VCCI_Góp ý Nghị định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 96/2014/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng

Thứ Sáu 14:48 11-01-2019

Kính gửi: Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Trả lời Công văn số 9571/NHNN-TTGSNH của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:

  1. Về nguyên tắc xử phạt (khoản 4 Điều 1 Dự thảo bổ sung khoản 5 Điều 3 Nghị định 96)

Dự thảo bổ sung nguyên tắc xử phạt trong đó có quy định “Mỗi hành vi vi phạm chỉ bị xử phạt một lần; tổ chức (kể cả mọi đơn vị trực thuộc của tổ chức) quy định tại Điều 2 Nghị định này có hành vi vi phạm đều phải bị xử phạt hành chính”.

Quy định “kể cả mọi đơn vị trực thuộc của tổ chức” là không cần thiết, bởi về mặt pháp lý mọi đơn vị trực thuộc của tổ chức đều hoạt động nhân danh tổ chức và tổ chức là chủ thể phải chịu mọi ràng buộc pháp lý với các hoạt động của các đơn vị trực thuộc. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ cụm từ “kể cả mọi đơn vị trực thuộc của tổ chức” quy định tại điểm a khoản 5 Điều 3 (được sửa đổi).

  1. Về áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm quy định về giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp (khoản 5 Điều 1 Dự thảo sửa đổi Điều 4 Nghị định 96)

Theo quy định tại khoản 8 Điều 4 Nghị định 96 (sửa đổi) thì hành vi vi phạm tại khoản 4, 5 Điều 4 đều có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là: “thu hồi giấy phép” (điểm b khoản 8) và “đình chỉ từ 01 tháng 03 tháng hoặc miễn nhiệm chức danh quản trị, điều hành, kiểm soát; không cho đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành, kiểm soát tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với cá nhân vi phạm và/hoặc cá nhân chịu trách nhiệm” (điểm c khoản 8).

Quy định này là chưa rõ ở điểm, khi thực hiện hành vi vi phạm tại khoản 4 hoặc khoản 5 thì tổ chức sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả nào khi có cả hai biện pháp cùng có thể được áp dụng? Trong trường hợp áp dụng biện pháp “thu hồi giấy phép” thì biện pháp đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc đình chỉ chức vụ của một số chức danh chịu trách nhiệm trong tổ chức là không có ý nghĩa, vì khi bị thu hồi giấy phép đồng nghĩa tổ chức đó không còn được phép hoạt động trong lĩnh vực giấy phép bị thu hồi.

Để đảm bảo tính hợp lý và minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi khoản 8 Điều 4 Nghị định 96 (sửa đổi) theo hướng, hoặc áp dụng biện pháp thu hồi giấy phép hoặc áp dụng biện pháp đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc đình chỉ chức vụ của các chủ thể có trách nhiệm đối với các hành vi vi phạm, có nghĩa là hoặc bỏ hoàn toàn điểm b khoản 8 Điều 4 hoặc bỏ khoản 4, 5 tại điểm c khoản 8 Điều 4.

  1. Về sửa đổi, bổ sung quy định vi phạm quy định về nhận tiền gửi (khoản 21 Điều 1 Dự thảo sửa đổi Điều 12 Nghị định 96)

Dự thảo bổ sung quy định xử phạt đối với 03 hành vi vi phạm, trong đó hành vi “nhận tiền gửi tiết kiệm, phát hành giấy tờ có giá không đúng quy định của pháp luật” (điểm c khoản 2) đã chồng lấn đối với hai hành vi còn lại “nhận tiền gửi tiết kiệm, chi trả tiền gửi tiết kiệm không đúng theo quy định của pháp luật” (điểm a khoản 2) và “nhận tiền gửi tiết kiệm, phát hành giấy tờ có giá không đúng đối tượng được gửi tiết kiệm, đối tượng mua giấy tờ có giá” (điểm b khoản 2).

Đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại quy định theo hướng bỏ quy định tại điểm c khoản 2 Điều 12 (sửa đổi).

  1. Về vi phạm quy định về hoạt động ngoại hối (khoản 38 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 24 Nghị định 96)

Dự thảo quy định “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: a) Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau; b) Mua, bán ngoại tệ với tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ”.

Quy định trên cần được xem xét lại với một số điểm sau:

  • Khoảng cách phạt quá rộng (thấp nhất là “cảnh cáo”, cao nhất là “20.000.000 đồng”) điều này có thể trao quá nhiều quyền cho cơ quan thực thi quyết định mức phạt và có nguy cơ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các đối tượng có hành vi vi phạm;
  • So với Nghị định 96, Dự thảo đã điều chỉnh lại khung xử phạt đối với hành vi “mua, bán ngoại tệ đối với tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ” để đảm bảo tính hợp lý giữa hành vi vi phạm với mức phạt. Tuy nhiên, việc quy định một khung chung mức phạt cho hành vi vi phạm mà không xác định dựa vào giá trị giao dịch có thể tạo ra sự bất bình đẳng giữa các đối tượng vi phạm (ví dụ: giao dịch 1USD cũng sẽ chịu chung khung xử phạt đối với giao dịch 1 triệu USD). Điều này là chưa hợp lý vì mức phạt chưa tương ứng với tính chất của vi phạm.

Để đảm bảo tính phù hợp và minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại quy định tại khoản 1 Điều 24 (sửa đổi) theo hướng xác định các khung xử phạt tương ứng với giá trị giao dịch.

Góp ý tương tự đối với quy định tại khoản 1 Điều 25 Nghị định 96 sửa đổi (khoản 39 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 25 Nghị định 96).

  1. Về vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh vàng (khoản 39 Điều 1 Dự thảo sửa đổi Điều 25 Nghị định 96)

Trong thời gian vừa qua, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung/thay thế Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đang được soạn thảo, trong đó có nhiều quy định thay đổi về cơ chế quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Điều này sẽ khiến các quy định liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh vàng sẽ phải thay đổi theo. Hiện tại, các quy định tại Dự thảo vẫn căn cứ vào Nghị định 24 và sẽ có nguy cơ sẽ phải thay đổi nếu Nghị định sửa đổi/thay thế Nghị định 24 sẽ được ban hành trong thời gian tới. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo theo dõi tiến trình xây dựng Nghị định sửa đổi/thay thế Nghị định 24 để đảm bảo tính ổn định của quy định.

Về quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh vàng tại Dự thảo, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét một số điểm sau:

  • Khoảng cách phạt quá rộng: Khoản 3 Điều 25 (sửa đổi) quy định “phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm …”. Khoản cách giữa mức sàn và mức trần của khung xử phạt này khá rộng (mức trần gấp đôi mức sàn). Điều này có thể trao quá nhiều quyền cho cán bộ thực thi và tạo ra sự bất bình đẳng giữa các đối tượng bị xử phạt. Đề nghị Ban soạn thảo thu hẹp khoảng cách của khung xử phạt này;
  • Khoản 4 Điều 25 (sửa đổi) quy định xử phạt đối với hành vi “xuất khẩu, nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ; vàng nguyên liệu dưới dạng bột, dung dịch, vẩy hàn, muối vàng và các loại vàng trang sức dưới dạng bán thành phẩm không đúng theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”. Quy định này là chưa phù hợp với Luật doanh nghiệp 2014 vì giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không còn ghi ngành nghê đăng ký kinh doanh. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định này.
  1. Một số góp ý khác
  • Về vi phạm quy định về ban hành quy định nội bộ (khoản 12 Điều 1 Dự thảo sửa đổi Điều 7 Nghị định 96)

Dự thảo bổ sung hành vi vi phạm “không gửi Ngân hàng Nhà nước Điều lệ, Điều lệ được sửa đổi, bổ sung của tổ chức tín dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Luật Các tổ chức tín dụng”. Theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Luật Các tổ chức tín dụng thì Điều lệ, Điều lệ được sửa đổi, bổ sung của các tổ chức tín dụng phải được đăng ký với Ngân hàng Nhà nước. Để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi lại quy định theo hướng “không đăng ký với Ngân hàng Nhà nước Điều lệ, Điều lệ được sửa đổi …”;

  • Về vi phạm quy định về bảo vệ lợi ích hợp pháp của khách hàng vay (khoản 36 Điều 1 Dự thảo sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 23 Nghị định 96)

Quy định tại Dự thảo và quy định tại điểm b khoản 1 Điều 23 Nghị định 96 là giống hệt nhau. Không rõ Dự thảo sửa đổi quy định này như thế nào? Đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định này.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.