VCCI_Rà soát, đánh giá việc thực hiện Nghị định 51/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa

Thứ Tư 09:56 07-07-2021

Kính gửi: Bộ Công Thương

          Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận được công văn 3689/BCT-TTTN ngày 24/6/2021 của quý Bộ đề nghị rà soát, đánh giá việc thực hiện Nghị định 51/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa (sau đây gọi tắt là Nghị định 51/2018/NĐ-CP).

Nghị định 51/2018/NĐ-CP đã đạt được thành tựu trong việc kết nối liên thông giữa Sở Giao dịch hàng hoá (GDHH) tại Việt Nam với các Sở trên thế giới, mở cánh cửa cho nhà đầu tư trong nước đến với thị trường quốc tế, tuy nhiên trên thực tiễn có nhiều vướng mắc. Trên cơ sở phản ánh của một số doanh nghiệp và chuyên gia, VCCI tổng hợp một số đề xuất ban đầu như sau:

  1. Cần cho phép cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước được giao dịch trực tiếp mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa (Sở GDHH)

  Khoản 13 Điều 3 của Nghị định 158/2006/NĐ-CP quy định:

  1. Khách hàng là tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của Sở Giao dịch hàng hóa, thực hiện hoạt động mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch hàng hóa thông qua việc uỷ thác cho thành viên kinh doanh của Sở Giao dịch hàng hóa.

  Khoản 1 Điều 17 quy định:

  1. Thành viên của Sở Giao dịch hàng hóa bao gồm:
  2. a) Thành viên kinh doanh;
  3. b) Thành viên môi giới.

  Như vậy, chỉ doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện trở thành Thành viên kinh doanh mới có thể trực tiếp thực hiện các hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở GDHH. Các tổ chức, cá nhân không phải là Thành viên kinh doanh khi muốn tham gia giao dịch hàng hóa bắt buộc phải ký hợp đồng ủy thác giao dịch với Thành viên kinh doanh. Thành viên kinh doanh chịu trách nhiệm đặt lệnh giao dịch (do khách hàng ủy thác) vào hệ thống giao dịch của Sở GDHH. Việc ủy thác giao dịch khiến cho người nông dân, nhà sản xuất không phải là Thành viên của Sở GDHH chỉ được phép “gián tiếp” mà không được “trực tiếp” thực hiện giao dịch.

  Hiện nay, có rất nhiều nhà sản xuất, nhà bán buôn, bán lẻ, hoặc doanh nghiệp chế biến, trồng trọt, chăn nuôi có nhu cầu mua bán hàng hóa qua Sở GDHH, thực tiễn của các Sở GDHH trên thế giới cũng thể hiện điều nay. Nhóm đối tượng này dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động về giá của thị trường hàng hóa, tỷ giá và lãi suất. Vì thế họ sử dụng công cụ bảo hiểm giá (là các hợp đồng kỳ hạn trên thị trường hàng hóa) để giảm thiểu tác động của các diễn biến thị trường, quản lý và hạn chế rủi ro.

  Nhu cầu của người nông dân, các doanh nghiệp sản xuất quy mô nhỏ ở Việt Nam đối với loại công cụ bảo hiểm rủi ro đã xuất hiện từ lâu, tăng nhanh trong khoảng 5 năm qua. Một phần lý do của sự gia tăng nhu cầu là vì nông nghiệp vẫn đang là yếu tố chủ đạo trong nền kinh tế của Việt Nam. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định đến năm 2025 chú trọng các chính sách hỗ trợ và phát triển nông nghiệp. Năm 2020, tăng trưởng kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 2,55%[1], hơn 65% dân số làm nông nghiệp (báo cáo tình hình lao động và việc làm quý IV và năm 2020[2]) với các mặt hàng nông sản xuất khẩu thế mạnh gồm gạo, cà phê, hồ tiêu. Dự báo nhu cầu sử dụng các công cụ bảo hiểm giá sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới bởi những yếu tố chính trị, kinh tế, dịch bệnh, xã hội toàn cầu.

     Tuy nhiên, quy định tại khoản 13 Điều 3 của Nghị định 158/2006/NĐ-CP và cơ chế ủy thác giao dịch đang hạn chế việc chủ động giao dịch trực tiếp hợp đồng kỳ hạn của các cá nhân, tổ chức không phải là Thành viên của Sở GDHH. Khi các chủ thể trên đặt lệnh thông qua ủy thác, các thao tác do con người thực hiện phát sinh độ trễ nhất định. Độ trễ này xảy ra khi nhà đầu tư đặt lệnh qua thành viên kinh doanh bằng điện thoại, email, tin nhắn điện tử. Nhân viên của Thành viên kinh doanh tiếp nhận lệnh, thao tác ghi nhận lệnh vào hệ thống. Do độ trễ trong thời gian đặt lệnh, nhà đầu tư thường không chốt được mức giá như ý muốn trong khi thị trường hàng hóa biến động không ngừng. Nếu nhà đầu tư chủ động đặt lệnh, lệnh giao dịch được ghi nhận trực tiếp vào hệ thống của Sở GDHH, không phụ thuộc vào bên thứ ba để đặt lệnh như hiện nay thì độ trễ chắc chắn ngắn hơn thao tác đặt lệnh qua thành viên kinh doanh, giảm thiểu được rủi ro, tăng hiệu quả kinh doanh.

  Bên cạnh đó, hợp đồng kỳ hạn mua bán hàng hóa qua Sở GDHH tại Việt Nam hiện là một công cụ hiệu quả để bảo vệ người nông dân, nhà sản xuất, doanh nghiệp chế biến… trước các chuyển biến bất lợi của thị trường hàng thực, phù hợp với thị trường của Việt Nam hiện nay. Đồng thời công cụ này cho phép các cá nhân, tổ chức này tự thiết lập một mức giá có lợi trước khi bán hàng hóa của mình ra thị trường.

  Do đó, các doanh nghiệp đề xuất cần có cơ chế cho phép tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước không phải là thành viên kinh doanh của Sở GDHH, giao dịch trực tiếp để tạo thế chủ động cho các chủ thể này, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước nhằm kéo giá Việt Nam tiệm cận với mặt bằng giá thế giới, tránh tình trạng “được mùa mất giá”.

Vì vậy, đề nghị Bộ Công thương xem xét sửa đổi khoản 13 Điều 3 của Nghị định 158/2006/NĐ-CP theo hướng mở rộng hơn, cho phép cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài không phải là thành viên của Sở GDHH, được thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở GDHH thông qua các hình thức: đặt lệnh trực tiếp hoặc ủy thác cho Thành viên kinh doanh của Sở GDHH thực hiện giao dịch.

  1. Quy định cụ thể hơn về hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa

Nghị định 51/2018/NĐ-CP đã bổ sung Điều 16a cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được giao dịch tại Sở GDHH ở Việt Nam. Tuy nhiên, hiện chưa có bất kỳ nhà đầu tư nước ngoài nào mở tài khoản và giao dịch trên Sở GDHH ở Việt Nam, trong khi nhu cầu giao dịch tương đối lớn, đặc biệt đối với các mặt hàng mà Việt Nam sản xuất và xuất khẩu nhiều, như: cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, gạo.

Nguyên nhân là do các quy định pháp luật trong nước có liên quan về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở GDHH của nhà đầu tư nước ngoài chưa rõ ràng. Ví dụ: pháp luật đầu tư chưa đưa ra mô tả về loại hình đầu tư (gián tiếp hay trực tiếp), hình thức đầu tư, trình tự, thủ tục đầu tư; pháp luật về ngoại hối, luật các tổ chức tín dụng chưa có hướng dẫn trong vấn đề thanh toán, quản lý dòng tiền, tài sản, chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, chưa có cơ chế tổ chức, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc quản lý lĩnh vực này.

  Để đảm bảo sự công bằng giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước, giải quyết nhu cầu giao dịch hàng hóa tại Sở GDHH ở Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước, phù hợp với các quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối và tuân thủ tinh thần Nghị quyết số 58/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, đề nghị xây dựng các quy định chi tiết về hoạt động giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài mua bán hàng hóa qua Sở GDHH.

Hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở GDHH đang trở thành một kênh đầu tư mới, hấp dẫn để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Quy định cụ thể hơn về việc nhà đầu tư nước ngoài mua bán hàng hóa qua các Sở GDHH tại Việt Nam sẽ giúp tạo thuận lợi cho Việt Nam tiếp cận thị trường quốc tế, gia tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, từng bước tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần cân bằng cán cân thương mại.

  1. Xem xét thống nhất quy định pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực cung ứng sản phẩm phái sinh hàng hóa

Thông tư 40/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cho phép các ngân hàng thương mại được phép cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả. Thông tư 40/2016/TT-NHNN ra đời khi nhu cầu thị trường về bảo hiểm giá nguyên liệu đầu vào đang tăng mạnh, đa dạng về nhiều nhóm hàng hóa nhưng chưa có kênh triển khai, chưa có quy định cụ thể (sau này đã được quy định tại Nghị định 51/2018/NĐ-CP), các Sở GDHH ở Việt Nam chưa được liên thông với các Sở GDHH trên thế giới.

Các ngân hàng thương mại theo Thông tư 40/2016/TT-NHNN hoạt động có tính chất giống như một Thành viên kinh doanh của Sở GDHH ở nước ngoài nhưng không chịu sự điều chỉnh của Luật Thương mại và các Nghị định về Sở GDHH (không phải đáp ứng các điều kiện cung cấp sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa), không chịu sự quản lý của Bộ Công Thương trong lĩnh vực này. Quy định như vậy không hợp lý, không đạt được hiệu quả về quản lý nhà nước. Về mặt pháp luật, các ngân hàng cũng phải tuân thủ quy định chung về Sở GDHH.

Do đó, các doanh nghiệp kiến nghị xem xét chấm dứt hiệu lực của Thông tư 40/2016/TT-NHNN để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, hạn chế chồng chéo trong quản lý nhà nước và đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp kinh doanh trong cùng một lĩnh vực.

Trên đây là một số ý kiến tổng hợp ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về việc thực hiện Nghị định số 51/2018/NĐ-CP trân trọng gửi tới Quý Bộ.

Trân trọng cảm ơn./.

[1] https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2020/12/baocao-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-iv-va-nam-2020/

[2] https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/01/thong-cao-bao-chi-tinh-hinh-lao-dong-viec-lam-quy-iv-va-nam-2020/

Các văn bản liên quan