VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 126/2020/NĐ-CP, Nghị định 123/2020/NĐ-CP, Nghị định 15/2022/NĐ-CP về thuế, hóa đơn và chứng từ
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư về quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp (sửa đổi)
Kính gửi: Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương
Trả lời Công văn số 1840/BCT-CT ngày 12/04/2022 của Bộ Công Thương về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 10/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:
Dự thảo bổ sung các quy định liên quan đến việc xác nhận kiến thức cho người đại diện tại địa phương của doanh nghiệp bán hàng đa cấp. Về cơ bản, các quy định này được xây dựng tương tự các quy định hiện có tại Thông tư 10/2018/TT-BCT về xác nhận kiến thức pháp luật cho đào tạo viên của doanh nghiệp. Do vậy, Dự thảo Tờ trình cần bổ sung thêm tổng kết, đánh giá việc thực thi các quy định tại Thông tư 10/2018/TT-BCT, trong đó có các điểm bất cập, chưa hợp lý.
Các góp ý cụ thể như sau:
- Cơ quan tổ chức kiểm tra kiến thức cho người đại diện tại địa phương
Điều 1.3 Dự thảo (bổ sung Điều 5a Thông tư 10/2018/TT-BCT) bổ sung quy định về cơ quan có thẩm quyền tổ chức và xác nhận kiến thức pháp luật cho người đại diện tại địa phương. Hai phương án được đưa ra là: (i) Phương án 1: Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (sau đây gọi tắt là Cục) thực hiện hoặc (ii) Phương án 2: Cục và Sở Công Thương cùng thực hiện. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, thẩm quyền tổ chức và xác nhận tổ chức nên được trao đồng thời cho cả Cục và Sở Công Thương (phương án 2) vì các lý do sau:
- Giảm chi phí cho doanh nghiệp:
Người đại diện ở địa phương thường có mặt ở 60 tỉnh, thành phố còn lại (trừ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là trụ sở của đa phần các doanh nghiệp). Việc tập hợp các nhân sự từ tất cả 60 tỉnh, thành phố về một địa điểm dự thi sẽ gây tốn kém của doanh nghiệp rất nhiều chi phí cho mỗi lần cử nhân sự tham gia dự thi. Với mức độ khó như bài kiểm tra kiến thức pháp luật cho đào tạo viên, với chỉ khoảng 5% người đạt điều kiện[1], chi phí cho hoạt động này sẽ bị nhân lên hàng chục lần để doanh nghiệp có thể đủ người đại diện địa phương theo yêu cầu;
- Tăng tần suất các đợt kiểm tra:
Điều 5 Thông tư 10/2018/TT-BCT quy định thẩm quyền tổ chức các cuộc kiểm tra kiến thức pháp luật với đào tạo viên thuộc thẩm quyền của Cục. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, các cuộc kiểm tra kiến thức pháp luật với đào tạo được tổ chức tương đối ít, chỉ khoảng 3 – 4 lần/ năm, do sự hạn chế nguồn lực của Cục.
Trong khi đó, một trong các điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp được hoạt động tại địa phương là người đại diện phải có xác nhận kiến thức. Quy định như vậy sẽ tạo rủi ro gián đoạn hoạt động cho doanh nghiệp nếu bị gián đoạn nhân sự: nhân sự cũ không tiếp tục làm việc tại vị trí đó, trong khi nhân sự thay thế chưa thể dự thi lấy xác nhận.
Việc trao quyền cho cả Cục và Sở Công Thương sẽ giúp tăng thêm nguồn lực, từ đó tăng tần suất các đợt kiểm tra.
Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định thẩm quyền cho cả Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng và Sở Công Thương cùng thực hiện (phương án 2).
- Hình thức kiểm tra
Điều 1.4 (sửa đổi Điều 6 Thông tư 10/2018/TT-BCT) quy định hình thức kiểm tra (cả kiểm tra với đào tạo viên và với người đại diện tại địa phương) được thực hiện dưới hình thức tự luận hoặc trắc nghiệm. Theo phản ánh của doanh nghiệp, thực tế việc kiểm tra kiến thức pháp luật với đào tạo viên tại Thông tư 10/2018/TT-BCT chủ yếu được thực hiện bằng hình thức tự luận. Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi hình thức kiểm tra theo hướng thống nhất hình thức là trắc nghiệm, dựa trên các ưu điểm của hình thức này như sau:
- Việc tổ chức kỳ thi và chấm bài đơn giản, gọn nhẹ và loại bỏ được các yếu tố chủ quan từ người chấm;
- Người dự thi thuận lợi hơn trong việc ôn tập và chuẩn bị kiến thức;
- Bài thi trắc nghiệm giúp kiểm tra toàn diện và tổng quát hơn về khối lượng kiến thức, do bài tự luận thường chỉ có 2 câu tập trung vào 2 chủ đề nhất địnhl
- Người dự thi dễ theo dõi, đánh giá kết quả và có thể phúc khảo (nếu cần);
- Lĩnh vực có tính chất tương tự như ngành bán hàng đa cấp cũng thực hiện kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm, cụ thể như đại lý bảo hiểm[2]
- Quy trình tổ chức
Điều 1.3 Dự thảo (bổ sung Điều 5a Thông tư 10/2018/T-BCT) và Điều 5 Thông tư 10/2018/TT-BCT quy định về quy trình tổ chức kiểm tra kiến thức pháp luật bán hàng đa cấp. Quy định này cần xem xét ở các điểm sau đây:
Thứ nhất, Bước 2 của quy trình là lên kế hoạch về thời gian, địa điểm, phương thức kiểm tra. Tuy nhiên, quy trình này không có quy định về việc thông báo thông tin cho người dự thi.[3] Việc này có thể gây ra sự bị động cho cả doanh nghiệp quản lý và người dự thi. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về việc thông báo cho người dự thi trước một khoảng thời gian hợp lý.
Thứ hai, quy trình này không cho phép người dự thi được quyền phúc khảo kết quả thi. Sau khi đánh giá kết quả kiểm tra (Bước 5), cơ quan có thẩm quyền sẽ thông báo kết quả kiểm tra và cấp xác nhận (Bước 6) mà không có cơ hội cho người dự thi yêu cầu xem xét lại kết quả bài thi của mình. Quy trình như vậy chưa thực sự đảm bảo quyền lợi của người dự thi. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy trình phúc khảo kết quả thi.
- Giá trị của xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp, kiến thức cho người đại diện tại địa phương
Điều 1.6 Dự thảo (sửa đổi Điều 8 Thông tư 10/2018/TT-BCT) quy định các trường hợp bị thu hồi xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp, kiến thức cho người đại diện tại địa phương gồm:
(i) doanh nghiệp bán hàng đa cấp chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp;
(ii) người được cấp xác nhận chấm dứt hợp đồng lao động, chấm dứt làm đại diện địa phương hoặc đào tạo với doanh nghiệp bán hàng đa cấp.
Như vậy, Dự thảo đang xác định giá trị của các xác nhận này gắn liền với doanh nghiệp, chứ không phải gắn liền với cá nhân được cấp xác nhận. Nếu doanh nghiệp không còn tồn tại hoặc vị trí đó tại doanh nghiệp bị thay thế, giấy xác nhận sẽ bị thu hồi.
Quy định này là không hợp lý. Lý do là vì cá nhân là người tham gia thực hiện bài kiểm tra. Việc xác nhận thể hiện sự công nhận về năng lực của chính cá nhân đó đáp ứng yêu cầu của cơ quan nhà nước. Năng lực này gắn liền với chính cá nhân đó, dù có làm việc cho doanh nghiệp hiện tại hay không, vẫn đáp ứng đủ theo quy định của pháp luật.
Hơn nữa, quy định này gây ra hai hệ quả sau:
- Hạn chế quyền tự do lựa chọn việc làm của người lao động:
Người lao động có quyền chuyển việc (từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác), thử sức ở ngành nghề khác (nếu không ổn thì quay lại nghề cũ). Tuy nhiên, quy định giấy xác nhận bị thu hồi khi người lao động nghỉ vị trí đó sẽ tạo ra một rào cản lớn cho người lao động trong việc cân nhắc lựa chọn các cơ hội việc làm của mình. Đặc biệt, khi tỷ lệ đỗ ở mức rất thấp, khoảng 5% (theo phản ảnh của doanh nghiệp). Vô hình trung, quy định này đang hạn chế quyền tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc của người lao động tại Điều 5 Bộ luật Lao động 2019.
Quy định cũng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, đặc biệt là lương, thưởng và quyền lợi khác đi kèm do một giá trị quan trọng của nhân sự này (giấy xác nhận) gắn chặt với chính doanh nghiệp đó, dẫn đến vị thế thương lượng của người lao động bị giảm sút đáng kể.
- Ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp:
Người đại diện ở địa phương là điều kiện để doanh nghiệp được hoạt động tại địa phương đó. Nếu nhân sự tại vị trí này nghỉ việc hoặc không thể tiếp tục, đặc biệt trong trường hợp bất ngờ, doanh nghiệp sẽ dễ rơi vào vị trí gián đoạn hoạt động vì không thể ngay lập tức tìm nguồn nhân sự phù hợp. Quy định trên khiến việc này càng dễ xảy ra do không có nguồn nhân sự dự trù để lấp ngay vào vị trí trống. Do vậy, việc gắn giấy xác nhận kiến thức với bản thân mỗi cá nhân sẽ cho phép thị trường có một lượng lao động dôi dư để lấp vào chỗ trống khi cần thiết.
Có thể có lo ngại rằng cá nhân được cấp xác nhận mà không làm việc cho doanh nghiệp có thể lợi dụng bằng cấp này để tham gia vào các hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp trái phép. Tuy nhiên, lo ngại này có thể được giải quyết thông qua việc thu hồi xác nhận của cá nhân này khi phát hiện các cá nhân có vi phạm. Cơ quan nhà nước có thể thực hiện công bố định kỳ về số lượng các cá nhân được cấp xác nhận hợp pháp và tình trạng hoạt động (đang có hợp đồng với doanh nghiệp hay không) để các doanh nghiệp biết và lựa chọn cho phù hợp.
Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định này như sau:
“1. Cơ quan đã tổ chức kỳ kiểm tra thu hồi xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp, kiến thức cho người đại diện tại địa phương trong trường hợp sau:
- a) Phát hiện hồ sơ đăng ký kiểm tra của người được cấp xác nhận có thông tin gian dối;
- b) Người được cấp xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp, xác nhận kiến thức người đại diện địa phương tham gia vào các hoạt động đào tạo, đại diện, quảng bá hình ảnh, sản phẩm, cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp chưa được cấp phép theo quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm thông báo cho Cơ quan đã tổ chức kỳ kiểm tra khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng đại diện tại địa phương hoặc hợp đồng đào tạo với người được cấp xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp, kiến thức cho người đại diện tại địa phương”
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 10/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.
[1] Số liệu do các doanh nghiệp ước tính
[2] Điều 4 Thông tư 125/2018/TT-BTC
[3] Người dự thi đã phải đăng ký và xác nhận hồ sơ trước đó tại Bước 1 của quy trình.