Ý kiến của ĐBQH Huỳnh Minh Hoàng – Tỉnh Bạc Liêu

Thứ Năm 10:01 09-11-2006


Kính thưa Chủ toạ kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,

Qua nghiên cứu Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Khoa học, công nghệ và Môi trường, và dự án Luật chất lượng sản phẩm, hàng hoá. Tôi xin có một số ý kiến sau đây, ý kiến của tôi tập trung vào ba vấn đề:

Thứ nhất, vấn đề chung, vấn đề xin ý kiến, vấn đề cụ thể. Về vấn đề chung, dự án Luật chất lượng sản phẩm, hàng hoá được trình bày trước Quốc hội tại kỳ họp này, về cơ bản đã đảm bảo sự thống nhất giữa các văn bản pháp luật, trong hệ thống pháp luật nước ta. Nội dung của Dự thảo luật đạt 2 mục tiêu.

Thứ nhất, Luật giải quyết trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng xử lý các vi phạm về chất lượng hàng hoá. Có nghĩa là người tiều dùng được sử dụng hàng hoá an toàn, hàng hoá không gây hại đến sức khoẻ, tính mạng, đồng thời không gây hại đến động, thực vật, tài sản và môi trường. Người tiêu dùng cũng được sử dụng hàng hoá có chất lượng tốt để bảo vệ và được bồi thường thiệt hại khi hàng hoá chất lượng kém, hoặc không an toàn. Trở lại những vụ việc xuất hiện trong thời gian qua, điển hình là xăng có chứa aceton, chúng ta tuy có bồi thường thiệt hại, nhưng biện pháp xử lý vi phạm chưa đủ mạnh. Vì thế trong luật này phải quy định mạnh mẽ hơn.

Mục tiêu thứ hai, Luật giải quyết nhiệm vụ nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá Việt Nam. Việc nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá của Việt Nam trước hết là chất lượng của các doanh nghiệp, vì sự tồn tại và phát triển của mình. Nhưng vai trò của Nhà nước cũng rất quan trọng trong quá trình hội nhập WTO, thì vấn đề hỗ trợ cho Nhà nước về mặt tài chính bị ràng buộc và hạn chế, bởi các tranh chấp quốc tế. Do dó Nhà nước phải có những chính sách mà trong Dự thảo luật và trong các tiêu chí, nhất là đào tạo nguồn nhân lực cũng như khuyến khích và đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ, cũng như đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại. Công tác thông tin về khoa học công nghệ và tiêu chuẩn chất lượng, thị trường cho các doanh nghiệp. Do vậy, mục tiêu của Dự thảo luật đã thể hiện về chính sách pháp luật, quản lý chất lượng góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm.

Vấn đề thứ hai là về vấn đề có ý kiến khác nhau, về tên của luật, theo tôi chọn phương án 2 là phù hợp. Đề nghị lấy tên là Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa như dự thảo luật đã nhấn mạnh, việc quản lý chất lượng sản phẩm ngay từ khẩu sản xuất bởi những lý do sau đây:
Lý do thứ nhất, theo cách hiểu thông thường, truyền thống khi nói đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa, hay nói đến chất lượng xấu, chất lượng tốt, nhưng hiểu như thế thì chưa phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, mà Việt Nam chúng ta đang tham gia. Theo tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO thì sản phẩm hàng hóa được coi là có chất lượng nếu đáp ứng 2 điều kiện sau đây:

Một, phù hợp với nhu cầu của người sử dụng, người tiêu dùng.

Hai, tuân thủ yêu cầu của pháp luật về đảm bảo an toàn cho con người, động thực vật, tài sản và môi trường.

Lý do thứ hai, là quản lý chất lượng sản phẩm theo 3 lĩnh vực chủ yếu về lĩnh vực sản xuất sản phẩm, lĩnh vực xuất nhập khẩu và lưu thông trên thị trường là phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Cụ thể là đối với lĩnh vực sản phẩm là nơi tạo ra chất lượng và tính an toàn của hàng hóa cần phải có sự đầu tư của khoa học công nghệ, đồng thời đối với lĩnh vực sản xuất sản phẩm này, cần có biện pháp quản lý của Nhà nước, chủ yếu là các biện pháp có tính chất phòng ngừa, rủi ro của sản phẩm trước khi cho ra thị trường. Lĩnh vực này chưa hình thành quan hệ mua bán, chưa xung đột về quyền lợi giữa các bên. Đối với lĩnh vực lưu thông trên thị trường là nơi tiếp nhận thụ động kết quả của lĩnh vực sản xuất về chất lượng và tính an toàn của hàng hoá, là nơi diễn ra quan hệ mua, bán, phát sinh xung đột, tranh chấp, cần có sự quản lý của Nhà nước là đưa ra các biện pháp khắc phục hậu quả và xử lý vi phạm.

Vấn đề khiếu nại, tố cáo, xử lý tranh chấp, bồi thường thiệt hại giữa người bán và người mua, người sử dụng chủ yếu xuất hiện ở lĩnh vực này.

Đối với lĩnh vực xuất, nhập khẩu. Theo phân tích trên thì lĩnh vực nhập khẩu, có phần gần như lĩnh vực sản xuất sản phẩm hơn là lĩnh vực thị trường. Bởi vì người nhập khẩu đóng vai trò cung cấp hàng hoá cho thị trường giống như người sản xuất. Trong Luật về an toàn của các nước Châu Âu, người nhập khẩu được quy định như là một bộ phận của người sản xuất, còn lĩnh vực xuất khẩu hàng hoá không liên quan đến việc bảo đảm yêu cầu an toàn cho người tiêu dùng. Nhưng lĩnh vực này có ý nghĩa quan trọng về lợi ích kinh tế của quốc gia. Ngoài ra do tính chất và biện pháp quản lý khác nhau đối với từng lĩnh vực sản xuất, xuất, nhập khẩu và thị trường, trong dự thảo luật này đưa ra định nghĩa phân biệt sản phẩm và hàng hoá, theo đó sản phẩm được hiểu là vật dụng được hoàn chỉnh trong quá trình sản xuất, nhưng chưa tham gia thị trường, còn hàng hoá là vật dụng có để được bán ra trong thị trường. Sự phân biệt này được sử dụng trong toàn bộ dự thảo luật, loại trừ hàng hoá phi vật thể.

Từ phân tích trên, tôi tán thành với Tờ trình của Chính phủ lấy tên Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá.

Hai, về phạm vi điều chỉnh. Tôi đề nghị luật nên tập trung vào vấn đề quản lý chất lượng của sản phẩm, hàng hoá từ khâu sản xuất sản phẩm, đến khâu lưu thông trên thị trường, kể cả xuất, nhập khẩu. Đối tượng chịu sự điều chỉnh trong luật này đó là doanh nghiệp Nhà nước và người tiêu dùng. Do đó, Điều 1 phạm vi điều chỉnh sửa lại như sau: Luật này quy định về chất lượng sản phẩm, hàng hoá, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng, trách nhiệm của Nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá.

Ba, về phân nhóm sản phẩm, hàng hoá Điều 6. Theo tôi việc phân nhóm sản phẩm, hàng hóa theo khả năng gây mất an toàn là phù hợp với các văn bản pháp luật về quản lý chất lượng của các nước trong khu vực trên thế giới. Chỉ nên phân thành hai nhóm:

Nhóm 1, sản phẩm, hàng hóa không có khả năng gây mất an toàn.

Nhóm 2, sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn.

Bốn, về tổ chức chứng nhận ở Điều 18, tổ chức thử nghiệm ở Điều 26, tôi nhất trí với ý kiến thẩm tra của Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội. Đề nghị bổ sung vào cuối các khoản này quy định Bộ Khoa học và công nghệ xác định, tổ chức chứng nhận đủ điều kiện, tổ chức thử nghiệm đủ điều kiện, hàng năm công bố danh sách các tổ chức này để các doanh nghiệp tự lựa chọn tổ chức chứng nhận, tổ chức thử nghiệm phù hợp với sản phẩm của mình.

Năm về cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa ở Điều 31, theo tôi trong điều kiện cụ thể ở nước ta hiện nay, cơ quan kiểm tra nên là các cơ quan quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa thuộc Bộ quản lý chuyên ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh như quy định trong dự thảo luật.

Sáu, về phân cấp trách nhiệm quản lý Nhà nước và bộ máy cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa, tôi đề nghị giao chức năng quản lý Nhà nước về chất lượng cho Bộ Khoa học và công nghệ, vì Bộ này có cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa, đó là Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam.

Về ba vấn đề cụ thể:

Một là về đối tượng áp dụng cụ thể ở Điều 2, theo tôi Điều 2 quy định trong dự thảo luật đầy đủ và rõ nghĩa, bao gồm các đối tượng tổ chức cá nhân áp dụng tại Việt Nam, bao gồm cả tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh ở khu chế xuất, nhà đầu tư nước ngoài sản xuất tại Việt Nam, để xuất khẩu như tổ chức cá nhân gia công sản phẩm cho nước ngoài cũng được áp dụng trong Điều 2 này. Nhà nước cần phải quản lý chất lượng, hạn chế tình trạng sản xuất hàng nhái, hàng giả trên khắp nước ta để phục vụ công tác buôn bán trong phạm vi xuyên quốc gia, xuyên lục địa.

Hai là Điều 5 về nguyên tắc quản lý chất lượng, theo tôi cần bổ sung nguyên tắc thứ nhất là nguyên tắc dựa trên tính công khai, minh bạch trong quản lý chất lượng. Và một nguyên tắc phù hợp với WTO, là phải có tính hợp tác quốc tế về quản lý chất lượng để chống hàng nhái, hàng giả xuyên quốc gia, xuyên lục địa.

Ba là phân cấp về chất lượng quản lý Nhà nước ở địa phương, theo tôi dự thảo luật nên quy định bổ sung 2 nội dung sau: Quy định về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Bởi vì hoạt động quản lý chất lượng trên thị trường chủ yếu diễn ra hàng ngày trên địa bàn cơ sở quận huyện, xã, phường. Hai là quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc xây dựng, quy hoạch vùng sản xuất sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng hóa sản xuất phải có nguồn gốc xuất xứ. Điều này phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế, trên đây là những ý kiến của tôi, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan