VCCI_Góp ý Rà soát, đánh giá pháp luật về hợp đồng trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng

Thứ Sáu 10:26 09-10-2020

Kính gửi:  Vụ Pháp chế – Ngân hàng Nhà nước

Trả lời Công văn số 1544/NHNN-PC ngày 10/03/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc đề nghị thực hiện Rà soát, đánh giá pháp luật về hợp đồng trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp và chuyên gia, có ý kiến ban đầu như sau:

  1. Trường hợp hạn chế cho vay

Điều 127.1 Luật các tổ chức tín dụng quy định hạn chế cho vay với người thẩm định, xét duyệt cho vay. Tuy nhiên, Luật các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn lại không giải thích cụ thể thế nào là “người thẩm định, xét duyệt cho vay”. Không rõ đó là ai trong bốn trường hợp sau đây: (i) người thẩm định, xét duyệt chính khoản vay đó; (ii) người thẩm định, xét duyệt cho vay trong phòng, ban, chi nhánh của tổ chức tín dụng đó; (iii) người thẩm định, xét duyệt cho vay trong toàn bộ hệ thống tổ chức tín dụng đó; hay (iv) người thẩm định, xét duyệt cho vay trong cả hệ thống ngân hàng. Do vậy, đề nghị bổ sung quy định làm rõ nội dung trên.

  1. Kiểm tra sử dụng tiền vay

Điều 24.2 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định việc kiểm tra sử dụng tiền vay của khách hàng là quyền của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, quy định này chưa phù hợp với Luật các tổ chức tín dụng 2010. Điều 94.3 Luật các tổ chức tín dụng quy định việc kiểm tra sử dụng tiền vay vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của các tổ chức tín dụng. Do vậy, đề nghị sửa đổi Điều 24.2 Thông tư 39/2016/TT-NHNN cho phù hợp với các quy định của Luật các tổ chức tín dụng.

  1. Phí liên quan đến hoạt động cho vay

Điều 14 Thông tư 39/2016/TT-NHNN cho phép tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về việc thu các khoản phí liên quan đến hoạt động, nhưng chỉ gồm 05 loại phí được quy định. Các loại phí này gồm: phí trả nợ trước hạn, phí trả cho hạn mức tín dụng dự phòng, phí thu xếp cho vay hợp vốn, phí cam kết rút vốn và các loại phí khác liên quan đến hoạt động cho vay được quy định cụ thể tại văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp, quy định này là không phù hợp với các trường hợp không giới hạn trần lãi suất cho vay vì các lý do sau đây:

  • Hạn chế các tổ chức tín dụng trong việc thu các khoản phí hợp lý phát sinh trong thực tế như phí hồ sơ cho vay, phí thẩm định khoản vay, phí giải ngân, phí cho mượn tài sản bảo đảm, phí cơ cấu lại thời hạn trả nợ (gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ)…;
  • Dường như không nhằm đảm bảo mục tiêu quản lý nào: Mục tiêu của việc giới hạn các khoản phí được suy đoán là nhằm đảm bảo hiệu quả thực thi quy định về trần lãi suất, tránh các doanh nghiệp “lách” quy định này thông qua việc thu thêm các khoản phí. Mục tiêu này không có ý nghĩa với các trường hợp không giới hạn trần lãi suất;

Do vậy, đề nghị sửa đổi theo hướng cho phép tổ chức tín dụng và khách hàng có thể thỏa thuận về các loại phí và việc thu các loại phí liên quan đến hoạt động cho vay trong trường hợp không có giới hạn về trần lãi suất.

  1. Xử lý tài sản bảo đảm của khoản vay là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở

Điều 12.2 Thông tư liên tịch 16/2014/TTLT- BTP-BTNMT-NHNN quy định khi chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng trong xử lý tài sản bảo đảm có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng: “Trường hợp bên bảo đảm không tự nguyện ký hợp đồng, giấy tờ, tài liệu chứng minh việc chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản thì bên nhận bảo đảm được quyền ký ký hợp đồng, giấy tờ, tài liệu đó nhưng trong hồ sơ chuyển quyền phải bổ sung 01 bản chính hợp đồng bảo đảm đã được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật…”. Cách diễn đạt như vậy dẫn đến cách hiểu là: chỉ trong trường hợp bên bảo đảm từ chối ký giấy tờ thì mới được phép sử dụng hợp đồng bảo đảm để thay thế. Trên thực tế, rất khó để bên nhận bảo đảm chứng minh với cơ quan làm thủ tục đăng ký tài sản rằng bên bảo đảm đã từ chối ký giấy tờ, từ đó gây ra những vướng mắc không đáng có. Để tháo gỡ vấn đề này, đề nghị sửa đổi quy định tại Điều 12.2 Thông tư liên tịch 16/2014/TTLT- BTP-BTNMT-NHNN theo hướng cho phép dùng hợp đồng bảo đảm thay thế cho văn bản của chủ sở hữu mà không cần chứng minh rằng chủ sở hữu đã từ chối ký giấy tờ.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Rà soát, đánh giá pháp luật về hợp đồng trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.