VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp

Thứ Năm 10:17 23-09-2021

Kính gửi: Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương 

Trả lời Công văn số 3429/BCT-TCQLTT của Bộ Công Thương đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến sơ bộ ban đầu như sau:

I. Xác định hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc và hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện

Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi) 2020 đã sửa đổi quy định về thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính, theo đó trao quyền cho Chính phủ quy định về “hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc và hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện”.

Các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu chưa quy định về vấn đề này, vì vậy đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định chi tiết về các hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc và hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện trong các lĩnh vực mà các nghị định này đang điều chỉnh.

II. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 134/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

  1. Vi phạm các quy định về Giấy phép hoạt động điện lực (khoản 4 Điều 2 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 5 Nghị định 134/2013/NĐ-CP)
  • Hành vi không cùng tính chất với các hành vi khác trong cùng khung

Dự thảo quy định hành vi ”hoạt động điện lực trong thời gian Giấy phép hoạt động điện lực bị mất, bị thất lạc mà không báo cáo với cơ quan cấp giấy phép” cùng khung với các hành vi ”không báo cáo với cơ quan cấp giấy phép chậm nhất 60 ngày trước khi ngừng hoạt động điện lực hoặc chuyển giao hoạt động điện lực trong thời hạn Giấy phép hoạt động điện lực còn thời hạn sử dụng”, ”cho thuê, cho mượn, tự ý sửa chữa Giấy phép hoạt động điện lực”.

Điều này là chưa hợp lý, vì hành vi không báo cáo khi Giấy phép hoạt động điện lực bị mất không có tính chất nghiêm trọng bằng hai hành vi trên. Xét bản chất thì doanh nghiệp vẫn đáp ứng các điều kiện hoạt động điện lực, việc mấy Giấy phép không ảnh hưởng đến hoạt động hay việc đáp ứng điều kiện hoạt động của doanh nghiệp, không tác động lớn đến hoạt động quản lý nhà nước như hai hành vi trong cùng khung này.

Mặt khác, hành vi không báo cáo khi Giấy phép bị mất bị phạt tiền ở mức 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng là quá nặng.

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo chuyển hành vi ”hoạt động điện lực trong thời gian Giấy phép hoạt động điện lực bị mất, bị thất lạc mà không báo cáo với cơ quan cấp giấy phép” ra khỏi khung xử phạt quy định tại khoản 2 Điều 5, có thể áp dụng mức phạt tiền ở khung phạt tiền tại khoản 1 Điều 5 (sửa đổi) tại Dự thảo.

  • Hình thức xử phạt bổ sung

Đề nghị bổ sung hình thức xử phạt bổ sung là ”đình chỉ hoạt động” đối với hành vi vi phạm tại khoản 5 Điều 5 về việc không duy trì các điều kiện được cấp Giấy phép hoạt động điện lực.

  1. Vi phạm các quy định về bán lẻ điện (khoản 10 Điều 2 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 11 Nghị định 134/2013/NĐ-CP)

Khoản 3, 5 Điều 11 đều quy định xử phạt đối với Đơn vị bản lẻ điện đối với hành vi ”không ký hợp đồng mua bán điện ngoài mục đích sinh hoạt sau 07 ngày làm việc mà không có lý do chính đáng kể từ khi bên mua điện đã bảo đảm các điều kiện theo quy định và thỏa thuận về các nội dung trong dự thảo hợp đồng”. Điều này sẽ gây khó khăn trong thực tế áp dụng vì một hành vi ở hai khung phạt tiền khác nhau.

Đề nghị Ban soạn thảo bỏ hành vi này ở một trong 2 khoản trên tại Điều 11.

  1. Vi phạm quy định về áp dụng mô hình quản lý năng lượng (khoản 28 Điều 2 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 29 Nghị định 134/2013/NĐ-CP)

Khoản 1 Điều 29 xử phạt đối với ”người đứng đầu cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm” đối với hành vi ”không thực hiện đầy đủ các nội dung của mô hình quản lý năng lượng đối với cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm”.

Điều 8 Nghị định 21/2011/NĐ-CP quy định cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm phải thực hiện các nội dung của mô hình quản lý năng lượng trọng điểm, như vậy, chủ thể chịu trách nhiệm ở đây là ”cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm” chứ không phải là ”người đứng đầu cơ sở” này. Do đó, Dự thảo xử phạt đối với người đứng đầu cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm là chưa hợp lý. Đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 29.

III. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

  1. Hành vi vi phạm về khuyến mại (điểm đ khoản 1 Điều 3 Dự thảo bổ sung điểm q khoản 2 Điều 33 Nghị định 88/2020/NĐ-CP)

Dự thảo bổ sung quy định xử phạt đối với hành vi ”không tuân thủ hoặc tuân thủ không đúng, không đầy đủ các thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ khuyến mại nếu thương nhân thực hiện khuyến mại là thương nhân kinh doanh dịch vụ khuyến mại”.

Đây là hành vi không thực hiện hợp đồng, thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về dân sự. Hành vi này không ảnh hưởng đáng kể nào tới nghĩa vụ của các chủ thể đối với nhà nước, vì vậy xử phạt vi phạm hành chính là chưa hợp lý. Đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 3.

  1. Hành vi vi phạm về cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (điểm đ khoản 6 Điều 3 Dự thảo sửa đổi khoản 6 Điều 64 Nghị định 88/2020/NĐ-CP)

Dự thảo quy định xử phạt đối với ”hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để kinh doanh theo phương thức đa cấp nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp”.

Kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy phép sẽ bị xem là vi phạm, vì vậy không cần thiết phải có xác định là có ”hành vi lợi dụng” hay không.

Đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định trên thành ”hoạt động thương mại điện tử để kinh doanh theo phương thức đa cấp nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp”.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.