VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư về tạm ngừng tạm nhập, tái xuất mặt hàng khẩu trang y tế, đồ bảo hộ y tế
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định về hoạt động tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng giữa các tổ chức tín dụng
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư về việc tổ chức tín dụng mua, bán hẳn kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu do tổ chức tín dụng khác phát hành
Kính gửi: Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Trả lời Công văn số 6117/NHNN-CSTT của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc lấy ý kiến Dự thảo Thông tư quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán hẳn kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do tổ chức tín d ụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của các doanh nghiệp, có một số ý kiến ban đầu như sau:
- Thời hạn của giấy tờ có giá được mua, bán hẳn
Khoản 4 Điều 3 Dự thảo quy định, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu được mua, bán hẳn có thời hạn được tính từ ngày thanh toán tiền mua giấy tờ có giá đến ngày đến hạn thanh toán toàn bộ gốc, lãi của kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu có tối đa dưới 12 tháng.
Các doanh nghiệp cho rằng, việc giới hạn thời hạn của giấy tờ có giá được mua, bán hẳn dưới 12 tháng cần được xem xét lại ở các điểm sau:
- Giấy tờ có giá do tổ chức tín dụng phát hành là một kênh đầu tư khá phổ biến trên thị trường tài chính. Trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành cũng là một sản phẩm của thị trường tài chính, có tính chất tương đương với các loại trái phiếu khác trên thị trường vì vậy, tổ chức tín dụng nên được khuyến khích và tạo điều kiện đầu tư các sản phẩm đa dạng trên thị trường với điều kiện chỉ cần đáp ứng các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động.
- Mặt khác, khi thực hiện việc mua bán các giấy tờ có giá, các tổ chức tín dụng đã đánh giá rất kỹ lưỡng, trải qua nhiều vòng thẩm định nội bộ dựa trên các rủi ro đến từ các tổ chức phát hành, rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản cũng như cân nhắc về các tỷ lệ giới hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, do đó đã hạn chế được rủi ro phát sinh và đảm bảo tuân thủ các quy định về an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật hiện hành;
- Việc hạn chế thời hạn còn lại của giấy tờ có giá trong giao dịch mua, bán hẳn sẽ gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc phát hành giấy tờ có giá dài hạn, đặc biệt là trái phiếu và hạn chế kênh đầu tư hiệu quả trên thị trường tài chính của các tổ chức này.
Từ các phân tích trên, các doanh nghiệp kiến nghị bỏ giới hạn về thời hạn của kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu được mua, bán hẳn, thay vào đó Nhà nước có thể quản lý các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đầu tư giấy tờ có giá qua các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động.
- Đối tượng giao dịch của một số loại giấy tờ có giá
Theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Dự thảo thì “đối với giấy tờ có giá của công ty tài chính hoặc công ty cho thuê tài chính phát hành, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được mua, bán hẳn với các tổ chức”.
Việc giới hạn về đối tượng được phép giao dịch giấy tờ có giá của công ty tài chính hoặc công ty cho thuê tài chính phát hành với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ làm suy giảm tính thanh khoản của giấy tờ có giá trên thị trường, từ đó gây ra rủi ro tiềm ẩn về thanh khoản cho các công ty tài chính. Mặt khác, theo quy định của pháp luật hiện hành, việc tổ chức tín dụng nắm giữ giấy tờ có giá của công ty tài chính hoặc công ty cho thuê tài chính phát hành không bị hạn chế về đối tượng được giao dịch.
Vì vậy, các doanh nghiệp kiến nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ hạn chế về đối tượng giao dịch các loại giấy tờ có giá do công ty tài chính hoặc công ty cho thuê tài chính phát hành với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
- Quy định nội bộ
Khoản 2 Điều 6 Dự thảo quy định “quy định nội bộ phải có nội dung về điều kiện giấy tờ có giá được mua, bán hẳn, cơ sở xác định giá mua hẳn, giá bán hẳn …”. Quy định này sẽ gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng khi xác định giá mua, bán hẳn vì giấy tờ có giá chưa niêm yết chưa có cơ sở xác định giá như các giấy tờ có giá niêm yết. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo xem xét bỏ quy định này.
- Thời hạn có hiệu lực
Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc thời hạn có hiệu lực của Thông tư này đủ để các tổ chức tín dụng có thời gian điều chỉnh lại các quy định nội bộ, cách thức giao dịch cũng như thiết kế lại các sản phẩm huy động vốn để phù hợp với quy định mới.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với ý Dự thảo Thông tư quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán hẳn kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do tổ chức tín d ụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.