Ý kiến của ĐBQH Hoàng Văn Xim – Tỉnh Hà Tây

Thứ Năm 10:03 09-11-2006

Kính thưa Quốc hội,

Tình trạng hàng hóa lưu thông trên thị trường hiện nay là một vấn đề rất đáng lo ngại cho người tiêu dùng và đặc biệt là những người tiêu dùng ngú ngớ, như chúng tôi mà ra thị trường thì rất khó xác định được hàng nào là hàng thực, hàng nào là hàng giả. Chính vì vậy mà tôi hoàn toàn đồng tình và nhất trí cần phải ban hành một luật quy định về chất lượng hàng hoá, sản phẩm, để vừa bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người sản xuất kinh doanh, và vừa bảo đảm quyền hợp pháp, quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Tôi hoàn toàn nhất trí với dự án luật này.

Đi vào nội dung của dự án luật, tôi thấy rằng Ban Soạn thảo đã tổng kết, quy định khá chi tiết và đầy đủ về các nội dung và đã điều chỉnh ở trong luật. Riêng tôi, tôi chỉ đề nghị nghiên cứu một vài đắc điểm sau đây:

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh của luật, thì đành rằng, tôi hiểu rằng giữa dịch vụ, sản phẩm và hàng hoá là ba vấn đề liên quan mật thiết với nhau, mặt khác ở trong xã hội thì một vài những dịch vụ, tôi nghĩ rằng cũng rất cần phải được tiêu chuẩn hoá và công khai hoá để đảm bảo chất lượng cung cấp dịch vụ. Ví dụ như dịch vụ về nhà nghỉ chẳng hạn, chúng ta cứ nói rằng khách sạn này là một sao, khách sạn kia là ba sao, năm sao và có khi có khách sạn mệnh danh là ngàn sao, nhưng người dùng thấy rằng nó cũng rất khó để đánh giá được, cho nên tôi thấy rằng một số dịch vụ rất cần được tiêu chuẩn hoá, nhưng suy nghĩ kỹ một tí thì tôi thấy dịch vụ là vấn đề rất phức tạp và khó và hay biến đổi, cho nên vấn đề tiêu chuẩn hoá nó là rất khó. Vì vậy, tôi cũng nhất trí như phạm vi điều chỉnh của Luật, và xin khoanh lại ở 2 vấn đề là quy định về vấn đề chất lượng hàng hoá và sản phẩm, như tên gọi và phạm vi điều chỉnh ở trong dự án, thì tôi hoàn toàn nhất trí.

Thứ hai, về bố cục Dự thảo Luật thì luật này khác với các Luật khác là cấu trúc của Chương II là chính sách của Nhà nước về vấn đề chất lượng hàng hoá và sản phẩm. Tôi nghĩ rằng đây là vấn đề rất cần, song nghiên cứu kỹ về Chương này thì tôi cho rằng về chính sách của Nhà nước mà chủ yếu quy định những định hướng. Ví dụ, như khuyến khích, vấn đề tạo điều kiện v.v... nó cũng chỉ là những định hướng chung chung và khó có thể quy định được những chi tiết cụ thể trong từng giai đoạn.

Cho nên, tôi đề nghị cần nghiên cứu thêm về chương này, nên chăng để cho nó gọn thì chúng ta thu về một điều quy định những khoản cơ bản về đường hướng, về chính sách của Nhà nước đối với lĩnh vực quản lý chất lượng hàng hoá. Bởi vì những cái này nó không thể cụ thể được và nó cũng rất khó có thể thể hiện bằng những hành vi. Cho nên, tôi đề nghị như vậy.
Thứ hai, tôi đề nghị nghiên cứu cần bổ sung vào Luật một điều, tức là quy định về các điều cấm. Bởi vì chúng ta có quy định điều cấm thì mới đủ mạnh để cảnh báo, răn đe với những trường hợp vi phạm và có cơ sở cho vấn đề xử lý các vi phạm về sau này. Ví dụ, như các điều cấm: Cấm lưu thông hàng hoá không đủ chất lượng đã đăng ký hay cản trở việc lưu hành hàng hoá hợp pháp hay như cấm quảng cáo sai so với sự thật v.v... đề nghị nghiên cứu một điều quy định một số những khoản như vậy. Bởi vì trong thực tế tôi thấy nếu các đại biểu theo dõi thì việc quảng cáo hàng hoá trên các phương tiện thông tin đại chúng nhiều khi cũng làm cho dân cũng không hiểu được sản phẩm nào tốt, sản phẩm nào không tốt, cái nào cũng nhất cả, cho nên cũng xin báo cáo với các đại biểu như vậy.

Tiếp theo về nguyên tắc quản lý chất lượng hàng hóa, sản phẩm, tôi cũng đồng tình như một số ý kiến các đại biểu đã phát biểu là nên bổ sung vào một nguyên tắc là công khai, minh bạch và thống nhất. Tức là thống nhất giữa nhãn và ruột bên trong để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng. Tôi xin báo cáo với các đại biểu là tôi cũng đã bị nhầm khi đi mua một cái máy vi tính, mua của một hãng nhưng về sử dụng một thời gian bị hỏng tháo ra mới biết ruột của nó toàn của Trung Quốc cả. Tức là nhãn thì của hãng này nhưng ruột lại của hãng khác lắp vào trong đó, cho nên cũng xin báo cáo các đại biểu là phải áp dụng một nguyên tắc như vậy thì mới được.

Thứ ba về phân loại chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tôi đồng tình nên nghiên cứu chia làm 2 loại: loại thứ nhất là hàng hóa lưu thông thông thường và hàng hóa lưu thông có khả năng gây mất an toàn. Tôi đề nghị nghiên cứu thêm từ này cho chính xác hơn, tôi cho rằng các hàng hóa, vật phẩm suy cho cùng thì nhiều hàng hóa nếu như sử dụng không đúng thì nó cũng gây mất an toàn. Cho nên nên quy định hàng hóa, sản phẩm sản xuất kinh doanh có điều kiện, tức là trong những điều kiện, trong phạm vi nào đó thì phải hạn chế, tôi đề nghị như vậy.

Tiếp theo, quyền của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh. Điều 37 quy định 4 quyền của người sản xuất, kinh doanh. Tôi đề nghị bổ sung thêm một quyền nữa, tức là đối với những hàng hoá, sản phẩm đã được đăng ký, đã được công bố thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, có trách nhiệm bảo hộ quyền sở hữu về trí tuệ đối với hàng hoá, sản phẩm, đối với chủ sản xuất đã đăng ký kinh doanh một cách hợp pháp.

Điều 50 các thiệt hại phải bồi thường. Khoản 2 quy định: Lợi ích gắn liền với việc sử dụng hàng hoá và tài sản đó. Tôi cho rằng cái này quy định là đúng, nhưng nhiều khi nó rất khó thể hiện. Ví dụ, bây giờ tôi mua một ít thép về xây dựng, nhưng quá trình xây dựng phát hiện ra thép đó không đủ phẩm chất, người bồi thường phải bồi thường cả toà nhà đã được xây dựng rồi, thì nhiều khi rất khó. Cho nên tôi đề nghị nghiên cứu thêm về vấn đề đó.

Cuối cùng, Điều 52 quy định về các trường hợp không bị bồi thường, có mấy khoản sau:
Thứ nhất, Tiết a: Sản phẩm, hàng hoá không phát hiện khuyết tật trong thời gian đưa vào lưu thông, hoặc Tiết b: Trình độ khoa học kỹ thuật không thể phát hiện ra khuyết tật. Tôi cho rằng vấn đề này rất khó. Ví dụ, có người mua một chiếc xe máy, khi phát hiện ra khuyết tật thì người đó chắc chắn là không mua, nhưng khi mua về đi một thời gian thì nó gãy càng, gây ra tai nạn, thì liệu rằng người đưa hàng hoá ra lưu thông có phải chịu trách nhiệm không? Hay là ví dụ như ở chỗ tôi có trường hợp, nông dân mua giống về, khi mua giống thì chắc chắn nhìn hạt giống tốt, về gieo nảy hạt, nhưng khi cấy thì nó không ra bông. Cho nên cũng xin báo cáo với các đại biểu rằng, nếu phát hiện ra những khuết tật thì người ta đã không mua, nhưng ở đây quy định nếu như không phát hiện hết khuyết tật, thì không phải bồi thường, tôi nghĩ rằng nó cũng không thực tế.

Hay ở Tiết c quy định là sản phẩm mà không bán và phân phối để nhằm mục đích thu lợi nhuận, thì cũng chưa chắc đã bao quát được tất cả những trường hợp, bởi vì có những hàng hoá, có những sản phẩm tuy rằng không bán nhưng phát tán trên thị trường, gây hại thì tôi nghĩ rằng vẫn phải có trách nhiệm. Ví dụ như ở chỗ tôi sản xuất một cái Card này chẳng hạn, tôi không bán mà tôi có thể dùng nó để quảng cáo một hãng, một nhãn hiệu nào đó, nhưng mà sản phẩm đó, mà gây tác hại thì tôi nghĩ rằng nhà sản xuất và nhà phát hành nó phải có trách nhiệm và có trách nhiệm bồi thường đối với những trường ấy.

Đây là một số ý kiến của tôi, xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan