Ý kiến của ĐBQH Nguyễn Kim Cúc – Tỉnh Long An

Thứ Tư 10:17 25-10-2006

Thưa Quốc hội!
Trước hết, tôi xin có ý kiến về Điều 84 của Luật Dạy nghề. Từ nãy tới giờ có nhiều đại biểu đã phát biểu ý kiến. Những ý kiến đó tôi thấy đều rất sâu và xác đáng. Nhưng riêng ý kiến của tôi thì tôi thấy như sau.

Về Luật Dạy nghề thì chúng ta đang thảo luận, nhưng Luật Giáo dục thì đã được thông qua và đã thực hiện.

Về quản lý Nhà nước về giáo dục, trong Luật Giáo dục năm 2005 vừa thông qua thì các điều trong đó cũng đã có quy định về cơ quan quản lý Nhà nước về dạy nghề. Nếu bây giờ chúng ta sửa lại cơ quan quản lý Nhà nước dạy nghề thì phải sửa lại Luật Giáo dục. Tôi nghĩ đây là vấn đề không nên, vì chúng ta mới thông qua và mới thực hiện. Do đó, tôi đồng ý với ý kiến giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về dạy nghề do Chính phủ quy định, do Chính phủ phân công ngành nào quản lý thì căn cứ vào tình hình thực tiễn của đất nước.

Báo cáo với Quốc hội, trong thời gian lấy ý kiến cử tri về Luật Dạy nghề, ở địa phương tôi hầu hết các vị cử tri là quản lý về dạy nghề thì có ý kiến là họ mong muốn dạy nghề này cần có sự ổn định về quản lý. Thứ hai, họ nói là quản lý thuộc Bộ nào không quan trọng, nhưng quan trọng là sự ổn định. Họ đề nghị hiện nay nên giữ nguyên như vậy, đừng thay đổi, họ rất lúng túng khi thay đổi từ ngành này qua ngành khác. Ý kiến của cử tri quản lý về dạy nghề ở các trung tâm dạy nghề, các trường dạy nghề của địa phương tôi, họ có ý kiến như thế.

Do đó, tôi đề nghị hiện nay chưa nên giao cho Bộ Giáo dục, vì Bộ Giáo dục hiện nay đang có nhiều vấn đề bức xúc cần giải quyết, năm học này Bộ cũng đã có một phong trào nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, tôi rất tán thành và cử tri cả nước cũng rất tán thành, mong muốn Bộ Giáo dục thực hiện cho tốt được phong trào này. Do đó, ý kiến tóm lại của tôi, tôi đồng tình với ý kiến thứ nhất, tôi thấy rằng nếu trong luật mà không nói Bộ nào quản lý chuyên ngành thì cũng khó, bây giờ nói là cơ quan quản lý, cơ quan nào thì luật phải rõ ràng. Tôi đề nghị trong thời gian hiện nay, mình cứ để vào Bộ Lao động thương binh xã hội, nếu một thời gian nữa nếu có điều kiện, mình sẽ giao cho Bộ Giáo dục, tôi nghĩ cái này chúng ta cũng không nên tránh trong việc giao cho Bộ nào quản lý thì chúng ta phải nêu rõ trong luật. Đó là về quản lý giáo dục.

Về chi tiết các điều khoản tôi thấy thế này, Điều 6 các trình độ đào tạo trong dạy nghề, tôi đề nghị tiêu đề này nên sửa lại là: các trình độ đào tạo và hình thức dạy nghề, tại vì ở trong chi tiết của Điều 6 này khó phân biệt phần hình thức đó là hình thức dạy nghề gồm dạy nghề chính quy và dạy nghề thường xuyên thì xuống hàng, chỗ phần dạy nghề gồm dạy nghề chính quy mình phải xuống dòng để phân biệt hình thức dạy nghề, chứ nếu viết chung một đoạn như vậy thì rất khó.

Vấn đề thứ hai, Điều 11 thời gian học nghề, trình độ sơ cấp thì trong dự thảo luật có nói từ 1 tháng tới dưới 1 năm. Tôi nghĩ 1 tháng nếu chúng ta cấp bằng sơ cấp cũng rất khó.

Về ý kiến của cử tri, của các trường dạy nghề ta nói rất khó, do đó nếu 1 tháng chỉ được cấp giấy chứng nhận là có học nghề thôi, tôi đề nghị vấn đề này phải từ 3 tháng trở lên tại vì nói là liên thông với trung cấp nghề nữa thì trình độ cỡ nào mới được học liên thông trung cấp nghề. Nếu 1 tháng các trường dạy nghề khác người ta có chịu nhận để liên thông trung cấp nghề hay không. Tôi nghĩ vấn đề này rất băn khoăn đề nghị Quốc hội xem xét.

Điều 13 chương trình dạy nghề trình độ sơ cấp, tôi đồng ý chương trình trình độ sơ cấp do người đứng đầu cơ sở dạy nghề quy định tại Điều 15 của luật này "tổ chức biên soạn, phê duyệt" nhưng cơ sở phê duyệt đề nghị phải có chương trình khung, chương trình khung do cơ quan quản lý dạy nghề phải có thiết kế chương trình khung cho dạy nghề sơ cấp. Tại vì đã liên thông nữa nếu mà trường đó người ta biên soạn, phê duyệt, nhưng mà trường khác khi mà em đó muốn học lên Trung cấp nghề, thì người ta nói: à, trường này chương trình khung nó không bảo đảm. Ở chương trình phê duyệt không bảo đảm thì người ta không có thu nhận thì như thế nào? Thành ra để tạo điều kiện cho người học nghề tiếp tục việc học nghề về Trung cấp thì cần phải có chương trình khung của trình độ sơ cấp.

Tiếp theo là Điều 23, về bằng tốt nghiệp Trung cấp nghề, nói là học sinh học hết chương trình trung cấp nghề, người đã tích luỹ đủ kiến thức và kỹ năng thực hành chương trình trung cấp nghề trong quá trình làm việc có đủ điều kiện thì dự thi. Tôi nghĩ cái này tích luỹ kiến thức thì mình hiểu rồi, nhưng ai chứng nhận cho người này là đã tích luỹ kiến thức đủ rồi, cái này cần phải quy định thêm. Tôi nghĩ là quy định về trách nhiệm để người chứng nhận cho người tiếp tục học Trung cấp nghề này như thế nào thì cần phải quy định rõ, có thể là doanh nghiệp hay có thể là nơi mà người lao động làm việc, cái này phải quy định rõ trong luật.

Một Điều nữa là Điều 37, chấm dứt hợp đồng học nghề.

Khoản 1 là người học nghề đơn phương chấm dứt hợp đồng học nghề thì không được trả lại học phí, trong trường hợp người học nghề đi nghĩa vụ quân sự hoặc do ốm đau, thai sản, không đủ sức khỏe hoặc do gia đình khó khăn không thể tiếp tục học nghề thì được trả phần học phí đã đóng trong thời gian học nghề còn lại. Tôi đề nghị, cái này phải có giấy chứng nhận của cơ quan y tế hoặc là chính quyền địa phương, để chứng nhận là người học nghề làm nghĩa vụ quân sự hoặc là người học nghề đang ốm đau, thai sản thì phải có giấy chứng nhận của chính quyền địa phương hoặc của cơ quan y tế.

Khoản 2, Điều 37 cơ sở dạy nghề đơn phương chấm dứt hợp đồng học nghề phải báo cho người học nghề biết trước 3 ngày làm việc, tôi đồng ý và trả lại toàn bộ học phí đã thu. Nhưng cần phải bồi thường cho người học nghề, tại vì học nghề là những người nghèo, học nghề thì phải đi vay mượn tiền, ăn ở họ phải chi phí, nếu cơ sở dạy nghề đơn phương chấm dứt hợp đồng thì phải bồi thường thiệt hại cho họ về chi phí thì mới công bằng. Mức bồi thường phải là hai bên thỏa thuận ngay trong hợp đồng học nghề, tôi đề nghị phải có điều kiện đó.

Ở Điều 46 là Hiệu trưởng trường trung cấp nghề, Hiệu trưởng cao đẳng nghề, Điểm a là có phẩm chất đạo đức tốt và qua giảng dạy hoặc tham gia quản lý dạy nghề ít nhất là 5 năm. Tôi nghĩ cái này không cần thiết, vì hiện nay chúng ta xã hội hóa rồi thì người quản lý nghề có tâm huyết thì người ta có thể thành lập trường nghề tư. Nếu mà 5 năm như vậy có khả thi hay không? Tôi đề nghị nên 3 năm, 3 năm nếu người đó người ta có quản lý tốt thì người ta có thể mở trường tư về dạy nghề hay trung cấp nghề, nếu mình nói 5 năm rất cao, rất khó. Tôi đồng ý với một số đại biểu nói bây giờ hiệu trưởng trường trung cấp nghề có bằng tốt nghiệp đại học, còn hiệu trưởng trường dạy nghề cao đẳng có bằng thạc sỹ, có nên hay không? Việc này tôi nghĩ có thể có bằng tốt nghiệp đại học là được rồi để chúng ta xã hội hoá công tác dạy nghề này. Chứ nếu chúng ta quy định như vậy rất khó cho những người mà người ta muốn mở trường dạy nghề. Điều 57, tôi rất tán thành nhưng cái này cũng khó thực hiện, nếu doanh nghiệp người ta không thực hiện thì như thế nào, cần phải có chế tài để doanh nghiệp thực hiện. Nếu chúng ta đưa vào trách nhiệm ở đây thì phải có chế tài cho doanh nghiệp đào tạo lại nghề cho người, chứ nếu không khéo họ thấy trình độ của người lao động không đáp ứng nổi thì họ sa thải và họ sẽ thu nhận người khác vào. Tôi đề nghị phải có chặt chẽ hơn trong các biện pháp chế tài ở Điều 57.

Các văn bản liên quan