Về tính mục đích của các hành vi

Thứ Ba 15:29 30-05-2006
Dự thảo Luật cạnh tranh hiện có sử dụng cách qui định hành vi bị cấm thông qua tiêu chí mục đích của hành vi đó (tất nhiên có kết hợp với một hoặc một số tiêu chí khác). Ví dụ:
- Điều 13.1 qui định hành vi "Bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ dưới chi phí sản xuất nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh";
- Điều 27 qui định "Cấm doanh nghiệp mua chuộc, dụ dỗ, ép buộc...để giao dịch với khách hàng hoặc đối tác kinh doanh của đối thủ cạnh tranh nhằm cạnh tranh không lành mạnh";
- Điều 29.1 qui định "Gây rối hoạt động kinh doanh là hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp nhằm mục đích cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác";
- Điều 31.1 qui định "Tổ chức khuyến mại mà gian dối về giải thưởng nhằm cạnh tranh với doanh nghiệp khác".
Về mặt nguyên tắc pháp lý, cách qui định này không có gì là bất thường (ví dụ luật hình sự). Tuy nhiên, cách qui định sử dụng mục đích để xác định hành vi này có vẻ không phù hợp lắm trong trường hợp của pháp luật cạnh tranh bởi:
- Thứ nhất, việc xác định mục đích của hành vi là việc rất khó và không phải lúc nào cũng tiến hành được trong điều kiện các hành vi thương mại diễn ra thường xuyên và đa dạng (điều này khác hẳn với các tội phạm trong luật hình sự). Nếu qui định như hiện nay thì rất nhiều hành vi sẽ không thể bị xử lý chỉ vì cơ quan điều tra không xác định được hoặc không chứng minh được mục đích của hành vi đó. Ví dụ một doanh nghiệp nước giải khát A cố tình bán sản phẩm dưới giá thành nhưng lại lấy lý do là hàng tồn kho nhiều, cần bán gấp để thu hồi vốn trả lãi ngân hàng cho kịp kỳ hạn. Ngoài ra, phàm những hành vi có mục đích không tốt thì không ai lại nêu rõ mục đích đó để rồi sau đó bị phán xét.
- Thứ hai, trong nhiều trường hợp thoả thuận hoặc hành vi không có mục tiêu hoặc không nhắm hoàn toàn đến mục tiêu hạn chế cạnh tranh nhưng lại dẫn tới hệ quả trên thực tế là hạn chế, cản trở cạnh tranh. Nếu qui định như hiện tại thì những thoả thuận hay hành vi loại này sẽ không bị xử lý.
Vì vậy, tôi cho rằng cần sửa đổi cách qui định này theo hướng: qui định đồng thời cả tiêu chí về hành vi lẫn tiêu chí về hệ quả (thực tế hoặc nguy cơ chắc chắn), cách qui định này sẽ bao quát phạm vi rộng hơn (bao gồm cả những hành vi có mục đích bị cấm hoặc hành vi gây ra hệ quả bị cấm). Ví dụ, Điều 13.1 có thể sửa lại thành: "Bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ dưới chi phí sản xuất nhằm hoặc dẫn đến việc loại bỏ đối thủ cạnh tranh".

Các văn bản liên quan