VCCI_Góp ý Đề án hoàn thiện pháp luật về hợp đồng và giải quyết tranh chấp dân sự bằng phương thức ngoài tố tụng
VCCI_Góp ý Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định quy trình khắc phục sự cố môi trường do tràn dầu trên biển
Kính gửi: Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường
Trả lời Công văn số 3994/BTNMT-TCBHĐVN của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định quy trình khắc phục sự cố môi trường do tràn dầu trên biển (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến như sau:
- Về phạm vi điều chỉnh
Theo quy định tại Điều 1 Dự thảo thì phạm vi điều chỉnh của Dự thảo là “khắc phục sự cố tràn dầu trên biển”. Tuy nhiên, theo quy định tại Quyết định 02/2013/QĐ-TTg thì hoạt động ứng phó, khắc phục và giải quyết hậu quả của sự cố tràn dầu không chỉ ở “trên biển” mà ở các vùng lãnh thổ khác.
Như vậy, tại sao Dự thảo chỉ quy định phạm vi khắc phục sự cố tràn dầu trên biển mà không phải ở toàn bộ vùng lãnh thổ Việt Nam nếu có sự cố tràn dầu hay việc khắc phục sự cố tràn dầu trên các vùng khác ngoài vùng biển đã có văn bản khác điều chỉnh? Đề nghị Ban soạn thảo giải trình về vấn đề này, trong trường hợp chưa có văn bản điều chỉnh việc khắc phục sự cố tràn dầu trên các vùng lãnh thổ khác thì đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh ra cả các vùng này mà không chỉ giới hạn trên biển.
- Về trách nhiệm lập kế hoạch khắc phục ô nhiễm môi trường do sự cố tràn dầu (Điều 15)
Điều 15 Dự thảo quy định về trách nhiệm của các chủ thể trong việc lập kế hoạch khắc phục ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên Dự thảo lại không quy định các chủ thể này phải lập kế hoạch trong khoảng thời gian bao lâu kể từ thời điểm xác định được chủ thể chịu trách nhiệm.
Việc thiếu rõ ràng trong thời hạn lập Kế hoạch khắc phục ô nhiễm môi trường có thể tác động tiêu cực đến môi trường (khi việc khắc phục bị chậm trễn thực hiện), các chủ thể chịu ảnh hưởng/thiệt hại bởi sự cố tràn dầu. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về thời hạn các chủ thể có trách nhiệm phải lập Kế hoạch khắc phục ô nhiễm do sự cố tràn dầu.
- Về thẩm định, phê duyệt kế hoạch khắc phục ô nhiễm môi trường do sự cố tràn dầu (Điều 16)
- Phương thức thực hiện thủ tục
Theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Dự thảo thì cơ quan, tổ chức có trách nhiệm lập kế hoạch khắc phục ô nhiễm môi trường do sự cố tràn dầu phải “nộp hồ sơ đề nghị thẩm định, phê duyệt”. Quy định này đang chưa rõ về phương thức nộp: nộp trực tiếp và/hoặc nộp qua phương thức điện tử? Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về phương thức nộp hồ sơ, có thể nộp trực tiếp, thông qua đường bưu điện hoặc theo phương thức điện tử.
- Thời gian xem xét tính hợp lệ, đầy đủ của hồ sơ
Theo quy định tại khoản 4 Điều 16 Dự thảo thì thời gian thẩm định hồ sơ được tính từ thời điểm nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ. Tuy nhiên, Dự thảo không quy định khoảng thời gian cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhận hồ sơ, xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ. Điều này có thể khiến cho các chủ thể nộp hồ sơ phải chỉnh sửa hồ sơ nhiều lần và không xác định được chính xác thời điểm được xem là hồ sơ hợp lệ, đầy đủ. Để đảm bảo tính minh bạch của quy định, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về thời gian cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ.
- Hội đồng thẩm định
Theo quy định tại Điều 16 Dự thảo thì, sau khi nhận hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ thành lập Hội đồng thẩm định kế hoạch khắc phục môi trường, nhưng lại không quy định rõ về thành phần của Hội đồng này (gồm bao nhiêu người, thành phần gồm những ai, đến từ đâu, trách nhiệm thẩm định như thế nào, …). Hội đồng này có tính quyết định đến chất lượng của Kế hoạch khắc phục ô nhiễm môi trường nói riêng, và tính hiệu quả của hoạt động khắc phục ô nhiễm môi trường, vì vậy đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể các vấn đề trên.
- Giai đoạn phê duyệt
- Chỉnh sửa hồ sơ: Khoản 6 Điều 16 Dự thảo quy định, “cơ quan, tổ chức, cá nhân chỉnh sửa, hoàn thiện kế hoạch khắc phục theo thông báo kết quả của Hội đồng thẩm định và gửi lại cho cơ quan có thẩm quyền để phê duyệt”. Dự thảo đang quy định cho trường hợp kế hoạch phải chỉnh sửa, hoàn thiện nhưng lại chưa quy định để xử lý cho trường hợp hồ sơ sau khi thẩm định không cần phải chỉnh sửa, hoàn thiện. Để đảm bảo tính toàn diện, đề nghị Ban soạn thảo quy định về trường hợp này.
- Thời gian hoàn thiện: Khoản 6 Điều 16 Dự thảo không quy định về thời hạn mà chủ thể nộp hồ sơ phải hoàn thiện và gửi lại cho cơ quan có thẩm quyền. Điều này có thể khiến cho việc khắc phục ô nhiễm môi trường bị trì hoãn nếu hồ sơ phê duyệt bị chậm hoàn thiện và nộp cho cơ quan có thẩm quyền. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo quy định về thời hạn phải hoàn thiện và gửi lại hồ sơ để cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trong trường hợp hồ sơ phải chỉnh sửa, hoàn thiện.
- Thời hạn phê duyệt: Theo quy định tại khoản 7 Điều 16 Dự thảo quy định thời hạn phê duyệt là 15 ngày làm việc. Đây là thời hạn khá dài (bằng thời gian thẩm định hồ sơ), nhất là khi hồ sơ đã trải qua thẩm định. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, rút ngắn thời gian phê duyệt so với quy định tại Dự thảo (có thể là 07 ngày).
- Về công khai kế hoạch
Sự cố môi trường có tác động lớn đến lợi ích công cộng, vì vậy cần thiết phải có sự giám sát của cộng đồng trong việc nhận diện mức độ ô nhiễm, công tác khắc phục cũng như kết quả khắc phục. Để cộng đồng có thể thực hiện được điều này, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về việc công khai các Kế hoạch khắc phục sự cố môi trường, kết quả đánh giá việc thực hiện kế hoạch khắc phục sự cố môi trường.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với ý Dự thảo Thông tư quy định quy trình khắc phục sự cố môi trường do tràn dầu trên biển. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.