VCCI_Góp ý Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã

Thứ Hai 10:00 24-09-2018

Kính gửi: Thanh tra Bộ Tư pháp

Trả lời Công văn 2367/BTP-TTR của Bộ Tư pháp về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến như sau:

  1. Sự thiếu nhất quán trong xác định hành vi vi phạm với khung xử phạt
  • Về các hành vi cùng loại nhưng thiết kế khác nhau trong xác định khung xử phạt

Khoản 2 Điều 18 Dự thảo xếp các hành vi “làm giả giấy tờ trong hồ sơ xin phép thành lập …”, “sử dụng giấy tờ giả trong hồ sơ xin phép thành lập”; “sửa chữa hoặc tẩy xóa hoặc làm sai lệch nội dung giấy đăng ký hoạt động” vào cùng chung một khung xử phạt.

Trong khi đó các hành vi “sửa chữa hoặc tẩy xóa hoặc làm sai lệnh nội dung giấy tờ” trong hồ sơ đề nghị cấp phép; “sử dụng giấy tờ giả” trong hồ sơ đề nghị cấp phép, “làm giả giấy tờ” trong hồ sơ đề nghị cấp phép ở một số nhóm hành vi vi phạm trong hoạt động của luật sư (Điều 5, 7), tư vấn pháp luật (Điều 9, 10), công chứng (Điều 11), đấu giá tài sản (Điều 21), trọng tài thương mại (Điều 26), hòa giải thương mại (Điều 28), … được xác định ở ba khung xử phạt khác nhau.

Như vậy, việc xác định các hành vi vi phạm trên tại khoản 2 Điều 18 Dự thảo là chưa thống nhất với cách thức thiết kế của các hành vi vi phạm cũng như khung xử phạt trong các điều khoản tương tự khác trong Dự thảo, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi lại Điều 18 theo hướng, các hành vi được liệt kê tại khoản 2 ở trên ở 3 khung xử phạt khác nhau.

  • Về thiếu hành vi vi phạm

Trong một số quy định liên quan đến thủ tục xin cấp giấy phép, Dự thảo thiết kế theo hướng xác định các hành vi vi phạm về việc “sử dụng giấy tờ giả”, “làm giả giấy tờ” với các khung xử phạt khác nhau. Tuy nhiên, đối với hành vi vi phạm quy định về trung tâm trọng tài, chi nhánh, văn phòng đại diện của trung tâm trọng tài, chi nhánh, văn phòng đại diện của tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam tại Điều 26 thì lại chỉ xử phạt đối với hành vi “sử dụng giấy tờ giả” mà không xử phạt đối với hành vi “làm giả giấy tờ”.

Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định xử phạt đối với hành vi “làm giả giấy tờ” tại Điều 26.

Góp ý tương tự đối với Điều 28, 54.

  1. Hành vi không cùng tính chất nhưng lại cùng khung xử phạt

Khoản 1 Điều 26 Dự thảo quy định hành vi “không thông báo” và “thông báo không đúng thời hạn” vào cùng một khung xử phạt.

Xét bản chất, hành vi “không thông báo” có tính chất nghiêm trọng hơn đối với hành vi “thông báo không đúng thời hạn” vì vậy cần phải ở khung xử phạt lớn hơn. Mặt khác, ở các Điều 7, 9 các hành vi “không thông báo”, “thông báo không đúng thời hạn” cũng được xác định tại khác khung xử phạt khác nhau.

Để đảm bảo tính hợp lý và nhất quán, đề nghị Ban soạn thảo tách hành vi “không thông báo”, “thông báo không đúng thời hạn” thành hai khung xử phạt khác nhau, trong đó hành vi “thông báo không đúng thời hạn” bị xử phạt ở mức thấp hơn.

Góp ý tương tự đối với Điều 28.

  1. Hành vi cùng tính chất nhưng khung xử phạt lại khác nhau
  • Cùng hành vi nhưng khác chủ thể vi phạm

Theo quy định tại Dự thảo thì một số hành vi vi phạm giống nhau, nhưng vì chủ thể vi phạm khác nhau nên khung mức phạt là khác nhau, ví dụ:

  • Đối với hành vi “báo cáo không đúng thời hạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền”, đối với tổ chức hành nghề công chứng sẽ bị phạt ở mức “Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng” (điểm c khoản 1 Điều 16), đối với tổ chức hành nghề luật sư bị phạt ở mức từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (điểm e khoản 1 Điều 7);
  • Đối với hành vi “không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp”, tổ chức hành nghề luật sư sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (khoản 3 Điều 7); tổ chức hành nghề công chứng sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (điểm b khoản 3 Điều 16); tổ chức hoạt động đấu giá tài sản bị phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (điểm i khoản 2 Điều 24), văn phòng thừa phát lại sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng (điểm d khoản 3 Điều 32);

Chưa nhận thấy mức độ khác biệt đáng kể nào về hậu quả hoặc mức độ nguy hiểm của cùng hành vi nhưng khác chủ thể gây ra, để xác định các khung xử phạt khác nhau ở các trường hợp trên. Để đảm bảo tính minh bạch và hợp lý về chính sách, đề nghị Ban soạn thảo giải trình về sự khác biệt về khung phạt tiền đồi với các hành vi vi phạm giống nhau ở trên.

  • Cùng hành vi vi phạm nhưng khung mức phạt giữa tổ chức và cá nhân chưa phù hợp về mặt nguyên tắc xác định mức xử phạt

Hành vi “quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng về công chứng viên và tổ chức mình”, đối với cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (điểm m khoản 2 Điều 15); đối với tổ chức sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng (điểm g khoản 4 Điều 16).

Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Dự thảo thì “trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm hành chính như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân”. Như vậy, quy định tại điểm m khoản 2 Điều 15 và điểm g khoản 4 Điều 16 là chưa thống nhất với Điều 4 Dự thảo. Đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại quy định này để đảm bảo tính thống nhất giữa các quy định trong Dự thảo.

  1. Về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã (Chương VI)
  • Về hành vi vi phạm quy định về thời hạn gửi giấy đòi nợ

Điều 74 Dự thảo quy định xử phạt đối với hành vi “không gửi giấy đòi nợ cho quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản trong thời hạn quy định”. Xử phạt đối với hành vi này là chưa hợp lý, bởi vì chủ nợ sẽ là đối tượng chịu hậu quả đối với hành vi này. Việc họ không gửi giấy đòi nợ đúng hạn, xem như là từ bỏ quyền lợi của mình, tại sao lại phải chịu phạt?

Để đảm  bảo tính hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại Điều 74.

  • Chủ thể bị xử phạt

Chương VI Dự thảo quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, trong đó xác định hành vi vi phạm và hình thức xử phạt đối với các “doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản”.

Việc xác định hành vi vi phạm và mức xử phạt trong lĩnh vực phá sản là tổ chức dường như chưa hợp lý, bởi vì các doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng phá sản, nếu bị xử phạt thì chủ thể gánh chịu thiệt hại chính là các chủ nợ – đối tượng không thực hiện hành vi vi phạm và không đủ sức răn đe, vì lúc này doanh nghiệp đã lâm vào tình trạng phá sản, có bị thêm một khoản phạt – một khoản nợ, cũng không làm cho doanh nghiệp cải thiện về hành vi của mình hơn.

Vì vậy, trong lĩnh vực phá sản, việc xác định và mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm nên hướng đến các chủ thể vi phạm là cá nhân thay vì doanh nghiệp. Đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại toàn bộ Chương VI và điều chỉnh các quy định phạt đối với tổ chức thành cá nhân có trách nhiệm và/hoặc có liên quan.

  1. Góp ý khác
  • Khung xử phạt quá rộng

Khoảng cách giữa mức sàn và mức trần trong khung xử phạt có khoảng cách quá rộng sẽ trao quá nhiều quyền quyết định đối với cán bộ thực thi và có nguy cơ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp khi cùng một hành vi vi phạm nhưng mức phạt dành cho chủ thể này rất thấp nhưng chủ thể khác lại cao. Đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại Dự thảo để thu hẹp khoảng cách mức phạt tiền ở một số quy định, ví dụ: khoản 1 Điều 29 (có khung từ cảnh cáo, đến 10.000.000 đồng), khoản 1 Điều 16 (cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng);

  • Về hành vi vi phạm quy định về hoạt động tổ chức hành nghề luật sư (Điều 7)

Theo quy định tại điểm i khoản 3 Điều 7 Dự thảo thì “hợp đồng dịch vụ pháp lý bằng văn bản thiếu một trong các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 26 của Luật luật sư” sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng – 20.000.000 đồng. Việc xử phạt đối với hành vi trên dường như chưa hợp lý, bởi vì hậu quả của hành vi này sẽ do các bên trong hợp đồng gánh chịu và được giải quyết theo pháp luật tư, về trật tự công thì hành hành vi này rất ít tác động. Vì vậy, để đảm bảo tính hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định này.

Góp ý tương tự đối với quy định xử phạt đối với hành vi “thực hiện dịch vụ pháp lý mà không ký hợp đồng dịch vụ pháp lý bằng văn bản” tại điểm b khoản 5 Điều 7, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định này.

  • Về hành vi vi phạm quy định hoạt động hành nghề công chứng (Điều 15)

Điểm a khoản 6 Điều 15 quy định mức phạt đối với hành vi “công chứng khống vào hợp đồng, giao dịch”. Đề nghị Ban soạn thảo giải thích khái niệm “công chứng khống” để đảm bảo thống nhất về cách hiểu và tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện.

  • Khung xử phạt chưa tương ứng với hành vi vi phạm

Về mặt nguyên tắc, khung xử phạt phải tương ứng với mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm. Rà soát Dự thảo, còn một số quy định chưa đáp ứng yêu cầu này, ví dụ:

Điểm e khoản 1 Điều 15 Dự thảo quy định phạt đối với hành vi “không đeo thẻ công chứng viên khi hành nghề công chứng” với mức từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng. Đây là mức phạt tiền khá nặng đối với hành vi vi phạm tác động đến lợi ích công cộng khá thấp, đề nghị Ban soạn thảo quy định mức phạt đối với hành vi này là “cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 1.000.000 đồng”.

  • Hành vi vi phạm quy định của Thừa phát lại trong hoạt động thi hành án dân sự (Điều 33)

Điểm b khoản 5 Điều 33 quy định xử phạt đối với hành vi “chi tiền mặt số lượng lớn đối với trường hợp người được thi hành án là doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có tài khoản ngân hàng”. Khái niệm “chi tiền mặt số lượng lớn” là chưa rõ ràng, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ như thế nào được cho là tiền mặt số lượng lớn hoặc dẫn chiếu tới văn bản có quy định về vấn đề này.

  • Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Thanh tra Tư pháp (Điều 84)

Theo quy định tại khoản 1 Điều 84 thì thanh tra viên Tư pháp có thẩm quyền “phạt tiền đến 400.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã”. Theo quy định tại Chương V thì mức phạt tiền thấp nhất là 500.000 đồng. Như vậy, thì thanh tra viên Tư pháp sẽ không thể phạt tiền đối với các hành vi trong lĩnh vực này, đề nghị Ban soạn thảo bỏ nội dung này để đảm bảo tính thống nhất.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với ý Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.