Đề nghị sớm ban hành Luật An toàn vệ sinh thực phẩm

Thứ Tư 10:46 26-08-2009

Ngày 10/6, Quốc hội đã thảo luận sôi nổi về Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật an toàn vệ sinh thực phẩm. Đa số các đại biểu kiến nghị tăng cường đầu tư về nhân lực, nguồn lực, trách nhiệm rõ ràng của các bộ ngành, địa phương trong lĩnh vực này.

Tăng chế tài đủ mạnh.

Theo Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường Đặng Vũ Minh trình bày, số liệu thống kê từ báo cáo của 62 tỉnh, thành phố cho thấy, từ năm 2004-2008 có tổng cộng 2.160 vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP), trung bình trên 430 vụ/năm; số người chết trung bình là 78,2 người/năm. Đặc biệt, số vụ NĐTP có xu hướng ngày càng tăng. Trong khi tình hình vẫn đang phức tạp, kinh phí cho công tác quản lý ATVSTP từ năm 2004- 2008 còn quá hạn hẹp với tổng kinh phí đầu tư là 329 tỷ đồng. Tính đến năm 2008, mức đầu tư mới đạt 1.100 đồng/người dân/năm, chỉ bằng 1/15 mức đầu tư của Thái Lan cho công tác ATVSTP.

Bày tỏ ý kiến của mình, ĐB Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) nhận xét, công tác ATVSTP có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đại biểu này đề xuất cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao ý thức, kỹ năng thực hành và ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình về vấn đề này. “Bên cạnh đó, cần tăng cường thanh kiểm tra, xử phạt đối với những vi phạm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, phạm vi ảnh hưởng rộng, cần phải xử lý về hình sự hoặc tăng chế tài xử phạt”, ĐB Thụy kiến nghị.

Để củng cố thêm cơ sở hành lang pháp lý cho vấn đề này, ĐB Hoàng Thị Bình (Cao Bằng) cho rằng, việc ban hành các văn bản điều chỉnh hoạt động này đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, theo ĐB Bình cần có cách diễn đạt và cụ thể nội dung để các văn bản pháp luật này dễ áp dụng thực hiện.
 
Vẫn theo ĐB Bình, Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về vệ sinh, an toàn thực phẩm có phân cấp cho địa phương. Tuy nhiên bộ máy chuyên trách quản lý về chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm chưa hoàn thiện, nhân lực làm công tác chuyên trách ở các tuyến còn thiếu và hạn chế về năng lực. Tuyến xã, phường không được giao chức năng quản lý về vệ sinh, an toàn thực phẩm, kinh phí đầu tư cho an toàn thực phẩm rất hạn chế như chúng ta đã biết qua báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ, Quốc hội chỉ có 780đ/ một người/ một năm.

Phân khúc trách nhiệm rõ ràng

ĐB Trương Thu Hằng (Đồng Nai) cho rằng, phải kiện toàn cho đủ số lượng thanh tra chuyên ngành này. Đồng thời, xác định rõ vị trí mối quan hệ, thẩm quyền của thanh tra vệ sinh, an toàn thực phẩm trong hệ thống thanh tra Nhà nước và thanh tra chuyên ngành y tế. Qua đó chấn chỉnh hướng dẫn cho người dân những người kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống thực hiện các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm.

ĐB Hằng cũng đề nghị sớm sửa đổi Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực y tế để có thể xử lý thích đáng các cá nhân, tổ chức có hành vi cố tình vi phạm pháp luật vệ sinh, an toàn thực phẩm, vì lợi nhuận trước mắt mà bất chấp sự tổn hại cho sức khỏe của cộng đồng.

Thay mặt Đoàn giám sát, ông Nguyễn Đăng Vang – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ & môi trường của Quốc hội kiêm Phó trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu thực trạng: Qua giám sát tại 10 tỉnh, tổng hợp 63 báo cáo của các tỉnh, 5 báo cáo của các bộ ngành đã nhận thấy chúng ta không thiếu các văn bản pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này với 337 văn bản khác nhau có liên quan. Tuy nhiên, có một thực trạng là các văn bản lại rất tản mạn, chưa được tập hợp, thống nhất để dễ áp dụng, thực hiện. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư thì ít, nhân lực mỗi tỉnh chỉ có nửa người làm công tác này,máy móc thiết bị hầu như không có mà chủ yếu kiểm tra bằng cảm quan mà thôi.

Ông Vang cũng trấn an dư luận, khi cho biết, kết quả khảo sát hàng chục ngàn mẫu ở các địa phương cho thấy, rau đạt yêu cầu 91%, thịt cá đạt 62% yêu cầu, thực phẩm chế biến công nghiệp đạt 91%, chế biến thủ công đạt 87%...

Để nâng cao hiệu quả của công tác này, ông Vang cho rằng, cần phân khúc trách nhiệm rõ ràng của từng bộ ngành, đặc biệt là hai bộ chủ chốt là Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết, với tư cách là một trong những cơ quan chính được phân công nhiệm vụ này, Bộ Y tế xin tiếp thu những ý kiến đóng góp thiết thực, những giải pháp cụ thể của các đại biểu.
 
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu trả lời chất vấn của các đại biểu.
(Ảnh: VietNamNet)

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cũng kiến nghị Quốc hội, tại Kỳ họp cần ban hành Nghị quyết về lĩnh vựcđang nóng bỏng này. Điều này thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân. Đồng thời cũng thể hiện quyết tâm chính trị của tòan hệ thống chứ không chỉ trách nhiệm của riêng ngành nào, địa phương nào.

“Muốn nâng cao hiệu quả, phải có chế tài đủ mạnh, tuyên truyền toàn diện, trách nhiệm rõ ràng, đầu tư hiệu quả. Bên cạnh đó, song song với việc kiện toàn Ban chỉ đạo Trung ương và địa phương, tiến hành thúc đẩy hiệu quả hoạt động của các Ban chỉ đạo. Các bộ ngành, địa phương cần xem việc đầu tư cho ATVSTP chính là đầu tư cho phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên ủng hộ quan điểm này, ông cho rằng, quản lý chất lượng ATVSTP phải được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Phải xác định đây là mục tiêu, chương trình của cả quốc gia. Mặt khác, tăng tính pháp lý, đủ tính răn đe, rõ ràng, cụ thể. Xác định cho đúng vị trí, vai trò, chức năng và trách nhiệm của mỗi cơ quan, bộ ngành, không để chồng chéo, thiếu hiệu quả.

Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về lĩnh vực này để có cơ sở pháp lý cần thiết cho việc thực thi một cách hiệu quả.

Hồng Sơn - Giadinh.net 11/6/2009

Các văn bản liên quan