Ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thanh Bình – Tỉnh Bắc Ninh

Thứ Sáu 10:05 10-11-2006

Kính thưa Quốc hội,

Sau đây tôi xin phép được góp ý vào một số điều của Dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình.

Bạo lực gia đình là một hiện tượng xã hội cần được nên án và đã đến lúc chúng ta không thể im lặng mãi trước tình trạng bạo lực gia đình ngày một gia tăng, vì thực tế nó ngày càng phát triển, ngày càng gia tăng. Bạo lực gia đình đã để lại những hậu quả nặng nề, tác động xấu đến đời sống xã hội, truyền thống gia đình và gây hậu quả về kinh tế và vi phạm quyền con người. Tình trạng bạo lực gia đình không còn là một vấn đề riêng tư của từng gia đình nữa, mà đã có những trường hợp tình trạng bạo lực gia đình vượt quá mức và gây ảnh hưởng nặng nề về thể chất và tinh thần của người bị bạo lực, thậm chí là nguyên nhân dẫn đến tự tử hoặc tử vong của nhiều đối tượng bị bạo lực gia đình.

Bạo lực gia đình có thể được thể hiện ở nhiều mức độ khác nhau và do đó cần có biện pháp xử lý khác nhau đối với từng hành vi bạo lực gia đình. Với những nhận thức như trên, tôi hoàn toàn nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình như trong Tờ trình của Ban soạn thảo và tôi xin tham gia vào một số ý kiến cụ thể trong Dự thảo Luật như sau.

Thứ nhất, về đối tượng áp dụng Điều 1, Điều 41 và Điều 42 tôi cho rằng Dự thảo Luật áp dụng cho tất cả các đối tượng là nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ, chồng, hoặc vợ, chồng đã ly hôn nhưng trở lại chung sống với nhau mà không đăng ký kết hôn lại. Vì những lý do sau, tôi không đồng ý với ý kiến cho rằng việc quy định như trong Dự thảo Luật vô hình chung khuyến khích tình trạng hôn nhân thực tế, bởi vì đó là hôn nhân thực tế là một hiện tượng hiện hữu đang xảy ra trong xã hội mà chúng ta không thể lẩn tránh được khi xã hội phát triển, khi hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời với nó là hội nhập về văn hóa và lối sống. Tình trạng hôn nhân thực tế là mặt trái của sự phát triển xã hội, chính vì vậy mà chúng ta phải biết chấp nhận nó và không thể cho rằng nó không tồn tại. Chính vì những lý do là nó đang còn hiện hữu trong đó, cho nên luật phải điều chỉnh, nhằm bảo vệ hàng nghìn các đối tượng có tình trạng hôn nhân và bị bạo lực gia đình.

Tôi xin làm phép tính như trong Báo cáo của Bộ Tư pháp đến ngày 5/1/2005 cả nước có trên 170.000 trường hợp hôn nhân thực tế. Qua khảo sát cũng cho thấy tỷ lệ bạo lực trong gia đình là 2,3% có bạo lực về thể chất, 25% có bạo lực về tinh thần và 30% có hiện tượng ép buộc quan hệ tình dục. Vì vậy trong số hơn 170.000 trường hợp nêu trên thì có đến vài chục nghìn các đối tượng bị bạo lực gia đình, đó là chưa kể số hôn nhân thực tế trong xã hội có thể lớn hơn con số 170.000. Cũng còn một lý do nữa là tình trạng bạo lực gia đình ở những trường hợp hôn nhân thực tế sẽ cao hơn mức bình quân của xã hội. Chính vì vậy mà tôi cho đến cả các trường hợp hôn nhân thực tế, cũng là một hình thức nhằm bảo vệ đến hàng nghìn đối tượng bị bạo lực gia đình ở những trường hợp này. Và điều đó là hoàn toàn cần thiết.
Vấn đề thứ hai về hành vi bị nghiêm cấm, tôi đồng ý với 7 khoản được quy định trong Điều 10. Tôi xin phép được bổ sung thêm một hành vi bị nghiêm cấm nữa, đó là cấm khai báo không trung thực về hành vi bạo lực gia đình. Bởi vì cũng có trường hợp bạo lực gia đình xảy ra, nhưng người có hành vi bạo lực gia đình đã cấm những người khác không khai báo, hoặc những người khác cố tình không khai báo với các cấp có thẩm quyền, thì hành vi này hoàn toàn bị nghiêm cấm.

Khoản 3 về quy định việc cấm sử dụng thông tin, hình ảnh nhằm kích động bạo lực gia đình. Tôi đề nghị không chỉ cấm việc sử dụng, nên cấm cả việc truyền bá thông tin gây kích động bạo lực gia đình. Cho nên Khoản 3 được sửa lại như sau: "Cấm sử dụng và truyền bá thông tin, hình ảnh làm kích động bạo lực gia đình".

Điểm 5 của Điều 10, tôi bổ sung thêm một hành vi bị nghiêm cấm nữa, đó là cản trở việc khai báo các hành vi bạo lực gia đình. Do đó, Điểm 5 được sửa lại là: "Cấm cản trở việc phát hiện, khai báo và xử lý hành vi bạo lực gia đình".

Thứ ba, các biện pháp cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình ở Điều 18, 19. Như đã đề cập ở phần đầu của bài viết, tôi cho rằng hành vi bạo lực gia đình đã được thể hiện ở nhiều mức độ khác nhau và nó có thể có những ảnh hưởng lớn đến thể chất và tinh thần, thậm chí đe doạ tính mạng của nạn nhân bạo lực gia đình. Vì vậy, tôi cho rằng trong những trường hợp cần thiết, khi có yêu cầu của nạn nhân bạo lực gia đình cần tiến hành các biện pháp cấm tiếp xúc. Có lẽ trong thực tế không phải bất cứ trường hợp bạo lực gia đình nào cũng phải sử dụng đến biện pháp này, chỉ khi biện pháp cấm tiếp xúc với nạn nhân sẽ đặc biệt có ý nghĩa trong trường hợp bạo lực gia đình kéo dài và có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng và sức khoẻ của nạn nhân.

Điều 18, 19 có quy định cụ thể những trường hợp cấm tiếp xúc do Ủy ban nhân dân xã ban hành, các trường hợp theo quyết định của  Tòa án, theo đó Ủy ban nhân dân xã có quyết định cấm tiếp xúc trong thời hạn 3 ngày, Tòa án tuyên án cấm tiếp xúc trong thời gian 4 tháng. Hai khoảng thời gian này là khác nhau, giá trị pháp lý cũng khác nhau, nhưng trong dự thảo luật không quy định về sự khác nhau mức độ trầm trọng của bạo lực gia đình. Khoản 2, Điều 18 và Khoản 2, Điều 19, có chăng chỉ là sự khác nhau có hay không có nơi ở tách biệt giữa hai đối tượng, người có hành vi bạo lực gia đình và nạn nhân. Tôi cho rằng, thể hiện như trong dự thảo luật là chưa thỏa đáng, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm. Trường hợp cấm tiếp xúc của Tòa án thì mức độ đe dọa tính mạng hoặc mức độ trầm trọng của hành vi bạo lực gia đình phải lớn hơn trường hợp cấm tiếp xúc 3 ngày của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã phường.

Về thời hạn ra quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường ở Khoản 2, Điều 18 tôi đồng ý với ý kiến của đại biểu Hoàng Kim Mai và không phân tích thêm. Tôi cho rằng, thời hạn cấm tiếp xúc của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã cần phải kịp thời, hơn 12 giờ là quá dài, cần phải cấm tiếp xúc ngay sau khi có yêu cầu của nạn nhân khi thấy yêu cầu đó hoàn toàn chính đáng, chủ tịch Ủy ban nhân dân xã phải có quyết định cấm tiếp xúc ngay. Nếu trong thời hạn 12 giờ như đại biểu Kim Mai phân tích thì tôi cho quá dài, không thỏa đáng.

Điểm thứ tư, về xử lý hành vi bạo lực gia đình, Điều 35 có ghi về xử lý những người có hành vi bạo lực gia đình, trong đó Khoản 2 có quy định: "Cán bộ công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân có hành vi bạo lực gia đình, ngoài việc bị xử lý hành chính theo quy định của Khoản 1 điều này, còn bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý để giáo dục". Tôi đã xem xét tất cả 44 điều của Dự thảo Luật tôi thấy không có điều nào quy định hình thức giáo dục tại cơ quan của người có hành vi bạo lực gia đình này như thế nào. Vậy thì quy định như thế này có khả thi hay không, người có hành vi gây bạo lực gia đình sẽ được giáo dục ở nơi làm việc như thế nào và bằng hình thức nào. Trong Dự thảo Luật không ghi mà chỉ ghi một điều chung chung như thế này tôi cho rằng rất khó khả thi. Tôi đề nghị Ban soạn thảo phải nghiên cứu thêm về vấn đề này.

Về toàn bộ Chương V có quy định các biện pháp xử lý đối với những trường hợp mức gây bạo lực gia đình chỉ ở mức giáo dục tại cộng đồng, nhưng không có quy định rằng trong trường hợp người có hành vi bạo lực gia đình có quyết định phải giáo dục tại cộng đồng đó, mà người ta chống đối thì xử lý tiếp theo như thế nào, có xử phạt vi phạm hành chính hay không, hay có biện pháp xử phạt nào khác không, thì trong Dự thảo Luật này không quy định rõ, tức là khi người ta có quyết định là phải giáo dục tại cộng đồng, nhưng người ta không thực hiện thì biện pháp xử lý tiếp theo của hình thức đó sẽ như thế nào. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ thêm, tôi có xem thêm về Nghị định hướng dẫn của Chính phủ, trong Nghị định hướng dẫn có quy định rằng trong trường hợp giáo dục tại cộng đồng đối với người có hành vi bạo lực gia đình thì có thể có mặt hoặc không có mặt của người có hành vi bạo lực gia đình. Tôi cho là không được, bởi vì đã giáo dục tại cộng đồng tức là giáo dục người có hành vi bạo lực gia đình. Vậy thì anh ta phải có mặt tại nơi làm biện pháp giáo dục anh ta, chứ không thể cho phép anh ta vắng mặt được. Tôi cho rằng quy định như trong Nghị định của Chính phủ là chưa thoả đáng.

Điều 5, về cơ quan quản lý Nhà nước. Tôi đề nghị, trong Điều 30 nên quy định rõ rằng Uỷ ban Dân số, gia đình và trẻ em là cơ quan quản lý Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình ở Trung ương.

Tôi cho rằng việc giao cho Uỷ ban này về quản lý Nhà nước phòng, chống bạo lực gia đình là hoàn toàn hợp lý, và cũng trong Nghị định Chính phủ, tại Điều 2 cũng đã quy định Uỷ ban Dân số, gia đình và trẻ em ở Trung ương là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, thì không cớ gì ta lại không quy định ở trong luật.

Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan