Cạnh tranh bình đẳng vì sự phát triển

Thứ Ba 15:28 30-05-2006
CẠNH TRANH BÌNH ĐẲNG VÌ SỰ PHÁT TRIỂN

Đặng Văn Thanh

Dự án Luật cạnh tranh đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, QH khoá XI. Tác giả bình luận những chính sách lớn trong Dự án Luật này liên quan tới xác định hành vi hạn chế cạnh tranh, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh và các chính sách liểm soát để tạo lập và duy trì một môi trường cạnh tranh bình đẳng vì sự phát triển kinh tế xã hội.

Cạnh tranh trong khuôn khổ pháp lý
Trong kinh tế thị trường, để tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp luôn theo đuổi để đạt cho được những ưu đãi bằng việc sử dụng những thông số cạnh tranh như giá cả, chất lượng, dịch vụ, tiếp thị, thị trường... cạnh tranh là một trong những quy luật chủ yếu của nền kinh tế thị trường, là động lực phát triển kinh tế, là cơ sở cho hệ thống thị trường hoạt động có hiệu quả. Nhà nước khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.
Luật pháp đã ban hành nhiều quy định điều chỉnh và chế tài bảo đảm môi trường cạnh tranh, bình đẳng, hợp tác. Cùng với quá trình đổi mới cơ chế kinh tế, xây dựng nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, cạnh tranh diễn ra ngày càng gay gắt. Bên cạnh những hoạt động cạnh tranh lành mạnh đã và đang xuất hiện nhiều hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh, lợi dụng vị thế độc quyền, gây khó khăn, làm tổn hại đến nền kinh tế, đến hoạt động kinh doanh và lợi ích kinh tế chính đáng của các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Vì vậy, phải tạo lập khuôn khổ pháp lý cho hoạt động cạnh tranh, kiểm soát và điều chỉnh quá trình hình thành vị thế thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền, loại bỏ hoặc kiểm soát các hành vi hạn chế cạnh tranh, loại bỏ các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền và hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Luật pháp cạnh tranh cùng với sự quản lý Nhà nước về cạnh tranh sẽ đảm bảo cho quá trình cạnh tranh diễn ra một cách bình đẳng, trật tự. Thị trường của Việt Nam còn nhỏ bé, các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh có nguy cơ trở nên phổ biến, nhất là trong môi trường được bảo hộ cao, luật pháp chưa đầy đủ, còn thiếu minh bạch. Việc áp dụng luật pháp và các chính sách của kinh tế thị trường, chủ động mở cửa hội nhập nền kinh tế thế giới và khu vực sẽ tạo áp lực buộc các doanh nghiệp trong nước phải nâng cao hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng hàng hoá, dịch vụ, giảm chi phí kinh doanh, hạ giá thành chi phí sản phẩm, dịch vụ; lợi ích người tiêu dùng sẽ được bảo vệ.

Hành vi hạn chế cạnh tranh
Hạn chế cạnh tranh là hành vi làm giảm sai lệch, cản trở cạnh tranh trên thị trường. Trong nền kinh tế nếu không có cạnh tranh hoặc cạnh tranh bị hạn chế đều có thể dẫn đến độc quyền. Dù hình thành bằng cách nào và tồn tại dưới bất kỳ hình thức nào, độc quyền trong kinh doanh cũng gây hậu quả tiêu cực đối với nền kinh tế và xã hội, dẫn đến giá cả độc quyền, giá cả lũng đoạn làm ảnh hưởng đến lợi ích người tiêu dùng và sự phát triển kinh tế xã hội. Trong nền kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập, là điều kiện thuận lợi cho những tập đoàn kinh tế mạnh, những công ty đa quốc gia hoạt động ở Việt Nam. Nhà nước cần phải quản lý và kiểm soát cho được quá trình dẫn đến những công ty này sẽ sử dụng sức mạnh kinh tế để tạo lập vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền, nhằm duy trì môi trường kinh doanh có tính cạnh tranh; đặc biệt phải có biện pháp loại bỏ hoặc kiểm soát những hành vi gây hạn chế cạnh tranh biểu hiện dưới các hình thức sau đây:

- Thoả thuận hạn chế cạnh tranh
- Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường
- Lạm dụng vị trí độc quyền
- Tiến hành các vụ việc tập trung kinh tế

Thoả thuận hạn chế cạnh tranh
Thoả thuận bị coi là hạn chế cạnh tranh gồm: thỏa thuận về giá, về thị trường, về kiểm soát, hạn chế lượng sản xuất, mua bán, phát triển kỹ thuật, ngăn cản, loại bỏ doanh nghiệp khác... Dự án Luật nghiêm cấm các hành vi thoả thuận gây hạn chế cạnh tranh khi các bên tham gia có thị phần kết hợp từ 30% trở lên. Nghiêm cấm hành vi thông đồng để một hoặc các bên trong việc cung ứng hàng hoá, dịch vụ và thoả thuận ấn định giá bán lại giữa các bên hoạt động trong các giai đoạn khác nhau của cùng một quá trình sản xuất hay phân phối.

Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường
Doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường là doanh nghiệp có thị phần trên 30% hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể. Nhóm doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có tổng thị phần từ 50% trở lên (nếu là 2 doanh nghiệp), từ 75% trở lên (nếu là 4 doanh nghiệp). Luật nghiêm cấm doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường thực hiện các hành vi bán hàng hoá, dịch vụ dưới chi phí sản xuất nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh; áp giá mua hoặc giá bán bất hợp lý gây thiệt hại cho khách hàng; hạn chế sản xuất, phân phối, giới hạn thị trường, cản trở sự phát triển kỹ thuật làm thiệt hại cho khách hàng; áp dụng những điều kiện thương mại khác nhau đặt doanh nghiệp vào vị trí bất bình đẳng trong cạnh tranh; áp đặt điều kiện cho doanh nghiệp khác ký kết hợp đồng mua bán hàng hoá, dịch vụ hoặc buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan một cách trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng; ngăn cản việc tham gia thị trường của những đối thủ cạnh tranh mới.

Lạm dụng vị trí độc quyền
Doanh nghiệp bị coi là có vị trí độc quyền trên thị trường nếu không có doanh nghiệp nào cạnh tranh về hàng hoá, dịch vụ và doanh nghiệp đó kinh doanh. Luật nghiêm cấm các hành vi áp đặt điều kiện bất lợi cho khách hàng, đơn phương huỷ hoặc thay đổi hợp đồng.

Tiến hành các vụ việc tập trung kinh tế
Tập trung kinh tế là hành vi của doanh nghiệp bao gồm sát nhập, hợp nhất, mua lại, liên doanh v.v. nhằm kiểm soát hoặc chi phối hoạt động của doanh nghiệp. Luật nghiêm cấm mọi hành vi cạnh tranh dẫn đến việc tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp trên thị trường liên quan đến các bên tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trừ trường hợp kết quả của tập chung kinh tế vẫn thuộc loại daonh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp tham gia tập chung kinh tế có trách nhiệm thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh 30 ngày trước khi tiến hành tập trung kinh tế.

Hành vi cạnh tranh không lành mạnh
Dự án luật quy định hành vi cạnh tranh không lành mạnh bao gồm các hành vi giả mạo chỉ dẫn thương mại, xâm phạm bí mật kinh doanh, mua chuộc, dụ dỗ, ép buôc trong kinh doanh, dèm pha doanh nghiệp khác, quảng cáo, khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh, phân biệt đối xử trong hiệp hội, bán hàng đa cấp bất chính.

Nguyên tắc xử lý vụ việc cạnh tranh
Luật quy định, doanh nghiệp được tự do cạnh tranh trong khuôn khổ pháp luật. Nhà nước bảo hộ quyền cạnh tranh hợp pháp trong kinh doanh. Cạnh tranh phải thực hiện theo theo nguyên tắc trung thực, không xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, của người tiêu dùng. Khi quyền và lợi ích bị vi phạm do hành vi hạn chế cạnh tranh và cạnh tranh không lành mạnh thì tổ chức cá nhân có quyền khiếu nại đến cơ quan quản lý cạnh tranh. Quá trình thụ lý hồ sơ, thu thập chứng cứ, ra quyết định điều tra do cơ quan quản lý cạnh tranh tiến hành. Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh, thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh có quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành chính. Việc xử lý vụ việc cạnh tranh bằng việc mở phiên điều trần công khai, sau khi nhân được báo cáo điều tra và toàn bộ hồ sơ vụ việc cạnh tranh. Điều tra vụ việc cạnh tranh bao gồm điều tra sơ bộ và điều tra chính thức, kiến nghị của điều tra viên sơ bộ sẽ là căn cứ cho thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh ra quyết định đình chỉ điều tra hay tiếp tục điều tra chính thức. Điều tra chính thức được tiến hành chi tiết cho từng trường hợp hạn chế cạnh tranh hoặc vụ việc cạnh tranh không lành mạnh. Phaỉ lập biên bản điều tra và báo cáo điều tra. Tại phiên điều trần, các bên liên quan sẽ trình bày ý kiến và tranh luận, hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh tiến hành bỏ phiếu kín và quyết định theo đa số để xử lý vụ việc cạnh tranh.

Hình thức và biện pháp xử lý vi phạm trong cạnh tranh
Vi phạm trong cạnh tranh sẽ bị xử lý dưới các hình thức phạt cảnh cáo, phạt tiền, thu hồi giấy đăng ký kinh doanh, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm trong lĩnh vực cạnh tranh. Ngoài ra, các tổ chức cá nhân vi phạm có thể bị luật áp dụng các biện pháp chế tài như cơ cấu lại doanh nghiệp, chia tách doanh nghiệp đã sát nhập, hợp nhất, buộc bán lại phần doanh nghiệp đã mua; cải chính công khai; loại bỏ những điều khoản vi phạm pháp luật ra khỏi hợp đồng hoặc trong giao dịch kinh doanh v.v Mức phạt tiền trong lĩnh vực cạnh tranh do Chính phủ quy định cụ thể và tối đa có thể đến 10% Tổng số doanh thu của năm tài chính trước năm thực hiện hành vi bị cấm hạn chế cạnh tranh.

Với các quy định và chế tài như vậy, Luật cạnh tranh sẽ tạo lập khung pháp lý quan trọng để ngăn chặn cạnh tranh không lành mạnh, kiểm soát các thoả thuận hạn chế cạnh tranh, kiểm soát và hạn chế các hành vi lợi dụng vị trí độc quyền và thống lĩnh thị trường, tạo môi trường cạnh tranh trong trật tự, bình đẳng, vì sự phát triển. Cạnh tranh phải thực sự là cơ sở cho hệ thống thị trường hoạt động có hiệu quả, là tiền đề bảo vệ sự tự do đối với những quyết định và hành động vì lợi ích bản thân từng doanh nghiệp, vì sự hoàn hảo về kinh tế, công bằng xã hội và thị trường mong muốn./.

Các văn bản liên quan