VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (bản thẩm định)
VCCI_Góp ý Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Kính gửi: Văn phòng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Trả lời Công văn số 6440/NHNN-VP của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc đề nghị góp ý Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi tắt là Phương án), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến sơ bộ ban đầu như sau:
I. Các đề xuất tại Phương án
Phần lớn các đề xuất tại Phương án là thay đổi phương thức thực hiện thủ tục hành chính từ thực hiện theo phương thức truyền thống (nộp hồ sơ giấy) sang phương thức thực hiện điện tử, nâng thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công ngân hàng nhà nước lên dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Về cơ bản thì đề xuất này sẽ tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính.
Bên cạnh đề xuất thay đổi về phương thức thực hiện thủ tục hành chính, Phương án có đề xuất về bãi bỏ một số thủ tục hành chính, cụ thể:
- Ngành nghề kinh doanh vàng
Phương án đã đề xuất sửa đổi một số quy định tại Thông tư 16/2012/TT-NHNN trong đó bãi bỏ thủ tục “thay đổi nội dung thông tin doanh nghiệp, tổ chức tín dụng trên Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng viếng” thay thế bằng thủ tục báo cáo định kỳ hàng quý khi thực hiện thay đổi về nội dung về thông tin doanh nghiệp, tổ chức tín dụng trên Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Đề xuất này cần được xem xét ở vấn đề sau: Nếu thay đổi thông tin về doanh nghiệp trên Giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng, doanh nghiệp thực hiện thủ tục báo cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo đề xuất. Như vậy thì Giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng có được điều chỉnh theo thông tin thay đổi không? Nếu có thì thủ tục này không khác thủ tục ban đầu, doanh nghiệp vẫn phải thực hiện để được điều chỉnh Giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng. Nếu không thì thông tin trên Giấy phép và thông tin trên thực tế của doanh nghiệp là khác nhau, điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Để đánh giá được lợi ích của phương án đề xuất, đề nghị giải trình rõ hơn về vấn đề nêu ở trên.
- Thủ tục cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán
Phương án đang đề xuất cắt giảm thủ tục hành chính đối với 03 dịch vụ: dịch vụ Cổng thanh toán điện tử; dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ; dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử theo hướng: doanh nghiệp không phải xin cấp giấy phép mà chỉ cần đáp ứng điều kiện kinh doanh.
Thay đổi về phương thức quản lý này sẽ góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi thực hiện quy định, tuy nhiên cần xem xét có cần quản lý dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ bằng điều kiện kinh doanh hay không? Đây có thể xem là hoạt động kinh doanh thông thường, đã có quy định pháp luật dân sự điều chỉnh để bảo đảm quyền lợi của các bên trong giao dịch. Dưới góc độ quản lý nhà nước, không nhận thấy rõ tác động của hoạt động kinh doanh này tới các lợi ích công cộng.
Vì vậy, đề nghị bỏ điều kiện kinh doanh đối với hoạt động cung cấp dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ.
II. Các đề xuất chưa có trong Phương án
Trong thời gian qua, VCCI nhận được phản ánh của doanh nghiệp, hiệp hội về những bất cập, vướng mắc trong các quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP, trong đó phản ánh tập trung vào điều kiện kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ và các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh này, ví dụ:
Đối với điều kiện kinh doanh đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ: Cần bỏ hoàn toàn điều kiện kinh doanh đối với hoạt động kinh doanh này và xem đây là một ngành nghề kinh doanh thông thường. Bởi vì, theo quy định tại Điều 5, Điều 8 Nghị định 24/2012/NĐ-CP thì điều kiện sản xuất, kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ bao gồm các yêu cầu về: đăng ký kinh doanh; địa điểm, cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Đây là những điều kiện kinh doanh không có tính đặc thù và không nhằm hướng tới mục tiêu quản lý nhà nước nào phù hợp với tính chất của một điều kiện kinh doanh quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư 2020. Trong quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 24/2012/NĐ-CP, doanh nghiệp đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị về những bất cập của các điều kiện kinh doanh này.
Đề nghị Quý Cơ quan cân nhắc, xem xét rà soát thêm về các quy định trong lĩnh vực kinh doanh vàng để đề nghị Ngân hàng Nhà nước bổ sung các phương án cắt giảm, đơn giản hóa trong lĩnh vực này.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.