VCCI_Phản ánh ý kiến của doanh nghiệp đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 10/2020/NĐ-CP và Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô

Thứ Ba 15:31 16-01-2024

Kính gửi: Văn phòng Chính phủ

Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đang được sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe (sau đây gọi tắt là Dự thảo). Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản số 1999/LĐTM-PC ngày 02/10/2023 góp ý đối với Dự thảo tại thời điểm lấy ý kiến và tham gia ý kiến tại cuộc họp thẩm định vào tháng 11 năm 2023 tại Bộ Tư pháp.

Hiện tại, VCCI tiếp tục nhận được nhiều ý kiến góp ý, phản ánh của doanh nghiệp đối với Dự thảo và các quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP. Đây là văn bản quy phạm pháp luật nhận được sự quan tâm rất lớn của doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô, vì vậy, VCCI gửi tới Quý Cơ quan các ý kiến của doanh nghiệp đối với Dự thảo và các quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP như sau:

  1. Về kinh doanh vận tải theo hình thức hợp đồng (Điều 7 Nghị định 10/2020/NĐ-CP)

Khoản 3 Điều 7 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe:

  • Chỉ được ký hợp đồng vận chuyển với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe); chỉ được đón, trả khách theo đúng địa điểm trong hợp đồng vận chuyển đã ký kết (điểm a);
  • Không được gom khách, đón khách ngoài danh sách đính kèm theo hợp đồng đã ký do đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp; không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe, không được bán vé hoặc thu tiền đối với từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức; không được ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ cho nhiều hành khách hoặc nhiều người thuê vận tải khác nhau (điểm b);
  • Không được đón, trả khách thường xuyên lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh (điểm c);
  • Trong thời gian một tháng, mỗi xe ô tô không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp, phạm vi trùng lặp được tính tại một địa điểm hoặc tại nhiều địa điểm nằm trên cùng một tuyến phố (một tuyến đường), ngõ (hẻm) trong đô thị; việc xác định điểm đầu, điểm cuối trùng lặp được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe và hợp đồng vận chuyển đã ký kết (điểm d).

Điểm a khoản 3 Điều 2 Dự thảo (phiên bản thẩm định tháng 11/2023) quy định, đơn vị kinh doanh vận tải theo hình thức hợp đồng sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 3 Điều 7 Nghị định 10/2020/NĐ-CP “không được đón, trả khách từ 03 ngày liên tiếp trở lên hoặc từ 10 ngày trở lên trong một tháng tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định khác”.

Các quy định trên, suy đoán nhằm phân biệt giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách hợp đồng với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định. Tuy nhiên, cách thức thiết kế của quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP cũng như Dự thảo Nghị định sửa đổi chưa phù hợp với bản chất của loại hình kinh doanh vận tải theo hợp đồng (khi các bên có thể tự do thỏa thuận về hoạt động vận tải hành khách từ hành trình, điểm đón, số lượng hành khách…) và đã can thiệp vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp cho biết các quy định trên: i) không phù hợp với thực tế, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp: hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng xuất phát từ nhu cầu của khách hàng, doanh nghiệp không thể kiểm soát/dự đoán được nhu cầu của khách hàng về các điểm đón, trả khách, vì vậy yêu cầu “trong thời gian một tháng, mỗi xe ô tô không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp, phạm vi trùng lặp được tính tại một địa điểm hoặc tại nhiều địa điểm nằm trên cùng một tuyến phố (một tuyến đường), ngõ (hẻm) trong đô thị” là quá cứng nhắc, gây khó khăn cho hoạt động, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp (khi phải từ chối các yêu cầu của khách nếu vượt quá tần suất chuyến theo quy định). Yêu cầu “chỉ được ký hợp đồng vận chuyển với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe)” khiến cho doanh nghiệp không tối ưu trong việc khai thác tài sản để đáp ứng nhu cầu của khách hàng (muốn đi ghép để chia sẻ chi phí).

  1. ii) Khó quản lý trên thực tế: Khoản 6 Điều 7 Nghị định 10/2020/NĐ-CP đã có quy định riêng đối với vận chuyển học sinh, sinh viên, cán bộ công nhân viên đi học, đi làm việc. Như vậy, các giới hạn đối với xe hợp đồng quy định tại khoản 3 Điều 7 không áp dụng đối với hoạt động vận chuyển học sinh, sinh viên, cán bộ công nhân viên đi học, đi làm việc. Tuy nhiên, rất khó để xác định các đối tượng vận chuyển theo khoản 6 Điều 7 với các đối tượng theo khoản 3 Điều 7, bởi vì các thông tin hợp đồng đối với vận chuyển cán bộ công nhân viên đi học, đi làm việc gửi cho cơ quan quản lý không có nội dung xác định đối tượng vận chuyển là ai? Kể cả xác định đối tượng vận chuyển là ai thì việc kiểm soát hàng ngàn chuyến xe cho mỗi tháng là khó khả thi với cơ quan quản lý.

iii) Ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng khi đặt các ràng buộc trên đối với vận tải hành khách theo hợp đồng. Nhu cầu của khách hàng là rất đa dạng, việc khống chế đơn vị vận tải về tỷ lệ không vượt quá 30% tổng số chuyến trong một tháng ở cùng một địa điểm, sẽ không được tự do lựa chọn đơn vị vận tải mà phải lựa chọn đơn vị vận tải khác, loại hình vận tải khác khi muốn di chuyển. Yêu cầu “chỉ được ký hợp đồng vận chuyển với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe)” có thể khiến khách hàng không thể chia sẻ chi phí với người khác và gây ra lãng phí về nguồn lực xã hội.

Đối với lĩnh vực vận tải hành khách bằng ô tô, mục tiêu quản lý nên hướng tới là đảm bảo an toàn trật tự giao thông. Điều này kiểm soát thông qua yêu cầu về chất lượng của phương tiện, trình độ của người lái xe, các điểm đón trả khách phù hợp để không gây ra ùn tắc giao thông. Việc thiết kế cơ chế quản lý bằng cách can thiệp trực tiếp vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp dường như chưa thật phù hợp và ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Từ tất cả các điểm trên, các doanh nghiệp kiến nghị bỏ quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 10/2020/NĐ-CP.

  1. Về thu hồi Giấy phép kinh doanh vận tải

Dự thảo đã bổ sung điểm đ và điểm e khoản 6 Điều 19 Nghị định 10/2020/NĐ-CP về thu hồi Giấy phép kinh doanh vận tải khi thuộc các trường hợp:

  • Không chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và pháp luật khác có liên quan của cơ quan có thẩm quyền (điểm đ).
  • Trong thời gian 01 tháng, có từ 30% trở lên số phương tiện của đơn vị bị xử lý vi phạm thu hồi, bị tước phù hiệu, biển hiệu (điểm e)”.

Thu hồi Giấy phép kinh doanh là chế tài tác động rất lớn đến doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp chấm dứt hoạt động kinh doanh. Việc bổ sung hai trường hợp thu hồi giấy phép kinh doanh trên cần được cân nhắc xem xét lại, bởi vì “việc không chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và pháp luật khác có liên quan” là quy định chưa đủ rõ ràng, cụ thể về xác định hành vi vi phạm và phạm vi quá rộng (kiểm tra “pháp luật khác có liên quan”), điều này có thể tạo ra nguy cơ cho các doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép kinh doanh.

Trên đây là một số kiến nghị của doanh nghiệp đối với các quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải ô tô và Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe. Rất mong Quý Cơ quan cân nhắc xem xét.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan.