảnh, tôi đề nghị cũng phải thực tế hơn, bởi vì bây giờ phải tính cho hết đi, nhiều khi chúng ta tính bảo là 18 tuổi trở lên xem ra như học Luật Lao động v.v...  Nói tuổi 18, 19, 20 thì đang đi học, đã phải chi phí, không giảm trừ gia cảnh cho người ta thì người ta làm sao? Rồi nói vậy bằng ấy tiền sau này chưa có nhà cửa, chưa có phương tiện đi làm việc, tính thế nào cho hợp lý chứ đừng xây cứng, mà xây cứng lắm thì tạo ra nhiều tiếng kêu của dân chúng là không hay.

Điều 5, đối tượng không chịu thuế, tôi thấy ở đây có Khoản 10 là thu nhập của cá nhân có hoàn cảnh khó khăn, cái này vừa rồi mình đã hớ rồi trong thu thuế. Ví dụ hộ kinh doanh rẻ gọi là thu nhập thấp, chẳng giải thích được, cho nên phường, xã rất thích cái này để thu, mình mất một khoản rất lớn, tạo kẽ hở giữa người quản lý thuế, giữa anh đi thu thuế với hộ kinh doanh, cái này vừa rồi rất nhiều.

Cuối cùng, Điều 6, miễn giảm, tôi nghĩ mới chỉ gọi là miễn giảm đối với trường hợp sản xuất kinh doanh. Tôi đề nghị rà hết lại, một số nước có cái vừa cụ thể, ví dụ đi học được miễn giảm, học để phát triển đất nước, hay sinh đẻ hết thời gian nghỉ vẫn ốm, bà mẹ vẫn ốm thì người ta vẫn giảm, ý tôi muốn nói là nên rà tiếp về chính sách Nhà nước, chứ không chỉ riêng là chỉ mất mát trong sản xuất, kinh doanh mới trừ chỗ này, còn liên quan nhiều chính sách khác nữa, nên kể vào đây làm cho nó rõ thì sẽ đi vào lòng dân. Xin hết.

Các văn bản liên quan