Ý kiến của ĐBQH Lê Văn Tâm – Tỉnh Cần Thơ

Thứ Năm 09:59 09-11-2006

Kính thưa Quốc hội,

Đi nghiên cứu về Dự thảo Luật, tôi thấy các yêu cầu điều chỉnh của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá trong tình hình hiện nay thì tôi nhất trí. Đặc biệt, tôi thấy rằng bước đầu đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế thế giới và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tuy nhiên, trong dự thảo Luật lần này tôi xin đóng góp ở 3 chương, Chương V, Chương VI và Chương VII. Những phần đóng góp của tôi thì tôi có một đề nghị chỉnh sửa và điều chỉnh lại ở các chương này.

Trước nhất là vấn đề Chương V giải quyết tranh chấp bồi thường thiệt hại về chất lượng. Tôi thấy ở Điều 47 là hình thức dẫn đến tranh chấp, đề nghị với Ban Soạn thảo xem lại. Theo quan điểm tôi, không nên đặt vấn đề có giải quyết tại trọng tài và có thêm tố tụng của trọng tài. Bởi vì như vậy nó trái với việc chúng ta kêu gọi tinh giảm biên chế và gọn đầu mối, nói chung nếu mở ra thì sẽ tạo thêm bộ máy. Tôi nghĩ các tranh chấp này về sản phẩm hàng hoá nên để giải quyết và khâu trình tự tố tụng của Luật Dân sự, của vấn đề thương mại là hay hơn và trong Bộ luật của chúng ta, ở đây Dự thảo đã nêu đến việc giải quyết ở khiếu nại, tố cáo, giải quyết ở cơ quan toà hành chính. Cho nên, tôi đề nghị không nên đặt vấn đề thêm trọng tài vào đây để giải quyết và trong Dự thảo của Điều 47, 48 tôi nhất trí ở Điều 48 về thời hạn khiếu nại, giải quyết khiếu nại. Nhưng nếu đặt ở điều này thì nó mâu thuẫn với Chương VI về giải quyết khiếu nại, tố cáo bằng Luật khiếu nại, tố cáo và việc giải quyết đó bằng giải quyết của Toà hành chính. Tôi cho rằng như vậy thì cần xem lại để thống nhất, bởi vì phần sau chỉ nói việc giải quyết tranh chấp này giải quyết bằng toà hành chính, tôi cho rằng nó chưa phù hợp, mà cần phải giải quyết theo trình tự tố tụng của dân sự và thương mại.

Điều 53 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Khoản 2, Điều 53 tôi đề nghị bỏ một đoạn, tôi thấy đoạn này chúng ta nên giữ một đoạn như thế này, ở Khoản 2: Người bán phải sửa chữa, đổi hàng mới, nhận lại hàng hoá có khuyết tật, bồi thường thiệt hại cho người mua theo thoả thuận, như thế đã đủ. Còn thêm một đoạn nữa là với người mua hoặc theo quyết định của Toà án, trọng tài, tôi nghĩ cái này thừa. Vì quyết định của Toà án tất nhiên phải chấp hành. Ở trên mình đã nói bồi thường, sửa, đổi cho người mua rồi thì không cần thiết phải lặp lại nữa. Đề nghị bỏ đoạn "với người mua hoặc theo quyết định của Toà án hoặc trọng tài" ở đoạn cuối của Khoản 2, Điều 53.

Điều 55 đặt vấn đề về trả tiền phạt, bồi thường thiệt hại do cung cấp kết quả sai. Tôi cho rằng điều này nói chung hậu quả của việc tranh chấp, bồi thường về vấn đề sản phẩm, về vấn đề hàng hoá, tôi nghĩ là nó lớn, không phải là nhỏ. Do vậy ở đây đặt vấn đề xử lý, chế tài trong lĩnh vực này theo tôi là nhẹ và nó dễ dẫn đến tiêu cực. Đề nghị nên có một xử phạt, xử lý hành chính, xử lý về mặt nghề nghiệp, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự nếu cố tình giải quyết sai về những vấn đề nó ảnh hưởng đến việc trong Điều 55 đã nêu.

Chương VI: Thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo về chất lượng sản phẩm, hàng hoá.

Trước hết, Điều 65 ở Khoản 1, Khoản 2 nêu như thế cũng đã đạt yêu cầu, không nhất thiết phải có thêm Khoản 3. Bởi vì Khoản 2, Điều 56 đã nói việc thanh tra thực hiện theo quy định của pháp luật, như thế là đủ, không cần thiết phải nói thêm về thanh tra nữa. Việc thanh tra thực hiện theo quy định của pháp luật. Còn Khoản 3: Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động của thanh tra chuyên ngành về chất lượng sản phẩm, hàng hoá. Tôi cho nói như vậy không cần thiết. Đề nghị giữ lại ở Khoản 1, Khoản 2 đã đủ cho quy định.

Điều 57 về hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá thì cơ bản là tôi nhất trí với điều luật này, nhưng trong này có một đoạn cuối về hình thức, tức là chất lượng hàng hóa được xử lý theo quy định của Khoản 1 của điều này và hình thức xử lý vi phạm. Hình thức xử lý vi phạm liền kề đó Điều 58, 59, 60 đã nói hình thức xử lý vi phạm rồi, cho nên không đặt vấn đề quy định cho Chính phủ trong đoạn này. Do vậy tôi đề nghị bỏ hai chữ "hình thức" và đặt vào đây là việc xử lý vi phạm. Như vậy ở Điều 58 xử lý vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa tôi cho rằng cần phải bổ sung thêm. Tức là xử lý ở đây là xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật thì đề nghị nên thêm là ngoài xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính nên đặt vấn đề là tịch thu sản phẩm, hàng hóa nếu vi phạm về chất lượng hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nghĩa là nên đặt thêm vấn đề là có thể bị tịch thu sản phẩm, hàng hóa mà vi phạm về mặt pháp luật.

Về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo mà chỉ giải quyết theo trình tự của pháp luật khiếu nại, tố cáo và xử lý tranh chấp bằng việc khởi kiện ra tòa hành chính thì tôi cho rằng việc xử lý như thế này không đạt yêu cầu, mà vấn đề tranh chấp và đặt vấn đề bồi thường thiệt hại này cần thiết phải đưa vào tố tụng dân sự hoặc hình sự. Bởi vì có những thiệt hại có thể dẫn đến khi xét xử phải bồi thường hoặc có khi có những thiệt hại như hàng hóa giả hoặc kém chất lượng nó làm ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc tính mạng của người tiêu dùng thì xử phạt hành chính không đạt yêu cầu. Cho nên phải đặt vấn đề việc giải quyết tranh chấp và giải quyết  về chất lượng phải ở trong lĩnh vực tố tụng dân sự hoặc là hình sự thì nó mới đủ khả năng về mặt chế tài.

Ở Chương VII, trách nhiệm của quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tôi thấy ở Điều 63, 64, 65, có chồng tréo và thiếu sự phân công giao nhiệm vụ cụ thể của luật. Ở Điều 63, tôi đề nghị Khoản 6, Khoản 7, Khoản 9, Điều 63 nên đưa về trách nhiệm của các Bộ quản lý chuyên ngành ở Điều 64 đúng hơn. Tất nhiên ở Điều 64 cũng có nói hoặc lặp lại, nhưng việc này tôi thấy về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa nên để Bộ chuyên ngành thì chủ yếu hơn. Còn Điều 63 nên để làm tham mưu cho Chính phủ là tốt nhất.

Trong điều này, ở Điều 65 tôi thấy phân cấp đối với chính quyền ở địa phương, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và xã. Theo tôi, chính quyền địa phương nên theo phân cấp cụ thể, tức là được phân cấp cụ thể, không nên đặt vấn đề về trách nhiệm chung chung, vì điều kiện phương tiện của chính quyền địa phương có giới hạn mà kiểm tra chuyên sâu, chuyên ngành không thể thực hiện được. Trọng tâm của quản lý của chính quyền địa phương là vấn đề chất lượng sản phẩm hàng hoá, sản xuất và đăng ký tại địa phương, rồi chống sản xuất hàng giả, lưu thông hàng giả hoặc tiêu thụ hàng giả. Ở đây, theo tôi là thành phố, tỉnh trực thuộc Trung ương nhiệm vụ chủ yếu là phổ biến, hướng dẫn về vấn đề chất lượng, công tác quản lý kiểm tra, thanh tra và giải quyết khiếu nại, tranh chấp sản xuất hàng hoá tiêu dùng, hoặc tranh chấp trên địa bàn, đó là một công việc trọng tâm chủ yếu.

Đối với cấp huyện, đề nghị được phân cấp quản lý việc chấp hành lưu thông hàng hoá, rồi quản lý thị trường, giải quyết khiếu nại về việc tranh chấp sản xuất sản phẩm, hàng hoá, hoặc là vấn đề có tranh chấp mua bán trên địa bàn là chủ yếu.

Đối với cấp xã, đề nghị có sự phân cấp, cụ thể là quản lý việc chấp hành về chất lượng trong việc sản xuất, lưu thông hàng hoá và giải quyết vấn đề khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực mua, bán những sản phẩm, hàng hoá là chủ yếu.

Tôi xin có mấy ý kiến như thế, xin hết ý kiến.

Các văn bản liên quan