Ý kiến của ĐBQH Tô Minh Giới – Tỉnh Cần Thơ

Thứ Sáu 10:01 10-11-2006
Kính thưa Quốc hội

Tôi tán thành ban hành Luật phòng chống bạo lực gia đình và nếu Luật này được xây dựng tốt, nội dung phù hợp thì tôi cho rằng có tác dụng rất tích cực trong việc điều chỉnh hành vi, các mối quan hệ giữa người với người trong gia đình, cộng đồng và xã hội đồng thời thể hiện tính nhân văn rất sâu sắc góp phần bảo vệ hạnh phúc, bảo vệ quyền của con người được pháp luật quy định.

Thực trạng về bạo lực gia đình ở nước ta hiện nay theo Báo cáo của Uỷ ban thẩm tra, đây là một nguy cơ cho rất nhiều gia đình tác động xấu đến cộng đồng và xã hội, nhiều vụ việc xảy ra rất thương tâm làm đổ vỡ gia đình chung quy cũng vì ghen tuông, bất đồng ý kiến trong quan hệ kinh tế, đời sống vợ chồng v.v... Từ đó phát sinh mâu thuẫn dẫn đến bạo lực và bạo lực xảy ra chủ yếu trong quan hệ vợ chồng do quan điểm sống, người chồng nắm quyền lực và các thành viên khác trong gia đình phải phụ thuộc, đặc biệt là người phụ nữ với thân phận làm vợ nhất là trong những gia đình xảy ra bạo lực thì luôn bị xỉ nhục, hành hạ kể cả thể xác và tinh thần, thậm chí có những trường hợp mâu thuẫn đến đỉnh điểm là giết hại lẫn nhau, có những trường hợp chồng giết cả vợ lẫn con. Cho nên buộc pháp luật phải ra tay can thiệp, việc ban hành Luật này tôi cho rằng rất phù hợp, rất cần thiết. Tôi nhất trí lấy tên Luật là Luật phòng, chống bạo lực gia đình.

Vấn đề thứ hai, qua nghiên cứu tôi thấy Luật này rất phù hợp, nhưng có điều rất đáng tiếc là nội dung của các điều luật có nhiều điều chưa ổn, chưa thuyết phục và nếu ban hành thì nhiều điều khoản không khả thi. Tôi cũng có rất nhiều điểm đồng tình và chia sẽ với Uỷ ban thẩm tra, chỗ Uỷ ban thẩm tra luật này, tôi cho rằng luật này nó cũng mang tính đặc thù riêng và nó thể hiện tính giáo dục rất cao, cho nên cần phải lấy giáo dục làm gốc, và lấy giáo dục làm phương tiện để cảm hoá con người, lấy giáo dục để điều chỉnh hành vi con người.

Về đối tượng áp dụng của luật này, chủ yếu là điều chỉnh trong mối quan hệ vợ chồng, tức là quan hệ giữa người với người, cho nên phải được nghiên cứu một cách sâu sắc, kỹ lưỡng hơn để áp dụng các điều, khoản, liên quan của một số luật khác như: Luật hôn nhân gia đình, Luật dân sự, Luật hình sự chẳng hạn.

Thứ ba, theo quan điểm của tôi về xây dựng luật này thì phải dựa trên định hướng tích cực và những điều, khoản quy định phải phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện sống của con người, và điều kiện kinh tế của đất nước, đặc biệt là tính phong tục, tập quán của dân tộc ta ở mỗi vùng, miền. Sau khi nghiên cứu thì tôi thấy có một điều rất băn khoăn là gần như dự thảo luật này nó nặng về tính từ thiện, nặng về tính trợ giúp, hỗ trợ nạn nhân, và thể hiện sự lúng túng, bị động và mang tính đối phó nhiều hơn. Theo tôi, nên điều chỉnh theo hướng lấy giáo dục là chính, như tôi nói lấy giáo dục để phòng ngừa, và đặc biệt là giáo dục ý thức, trách nhiệm đối với công dân, lấy giáo dục để thay đổi hành vi, răn đe, và truy cứu trách nhiệm hình sự gây ra bạo lực có tính chất nguy hiểm. Đây là biện pháp giáo dục cao nhất và Luật phòng, chống bạo lực gia đình theo tôi phòng ở đây muốn nói ý thức trách nhiệm về cả hai phía, cố gắng điều chỉnh hành vi không để xảy ra xung đột. Phòng là ở chỗ đó, chứ không phải phòng là để tránh né, trong dự luật này phòng mang tính chất tránh né là nhiều, bị động giống như ta chạy bão, chạy giông tố.

Tôi rất nhất trí với đại biểu Kim Cheng (An Giang) là cần xem lại việc làm nhà tạm, nhà lánh nạn và cả việc thành lập cơ sở bảo trợ xã hội v.v... Trong này có một điều quy định mà tôi thấy nó không phù hợp, những cơ sở hỗ trợ nạn nhân, là những cơ sở hoạt động nhân đạo, không vụ lợi, trong lúc đó chúng ta phải yêu cầu là phải đảm bảo về nhân lực, đảm bảo về chuyên môn, điều kiện làm việc, đảm bảo về trang thiết bị v.v... Tôi thấy cái đó không phù hợp, đặc biệt cho Điều 25, quy định như vậy thì chắc chắn không ai làm, nếu có làm thì chắc ít người biết đến, người bị bạo lực có thể đến nhờ làng xóm che chở, dòng họ, thân nhân gia đình chứ còn ít ai đến, chỗ này nên nghiên cứu lại.

Một số quy định khác như Điều 29, Khoản c quy định. "Mặt trận phải giám sát” hay phụ nữ phải tổ chức dạy nghề để bảo trợ nạn nhân. Đây là một hình thức thay đổi hành vi ngược và nó không phù hợp, không khéo nhầm lẫn, có khi người bị hại, người bị bạo lực kiện Quốc hội mình. Tôi là nạn nhân cần được pháp luật bảo vệ, không khéo lại nhầm lẫn loại chây lười, thất nghiệp, vi phạm phẩm chất gì đó được hỗ trợ nghề nghiệp. Chỗ này hỗ trợ nghề nghiệp tôi thấy có gì đó không sát hợp, cần xem lại điểm c, Khoản 2, Điều 29.

Điều 18 tôi rất nhất trí xem lại chỗ "cấm tiếp xúc", chỗ này không phù hợp, có đại biểu đã phát biểu rồi tôi xin không nói lại. Kể cả Điều 36 là phạt tiền, điểm b, Khoản 2, chỗ này mình phạt thì không khéo nạn nhân phải chịu, vì chồng làm thì vợ chịu, phạt chồng thì mất của vợ.

Chỗ này tôi thấy cũng không phù hợp, nên xem lại vì tính đặc thù của luật này chúng ta phải xem lại chỗ đó. Và tôi đề nghị bỏ cụm từ "cưỡng ép lao động quá sức" ở Khoản 1, Điều 3. Vì trong bạo lực gia đình thì không bao giờ chống ép vợ làm quá sức, cha mẹ có ép con làm quá sức đâu, tôi thấy không phù hợp. Đồng thời tôi đề nghị bỏ luôn Khoản 5 về cưỡng ép quan hệ tình dục, tôi thấy không cần như các đại biểu phát biểu. Và cả Điều 41nói về đăng ký kết hôn và chung sống như vợ chồng, chỗ này tôi đề nghị nên điều chỉnh ở luật khác thì phù hợp hơn.
Cuối cùng ở Chương 30 nói về trách nhiệm cơ quan quản lý Nhà nước, theo tôi cần quy định hết sức cụ thể ở từng cấp, từng thôn ấp xóm, khu vực đến xã phường, thị trấn, quận huyện, thành phố, tỉnh v.v... trách nhiệm như thế nào, quy định cụ thể phạm vi quyền hạn cho rõ hơn để chúng ta dễ tiến hành trong việc phân công, phân cấp trách nhiệm. Tóm lại trong việc xây dựng Luật phòng, chống bạo lực gia đình tôi thấy hết sức cần thiết nhưng phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nội dung thể hiện đầy đủ hơn, chính xác hơn và được nghiên cứu kỹ, đặc biệt phù hợp với thực tiễn của đất nước ta thì luật này có thể khả thi hơn. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan