Ý kiến của ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết – Tỉnh Lạng Sơn

Thứ Tư 10:15 25-10-2006

Kinh thưa Quý vị đại biểu Quốc hội,

Tôi xin bắt đầu bằng việc nhìn nhận những cái hay và những cái mới của Dự thảo Luật dạy nghề lần này. Tôi thấy có mấy điểm như thế này.

Trước hết là có những quy định nó phù hợp với lĩnh vực dạy nghề, là lĩnh vực mà mình đang muốn kêu gọi thanh niên, muốn tạo điều kiện cho thanh niên tham gia càng nhiều càng tốt.
Điều 34 có quy định về việc tuyển sinh, có hai hình thức là xét tuyển và thi tuyển, đặc biệt là thế này, chúng tôi cũng xin nói rằng đi học sơ cấp mà thi tuyển thì cũng không ai người ta đi đâu, rồi tất cả lại đổ xô nhau vào thi đại học, trung cấp cũng vậy, cho nên xét tuyển là đúng. Về Cao đẳng, chúng tôi cũng đồng ý có những trường hợp là tuyển thẳng, ở trong này Dự thảo luật có quy định là người có bằng tốt nghiệp Trung cấp nghề loại khá trở lên thì được tuyển thẳng, theo tôi điều đó là đúng và tôi đề nghị Ban Soạn thảo cân nhắc xem mình có nên mở rộng nữa không, tức là đối với những học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông loại khá trở lên mà không dự thi tuyển sinh Đại học vào thẳng trường dạy nghề, Cao đẳng nghề thì được tuyển vào trường Cao đẳng nghề. Mình có làm như vậy thì mới giải quyết được bài toán hiện nay là thanh niên của ta chỉ đổ xô vào Đại học và Cao đẳng. Chúng tôi xin đề nghị cân nhắc thêm.

Điều 35, chúng tôi thấy cũng là điểm rất mới, ở đây có quy định về ký kết hợp đồng học nghề giữa người học với cơ sở dạy nghề, chúng tôi thấy đây là quy định rất mới và rất đáng khuyến khích, vì nó cũng góp phần đảm bảo quyền lợi của người học, nhân đây chúng tôi xin đề nghị nên mở rộng ra. Chúng tôi xin đề nghị cả các đồng chí trong ngành giáo dục nên suy nghĩ, trong Ban soạn thảo Luật Dạy nghề các đồng chí cũng suy nghĩ thêm, có phải bây giờ mình quy định chỉ có cơ sở dạy nghề tư nhân, những cơ sở dạy nghề của doanh nghiệp và những nơi có vốn đầu tư nước ngoài, phải ký hợp đồng với người học nghề không, hay tất cả các cơ sở đào tạo nghề, dạy nghề phải ký hợp đồng với người học nghề. Như thế nó đảm bảo bình đẳng, hai nữa nó đảm bảo quyền lợi cho người học, chúng tôi thấy hình thức này rất hay.

Điểm thứ ba, chúng tôi thấy rất mới và hay, Điều 73 quy định công bố công khai kết quả kiểm định chất lượng của cơ sở dạy nghề cho xã hội biết, chúng tôi hết sức tán thành điều này, chúng tôi đề nghị dần dần những kết quả kiểm định chất lượng giáo dục của toàn ngành giáo dục, của dạy nghề cũng cần phải công khai cho xã hội biết. Chúng tôi lấy ví dụ bên Anh, cứ thi hết cấp là người ta công bố công khai kết quả trên báo chí, ông Hiệu trưởng có quyền rất to, ông có thể đem con, đem cháu vào dạy, ông dạy sách nào cũng được, nhưng thi tốt nghiệp 3 năm liền mà trường ông có vấn đề thì người ta cho ông về nghỉ ngay. Chúng tôi nghĩ đây là hình thức tốt và theo chúng tôi nên nhân rộng ra.

Điều 75 có quy định về tổ chức, kiểm định chất lượng, chúng tôi đề nghị Bộ Lao động thương binh và Xã hội quản lý lĩnh vực này, theo tôi nên mạnh dạn thí điểm, mạnh dạn xã hội hóa lĩnh vực kiểm định chất lượng đào tạo, tức là có thể cho phép một số tổ chức tư nhân người ta đứng ra làm kiểm định chất lượng đào tạo và qua kiểm định đó mình đánh giá tổ chức đó làm ăn tốt thì cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này có thể cho phép tổ chức đó dần dần thành tổ chức thay cho cơ quan quản lý Nhà nước để kiểm định chất lượng đào tạo. Ở các nước người ta đều dùng tổ chức tư nhân hết, ở mình hiện nay có một lo lắng là giao cho tổ chức Nhà nước đánh giá còn sợ gian lận thì giao cho tư nhân làm như thế nào? Nhưng theo tôi chúng ta nên mạnh dạn thí điểm và dần dần nếu như có tổ chức người ta làm ăn đứng đắn thì mình giao cho tổ chức đó được.

Sau đây một số vấn đề chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo nên tiếp tục suy nghĩ thêm.
Thứ nhất, vấn đề vướng mà tất cả các đại biểu phát biểu trước tôi đều nói tức là mối quan hệ giữa trung học nghề với trung học chuyên nghiệp, giữa cao đẳng nghề với các trường cao đẳng bên Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý. Chúng tôi thấy như thế này, rõ ràng bây giờ mình khó giải thích sự khác nhau giữa hai loại hình này, nhưng có một vấn đề là Điều 32 của Luật Giáo dục năm 2005 chính Quốc hội thông qua cũng đã có quy định hai loại hình này rồi. Nếu chúng ta sửa thì chúng ta phải sửa lại từ Điều 32 của Luật Giáo dục, mà Luật Giáo dục mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2006. Chúng tôi nghĩ là chúng ta làm đã rồi, chúng ta sẽ tổng kết sau, chứ còn bây giờ nói lý thuyết trường trung học nghề khác với trường trung học chuyên nghiệp như thế nào, theo tôi rất khó, trường cao đẳng nghề khác với trường cao đẳng sư phạm như thế nào rất khó. Chúng ta hãy làm đã, chúng ta sẽ tổng kết đến một giai đoạn nào đó sẽ sửa.

Về cơ quan quản lý Nhà nước, theo chúng tôi cái này nên để Chính phủ quy định, trong lần dự thảo này Ban soạn thảo có tránh nói tên một Bộ cụ thể, vì sắp tới là nhiệm kỳ mới của Chính phủ, cũng có thể Chính phủ bàn bạc giao lại công việc này, như thế luật đỡ phải sửa hơn. Cho nên theo tôi cứ nên để như vậy, nhưng tôi khuyến nghị với Chính phủ giao cho một Bộ quản lý, không nên tách ra như thế này, một bên là trung cấp chuyên nghiệp, một bên là trung cấp nghề, một bên là cao đẳng, một bên là cao đẳng nghề. Theo tôi nên giao cho một Bộ quản lý thôi.

Trong tình hình hiện nay tôi cũng đồng ý với đồng chí vừa phát biểu trước tôi, là Giáo sư Nguyễn Lân Dũng là nên giao cho Bộ Lao động thương binh và xã hội quản lý tất những lĩnh vực dạy nghề, kể cả trung học chuyên nghiệp, như thế nó đưa về một mối. Nhưng thôi việc này theo chúng tôi nên để cho Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ bàn và báo cáo với Quốc hội sau.

Về thời gian đào tạo, chúng tôi thống nhất với giải thích của Uỷ ban Văn hoá, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng. Tuy nhiên chúng tôi xin đề nghị như thế này, đừng ghi là năm, 1 năm hay 2-3 năm mà nên ghi số tháng. Bởi vì trong Luật Giáo dục ghi quy định 3 năm học, bây giờ mình không ghi 3 năm, 2 năm, nên ghi là tháng, ví dụ 36 tháng hay 24 tháng thì tốt hơn.

Trong luật này Điều 8 có nói đến liên thông, tôi thấy ở đây có một vấn đề mắc mà chúng ta mắc ở nhiều luật chứ không phải riêng luật này. Tức là các Bộ trình dự án luật lên Quốc hội thì có hai điều mà đại biểu Quốc hội rất than phiền. Một là Bộ nào cũng lo bảo vệ quyền lợi của mình. Hai là không dám lấn sang sân của Bộ khác. Nhưng chúng tôi xin nói thế này, ở đây mình vẫn đặt quan điểm đây là luật chung của cả nước, chứ đây không phải là luật riêng của Bộ nào. Cho nên trong luật này Điều 8 phải quy định rõ là liên thông như thế nào để làm sao cho các em học nghề sau đó chuyển sang hệ thống đại học nó cũng chuyển được. Tất cả những môn nào đã được học rồi, đủ đơn vị học trình như thế thì nó được miễn. Theo chúng tôi không nên chỉ bó hẹp trong lĩnh vực dạy nghề mà mình nên mở rộng ra để thanh niên thấy con đường tiến của nó, mà chỗ này Quốc hội có quyền, Quốc hội nên biểu quyết vấn đề này. Chứ còn nếu bây giờ cứ Bộ nào bó hẹp trong phạm vi Bộ ấy không dám lấn sang phạm vi của Bộ khác, theo tôi nó sẽ không thành luật chung của đất nước.
Về vấn đề loại hình dạy nghề, chúng tôi đề nghị, nghiên cứu nên có loại hình hỗn hợp. Ví dụ, Đức người ta có loại hình như thế này: 70% vốn là tư nhân (tức là doanh nghiệp đóng góp vào), 30% là của Nhà nước. 70% thời gian là học ở doanh nghiệp, 30% học ở trường và khi ra doanh nghiệp có thể bố trí công ăn việc làm ngay, mình không nên cứng quá trong việc quy định cho các loại hình. Để ý đến loại hình hỗn hợp.

Vấn thứ ba mà chúng tôi rất quan tâm ở Luật này, chúng tôi xin đề nghị suy nghĩ thêm và giải quyết cho triệt để, đó là vấn đề dạy nghề theo kiểu kèm cặp, dạy nghề truyền thống hình như chưa được chú ý đúng mức. Tôi nói chưa được chú ý đúng mức tức là đã có chú ý, đã có đề cập đến, nhưng có nhiều quy định không phù hợp. Ví dụ, phê duyệt chương trình, phê duyệt giáo trình, cấp chứng chỉ v.v... Nếu bây giờ một cô thợ cắt tóc, một cô thợ trang điểm cô dâu kèm cho một người khác trong một vài tháng là có trình độ sơ cấp rồi, bây giờ cô có ký chứng chỉ không? Cô có phê duyệt giáo trình không? Cô ấy có phê duyệt chương trình không? Tôi chắc là không. Và mình cũng nên đưa những nghề truyền thống như thế, những nghề phục vụ xã hội, dịch vụ như thế vào trong hệ thống dạy nghề này thì mình mới có thể đào tạo được càng ngày càng nhiều người biết nghề. Nếu chỉ trông vào các trường, sở chính thức thì theo tôi rất khó.

Ở đây có thuật ngữ tức là có nên gọi tài liệu dạy học ở sơ cấp là giáo trình không? Tôi sợ gọi thế nó quan trọng quá, theo tôi gọi nó là tài liệu dạy học thôi.

Vấn đề thứ tư, tôi xin nói có một số quy định không khả thi, ví dụ, Khoản 2, Điều 41. Bây giờ tôi cũng không có thời gian để đọc, tôi chỉ xin nói thế thôi.

Điều 62, quy định chính sách đối với giáo viên dạy nghề, liệu cái này có áp dụng với giáo viên trường tư thục, giáo viên ở các cơ sở có vốn nước ngoài được không?

Điều 45, quy định giám đốc trung tâm dạy nghề phải được bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý, tôi cho chỗ này máy móc quá, không nhất thiết phải như thế. Ở ta cứ trọng bằng, sắc, cứ phải qua trường nọ, lớp kia rồi, mới được làm quản lý. Nhưng chưa chắc ông qua trường lớp mà ông đã quản lý tốt hơn là không qua trường lớp. Về vấn đề giải thích từ ngữ ở Điều 5 chúng tôi thấy có rất nhiều thuật ngữ giải thích chưa chuẩn. Chúng tôi có ghi ở đây và đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc. Thuật ngữ dùng cũng không thống nhất, chỗ thì gọi là "chuẩn", chỗ thì gọi là "tiêu chuẩn", chỗ thì lại gọi là "yêu cầu về kiến thức kỹ năng", chỗ gọi là "kỹ năng", chỗ gọi là "năng lực", chỗ gọi là "khả năng" nên tính và nên nhập một đoạn ở Điều 91 lên Điều 3.

Các văn bản liên quan