Ý kiến của ĐBQH Nguyễn Kim Cúc – Tỉnh Long An

Thứ Sáu 10:03 10-11-2006
Kính thưa Quốc hội!

Qua nghiên cứu Tờ trình của Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội và Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật về dự án Luật Phòng, chống bạo lực trong gia đình, tôi xin có một số ý kiến như sau:

Vấn đề thứ nhất, trước hết, tôi đồng tình với Tờ trình của Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội về thực trạng bạo lực trong gia đình xảy ra khá phổ biến trong xã hội ta hiện nay, nhưng chưa được thu thập, thống kê số liệu chính xác, như tình trạng bạo lực giữa vợ, chồng, giữa ông, bà, cha, mẹ với con cháu, giữa anh, chị em với nhau. Nguyên nhân thì có nhiều, như về kinh tế khó khăn, thiếu hiểu biết pháp luật, tình trạng bất bình đẳng về giới hay ảnh hưởng tư tưởng phong kiến gia trưởng. Nhưng theo tôi, còn 1 nguyên nhân quan trọng do tình trạng suy thoái đạo đức trong một bộ phận nhân dân, do mặt trái của cơ chế thị trường đưa đến sự mâu thuẫn sâu sắc trong gia đình như tranh giành quyền lợi, làm cho tình thân ruột thịt trong gia đình bị sứt mẻ, đưa đến những vụ phạm tội rất nghiêm trọng giữa những người thân trong gia đình. Theo báo cáo của ngành công an hiện nay, tội phạm vì nguyên nhân xã hội, trong đó có nguyên nhân mâu thuẫn gia đình có chiều hướng gia tăng.

Do đó, tôi tán thành với Uỷ ban Về các vấn đề xã hội về sự cần thiết  phải ban hành Luật Phòng, chống bạo lực trong gia đình, cần thiết phải xây dựng và nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng dân cư, các đoàn thể, các tổ chức xã hội, cùng với chính quyền, qua đó không những góp phần bảo vệ hạnh phúc, phát triển  sự lành mạnh của mỗi gia đình, mà còn góp phần cho sự phát triển xã hội. Nhưng theo tôi, nếu muốn luật ban hành ra có tính khả thi, thì Ban soạn thảo cần xem xét những vấn đề liên quan đến luật đã ban hành trước như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Hôn nhân gia đình, Luật bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em, Pháp lệnh người cao tuổi, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính v.v... Tôi ví dụ nếu bạo lực gia đình gây hậu quả đến thương tích tử vong cho người trong gia đình gây ra, thì không chỉ áp dụng Luật bạo lực gia đình mà còn áp dụng đến Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, do đó tôi đề nghị Ban soạn thảo cần dự kiến tình huống đưa đến bạo lực gia đình để đưa vào điều chỉnh Luật cho phù hợp.

Về tên gọi của Luật, tôi cũng đồng tình với tên gọi của Luật là Luật phòng, chống bạo lực gia đình vì tên gọi này phổ biến, nhân dân dễ hiểu.

Về phạm vi áp dụng tôi đồng ý với Dự thảo Luật, về phạm vi áp dụng đối với thành viên gia đình đã được quy định trong Luật hôn nhân gia đình, thành viên gia đình là những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc do quan hệ nuôi dưỡng làm phát sinh các nghĩa vụ và quyền lợi giữa họ với nhau.

Tôi cũng đồng ý ở Điều 41 Dự thảo Luật nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ, chồng hoặc vợ chồng đã ly hôn có hành vi quy định tại Điều 3 của luật này thì cũng áp dụng như Dự thảo Luật đối với thành viên gia đình. Vì thực tế hiện nay bạo lực gia đình cũng rơi vào những trường hợp đối với thành viên gia đình hoặc vợ, chồng không đăng ký kết hôn hoặc đã ly hôn .

Lý do nữa là đưa vào luật này sẽ điều chỉnh được tất cả các hành vi bạo lực gia đình và Luật mới đi vào cuộc sống.

Vấn đề thứ hai, theo quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Tờ trình có nêu phát huy vai trò cá nhân, gia đình và cộng đồng trong phòng, chống bạo lực gia đình, chú trọng các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình tại cộng đồng, kịp thời phát hiện sớm và có giải pháp ngăn chặn, răn đe hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ nạn nhân, tránh để xảy ra bạo lực gia đình gây hậu quả nghiêm trọng.

Quan điểm này cũng được cụ thể hoá ở Điều 4 về nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình và cụ thể ở Chương II, về phòng, ngừa bạo lực gia đình. Nhưng theo tôi Chương phòng, ngừa bạo lực gia đình thiết kế như dự thảo luật là quá ngắn, còn chung chung, chưa rõ trách nhiệm tham gia của cá nhân, gia đình, cộng đồng về phòng, ngừa bạo lực gia đình trước khi bạo lực gia đình xảy ra, nhằm ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình. Tôi đề nghị, ngoài việc thông tin, tuyên truyền giáo dục phòng, chống bạo lực gia đình, cần thiết phải có điều, khoản khuyến khích người đang có nguy cơ bạo lực gia đình thổ lộ với người có trách nhiệm của các đoàn thể mà người đó là hội viên, đoàn viên để giúp đỡ. Trách nhiệm của những người xung quanh trong cộng đồng, của những người đứng đầu chi hội, chi đoàn ở cơ sở, các khu phố tham gia vào giải quyết những mâu thuẫn, xung đột có nguy cơ đưa đến bạo lực gia đình. Dự thảo luật cần tạo ra cơ chế cho nhân dân ở cơ sở có thể tham gia ngăn chặn bạo lực gia đình, đồng thời có trách nhiệm phát hiện, báo cáo những vụ việc mâu thuẫn trong gia đình cho người có trách nhiệm, để cùng nhau bàn bạc, giải quyết xung đột trước khi những hành vi bạo lực gia đình xảy ra.

Ở Điều 11, về thông tin tuyên truyền, phòng, chống bạo lực gia đình. Tôi đồng ý với mục đích thông tin tuyên truyền, giáo dục, phòng, chống bạo lực gia đình, nhằm thay đổi nhận thức, hành vi về bạo lực gia đình, góp phần tiến tới xoá bỏ bạo lực gia đình và nâng cao trách nhiệm, nhận thức về truyền thống đạo đức tốt đẹp của gia đình. Nhưng nội dung thông tin tuyên truyền còn thiếu các nội dung quan trọng, cần tuyên truyền thường xuyên là Luật hôn nhân gia đình, Luật chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em, Pháp lệnh người cao tuổi, Luật hình sự, Luật dân sự, v.v... Đề nghị dự thảo luật cần đưa các luật này vào trong nội dung thông tin, tuyên truyền. Ở Khoản 5, Điều 11 có đề cập đến cơ quan quản lý Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình Trung ương, nhưng dự thảo luật chưa xác định là cơ quan nào, đề nghị nên xác định cơ quan quản lý Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình. Tôi đề xuất cơ quan này là Ủy ban dân số, gia đình và trẻ em, hiện nay đã có hệ thống ở từng cấp và ở cơ sở xã, phường, thị trấn là Ban dân số, gia đình, trẻ em là phù hợp.

Vấn đề thứ ba về sự tham gia của các đoàn thể và tổ chức xã hội. Hiện nay hệ thống tổ chức các đoàn thể và các tổ chức xã hội tương đối chặt chẽ từ Trung ương tới cơ sở và ấp, khu phố. Do đó dự thảo luật cần quan tâm đến việc hệ thống tổ chức đoàn thể và tổ chức xã hội và luật hóa trách nhiệm của họ trong việc phòng, chống bạo lực gia đình. Đối với người bị bạo lực gia đình là hội viên các đoàn thể, các tổ chức xã hội có chức năng bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, hội viên của mình. Không những quyền lợi về chính trị, kinh tế, xã hội còn quyền lợi về nhân thân của đoàn viên, hội viên đó. Do đó các tổ chức đoàn thể xã hội cần có trách nhiệm tham gia giải quyết bạo lực gia đình khi hội viên, đoàn viên của mình bị xâm hại.

Mặt khác đối với những người có hành vi bạo lực gia đình mà người đó là đoàn viên, hội viên của đoàn thể nào đó, thì đoàn thể và tổ chức xã hội đó phải có biện pháp ngăn ngừa, giáo dục, thuyết phục hội viên, đoàn viên mình. Khi cần thiết thì phải đưa ra cuộc họp đoàn thể, tổ chức xã hội ở cơ sở để kiểm điểm, răn đe nhằm giảm bớt hành vi đưa đến bạo lực gia đình. Do đó tôi đề nghị dự thảo luật cần đưa vào trách nhiệm của tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Vấn đề thứ tư, về hoà giải mâu thuẫn và tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình ở Điều 13. Hiện nay ngành tư pháp và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có phối hợp trong việc tổ chức và hoạt động các tổ hoà giải ở cơ sở ấp và khu phố. Trong thời gian qua các tổ hoà giải ở ấp và khu phố hoạt động rất hiệu quả, nhiều tổ hoà giải đã tổ chức hoà giải thành nhiều vụ việc ở cơ sở, góp phần củng cố tình làng, nghĩa xóm ở cộng đồng dân cư. Tôi đề nghị cần quy định rõ thêm nhiệm vụ của tổ hoà giải hiện nay ở cơ sở, tạo pháp lý để tổ chức hoà giải có điều kiện tham gia hoà giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình.

Vấn đề thứ năm, giáo dục tại cộng đồng ở Điều 14. Tôi đồng tình với biện pháp giáo dục tại cộng đồng đối với người có hành vi bạo lực gia đình. Giáo dục tại cộng đồng áp dụng đối với những vi phạm bạo lực gia đình chưa đến mức bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, nhằm ngăn ngừa nguy cơ tiếp tục xảy ra bạo lực gia đình không phải là vi phạm hành chính. Nhưng đề nghị cần quy định rõ quy trình đưa người vi phạm ra giáo dục tại cộng đồng. Ví dụ, vi phạm như thế nào thì đưa ra giáo dục tại cộng đồng, ai đề nghị và quyết định thành phần tham gia cuộc họp, ai là người trực tiếp triệu tập người có hành vi bạo lực gia đình, nếu họ không chấp hành thì giải quyết ra sao? Cần quy định rõ chỉ có trưởng ấp, khu phố, thôn, làng, ấp, bản phối hợp với Ban công tác mặt trận khu dân cư cùng cấp có trách nhiệm đưa ra biện pháp giáo dục tại cộng đồng. Vì Ban công tác mặt trận có đầy đủ thành phần như đại diện chi uỷ, chi đoàn, chi hội ở ấp, khu phố, không nên đưa tổ trưởng hoặc là tổ dân phố, hoặc cụm trưởng tiến hành chủ trì, tiến hành giáo dục, ra biện pháp giáo dục tại cộng đồng. Đề nghị có thêm công an viên ở ấp, khu phố, vì đồng chí này phụ trách an ninh, trật tự tại ấp, khu phố, đại diện tổ hoà giải vào trong thành phần quyết định giáo dục người vi phạm tại cộng đồng.

Vấn đề thứ sáu, về cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình ở Điều 23, dự thảo luật đưa ra 5 hình thức cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình, gồm có: cơ sở y tế của Nhà nước, cơ sở bảo trợ của Nhà nước, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình , cơ sở tư vấn về bạo lực gia đình và địa chỉ tin cậy ở cộng đồng. Nếu không quy định chặt chẽ thì luật sẽ không khả thi. Tôi đề nghị dự thảo luật cần quy định cụ thể hơn ở từng cơ sở, ví dụ như cơ sở y tế Nhà nước ở cấp nào thì được trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình. Hiện nay các cơ sở y tế Nhà nước đã quá tải, nếu giao cho cơ sở y tế Nhà nước trợ giúp nạn nhân thì cơ sở Nhà nước chỉ có thể chăm sóc sức khỏe cho người bị bạo lực gia đình.

Còn việc tư vấn tâm lý thì phải có người chuyên môn và tâm huyết. Về chỗ ở, cơ sở y tế không có đủ thời gian và điều kiện để lo cho người bị bạo lực gia đình, ngoài vấn đề sức khỏe. Theo tôi, nên giao cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phối hợp với các đoàn thể ở xã, phường, thị trấn, bố trí nơi ở cho nạn nhân bạo lực gia đình.

Về địa chỉ tin cậy của cộng đồng, nên giao cho các đoàn thể thành lập tại cộng đồng, đề nghị cần quy định rõ vai trò, quyền và trách nhiệm của địa chỉ tin cậy, nếu được tổ chức tốt thì tôi tin rằng địa chỉ tin cậy sẽ phát huy tốt đối với vai trò của đoàn thể trong việc phòng, chống bạo lực gia đình. Tôi xin hết

Các văn bản liên quan