VCCI_Góp ý thẩm định Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 60/2014/NĐ-CP quy định về hoạt động in

Thứ Sáu 17:33 26-11-2021

Kính gửi: Vụ Pháp luật Dân sự – Kinh tế, Bộ Tư pháp

Trả lời Công văn số 498/GM-BTP của Bộ Tư pháp về việc đề nghị tham gia thẩm định Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 60/2014/NĐ-CP ngày 19/6/2014 của Chính phủ quy định về hoạt động in và thay thế Nghị định 25/2018/NĐ-CP ngày 28/02/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 60/2014/NĐ-CP quy định về hoạt động in (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có một số ý kiến góp ý đối với Dự thảo như sau:

VCCI đánh giá rất cao tinh thần cầu thị của cơ quan chủ trì soạn thảo. Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định đang vướng mắc trên thực tế theo hướng tích cực, cải cách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Những vấn đề chưa tiếp thu đã được giải trình rõ ràng, đầy đủ.

Để tiếp tục hoàn thiện, VCCI có một số ý kiến trao đổi về các quy định sau:

  1. Cấp giấy phép hoạt động in (khoản 7 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 12 Nghị định 60/2014/NĐ-CP)

Dự thảo bổ sung trường hợp chi nhánh, địa điểm kinh doanh của cơ sở in có thực hiện chế bản, in, gia công sau in thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt chi nhánh, địa điểm kinh doanh thực hiện cấp giấy phép hoạt động in và gửi bản sao cho cơ quan quản lý nhà nước ở tỉnh nơi cơ sở đặt trụ sở chính. Về nguyên tắc, chi nhánh, địa điểm kinh doanh là bộ phận thuộc doanh nghiệp, chủ thể chịu trách nhiệm pháp lý là doanh nghiệp. Vì vậy, việc cấp giấy phép cho chi nhánh dường như chưa thật phù hợp với tính chất của chủ thể này.

Việc quản lý chi nhánh, địa điểm kinh doanh có thực hiện chế bản, in là hợp lý, để đảm bảo các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tại chi nhánh, địa điểm kinh doanh phù hợp với các điều kiện kinh doanh trong ngành nghề này. Tuy nhiên, cách thức quản lý đề nghị điều chỉnh như sau:

  • Khi thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động in, doanh nghiệp cần kê khai thông tin về chi nhánh, địa điểm kinh doanh có thực hiện chế bản, in và cung cấp các tài liệu chứng minh đáp ứng điều kiện hoạt động ở các chi nhánh, địa điểm kinh doanh này.
  • Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ cấp Giấy phép hoạt động in trong đó xác định các chi nhánh, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp trong giấy phép;
  • Cơ quan cấp phép sẽ gửi thông tin tới địa phương có chi nhánh, địa điểm kinh doanh để phối hợp quản lý

Góp ý tương tự đối với quy định tại khoản 9 Điều 1 Dự thảo.

  1. Nhận chế bản, in, gia công sau in hóa đơn tài chính, các loại thẻ, giấy tờ có giá sẵn mệnh giá hoặc dùng để ghi mệnh giá; bao bì, nhãn hàng hóa và các sản phẩm phải có giấy phép lưu hành, giấy chứng nhận đăng ký, giấy chứng nhận chất lượng (khoản 13, 14 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 19, 21 Nghị định 60/2014/NĐ-CP)

Nghị định 25/2018/NĐ-CP đã bãi bỏ Điều 19, 21 Nghị định 60/2014/NĐ-CP. Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao quy định này tại Nghị định 25/2018/NĐ-CP vì đã tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Dự thảo khôi phục lại hai điều khoản đã bị bãi bỏ tại Nghị định 25/2018/NĐ-CP, lý do được giải trình là nhằm ngăn chặn hàng giả. Theo quy định hiện hành, cơ quan quản lý có nhiều biện pháp để quản lý hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (ví dụ: yêu cầu người bán hàng chứng minh nguồn gốc của hàng hóa; đối với các hàng hóa của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì sẽ được kiểm soát thông qua cơ chế quản lý của các ngành nghề kinh doanh này). Do đó, kiểm soát hàng giả thông qua đặt ra yêu cầu khi thực hiện các giao dịch chế bản, in, gia công sau in … là không cần thiết trong khi đó quy định này lại gây phiền phức, khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.

Đề nghị cân nhắc bỏ khoản 13, 14 Điều 1 Dự thảo, tức là giữ như quy định hiện hành.

  1. Về khai báo nhập khẩu thiết bị in (khoản 17, 18 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 27 Nghị định 60/2014/NĐ-CP)

Dự thảo đã có điều chỉnh quan trọng liên quan đến cơ chế quản lý đối với hoạt động nhập khẩu thiết bị in, theo đó chuyển từ việc cấp phép nhập khẩu sang khai báo nhập khẩu. So với quy định hiện hành, đây là một bước tiến tích cực trong cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, để Dự thảo thực sự thể hiện triệt để quan điểm này, đề nghị cân nhắc, xem xét một số vấn đề sau:

Theo quy định tại khoản 18 Điều 1 Dự thảo thì thủ tục khai báo nhập khẩu, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ và chờ có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. So với quy định hiện hành thì thủ tục này được thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia – thay đổi về phương thức thực hiện thủ tục, còn xét về bản chất thì tương tự như thủ tục cấp phép (doanh nghiệp phải có “xác nhận” của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được phép nhập khẩu). Như vậy, theo quy định này thì mức độ thuận lợi của doanh nghiệp so với quy định tại Nghị định 60/2014/NĐ-CP là không nhiều.

Việc điều chỉnh quy định từ cấp phép nhập khẩu sang khai báo nhập khẩu cho thấy mục tiêu quản lý từ phía cơ quan nhà nước đối với các thiết bị in nhập khẩu là nhận biết nhận thông tin về các loại thiết bị in sẽ được nhập khẩu mà không phải kiểm soát tính an toàn của sản phẩm như các loại hàng hóa, sản phẩm nhóm 2. Vì vậy, xây dựng cơ chế quản lý nhập khẩu đối với thiết bị in theo hướng doanh nghiệp vẫn phải xin xác nhận của cơ quan quản lý trước khi nhập khẩu là chưa phù hợp.

Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh quy định theo hướng, doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị in sẽ tiến hành khai báo nhập khẩu thiết bị in cho cơ quan quản lý chuyên ngành, nhưng thông tin khai báo này không phải là căn cứ để hải quan thực hiện thông quan. Hoạt động thông quan đối với thiết bị in được thực hiện tương tự như một loại hàng hóa thông thường khác. Hàng năm, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành sẽ đối chiếu thông tin giữa doanh nghiệp khai báo với hệ thống dữ liệu của cơ quan hải quan để đảm bảo doanh nghiệp có khai báo chính xác không và áp dụng chế tài xử phạt nếu doanh nghiệp vi phạm về nghĩa vụ khai báo.

Hoặc, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh quy định theo hướng, doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị in sẽ tiến hành khai báo nhập khẩu thiết bị in cho cơ quan quản lý chuyên ngành (tương tự như cơ chế khai báo nhập khẩu hóa chất quy định tại Nghị định 113/2017/NĐ-CP).

Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 60/2014/NĐ-CP ngày 19/6/2014 của Chính phủ quy định về hoạt động in và thay thế Nghị định 25/2018/NĐ-CP ngày 28/02/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 60/2014/NĐ-CP quy định về hoạt động in. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.