Ý kiến của Công ty tài chính cổ phần điện lực

Thứ Sáu 16:29 03-07-2009

Những ý kiến tham gia góp ý Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng

Phòng Pháp chế và KTKSNB

Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực

Công ty Tài chính Điện lực đã có các Công văn số 213/CV-TCĐL ngày 18/4/2009 và Công văn số 314/CV-TCĐL ngày 30/5/2009 về việc góp ý Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng lần 8 (ngày 15/4/2009).

Tại Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng 4 ngày 12/6/2009, Ban soạn thảo Luật Các tổ chức tín dụng đã điều chỉnh một số nội dung phù hợp hơn với thực tiễn hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, về tổ chức và hoạt động của Công ty Tài chính vẫn còn một số quy định cần được xem xét điều chỉnh nhằm tạo lập cơ sở pháp lý đầy đủ và đồng bộ để phát huy các tiềm năng, nội lực và năng lực cạnh tranh của loại hình này trong điều kiện phát triển và hội nhập quốc tế. Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực kiến nghị một số nội dung cần được sửa đổi bổ sung như sau:

I/ Những đề xuất sửa đổi bổ sung Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng 4

1/ Về Hoạt động của Công ty Tài chính

Thứ nhất, tại Mục b Khoản 1 Điều 108 Dự thảo LCTCTD quy định “Phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu để huy động vốn của tổ chức theo quy định của Ngân hàng Nhà Nước”, trong khi Mục 6 Nghị định 81 quy định: “Phát hành kỳ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi và các loại giấy tờ có giá khác có kỳ hạn từ 01 năm trở lên để huy động vốn của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định của Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam”. Vậy theo Dự thảo, Công ty Tài chính không được phát hành trái phiếu mà trên thực tế, hoạt động này là một trong những kênh huy động vốn dài hạn hiệu quả của Công ty Tài chính. Vậy nên, tại Mục b Khoản 1 Điều 108 Dự thảo Luật CTCTD đề nghị Ban soạn thảo bổ sung: “Phát hành trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi và các loại giấy tờ có giá khác bằng VND và ngoại tệ để huy động vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của Ngân hàng Nhà Nước”.

Thứ hai là vấn đề liên quan đến việc mở tài khoản của Công ty Tài chính, tại Khoản 2 Điều 109, Dự thảo quy định: “Công ty Tài chính được mở tài khoản thanh toán tại các ngân hàng thương mại”. Công ty Tài chính Điện lực kiến nghị Ban soạn thảo bổ sung Khoản 2 Điều 109 thành “Công ty Tài chính được mở tài khoản thanh toán tại các ngân hàng thương mại và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam”. Trên thực tế, khi Công ty Tài chính trực tiếp phát hành hoặc liên kết phát hành thẻ tín dụng quốc tế phải mở tài khoản thanh toán tại tổ chức tín dụng nước ngoài để thực hiện giao dịch thẻ theo yêu cầu của Tổ chức phát hành thẻ quốc tế, đặc biệt đối với các Công ty Tài chính chuyên ngành thẻ thì đây là điều kiện bắt buộc trong hoạt động (Ví dụ như Công ty Tài chính Việt Sociate Ganerale đang hoạt động). Bởi vậy, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại nội dung này để phù hợp với hoạt động của Công ty Tài chính và thông lệ giao dịch thẻ quốc tế.

Thứ ba, tại Khoản 2 Điều 110 Dự thảo quy định: “Công ty Tài chính được góp vốn, mua cổ phần vào doanh nghiệp, quỹ đầu tư”, trong khi tại Khoản 1 Điều 24 Nghị định 79 đang cho phép Công ty Tài chính được Góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng khác. Một trong những điểm khác nhau cơ bản giữa Ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng là Tổ chức TDPNH chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực đầu tư còn NHTM chủ yếu thực hiện các nghiệp vụ nhận tiền gửi dân cư, cấp tín dụng và dịch vụ thanh toán; vậy nên đề nghị Ban soạn thảo xem xét quy định này đối với Công ty Tài chính điều chỉnh lại như Nghị định 79 đã quy định.

Thứ tư, cũng tại Điều 110 Dự thảo, Khoản 3 quy định: “Công ty Tài chính chỉ được thành lập công ty con, công ty liên kết hoạt động trong các lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán, quản lý tài sản bảo đảm sau khi được Ngân hàng Nhà Nước chấp thuận”. Nếu theo nội dung quy định này, Công ty Tài chính không được thành lập công ty con, công ty liên kết trong các lĩnh vực khác ngoài bảo hiểm, chứng khoán, quản lý tài sản bảo đảm.Về điểm này, Công ty Tài chính Điện lực cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại để phù hợp hơn như: Khi Công ty Tài chính phát triển đến một quy mô đủ mạnh thì sẽ có nhu cầu thành lập công ty con, công ty liên kết để chuyên môn hoá hoạt động, tách bạch các hoạt động có tính rủi ro cao và đòi hỏi hệ thống quản trị rủi ro chuyên biệt; đặc biệt là sử dụng được lợi thế về kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, ví dụ như Công ty phát hành thẻ, Công ty bao thanh toán, Công ty tín thác, Cty mua bán doanh nghiệp; Vậy nên, Công ty Tài chính Điện lực đề nghị bổ sung thêm lĩnh vực tài chính vào điểm này của Dự thảo để tăng thêm thế mạnh của Công ty Tài chính cũng như phù hợp với xu hướng phát triển của loại hình này.

Thứ năm là về hoạt động “Tiếp nhận vốn ủy thác của Chính phủ, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước”, Nghị định 79 và Nghị định 81 quy định Công ty Tài chính được thực hiện nhưng tại Dự thảo lại quy định thắt chặt lại như sau: “Tiếp nhận vốn ủy thác của Chính phủ, tổ chức, cá nhân để thực hiện các hoạt động cấp tín dụng được phép”. Như đã đề cập ở trên, điểm khác biệt của Tổ chức tín dụng phi ngân hàng với Ngân hàng là hoạt động đầu tư chứ không phải là nhận tiền gửi dân cư, cấp tín dụng và dịch vụ thanh toán. Bên cạnh đó, thực tế hoạt động của các Công ty Tài chính nhiều năm qua cũng cho thấy hoạt động đầu tư luôn hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao, đồng thời nhu cầu ủy thác đầu tư (thực hiện theo hợp đồng ủy thác) của các tổ chức, cá nhân thông qua các Công ty tài chính chuyên nghiệp là xu hướng phát triển để tránh rủi ro. Việc hạn chế sử dụng nguồn vốn này để thực hiện hoạt động đầu tư của Công ty Tài chính sẽ làm cho loại hình này bị hạn chế thế mạnh chủ yếu của mình cũng như nền kinh tế bị mất đi một kênh dẫn vốn quan trọng. Nhìn nhận ở một góc độ khác thì việc tiếp nhận vốn ủy thác của Chính phủ, tổ chức, cá nhân để thực hiện các hoạt động đầu tư cũng là hoàn toàn chính đáng và không trái với pháp luật trên cơ sở thỏa thuận và cam kết giữa bên ủy thác và bên nhận ủy thác. Công ty Tài chính kiến nghị Ban soạn thảo bổ sung tại Khoản 1 Điều 111 như sau: Tiếp nhận vốn ủy thác của Chính phủ, tổ chức, cá nhân để thực hiện các hoạt động đầu tư, cấp tín dụng được phép”.

Thứ sáu, tại Khoản 6 Điều 111 Dự thảo, đề nghị Ngân hàng Nhà Nước xem xét bổ sung đối tượng ủy thác đầu tư là cá nhân. Vì: Đây cũng là nhu cầu tất yếu của xã hội, đối với những người có thu nhập cao, thích đa dạng hóa danh mục đầu tư nhằm sinh lời song lại không trực tiếp tham gia đầu tư mà lại muốn thông qua một đơn vị hoạt động chuyên nghiệp có uy tín. Ngoài các Quỹ đầu tư, Công ty Tài chính cũng là một trong những tổ chức có thế mạnh về đầu tư, vừa tạo lợi ích cho tổ chức vừa tạo lợi ích cho cá nhân ủy thác, đảm bảo được rủi ro do Ngân hàng Nhà Nước vẫn quản lý được thông qua các tỷ lệ đảm bảo an toàn.

2/ Về tổ chức, quản trị, điều hành của Công ty Tài chính

Thứ nhất, đề nghị sửa đổi bổ sung Mục a Khoản 3 Điều 34 "Số lượng người đảm nhiệm cùng chức vụ không được vượt quá 1/3 tổng số thành viên Hội đồng quản trị của Tổ chức tín dụng phi ngân hàng cổ phần trong đó Chủ tịch Hội đồng quản trị không được là người cùng đảm nhiệm chức vụ. Vì các tổ chức tín dụng được phép góp vốn vào một tổ chức tín dụng phi ngân hàng cổ phần, trong trường hợp này người đại diện phần vốn góp sẽ được tham gia Hội đồng quản trị với tư cách thành viên.

Thứ hai, tại Khoản 2 Điều 55 đề nghị sửa đổi tỷ lệ "10%" bằng "20%" thành câu: "Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng"; tại Khoản 4 Điều 53 đề nghị sửa đổi tỷ lệ "20%" bằng "40%" thành câu: "Cổ đông và những người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu vượt quá 40% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Vì tỷ lệ 20% vốn điều lệ đối với một tổ chức trong trường hợp tổ chức đó là Tập đoàn kinh tế là không phù hợp (trong khi đó tại Điều 7 Quy chế cấp giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng cổ phần ban hành cùng Quyết định số 40/2007/QĐ-NHNN quy đinh: Một cổ đông là tổ chức được sở hữu tối đa 20% Vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng phi ngân hàng cổ phần... Một Tập đoàn, Tổng công ty và những người có liên quan được tham gia với tư cách là cổ đông sáng lập và được sở hữu tối đa 40% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng cổ phần...". Công ty Tài chính là loại hình tổ chức tín dụng phi ngân hàng được các Tập đoàn/Tổng công ty thành lập với chức năng chính là phục vụ hoạt động của các Tập đoàn/Tổng công ty. Vì vậy để điều hành hoạt động của Công ty tài chính theo đúng chiến lược chung của Tập đoàn và phát huy chức năng nhiệm vụ của Công ty tài chính phục vụ vào sự phát triển của các Tập đoàn, thì các Tập đoàn/Tổng công ty cần phải nắm giữ số lượng cổ phần đủ để chi phối đến việc ra quyết định điều hành hoạt động kinh doanh của Công ty tài chính. Do vậy, kiến nghị NHNN cho phép tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần trong các Công ty tài chính của các Tập đoàn/Tổng công ty. Bên cạnh đó việc thu hút nguồn vốn từ phía các Tập đoàn tham gia vào các tổ chức tín dụng là cần thiết, tạo thêm sức mạnh nội tại cho tổ chức tín dụng đó cũng như phù hợp với định hướng đa ngành đa nghề của Nhà nước trong việc xây dựng mô hình Tập đoàn kinh tế.

Thứ ba là liên quan đến quyền và nhiệm vụ của Đại hội đồng cổ đông, tại Mục r Khoản 2 Điều 59 quy định: “Quyết định đầu tư, giao dịch mua bán tài sản của tổ chức tín dụng có giá trị từ 20% trở lên so với vốn tự có của tổ chức tín dụng ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc một tỷ lệ khác thấp hơn theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng”. Công ty Tài chính Điện lực kính đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại tỷ lệ 20% trong nội dung trên và điều chỉnh lại thành một tỷ lệ khác cao hơn để phù hợp với Luật Doanh nghiệp 2005 (Tại Mục đ Khoản 2 Điều 104 Luật doanh nghiệp 2005 quy định: Đại hội đồng cổ đông “.... Quyết định đầu tư hoặc bán số tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của Công ty nếu Điều lệ Công ty không quy định một tỷ lệ khác”)

Thứ tư, tại Mục s Khoản 2 Điều 59 Dự thảo quy định: Đại hội đồng cổ đông “... Thông qua các hợp đồng có giá trị từ 10% trở lên so với vốn tự có của tổ chức tín dụng ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất giữa tổ chức tín dụng với thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, cổ đông lớn, người có liên quan của những người này; công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng”. Nếu quy định chung chung là Hợp đồng thì sẽ gây khó khăn cho tổ chức tín dụng trong khi các hợp đồng nhận tiền, gửi tiền, thế chấp cầm cố, .... thường xuyên được giao dịch mà lại phải chờ được Đại hội đồng cổ đông thông qua là không phù hợp với thực tiễn hoạt động của tổ chức tín dụng. Vậy nên, đề nghị quy định này chỉ áp dụng cho một số loại hợp đồng như hợp đồng đầu tư dài hạn, hợp đồng mua sắm trang thiết bị của tổ chức tín dụng.

Thứ năm, tương tự tại Khoản 9 Điều 63 đề nghị bổ sung như sau: Hội đồng quản trị ".... Quyết định các hợp đồng liên quan đến các khoản đầu tư dài hạn, hợp đồng mua sắm trang thiết bị của tổ chức tín dụng với công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng; thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban Kiểm soát, Tổng Giám đốc, cổ đông lớn, người có liên quan của họ có giá trị bằng hoặc nhỏ hơn 10% vốn tự có của tổ chức tín dụng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn..."

3/ Về các hạn chế để đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng:

Tại Mục a, khoản 1, Điều 126 quy định tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng cho “pháp nhân là cổ đông có người đại diện phần vốn góp là thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng cổ phần, pháp nhân là thành viên góp vốn chủ sở hữu của tổ chức tín dụng”. Quy định như này sẽ hạn chế hoạt động của tổ chức tín dụng là các Công ty tài chính được thành lập với mục đích chính là phục vụ hoạt động của các Tập đoàn. Vì vậy Công ty Tài chính Điện lực kiến nghị bỏ quy định này đối với đối tượng áp dụng là các Công ty tài chính.

II/ Những đề xuất bổ xung mới vào Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng

Thứ nhất, để đảm bảo hoạt động của Công ty tài chính đáp ứng hiệu quả hoạt động của các Tập đoàn/Tổng công ty và các thành viên trực thuộc, đề nghị Ngân hàng Nhà Nước cho phép các Công ty tài chính được tiến hành các hoạt động thanh toán đối với các thành viên trực thuộc Tập đoàn/Tổng công ty, vì thực chất đây không phải là hoạt động hình thức cung ứng dịch vụ thanh toán cho khách hàng. Hơn nữa, việc được thực hiện hoạt động này sẽ tiết kiệm chi phí cho các Công ty Tài chính và khiến cho các giao dịch luân chuyển vốn linh hoạt hơn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của các doanh nghiệp trong hệ thống; và cũng nhờ đó Công ty tài chính sẽ phát huy hiệu quả chức năng nhiệm vụ của mình đối với Tập đoàn/Tổng công ty.

Thứ hai, Công ty Tài chính Điện lực đề nghị bổ sung được thực hiện “Vay vốn của Ngân hàng Nhà Nước dưới hình thức tái cấp vốn”. Đây cũng là một kênh huy động vốn mà Công ty Tài chính cũng mong được thực hiện như đối với các Ngân hàng thương mại. Vì: Chính sách tái cấp vốn được xem như một công cụ của chính sách tiền tệ và là một kênh hỗ trợ vốn cho các tổ chức tín dụng. Điều này không có nghĩa là các tổ chức tín dụng ngồi chờ vào nguồn vốn này, song nó lại là một công cụ bổ sung hữu hiệu bên cạnh nguồn vốn trung và dài hạn trên thị trường. Tổ chức tín dụng phi ngân hàng cũng không nằm ngoài hệ thống các tổ chức tín dụng; cũng có cùng vai trò là trung gian tài chính, cũng có nhu cầu về vốn trên thị trường nên việc hạn chế các tổ chức tín dụng phi ngân hàng được tiếp cận chính sách tái cấp vốn sẽ khiến các tổ chức tín dụng phi ngân hàng bỏ lỡ nhiều cơ hội đầu tư mới có hiệu quả cao để có nguồn đầu tư (bởi lẽ khi tìm kiếm được cơ hội đầu tư hiệu quả, không phải lúc nào các tổ chức tín dụng cũng tận dụng được ở thị trường OMO hiện nay). Hơn nữa, tại nhiều thời điểm để lợi nhuận đạt được mức tối ưu các tổ chức tín dụng phi ngân hàng không muốn bán giấy tờ có giá mình đang sở hữu mà thay bằng cách dùng các giấy tờ có giá đó tiếp cận nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà Nước. Đặc biệt, như trường hợp thị trường tiền tệ, thị trường liên ngân hàng khó khăn và nóng như thực tế đầu năm 2008 vừa qua, việc hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng nói chung và các Công ty Tài chính bằng nghiệp vụ này là vô cùng hữu ích.

Thứ ba là Dự thảo không đề cập đến nội dung “Công ty Tài chính và các tổ chức tín dụng khác được tái chiết khấu, cầm cố thương phiếu, trái phiếu và các giấy tờ có giá khác cho nhau”, hoạt động này đã được quy định tại Khoản 2 Điều 19 Nghị định 79 và hiện vẫn đang được các tổ chức tín dụng thực hiện như một nghiệp vụ hỗ trợ thanh khoản vốn cũng như tăng tính thanh khoản của công cụ thị trường tiền tệ, góp phần gia tăng lợi nhuận của tổ chức tín dụng. Công ty Tài chính Điện lực đề nghị Ngân hàng Nhà Nước xem xét bổ sung vào Điều 111 Dự thảo hoạt động:Công ty Tài chính và các tổ chức tín dụng khác được tái chiết khấu, cầm cố thương phiếu, trái phiếu và các giấy tờ có giá khác cho nhau”

Thứ tư, cũng tại Điều 111 Dự thảo quy định về “Các hoạt động khác của Công ty Tài chính”, đề nghị Ngân hàng Nhà Nước cho phép Công ty Tài chính tham gia thị trường tiền tệ thông qua việc được mua bán các công cụ thị trường tiền tệ bao gồm công cụ chuyển nhượng, trái phiếu Chính phủ, tín phiếu kho bạc, tín phiếu NHNN và các giấy tờ có giá. Được tham gia thị trường tiền tệ cũng là nhu cầu và cơ hội để các Công ty Tài chính tăng thêm tỷ lệ tài sản có sinh lời, có tính thanh khoản mà độ an toàn lại rất cao; phù hợp với hoạt động của các Công ty Tài chính. Hơn nữa, hoạt động này đã được quy định tại Khoản 2 Điều 19 Nghị định 79 và hiện vẫn đang được các tổ chức tín dụng thực hiện rất hiệu quả và an toàn.

Các văn bản liên quan