VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định về hoạt động tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng giữa các tổ chức tín dụng

Thứ Tư 10:44 30-09-2020

Kính gửi: Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Trả lời Công văn số 6486/NHNN-CSTT của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc lấy ý kiến Dự thảo Thông tư quy định về hoạt động tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của các doanh nghiệp, có một số ý kiến ban đầu như sau:

Nội dung của hợp đồng tái chiết khấu

Khoản 4 Điều 3 Dự thảo quy định về nội dung bắt buộc phải có trong hợp đồng tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng.

Khoản 1 Điều 8 Dự thảo quy định về các nội dung tối thiểu phải có trong hợp đồng tái chiết khấu, trong đó có bổ sung thêm một số nội dung khác nội dung tại khoản 4 Điều 3 Dự thảo.

Việc thiết kế cả hai điều khoản cùng quy định về nội dung cần phải có trong hợp đồng tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng như trên vừa không cần thiết (vì dưới góc độ quản lý nhà nước, chỉ cần yêu cầu những nội dung tối thiểu cần phải có trong các thỏa thuận liên quan đến tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng là đủ, còn các nội dung tương tự như các dạng thỏa thuận trong các hợp đồng thông thường khác như “quyền, nghĩa vụ các bên”, “xử lý vi phạm hợp đồng” không cần thiết phải quy định) vừa chưa thống nhất (vì cùng quy định các nội dung bắt buộc phải có trong hợp đồng nhưng nội dung của hai quy định này lại chưa đồng nhất về nội dung).

Để đảm bảo tính hợp lý và thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại Điều 8 Dự thảo, đồng thời bổ sung quy định về hình thức thỏa thuận (bằng văn bản) trong quy định tại khoản 4 Điều 3 Dự thảo.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với ý Dự thảo Thông tư quy định về hoạt động tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Hiện nay, VCCI đang triển khai lấy ý kiến doanh nghiệp là đối tượng chịu tác động của Dự thảo và chưa nhận được phản hồi. VCCI sẽ tiếp tục có ý kiến góp ý Dự thảo nếu nhận được phản hồi của doanh nghiệp.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.