Xử lý về vệ sinh an toàn thực phẩm: Phải có luật riêng!

Thứ Tư 10:48 26-08-2009
Mặc dù Pháp lệnh về Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đã được UBTVQH thông qua từ năm 2003 nhưng nỗi lo trong mỗi bữa ăn của từng gia đình vẫn còn đó. Nhiều vụ ngộ độc tập thể đã xảy ra mà nguyên nhân là nguồn thực phẩm không đảm bảo, gần đây là hàng loạt những sự kiện như sữa nhiễm melamin, chất lượng thấp (độ đạm thấp); rau hoa quả ướp chất bảo quản gây độc... lại làm vấn đề VSATTP càng thêm nóng. Đó cũng là lý do khiến Quốc hội đã chọn VSATTP là một chuyên đề giám sát trong kỳ họp tới đây. Tuy nhiên, để giải quyết được vấn đề này cần có một luật riêng về VSATTP.

Mỗi ngành quy định một kiểu

Hiện nay các quy định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực VSATTP còn ít, chưa nghiêm khắc, còn chồng chéo trách nhiệm giữa ngành y tế, công thương và cả ngành nông nghiệp. Vì vậy không có cơ sở để kiểm tra cũng như xử phạt nghiêm khắc các trường hợp vi phạm. Việc rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, các Bộ ngành TW cho thấy có nhiều quy định không phù hợp. Thực tế này cho thấy quy định về VSATTP giống như "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" mạnh ngành nào ngành ấy quy định, quản lý được đến đâu quy định đến đấy.

Đơn cử về thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm thủy sản: Bộ Y tế ban hành quy chế cấp giấy chứng nhận VSATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao. Trong khi đó, Bộ NN &PTNT lại ban hành quy chế kiểm tra và công nhận cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản đủ điều kiện bảo đảm VSATTP. Việc xử lý vi phạm trong sử dụng thuốc bảo quản, phụ gia không được phép cũng không đồng nhất. Chẳng hạn NĐ128 của Chính phủ xử lý hành vi này đối với cơ sở chế biến thuỷ hải sản với mức phạt từ 3- 5 triệu đồng. Tuy nhiên, NĐ 45 cùng hành vi đó nhưng với sản xuất kinh doanh thực phẩm hoặc sản phẩm chế biến từ thịt gia cầm, gia súc, thủy sản, rau quả bị bệnh, bị ngộ độc, chết không rõ nguyên nhân hoặc bị ngâm tẩm các chất hóa học không được phép sử dụng thì mức phạt tiền từ 10- 15 triệu đồng. Ngay cả, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa mới ban hành và Pháp lệnh VSATTP cũng có sự cong vênh trong quy định thủ tục công bố tiêu chuẩn thực phẩm. Một bên Pháp lệnh VSATTP quy định thủ tục công bố tiêu chuẩn còn Luật chất lượng hàng hoá thay thế bằng công bố hợp chuẩn, hợp quy.

Cần một chế tài mạnh hơn

Rõ ràng việc quy định về VSATTP chồng chéo như hiện nay sẽ gây khó khăn cho việc kiểm tra xử lý. Điều này khiến cho việc vi phạm đôi khi không biết thuộc ngành nào xử lý, do vậy trách nhiệm của các bộ, ngành trong công tác VSATTP không được phân định rõ ràng. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đăng đàn QH cho rằng: Ngành y tế chỉ đảm bảo ATTP trong mâm cơm của các gia đình. Như vậy, khi thực phẩm còn ở ngoài chợ thì đó là vấn đề của Bộ Công Thương, còn nguồn gốc thực phẩm phải do Bộ NN &PTNT. Nói như vậy, không biết khi các sản phẩm được đưa vào chế biến trước khi vào mâm cơm như lò mổ, cơ sở chế biến thực phẩm sẽ do ngành nào chịu trách nhiệm?!

Sau 5 năm thực thi Pháp lệnh VSATTP đã bộc lộ nhiều bất cập. ở đó, Pháp lệnh đã không thể gánh hết được những phức tạp nảy sinh trong công tác VSATTP. Từ thực tế của vấn đề VSATTP cho thấy, rất cần có một Luật Thực phẩm thay thế Pháp lệnh VSATTP. Luật này sẽ mang tính bao quát hơn và có chế tài mạnh mẽ hơn nó sẽ hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan để cho các cơ quan chức năng có đủ công cụ thực thi nhiệm vụ về VSATTP.

Một luật riêng cho vấn đề VSATTP là điều rất cần thiết bởi lẽ nếu xét về tính pháp lý, Luật có tính pháp lý cao hơn pháp lệnh. Còn về nội dung, chắc chắn sau 5 năm thực hiện pháp lệnh - những tổng kết đánh giá sẽ rất hữu ích cho sự hình thành một Luật về VSATTP đầy đủ hơn, hợp lý hơn. Theo dự kiến của Quốc hội, đến cuối tháng 6, đầu tháng 7, Chính phủ sẽ trình QH dự thảo Luật VSATTP. Kỳ họp thứ 6 QH Khóa XII sẽ cho ý kiến về dự luật này. Và nếu suôn sẻ, đến Kỳ họp thứ 7 (dự kiến tháng 6.2010) Luật sẽ được QH thông qua. Nhưng để có hiệu lực chắc phải chờ đến cuối năm 2011.

Theo Đời sống và Pháp luật

Các văn bản liên quan