Trích ý kiến của ĐBQH Vũ Đình Ngọc – Tỉnh Đồng Tháp

Thứ Tư 10:13 25-10-2006

Kính thưa Chủ toạ kỳ họp, thưa Quốc hội.

Sau khi nghiên cứu dự thảo mới về Luật dạy nghề và báo cáo giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Tôi xin phát biểu hai vấn đề, vấn đề thứ nhất liên quan đến quản lý Nhà nước về dạy nghề. Vấn đề thứ hai quy định về quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với hoạt động dạy nghề.

Thưa Quốc hội, về cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về dạy nghề trong thực tiễn ở nước ta theo báo cáo tiếp thu giải trình, chỉnh lý của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tính từ năm 1963 đến nay đã qua 43 năm. Công tác quản lý Nhà nước về dạy nghề dã được Chính phủ giao cho nhiều cơ quan khác nhau, cụ thể Bộ Lao động thương bình và xã hội 23 năm. Tổng Cục dạy nghề thuộc Chính phủ 9 năm. Bộ Giáo dục và đào tạo 8 năm. Bộ đại học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề 3 năm. Hiện nay là Bộ Lao động thương bình và xã hội.

Trước hết, tôi thấy rằng việc phân công thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và dạy nghề thuộc thẩm quyền của Chính phủ trên nguyên tắc bộ nào quản lý sẽ thuận lợi hơn và hiệu quả hơn thì giao cho bộ đó. Theo tài liệu của Tổ chức Giáo dục thế giới cho biết là cơ quan quản lý Nhà nước về dạy nghề ở các nước thường là một trong các bộ là: Bộ Lao động, Bộ Các vấn đề việc làm và xã hội hoặc Bộ Giáo dục. Thông thường thì thuộc trách nhiệm của hai bộ là Bộ Lao động và Bộ Giáo dục và đào tạo.

Từ thực tiễn của Việt Nam và của thế giới, chúng ta thấy rằng việc giao chức năng quản lý Nhà nước về dạy nghề cho Bộ Giáo dục và đào tạo hoặc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đều do Chính phủ phân công. Theo Báo cáo của Chính phủ thì trong 8 năm qua, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về dạy nghề. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và xã hội, công tác dạy nghề trong giai đoạn này đã vượt qua giai đoạn suy giảm, đã phục hồi và có bước phát triển mới và đã được xã hội thừa nhận. Chỉ trong vòng 8 năm số trường dạy nghề tăng gần 2 lần, quy mô tuyển sinh tăng gần 3 lần, chất lượng dạy nghề từng bước được cải thiện, góp phần đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động; đặc biệt là lao động nông thôn, lao động là đồng bao dân tộc thiểu số, lao động là người tàn tật có nhiều cơ hội để tiếp cận với các khóa học nghề.

Ngày 31-3-2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29, quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Trong đó quy định Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có nhiệm vụ quản lý Nhà nước về dạy nghề và Tổng Cục dạy nghề là tổ chức giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đó.

Ngày 2/8/2006 Chính phủ đã ban hành Nghị định 75 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đã giao cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quản lý Nhà nước về dạy nghề. Vì vậy, để đóng góp cho luật này chúng tôi đề nghị sửa Khoản 2, Điều 84 ghi rõ là Bộ Lao động Thương binh và Xã hội giúp Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về dạy nghề. Thống nhất ý kiến của đại biểu Hoa Ry, không vì Quốc hội ta bí quá ta giao cho Chính phủ việc này, nên quy định thẳng vào luật.

Vấn đề thứ hai, trước hết tôi đánh giá cao việc quy định quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp với hoạt động dạy nghề. Có thể nói đây là điểm mới rất đáng ghi nhận của dự luật này, với quy định này chúng ta đã đi đúng hướng trong việc xã hội hoá và nâng cao chất lượng dạy nghề hiện nay. Chúng ta đều biết doanh nghiệp chính là những người sẽ sử dụng sản phẩm của các cơ sở dạy nghề, đó là những người học nghề. Vì vậy, doanh nghiệp phải là chủ thể chính. Xuất phát từ đặc điểm của dạy nghề là gắn liền với sản xuất, với doanh nghiệp, với việc làm. Đặc biệt trong điều kiện kinh tế thị trường trước đây chúng ta lại chưa chú trọng đến vai trò của doanh nghiệp trong dạy nghề. Ngay ở Bộ luật Lao động mới chỉ xác định về trách nhiệm của doanh nghiệp trong tổ chức dạy nghề cho người lao động thuộc phạm vi doanh nghiệp mình và cũng còn rất mờ nhạt. Phải chăng đây là một trong những nguyên nhân làm cho chất lượng nguồn nhân lực chưa thích ứng với yêu cầu của sản xuất và bản thân các doanh nghiệp còn ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước trong cung ứng nhân lực có chất lượng. Doanh nghiệp phải cùng với Nhà nước tạo ra nguồn lao động có chất lượng cho chính mình, cũng như thị trường lao động.

Ở nhiều nước trên thế giới từ lâu đã rất chú trọng vai trò của doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là chủ thể chính trong hoạt động dạy nghề và có quy định doanh nghiệp không chỉ có trách nhiệm đóng góp một tỷ lệ kinh phí nhất định vào phát triển dạy nghề mà còn tham gia vào việc xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề và thẩm định, đánh giá công nhận điều kiện dạy nghề của cơ sở dạy nghề cũng như trình độ tay nghề người học nghề khi tốt nghiệp. Đây là một trong những lý do hết sức quan trọng thúc đẩy cho hoạt động dạy nghề của các nước này phát triển, tạo ra nguồn lao động có chất lượng cao và sát với nhu cầu của doanh nghiệp về ngành nghề và trình độ kỹ năng nghề. Vì vậy, tôi đề nghị nên có quy định bắt buộc các doanh nghiệp phải đóng góp vào quỹ hỗ trợ học nghề, bởi thực tế việc đóng góp xây dựng Quỹ hỗ trợ học nghề sẽ chủ yếu dựa vào doanh nghiệp.

Các văn bản liên quan