Trích ý kiến của ĐBQH Đoàn Minh Vượng – Tỉnh Tiền Giang

Thứ Năm 10:05 09-11-2006


Kính thưa Quốc hội.

Về Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường.

Về phần chung, tôi nhất trí cao với các tài liệu đã nêu trên. Song, bên cạnh đó, tôi đề nghị Ban soạn thảo và Quốc hội nên nghiên cứu những quy định của các điều khoản, nên hết sức tránh viện dẫn là giao cho Chính phủ hoặc các Bộ để quy định tiếp. Bởi vì thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng như tư tưởng chỉ đạo của Quốc hội, chúng ta làm thế nào hết sức cụ thể hoá để khi luật ban hành rồi thì mọi người có thể đọc và hiểu, sử dụng được ngay.

Một việc chung thứ hai, tôi kiến nghị với Quốc hội và Ban soạn thảo, ở Điều 65 cũng như một số văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta trước, là cứ có một điều là quy định cho Chính phủ hướng dẫn chi tiết thực hiện luật này. Nếu ta quy định như vậy, nhất là trong giai đoạn gần đây theo sự chỉ đạo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, tôi thấy có luật thì quy định Chính phủ hướng dẫn những điều luật nào, khoản nào ở trong điều nào của dự án luật đó. Theo tôi luật này cũng nên hướng như thế, không nên đưa 1 quy định chung.

Vấn đề thứ hai, tôi muốn tham gia một số điểm cụ thể.

Trước hết, tên luật và phạm vi điều chỉnh. Quá trình chúng ta xây dựng, chúng ta thấy tên và phạm vi điều chỉnh nó có quan hệ mật thiết với nhau trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Luật này, theo tôi qua Báo cáo thẩm tra cũng như qua ý kiến gợi ý của Đoàn Chủ tịch về quan điểm, tôi thống nhất nên lấy tên luật tức là theo quan điểm thứ 3, tức là: Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa, bỏ không có dấu phẩy. Cũng như nhiều đại biểu phát biểu trước, việc quan tâm hiện nay của toàn xã hội là vấn đề chất lượng, nhưng luật này thì ý chí của nhà làm luật, theo tôi hiểu muốn điều chỉnh từ giai đoạn sản xuất ra sản phẩm cho đến khi sản phẩm đó được lưu thông bằng hàng hóa. Cho nên bản chất vấn đề quan trọng ở đây là nhà làm luật người ta muốn đảm bảo chất lượng của các sản phẩm được lưu thông bằng hàng hóa. Vì vậy không nên dùng dấu "phẩy" tách ra ở chỗ này, mà nên ghi liền là: "Chất lượng sản phẩm hàng hóa". Về tên luật theo tôi như vậy, đồng ý với quan điểm của một số đại biểu đã nêu trên là sử dụng quan điểm thứ 3.

Thứ hai là phạm vi điều chỉnh, tôi cũng nhất trí với một ý kiến được nêu lên trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Tức là trong dự thảo nên bỏ cụm từ "các biện pháp xử lý" và bỏ cụm từ "cơ quan quản lý" mà nên thay phạm vi điều chỉnh như ý kiến trong Báo cáo thẩm tra là: Luật này quy định về chất lượng sản phẩm hàng hóa, quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng và trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm.

Tại sao bỏ chữ "cơ quan " Bởi vì xác định phạm vi điều chỉnh là điều chỉnh quan hệ về vấn đề đảm bảo trách nhiệm quản lý. Còn quản lý ai, thì trong các điều luật cụ thể lại quy định, hoặc làm thế nào để đảm bảo được chất lượng thì trong luật quy định cụ thể như trong nội dung ở đây, thì có rất nhiều các giải quyết, tức là bằng các biện pháp để ta đảm bảo vấn đề chất lượng sản phẩm.

Điểm thứ ba là tôi muốn tham gia một ý kiến, đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu và Quốc hội nghiên cứu là trong giải thích từ ngữ, mà trong giải thích từ ngữ lại ở Điều 3, ở Khoản 4, nó liên quan đến Điều 6. Theo quan điểm của tôi, nếu giải thích như thế này thì nó có cái mâu thuẫn với nhau, nó không rõ ràng. Ví dụ, Khoản 4 quy định như thế này: "Sản phẩm, hàng hoá an toàn là sản phẩm, hàng hoá không có, hoặc ít có khả năng gây ra thiệt hại cho sức khoẻ con người, cho động vật, thực vật và tài sản, v.v...Thế thì tôi thấy rằng, đã nói là khái niệm sản phẩm an toàn thì cái đuôi lại nói là "hoặc ít có khả năng" Như vậy ít có khả năng là vẫn còn khả năng.

Cho nên theo tôi, đồng thời với Điều 6 thì theo quan điểm của tôi là đề nghị chỉ nên phân ra làm  2 nhóm thôi, 1 nhóm là an toàn, còn 1 nhóm là có điều kiện nếu khả năng không sử dụng tốt và đúng với quy trình kỹ thuật của nó, quá trình khai thác sản phẩm này thì nó có thể mất an toàn, và mức độ mất an toàn có sự khác nhau. Theo tôi thấy là nên bỏ chữ "hoặc ít". Đấy là ý kiến thứ ba.

Ý kiến thứ tư, ở Khoản 5, Điều 42 đề nghị Ban Soạn thảo cũng nên nghiên cứu và các đại biểu cũng nên xem, nhưng theo quan điểm của tôi thì viết như thế này nó cũng chưa rõ.
Điều 42 là điều xác định quyền của người sử dụng sản phẩm hàng hoá, trong này có Khoản 5:
Quy định là quyền đó được tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trợ giúp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật. Trong khoản này nó thể hiện 2 vấn đề không rõ. Một là hiện tại hiện nay tôi chưa rõ là xã hội mình có một tổ chức nào, mà tổ chức này không biết tính chất nó ra làm sao, mà bảo vệ cho người tiêu dùng nếu như tôi mua phải chất lượng sản phẩm hàng hoá không tốt, nó không đúng quy trình của Luật. Thứ hai, nếu có thì bây giờ trợ giúp để đảm bảo quyền lợi là theo quy định pháp luật thì cái này nó rất tập trung, không rõ. Cho nên, tôi đề nghị chỗ này Ban soạn thảo cần nghiên cứu và các đại biểu cũng nên tham gia chỗ này như thế nào để nó đảm bảo tính khả thi của điều luật.

Một điểm nữa, đề nghị Ban soạn thảo cũng như các đại biểu nghiên cứu ở Điều 55 và Điều 56. Trong Điều 55 thì Khoản 1, Khoản 2 xem nó có mâu thuẫn gì với nhau không.

Thứ hai, Điều 55 này với Điều 56 nó có mâu thuẫn gì với nhau không? Báo cáo các đại biểu vừa rồi chúng tôi có nghe, bởi vì bây giờ mình có rất nhiều tài liệu nhưng tài liệu này là tài liệu cấp cuối cùng cho các đại biểu Quốc hội để nghiên cứu. Tôi nghe nhiều đại biểu phát biểu, thì lại không phát biểu vào tài liệu này, mà lại phát biểu vào tài liệu trước, nhưng tôi phát biểu là phát biểu theo tài liệu này.

Báo cáo các vị đại biểu, Điều 55 của tài liệu này quy định về các hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá, Khoản 1 quy định rất nhiều hành vi, vi phạm. Vừa rồi có đại biểu nói là cần đưa ra điều cấm, nếu lấy Điều 55 hoặc Điều 57 cũ để quy định đây là điều cấm thì cũng được, chỗ đó nghiên cứu. Tôi thấy Điều 55, Khoản 1 quy định tất cả các hành vi, vi phạm về vấn đề chất lượng sản phẩm, hàng hoá. Nhưng đến Khoản 2 của điều này thì luật lại quy định: Chính phủ quy định chi tiết hành vi, vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá theo quy định ở Khoản 1 điều này. Khoản 1 điều này ta quy định rất rõ rồi, không có gì phải chi tiết cả. Ví dụ, người ta nói sản xuất ra sản phẩm, bán hàng hoá, sản phẩm chất lượng thấp theo mức quy định của tiêu chuẩn đã được công bố áp dụng. Nếu anh phạm cái đó, bây giờ bảo Chính phủ quy định thì Chính phủ quy định như thế nào ở điểm này, tôi nghĩ không còn cách nào quy định rõ ràng, đó là một.

Thứ hai, yêu cầu Chính phủ xác định hình thức xử lý. Hình thức xử lý của chúng ta là xử lý hành chính, xử lý dân sư, xử lý hình sự. Nếu anh vi phạm pháp luật thì căn cứ vào từng quy định cụ thể để xử lý. Tôi đề nghị nghiên cứu lại Khoản 2 và Khoản 1. Đồng thời, Khoản 6 lại quy định xử lý hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá. Người có hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá thì xử lý theo quy định của hành chính hoặc của dân sự, hình sự. Tôi xin hết.

Các văn bản liên quan