An toàn thực phẩm thách thức doanh nghiệp và khách hàng

Thứ Tư 10:55 26-08-2009

(TBKTSG Online) - Những cảnh báo liên tục về chất lượng và nguy cơ sức khỏe trong thời gian gần đây đã khiến các nước phải đặt lại vấn đề kiểm tra tính an toàn của sản phẩm tiêu dùng nhập khẩu.

Từ những đôi giày ủng hoặc ghế salon gây dị ứng cho đến melamine tìm thấy trong sữa và thực phẩm chế biến từ sữa…, những vụ việc này buộc Liên minh châu Âu và Mỹ phải tăng cường việc kiểm tra tính an toàn của sản phẩm tiêu dùng xuất xứ từ Trung Quốc.

Nhưng không chỉ có “made in China” liên quan, sau khi người ta phát hiện các nút bấm trong thang máy bị cũng nhiễm xạ do nguyên liệu nhập từ Ấn Độ. Và những vấn đề an toàn này không chỉ đến từ các nước mới nổi, theo tờ Le Monde. Mới đây Ailen đã buộc phải thu hồi thịt heo bị nhiễm dioxin, một hóa chất cũng được tìm thấy trong phômai nổi tiếng Mozzarella ở Ý vào cuối tháng 3 năm nay.

Vị trí đặt quảng cáoTheo nghiên cứu của công ty chuyên ngành EcoVadis, trong số hơn 300 nhà cung cấp của 12 tập đoàn đa quốc gia của Pháp, 52% các nhà gia công đặt tại các nước đang phát triển bị xem là có rủi ro và 9% ở mức rủi ro rất cao. Việc đánh giá này bao gồm các tiêu chí về môi trường, xã hội, đạo đức và quản lý dây chuyền cung ứng của hãng gia công. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy có đến 42% các nhà cung cấp ở các nước phát triển bị đánh giá có rủi ro và 2% rủi ro rất cao.

Tuy nhiên, ông Pierre-Francois Thaler, đồng sáng lập viên của EcoVadis nhấn mạnh rằng tất cả các nhà cung cấp có rủi ro không hẳn nằm ở các nước có rủi ro. “Rủi ro có mức độ yếu hơn trong các dòng sản phẩm được quy định nghiêm ngặt và có trị giá gia tăng cao như phát triển hàng điện tử. Ngược lại, tỷ lệ rủi ro rất cao trong những lĩnh vực như sản phẩm khuyến mãi vốn được sản xuất ở các nước có giá nhân công rẻ và được các nhà nhập khẩu nhỏ lẻ của châu Âu nhập về”, ông giải thích.

Với việc toàn cầu hóa và chuyển giao sản xuất sang các nước có lương nhân công rẻ và dễ dãi về những quy chuẩn xã hội và môi trường, các doanh nghiệp phương Tây đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc quản lý nguồn cung sản phẩm. Ở đây không chỉ là vấn đề an toàn, mà nó còn liên quan đến niềm tin của người tiêu dùng.

Do sợ ảnh hưởng đến hình ảnh công ty và bị thúc đẩy bởi trào lưu phát triển bền vững, các doanh nghiệp đưa vào trong hợp đồng kinh doanh những hiến chương xã hội và môi trường. Họ giám sát kỹ các nhà gia công bằng cách tự thực hiện kiểm toán hoặc nhờ công ty khác làm việc này.

Ở Alstom, lãnh đạo tập đoàn ký với khách hàng các hiến chương cam kết tuân thủ các tiêu chí phát triển bền vững, đồng thời bắt các nhà cung cấp cũng phải tôn trọng các tiêu chí này. “Chúng tôi có thể bị khách hàng kiểm toán, nhưng chúng tôi cũng làm thế đối với nhà cung cấp”, ông Stéphane Le Corre, giám đốc chiến lược, cải tiến và mua bán của Alstom giải thích. Từ hai năm nay, tập đoàn này đã đưa các tiêu chí trên vào trong việc đánh giá chất lượng và kiểm tra các nhà gia công. Các điều kiện mua hàng bao gồm một hiến chương cam kết tôn trọng thực hiện luật và các quy định, không được sử dụng lao động trẻ em, đảm bảo tự do hội đoàn, không làm ô nhiễm… Việc không tuân thủ hiến chương này sẽ dẫn tới việc hủy hợp đồng. Và Alstom đã phải làm như thế nhiều lần, không chỉ ở Trung Quốc, Ấn Độ, mà cả các nước thuộc Đông Âu vốn cũng có không ít chuyện về quản lý sản xuất và môi trường.

Trong thực tế, các êkíp kiểm tra chất lượng của Alstom tiến hành kiểm toán nếu có nghi ngờ về một nhà cung cấp hoặc sản phẩm không phù hợp, chẳng hạn có chứa những chất bị cấm, bằng cách cho điểm số từ 1 đến 5. Nếu điểm số là 4, nhà cung cấp đó phải cam kết thực hiện cải tiến theo đúng quy định và lịch trình cụ thể. Nếu bị cho điểm số 5, xem như doanh nghiệp đó bị loại trừ khỏi hợp đồng. “Trong trường hợp như vậy, chúng tôi không gặp khó khăn trong việc áp dụng nguyên tắc, bởi người mua hàng của chúng tôi thường bị sốc với những gì họ nhìn thấy và trong thâm tâm, họ đã loại trừ doanh nghiệp này. Đó là những gì mà chúng tôi yêu cầu họ: không có doanh nghiệp trách nhiệm nếu không có người lao động trách nhiệm”, ông Le Corre kết luận.

Để tránh các sự cố, cần phải đi tìm những nhà sản xuất tốt nhất, hoặc nếu có thể là ở những quốc gia an toàn nhất. Đó là điều mà tập đoàn sản xuất phômai Bel cố gắng thực hiện khi mua nguyên liệu ở các địa phương cho các nhà máy ở châu Âu và Mỹ. “Cẩn thận hơn, chúng tôi tránh cung ứng hàng ở một số nước, kể cả ở châu Âu, nhằm thoát khỏi nguy cơ gian lận có tổ chức”, ông Stéphane Paillot, giám đốc mua hàng của Bell nói. “Các nhà cung cấp nguyên liệu bơ và sữa bột cho chúng tôi được kiểm toán trước khi được chứng nhận đúng chuẩn, và tất cả các lô hàng dùng cho sản xuất đều được kiểm tra vi khuẩn. Chúng tôi muốn đảm bảo có thể lần ra đường đi của sản phẩm và cấu thành của nó”.

Tuy nhiên, càng lần sâu vào dây chuyền sản xuất, càng khó theo dõi được nguồn gốc của thành phần cấu tạo và nguyên liệu. “Chuyện làm ăn giữa Trung Quốc và châu Phi vẫn là một lỗ đen về phương diện xã hội và môi trường”, phó giám đốc Sylvain Guyoton của EcoVadis giải thích. “Chúng tôi gửi cho nhà cung cấp các bản câu hỏi và yêu cầu họ cung cấp các chứng thực cho các câu trả lời. Ở Trung Quốc, dù các biện pháp thực hiện nội bộ của nhà cung cấp đôi khi rất tốt, nhưng chúng tôi không hề nhận được bằng chứng đáng tin nào về tiêu chí kiểm tra của nhà cung cấp về dây chuyền cung ứng của họ đối với châu Phi hoặc Mỹ La tinh”. Và như vậy, vẫn còn phải lấp đầy nhiều khoảng trống của cái gọi là phát triển bền vững.

TẤN LỘC

Các văn bản liên quan