VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 126/2020/NĐ-CP, Nghị định 123/2020/NĐ-CP, Nghị định 15/2022/NĐ-CP về thuế, hóa đơn và chứng từ
Kính gửi: Văn phòng Chính phủ
Hiện nay, Bộ Tài chính đang chủ trì soạn thảo Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 126/2020/NĐ-CP, Nghị định 123/2020/NĐ-CP, Nghị định 15/2022/NĐ-CP[1] (sau đây gọi tắt là Dự thảo).[2] Tiếp theo ý kiến tại cuộc họp thẩm định của Bộ Tư pháp ngày 04/5/2022, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiếp tục có ý kiến góp ý đối với Dự thảo. Lưu ý rằng một số ý kiến góp ý của VCCI trong văn bản trước đây hiện chưa được Ban Soạn thảo tiếp thu. Chúng tôi cho rằng các quy định như tại Dự thảo hiện tại sẽ tác động rất lớn đến doanh nghiệp, là đối tượng chịu tác động của các quy định.
I. Nhóm các quy định về trách nhiệm của sàn thương mại điện tử liên quan đến nghĩa vụ thuế của người bán
So với quy định hiện hành, Dự thảo đã có một số quy định mới về trách nhiệm của sàn thương mại điện tử (TMĐT) liên quan đến nghĩa vụ thuế của người bán trên sàn, gồm:
- Trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay tại Điều 1.2 Dự thảo (bổ sung Điều 7.5.k Nghị định 126/2020/NĐ-CP)
+ Sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến: có trách nhiệm đại diện cho người bán là cá nhân (bao gồm cả trong nước và nước ngoài) khai thuế, nộp thuế cho cá nhân (điểm k.1 Điều 7.5 (sửa đổi));
+ Sàn TMĐT không có chức năng đặt hàng trực tuyến: thực hiện kê khai, nộp thuế thay cho người bán là cá nhân trên cơ sở uỷ quyền theo quy định của pháp luật dân sự (điểm k.2 Điều 7.5 (sửa đổi)).
- Trách nhiệm cung cấp thông tin của người bán tại Điều 1.7 Dự thảo (bổ sung Điều 27.8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP)
Sàn TMĐT có trách nhiệm cung cấp thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hoá, dịch vụ trên sàn cho cơ quan thuế.
1. Quan điểm tiếp cận
Thuế là nguồn thu quan trọng của ngân sách nhà nước, và việc đảm bảo khả năng thu thuế, bao gồm cả thuế từ hoạt động kinh doanh trên môi trường internet là việc cần thiết để đảm bảo các nhiệm vụ chi của Nhà nước. Thực tế cần thừa nhận rằng, với các quy định thu thuế theo cách thức truyền thống, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có thể đặt ra một bài toán cho các cơ quan thuế, chẳng hạn khó khăn trong việc nắm bắt thông tin về đối tượng đang thực hiện kinh doanh online, hay xác định doanh thu từ hoạt động này… Do vậy, việc đưa ra một số quy định pháp lý nhằm hỗ trợ cơ quan thuế thực thi nhiệm vụ là hợp lý. Các quy định này có thể liên quan phần nào đến các chủ thể khác vận hành trong mô hình này, chẳng hạn các doanh nghiệp cung cấp nền tảng (hay sàn TMĐT).
Tuy nhiên, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam vẫn đang trên đà phát triển. Các doanh nghiệp cung cấp nền tảng (hay sàn TMĐT) vẫn đang cố gắng hỗ trợ chuyển đổi số cho người bán, và phát triển hệ thống thương mại điện tử cũng như các loại hình dịch vụ mới. Do vậy, chính sách chung với đối tượng này vẫn nên tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển và thúc đẩy các doanh nghiệp mới tham gia vào lĩnh vực này. Quyết định 645/QĐ-TTg cũng xác định cần tiếp tục cải thiện khung khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vận hành nền tảng phát triển các mô hình, giải pháp và dịch vụ dựa trên công nghệ tiên tiến.[3]
Vì lẽ đó, các quy định mới cần phải cân nhắc thật sự thấu đáo để tránh tạo ra gánh nặng chi phí tuân thủ quá lớn cho các đối tượng trung gian này.
2. Quy định về trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay của các sàn thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến
Điều 1.2 Dự thảo (bổ sung Điều 7.5.k.1 Nghị định 126/2020/NĐ-CP) quy định các sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế thay cho người bán trên sàn là cá nhân (bao gồm cả trong nước và nước ngoài). Quy định này cần được xem xét ở các điểm sau:
2.1. Chưa rõ ràng về căn cứ pháp lý
Quy định về trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay của sàn TMĐT dường như chưa có căn cứ pháp lý rõ ràng, cụ thể:
Thứ nhất, Nghị định 126/2020/NĐ-CP và Dự thảo sửa đổi Nghị định 126/2020/NĐ-CP là các văn bản quy định chi tiết của Luật Quản lý thuế 2019. Theo Điều 11 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quy định chi tiết chỉ được quy định nội dung được giao. Tuy nhiên, qua rà soát sơ bộ, Luật Quản lý thuế 2019 không quy định về việc sàn thương mại điện tử phải kê khai, nộp thuế thay cho người bán là cá nhân trên sàn và cũng không trao quyền cho Chính phủ quy định chi tiết về vấn đề này.
Thứ hai, Tờ trình có viện dẫn đến Nghị định 52/2013/NĐ-CP và Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP.[4] Tuy nhiên, Nghị định 52/2013/NĐ-CP và Nghị định 85/2021/NĐ-CP đều không quy định trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay của sàn TMĐT. Điều 37.7 Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế từ hoạt động kinh doanh của người bán thuộc về chính người bán.[5] Nghị định 85/2021/NĐ-CP chỉ quy định trách nhiệm của sàn TMĐT về việc thông báo nghĩa vụ thuế của người bán nước ngoài trên sàn.
Như vậy, quy định tại Dự thảo về nghĩa vụ kê khai, nộp thuế thay của sàn TMĐT là chưa có căn cứ pháp lý rõ ràng.
2.2. Chưa thống nhất của các luật thuế khác về chủ thể có trách nhiệm nộp thuế
Quy định này chưa thống nhất với một số văn bản pháp luật liên quan về chủ thể có trách nhiệm nộp thuế, cụ thể:
Thứ nhất, với quy định về thuế thu nhập cá nhân: Điều 24 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế thu nhập cá nhân 2012) chỉ quy định hai chủ thể có trách nhiệm thực hiện kê khai, nộp thuế, gồm: (i) cá nhân có thu nhập chịu thuế và (ii) tổ chức, cá nhân trả thu nhập. Theo quy định tại Điều 28, 29 Nghị định 65/2013/NĐ-CP[6], thu nhập từ hoạt động kinh doanh của cá nhân cư trú không thuộc loại thu nhập phải khấu trừ thuế do tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện. Vì thế, sàn TMĐT không được coi là tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho người bán. Như vậy, trách nhiệm kê khai, nộp thuế thuộc về cá nhân có thu nhập chịu thuế, trong trường hợp này là người bán trên sàn.
Thứ hai, với quy định về thuế giá trị gia tăng: Điều 4 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 chỉ quy định hai đối tượng là người nộp thuế: (i) tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ (cơ sở kinh doanh); (ii) tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa (người nhập khẩu). Theo quy định này, người bán trên sàn TMĐT sẽ là đối tượng có trách nhiệm nộp thuế giá trị gia tăng.
Như vậy, quy định tại Dự thảo không thống nhất với quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế giá trị gia tăng về chủ thể có trách nhiệm kê khai, nộp thuế của người bán trên sàn TMĐT.
2.3. Chưa thống nhất với Bộ luật Dân sự về chế định đại diện
Dự thảo quy định sàn TMĐT có trách nhiệm đại diện cho người bán thực hiện kê khai, nộp thuế thay. Quy định này chưa phù hợp với quy định của pháp luật dân sự về chế định đại diện.
Cụ thể, căn cứ Điều 135 Bộ luật Dân sự 2015, quyền đại diện chỉ có thể xác lập theo một trong hai căn cứ: (i) đại diện theo ủy quyền; (ii) đại diện theo pháp luật.
Đại diện theo pháp luật của cá nhân chỉ phát sinh trong các trường hợp cụ thể:[7]. Sàn TMĐT đại diện cho người bán trên sàn không thuộc trường hợp được liệt kê quy định tại Điều 136 Bộ luật dân sự 2015.
Đại diện theo uỷ quyền chỉ được xác lập trên cơ sở tự nguyện giữa người uỷ quyền và người được uỷ quyền thông qua văn bản uỷ quyền.[8]
Quy định về trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay của các sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến tại Dự thảo có tính chất bắt buộc, do đó trách nhiệm đại diện trong trường hợp này sẽ phát sinh một cách bắt buộc (không tự nguyện) và tự động (không cần có văn bản uỷ quyền). Căn cứ đại diện này không phù hợp với bất kỳ căn cứ phát sinh đại diện nào theo pháp luật dân sự.
2.4. Chưa phù hợp với bản chất hoạt động của sàn thương mại điện tử
Thứ nhất, về vai trò: sàn TMĐT có thể được coi là nền tảng trung gian kết nối người mua và người bán. Sàn TMĐT là một hình thức “chợ” nhưng thực hiện trên không gian mạng. Lúc này, sàn TMĐT có vai trò như ban quản lý “chợ” trên nền tảng của mình, xây dựng quy chế hoạt động; kiểm tra, giám sát người bán và hỗ trợ cơ quan chức năng xử lý người bán có hành vi phạm; hỗ trợ người mua trong việc giải quyết tranh chấp[9]; một số nghĩa vụ khác.[10] Cần lưu ý rằng trách nhiệm về chất lượng, thông tin, quảng cáo về sản phẩm, hàng hoá… thuộc về người bán.
Thứ hai, về việc kiểm soát dòng tiền thanh toán: nhiều sàn TMĐT có chức năng đặt hàng không thu nhận toàn bộ dòng tiền trong tất cả các giao dịch qua sàn, vì sàn sẽ không nhận được tiền của người mua hàng nếu họ thanh toán bằng tiền mặt. Khi các giao dịch trên sàn được thanh toán bằng tiền mặt, tiền hàng sẽ chuyển từ người mua qua đơn vị vận chuyển (thông qua shipper) về người bán. Hoặc ngược lại, shipper sẽ trả trực tiếp cho người bán và nhận lại tiền từ người mua. Việc yêu cầu các sàn TMĐT kê khai, nộp thuế thay cho người bán sẽ tạo ra áp lực rất lớn tài chính cho sàn khi phải ứng trước một khoản tiền thuế từ người bán phải đóng (thực tế, các giao dịch thanh toán tiền mặt hiện đang chiếm ưu thế (86%)[11]) và áp lực về hoạt động khi phải thực hiện việc thu lại số tiền thuế của người bán. Trong nhiều trường hợp, sàn TMĐT không có đủ công cụ cũng như quyền lực để thực thi yêu cầu người bán trả lại tiền thuế mà sàn đã đóng thay. Điều này sẽ gây khó khăn rất lớn cho hoạt động của sàn TMĐT.
Có thể thấy, các sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến chỉ là đơn vị trung gian giữa người bán và người mua, vì vậy yêu cầu các sàn TMĐT có trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay cho người bán là chưa phù hợp với bản chất hoạt động của mô hình này đồng thời gây khó khăn rất lớn cho các sàn TMĐT.
2.5. Gánh nặng chi phí tuân thủ cho sàn thương mại điện tử
Nhằm nhận biết tác động của quy định này đối với doanh nghiệp, VCCI đã tiến hành khảo sát sơ bộ 107 sàn TMĐT thuộc diện tác động của quy định này trong khoảng thời gian từ 04 – 05/2022. Các kết quả sơ bộ từ khảo sát này như sau:
Về chi phí kinh doanh: Quy định về kê khai, nộp thuế thay sẽ gia tăng tương đối đáng kể chi phí cho các sàn TMĐT.
Mức chênh lệch tỷ lệ tổng chi phí trên doanh thu của năm 2022[12] so với năm 2021 theo phương án kê khai, nộp thuế thay cao hơn 10.65 điểm phần trăm so với phương án không phải thực hiện nghĩa vụ này. Trong đó, chi phí công nghệ thông tin sẽ cao hơn 5.2 điểm phần trăm; chi phí mua ngoài liên quan đến công nghệ thông tin cao hơn 9.45 điểm phần trăm và chi phí nhân sự tăng 19.86 điểm phần trăm.
Mức chênh lệch tỷ lệ tổng chi phí trên doanh thu dự kiến của năm 2023[13] so với năm 2021 theo phương án kê khai, nộp thuế thay cao hơn 8.12 điểm phần trăm so với phương án không phải thực hiện nghĩa vụ này. Trong đó, chi phí công nghệ thông tin sẽ cao hơn 3.55 điểm phần trăm; chi phí nhân sự tăng 8.35 điểm phần trăm.
Đặc biệt, trong bối cảnh trên 80% các sàn TMĐT đều trả lời đang lỗ và sẽ tiếp tục lỗ trong những năm tới[14], quy định này có thể sẽ tạo thêm gánh nặng tuân thủ lớn cho các sàn TMĐT.
Về khó khăn, trở ngại khi thực hiện quy định:
Nhiều công việc cụ thể cần thực hiện theo quy định được đánh giá là “Khó” và “Rất khó”[15] theo cảm nhận của sàn TMĐT, trong đó phân loại hàng hóa theo tỷ lệ thuế (56.9% sàn TMĐT lựa chọn “Khó” hoặc “Rất khó”); thu thập, trích xuất dữ liệu người bán (43.1%); thực hiện kê khai, nộp thuế thay (69.2%).
Các sàn TMĐT cũng có chia sẻ nhiều lo ngại nếu thực hiện nghĩa vụ: 57.4% sàn TMĐT lo ngại quy định sẽ thay đổi quy trình quản lý và vận hành của doanh nghiệp; 100% sàn TMĐT cho rằng sẽ gặp khó khăn trong việc xác định doanh thu của người bán tại kỳ tính thuế; 100% lo ngại gặp rủi ro liên quan đến việc nộp thừa hoặc thiếu tiền thuế.
Tóm tắt phương pháp khảo sát và kết quả khảo sát được trình bày tại phần Phụ lục đính kèm Công văn này.
2.6. Tính ổn định của hệ thống pháp luật
Tháng 6/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 40/2021/TT-BTC, quy định: “Tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT thực hiện việc kê khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân theo lộ trình của cơ quan thuế”.[16] Sau đó, quy định này đã được sửa đổi tại Thông tư 100/2021/TT-BTC, theo hướng sàn TMĐT chỉ còn trách nhiệm chia sẻ và cung cấp thông tin của cá nhân kinh doanh qua sàn, loại bỏ trách nhiệm kê khai thay, nộp thuế thay cá nhân. Thông tư 100/2021/TT-BTC mới được ban hành vào tháng 11 năm 2021 và có hiệu lực thực thi từ năm 2022. Như vậy, riêng quy định này đã được ban hành, sửa đổi và thực hiện trong chưa đầy một năm, và đến nay lại được đề xuất thay đổi bằng quy định tại Dự thảo. Việc này có thể gây lo ngại cho các sàn TMĐT về môi trường pháp lý thiếu ổn định, nhiều rủi ro.
2.7. Quy định còn chưa rõ ràng, minh bạch
Quy định này chưa rõ ràng ở các điểm sau:
Thứ nhất, về chủ thể thực hiện, Dự thảo quy định các sàn thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến. Tuy nhiên, quy định này không làm rõ các đối tượng nào được coi là sàn thương mại điện tử. Hiện nay, khái niệm về sàn thương mại điện tử đang được quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Nghị định 52/2013/NĐ-CP là văn bản chung điều chỉnh hoạt động của sàn thương mại điện tử. Lĩnh vực này thực tế xuất hiện trong nhiều lĩnh vực chuyên ngành khác mà Nghị định 52/2013/NĐ-CP đã loại trừ khỏi phạm vi điều chỉnh và giao lại cho các văn bản pháp luật chuyên ngành điều chỉnh[17]. Do vậy, không rõ các đối tượng liên quan trong những lĩnh vực này có trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay hay không?
Thứ hai, về cách thức thực hiện, Dự thảo chưa quy định rõ các sàn TMĐT sẽ thực hiện kê khai và nộp thuế thay thuế cho người bán trên tất cả các đơn hàng hay chỉ khấu trừ khi xác định người bán có doanh thu trong năm trên 100 triệu đồng? Bởi vì, người bán là cá nhân chỉ có trách nhiệm nộp thuế nếu có doanh thu trong năm trên 100 triệu đồng.[18]
Nếu chỉ thực hiện với người bán có doanh thu vượt ngưỡng, các sàn TMĐT sẽ gặp khó khăn trong việc xác định khi nào người bán vượt ngưỡng doanh thu để thực hiện kê khai, nộp thuế thay, chẳng hạn: việc xác định mức doanh thu 100 triệu là mức doanh thu trên một sàn hay tính trên tất cả các sàn; tiêu chí để nào để có thể xác định một người bán có doanh thu trên 100 triệu khi bắt đầu năm kinh doanh…?
2.8. Kinh nghiệm quốc tế
Liên quan đến nghĩa vụ thuế của người bán trên nền tảng thương mại điện tử, các quốc gia trên thế giới đã đưa ra một số quy định như sau:
Trung Quốc: Điều 28 Luật Thương mại điện tử năm 2018[19] chỉ quy định trách nhiệm của sàn TMĐT trong việc cung cấp thông tin nhận dạng (identity information) và thông tin liên quan đến thuế của người bán đến cơ quan thuế.
Một số nước khác, chẳng hạn Liên Minh Châu Âu (EU),[20] Anh,[21] New Zealand,[22] Úc,[23] Hoa Kỳ,[24] Indonesia,[25]… đã ban hành quy định yêu cầu nền tảng trung gian có trách nhiệm nộp thay nghĩa vụ thuế GTGT với với hàng hoá của người bán nước ngoài. Nghĩa vụ thuế của người bán (trong nước) vẫn được thực hiện theo các quy định trước đó (thường thuộc về trách nhiệm của người bán). Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, quy định này không có nhiều điểm chung với quy định tại Dự thảo. Thực tế, cơ chế tương tự như quy định của các nước này cũng đang được xây dựng tại Dự thảo Nghị định quản lý hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu qua thương mại điện tử.[26] Theo đó, nghĩa vụ thuế (trong đó có thuế GTGT) với hàng hoá giao dịch qua thương mại điện tử nhập khẩu sẽ thuộc trách nhiệm của đơn vị trung gian (như sàn TMĐT, đơn vị vận chuyển…) và được thực hiện cùng với thủ tục hải quan.
Nhìn chung, theo quy định của các quốc gia trên, trách nhiệm về nghĩa vụ thuế của người bán trong nước vẫn thuộc về người bán.
Kết luận: Quy định về trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay của sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến tại Dự thảo còn thiếu căn cứ pháp lý để ban hành, thiếu sự thống nhất với các quy định pháp luật liên quan, chưa rõ ràng, không hợp lý và tạo ra gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định yêu cầu sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến thực hiện trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay người bán trên sàn. Việc kê khai, nộp thuế thay chỉ nên thực hiện trên cơ sở uỷ quyền của pháp luật dân sự.[27]
3. Quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin của sàn thương mại điện tử
Trước hết, VCCI cho rằng việc thu thuế thương mại điện tử hiệu quả cần có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp cung cấp nền tảng. Sự hỗ trợ này có thể đến từ việc cung cấp thông tin cho cơ quan thuế. Tuy nhiên, việc cung cấp thông tin cũng cần lưu ý không tạo ra gánh nặng chi phí bất hợp lý cho các sàn TMĐT.
Hiện nay, Điều 1.7 Dự thảo (bổ sung Điều 27.8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP) đang quy định sàn TMĐT sẽ phải cung cấp thông tin về người bán định kỳ theo quý cho cơ quan thuế. Quy định này cần được xem xét ở các điểm sau:
Thứ nhất, về thông tin doanh thu: Dự thảo không có quy định rõ ràng về doanh thu của người bán trên sàn. Định nghĩa về doanh thu được căn cứ theo quy định tại Điều 10.1 Thông tư 40/2021/TT-BTC.[28] Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, định nghĩa về doanh thu như vậy là quá phức tạp và gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tổng hợp thông tin. Như đã trình bày ở trên, 43.1% doanh nghiệp cho biết việc tổng hợp doanh thu (theo định nghĩa này) là “Khó” và “Rất khó”. Cũng theo kết quả khảo sát, gần một nửa các sàn TMĐT đã thực hiện tổng hợp doanh thu của người bán theo cách tính tổng giá trị các đơn hàng. Do vậy, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định theo hướng doanh thu của người bán được hiểu là tổng giá trị đơn hàng.
Thứ hai, về tần suất cung cấp thông tin: Dự thảo đang quy định doanh nghiệp cung cấp thông tin theo quý. Theo phản ánh của doanh nghiệp, việc này là không cần thiết và tạo gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. Từ quan điểm của các doanh nghiệp, mục đích của việc cung cấp thông tin từ sàn TMĐT nên được coi như một kênh đối chiếu thông tin giúp cơ quan thuế kiểm tra, rà soát các cá nhân kinh doanh chưa thực hiện nghĩa vụ thuế trong năm. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng tần suất cung cấp thông tin theo năm.
Như vậy, từ các phân tích tại Mục 2 và Mục 3 ở trên, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định về trách nhiệm của sàn TMĐT liên quan đến nghĩa vụ thuế của người bán theo hướng sàn TMĐT chỉ có trách nhiệm cung cấp thông tin của người bán cho cơ quan thuế, cụ thể như sau:
- Bỏ quy định về trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay của các sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến tại Điều 1.2 Dự thảo;
- Sửa đổi quy định về cung cấp thông tin tại Điều 1.7 Dự thảo theo hướng sàn TMĐT cung cấp thông tin về doanh thu (được hiểu là tổng giá trị đơn hàng) với tần suất 1 năm/lần.
II. Một số vấn đề khác
Liên quan đến Dự thảo này, trong thời gian qua, VCCI cũng nhận được những ý kiến khác từ các doanh nghiệp, hiệp hội về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP và Nghị định 123/2020/NĐ-CP như sau:
1. Bảo mật thông tin được cung cấp
Hiện nay, dữ liệu được coi là một trong số tài sản quý giá nhất với doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp kinh doanh dựa trên nền tảng kinh tế số như các sàn TMĐT. Việc bảo mật các thông tin, dữ liệu được doanh nghiệp rất coi trọng và coi là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Việc lộ, lọt thông tin sẽ gây tổn thất lớn với các sàn, đặc biệt nếu trường hợp các đối thủ khác có thể nắm được các dữ liệu này. Do vậy, bất kể thực hiện kê khai, nộp thuế thay hay cung cấp thông tin ra bên ngoài, các doanh nghiệp lo lắng hai vấn đề như sau: (i) cơ chế bảo mật thông tin chống lại sự tấn công từ bên ngoài (như hacker); (ii) cơ chế quản lý dữ liệu nội bộ để tránh việc đánh cắp thông tin từ bên trong.
Với vấn đề thứ nhất, cơ quan thuế cần có các biện pháp nâng cấp bảo mật của hệ thống thông tin để đảm bảo sự an toàn trước các cuộc tấn công mạng. Với vấn đề thứ hai, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định về cơ chế xác định lỗi khi phát hiện trường hợp lộ, lọt dữ liệu: Dữ liệu được truyền qua nhiều bên, từ doanh nghiệp đến Tổng cục Thuế rồi chuyển về các cơ quan thuế địa phương. Trong quá trình đó, dữ liệu có thể bị lộ, lọt ở bất kỳ khâu nào (kể cả từ phía doanh nghiệp).
Do vậy, cơ chế xác định lỗi cần được xác định như sau:
Thứ nhất, xác định lỗi xuất phát từ doanh nghiệp hay từ cơ quan thuế: cơ chế này có thể tham khảo kinh nghiệm từ lĩnh vực điện ảnh. Các bản phim cần qua nhiều khâu chỉnh sửa, kiểm duyệt với nhiều bên khác nhau (cả tư nhân và cơ quan nhà nước). Ở mỗi bản khâu, bản phim sẽ được có một hoặc một số ít điểm nhỏ được thay đổi để làm điểm đánh dấu. Nếu có trường hợp lộ, lọt dữ liệu, đơn vị sản xuất sẽ đối chiếu các điểm đánh dấu với bản bị lộ, lọt nhằm xác định đơn vị nào có trách nhiệm. Áp dụng cơ chế tương tự, bản dữ liệu người bán mà doanh nghiệp chuyển sang cho cơ quan thuế có thể được sửa đổi một chút so với bản gốc để đánh dấu (thay đổi một chữ cái, một số nhỏ mà không làm ảnh hưởng đến số thu ngân sách). Điểm đánh dấu này sẽ là căn cứ để xác định lỗi từ phía nào;
Thứ hai, xác định lỗi trong nội bộ đơn vị: khi đã xác định được lỗi ở đơn vị nào thì việc tiếp theo là xác định ai là người chịu trách nhiệm tại đơn vị đó. Thực tế, các doanh nghiệp đều có cơ chế, quy trình nội bộ về quản trị dữ liệu. Tương tự, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định theo hướng cơ quan thuế bổ sung quy định nội bộ về quản trị thông tin, dữ liệu và yêu cầu phân cấp với hệ thống thông tin, trong đó có quy định về phân quyền truy cập thông tin, yêu cầu đăng nhập khi truy cập và có bản ghi các lần đăng nhập;
2. Kê khai, nộp thuế thay với hoạt động khai thác tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng
Điều 7.5.b Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay với hoạt động khai thác tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng hoặc tổ chức được tổ chức tín dụng uỷ quyền khai thác tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định như vậy chưa rõ ràng và gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp có tài sản bảo đảm tại tổ chức tín dụng thực hiện kê khai, tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp doanh thu trừ (-) chi phí. Việc kê khai, nộp thuế thay trong trường hợp này phát sinh vấn đề như sau:
- Với các tổ chức tín dụng: Tổ chức tín dụng không thể xác định được khoản chi phí liên quan đến tài sản bảo đảm để tính toán mức thu nhập chịu thuế theo công thức doanh thu trừ chi phí;
- Với doanh nghiệp có tài sản bảo đảm: doanh nghiệp thực hiện kê khai và tính toán với khoản chi phí được trừ liên quan đến tài sản đảm bảo như thế nào và có được tính vào chi phí được trừ hay không;
Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định hướng dẫn, làm rõ quy định này.
3. Kê khai, nộp thuế thay với khoản thưởng, hỗ trợ doanh số, khuyến mại của tổ chức chi trả
Điều 7.5.đ Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định tổ chức chi trả các khoản thưởng, hỗ trợ doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền mặt. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này là chưa phù hợp. Bởi vì tại thời điểm chi trả thu nhập, doanh nghiệp chưa có căn cứ xác định xem cá nhân đó có thuộc diện phải khấu trừ thuế hay không (có đạt mức doanh thu 100 triệu/năm). Việc này tạo ra gánh nặng chi phí và vận hành rất lớn cho doanh nghiệp trong quá trình theo dõi, đôn đốc, thu hồi các khoản thuế thu hộ. Một lý do khác là trong một số trường hợp, các hộ, cá nhân kinh doanh đã tự thực hiện nộp thuế với các doanh thu phát sinh từ việc bán hàng, do đó việc tách riêng trách nhiệm nộp thuế với khoản thưởng, hỗ trợ… giao cho doanh nghiệp là chưa hợp lý, tăng thêm đầu mối kê khai và tạo gánh nặng hành chính không hợp lý lên doanh nghiệp. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi cho phù hợp.
4. Điều chỉnh hoá đơn trong trường hợp đặc thù
Nghị định 123/2020/NĐ-CP hiện chỉ có quy định về điều chỉnh hoá đơn trong trường hợp có sai sót (Điều 19, 20). Theo phản ánh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, thực tế còn có một số trường hợp đặc thù cần điều chỉnh hoá đơn, chẳng hạn hoàn phí dịch vụ khi đạt được một số tiêu chí nhất định. Trong trường hợp này, doanh nghiệp phải hạch toán giảm doanh thu đối với phần phí giảm cho khách hàng và xuất hoá đơn tương ứng để phản ánh việc giảm thu nhập của ngân hàng và giảm chi phí của khách hàng. Tuy nhiên, Nghị định chưa có quy định xử lý vấn đề này. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định xử lý trường hợp này.
Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 126/2020/NĐ-CP, Nghị định 123/2020/NĐ-CP và Nghị định 15/2022/NĐ-CP. Rất mong Quý Cơ quan cân nhắc, xem xét.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.
[1] Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hoá đơn, chứng từ, Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.
[2] Công văn này góp ý cho phiên bản thẩm định tại Bộ Tư pháp, được đăng tải tại https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/chi-dao-dieu-hanh.aspx?ItemID=3460
[3] Điểm a Điều 1 Mục C Quyết định 645/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025.
[4] Điểm b.1 Mục 1 Chương I Tờ trình Dự thảo
[5] Quy định này vẫn có hiệu lực và không bị sửa đổi bởi Nghị định 85/2021/NĐ-CP
[6] Nghị định 65/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân
[7] Điều 136 Bộ luật Dân sự 2015
[8] Điều 138 Bộ luật Dân sự 2015
[9] Điều 36 Nghị định 52/2013/NĐ-CP
[10] Bao gồm: trách nhiệm đại diện cho người bán nước ngoài giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng, thông báo nghĩa vụ thuế của người bán nước ngoài; đầu mối tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng nếu có nhiều hơn 02 bên tham gia; lưu trữ thông tin về giao dịch đặt hàng
[11]https://tapchitaichinh.vn/ngan-hang/giai-phap-phat-trien-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-trong-thuong-mai-dien-tu-tai-viet-nam-335205.html
[12] Năm 2022 được giả định là năm chuẩn bị để thực thi nghĩa vụ
[13] Năm 2023 được giả định là năm đầu tiên doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ
[14] Doanh nghiệp được coi là lỗ khi mức tổng chi phí lớn hơn doanh thu, hay tỷ lệ tổng chi phí/doanh thu > 1
[15] Dựa theo 5 mức cảm nhận mức độ dễ dàng “Rất dễ”, “Dễ”, “Trung bình”, “Khó”, “Rất khó”
[16] Điều 8.1.đ Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh
[17] Gồm dịch vụ phân phối, phát hành sản phẩm nội dung thông tin số; dịch vụ phát thanh truyền hình…
[18] Điều 1.1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2013; Điều 2.1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế năm 2014
[19] E-Commerce Law of the People’s Republic of China, truy cập từ https://ipkey.eu/sites/default/files/documents/resources/PRC_E-Commerce_Law.pdf
[20] Quy định về thuế GTGT với thương mại điện tử xuyên biên giới (có hiệu lực từ 01/06/2021), truy cập từ nguồn https://ec.europa.eu/taxation_customs/business/vat/vat-e-commerce/online-electronic-interfaces_en
[21] Quy định về thuế GTGT với thương mại điện tử xuyên biên giới (có hiệu lực từ 01/01/2021), truy cập từ nguồn https://www.gov.uk/guidance/vat-and-overseas-goods-sold-to-customers-in-the-uk-using-online-marketplaces
[22] Quy định về thuế GTGT với người bán nước ngoài thông qua nền tảng thương mại điện tử, truy cập từ nguồn https://www.ird.govt.nz/gst/gst-for-overseas-businesses
[23] Quy định về thuế GTGT với người bán nước ngoài thông qua nền tảng thương mại điện tử (có hiệu lực từ ngày 01/07/2018, truy cập từ nguồn https://www.ato.gov.au/General/Other-languages/In-detail/Information-in-other-languages/Goods-and-services-tax-(GST)-when-you-sell-to-Australia/
[24] Đa phần các bang của Hoa Kỳ đều áp dụng cơ chế thu thuế GTGT của người bán thông qua nền tảng trung gian, truy cập từ nguồn https://taxfoundation.org/state-remote-sales-tax-collection-wayfair/#Remote
[25] Quy định số PER-12/PJ/2020 ngày 25/6/2020, truy cập từ nguồn https://assets.kpmg/content/dam/kpmg/id/pdf/2020/07/id-tnf-july-2020.pdf
[26] http://vibonline.com.vn/du_thao/du-thao-nghi-dinh-quy-dinh-hang-hoa-xuat-khau-nhap-khau-giao-dich-qua-thuong-mai-dien-tu
[27] Tương tự như quy định tại Điều 1.2 Thông tư 100/2021/TT-BTC và Điều 7.5.k.2 (sửa đổi) của Dự thảo
[28] Doanh thu tính thuế GTGT và doanh thu tính thuế TNCN đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền; các khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội, phí thu thêm được hưởng theo quy định; các khoản bồi thường vi phạm hợp đồng, bồi thường khác (chỉ tính vào doanh thu tính thuế TNCN); doanh thu khác mà hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
PHỤ LỤC:
TÓM TẮT KẾT QUẢ KHẢO SÁT CHI PHÍ TUÂN THỦ CỦA
DOANH NGHIỆP VỚI QUY ĐỊNH VỀ KÊ KHAI, NỘP THUẾ THAY
Nhằm nhận biết và đánh giá tác động của quy định về kê khai, nộp thuế thay cho người bán trên sàn, VCCI đã tiến hành tham vấn các doanh nghiệp thuộc đối tượng chịu tác động thông qua hoạt động khảo sát. Phần này sẽ trình bày tóm tắt về phương pháp khảo sát và kết quả thu được từ khảo sát này.
- Phương pháp khảo sát
Khảo sát thực hiện phân tích sự thay đổi các loại chi phí của sàn TMĐT qua thời gian. Nghiên cứu đã tiến hành khảo sát đối với một mẫu được chọn theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên phân tầng, với hai biến phân nhóm là đặc điểm sản phẩm/dịch vụ của sàn TMĐT và số năm hoạt động của sàn TMĐT.
Đồng thời, nghiên cứu cũng phân ngẫu nhiên mẫu điều tra thành nhóm đối chứng và nhóm kiểm soát.
– Doanh nghiệp thuộc nhóm đối chứng (Mẫu A) sẽ trả lời các câu hỏi có giả định rằng họ không phải thực hiện thêm bất cứ quy định pháp luật nào;[1]
– Doanh nghiệp thuộc nhóm kiểm soát 1 (Mẫu B) sẽ tiếp nhận câu hỏi với giả định họ phải tuân thủ quy định mới về kê khai, nộp thuế thay (như quy định tại Dự thảo);[2]
– Doanh nghiệp thuộc nhóm kiểm soát 2 (Mẫu C) sẽ tiếp nhận câu hỏi với giả định họ phải tuân thủ quy định về cung cấp thông tin về doanh thu của người bán.[3]
Nghiên cứu sẽ phân tích sự khác biệt về giá trị trung bình các loại chi phí của doanh nghiệp ở từng nhóm kiểm soát với nhóm đối chứng để ước tính gánh nặng chi phí tuân thủ mà doanh nghiệp phải chịu nếu áp dụng quy định mới.
- Các phát hiện chính thu được từ kết quả khảo sát
VCCI thực hiện khảo sát với 284 sàn TMĐT thuộc diện tác động của quy định trong thời gian từ tháng 04 – 05 năm 2022. Kết quả, có 107 sàn TMĐT trả lời Phiếu khảo sát, trong đó, Mẫu A có 37 phản hồi, Mẫu B có 45 phản hồi, Mẫu C có 25 phản hồi.
2.1. Chi phí tuân thủ quy định[4]
Thứ nhất, theo phương án kê khai, nộp thuế thay, kết quả thu được như sau:
Mức chênh lệch tỷ lệ tổng chi phí trên doanh thu của năm 2022[5] so với năm 2021 theo phương án kê khai, nộp thuế thay cao hơn 10.65 điểm phần trăm so với mức chênh lệch theo phương án không phải thực hiện nghĩa vụ này. Trong đó, chi phí công nghệ thông tin sẽ cao hơn 5.2 điểm phần trăm; chi phí mua ngoài liên quan đến công nghệ thông tin cao hơn 9.45 điểm phần trăm và chi phí nhân sự tăng 19.86 điểm phần trăm.
Kết quả này đã cho thấy rằng trong năm 2022 (năm chuẩn bị thực hiện), các doanh nghiệp có thể sẽ phải bỏ một chi phí tương đối lớn để đầu tư hệ thống phần mềm công nghệ thông tin phục vụ kê khai, nộp thuế thay. Việc đầu tư này sẽ đồng thời kéo tăng các chi phí công nghệ thông tin, chi phí mua ngoài liên quan đến công nghệ thông tin. Quỹ lương (tổng chi phí nhân sự) của doanh nghiệp dự kiến cũng tăng lên đáng kể để đáp ứng cho các hoạt động chuẩn bị này.
Mức chênh lệch tỷ lệ tổng chi phí trên doanh thu của năm 2023[6] so với năm 2021 theo phương án kê khai, nộp thuế thay cao hơn 8.12 điểm phần trăm so với mức chênh lệch theo phương án không phải thực hiện nghĩa vụ này. Trong đó, chi phí công nghệ thông tin sẽ cao hơn 3.55 điểm phần trăm; chi phí nhân sự tăng 8.35 điểm phần trăm. Kết quả này cho thấy rằng doanh nghiệp sẽ tiếp tục cần bỏ ra chi phí duy trì để thực hiện nghĩa vụ, trong đó có phần chi phí công nghệ thông tin và chi phí nhân sự. Do trách nhiệm này được thực hiện liên tục, doanh nghiệp có thể tiếp tục bỏ ra mức chi phí tương đương như trên mỗi năm để thực thi quy định này.
Thứ hai, theo phương án cung cấp thông tin, kết quả thu được như sau:
Mức chênh lệch tỷ lệ tổng chi phí trên doanh thu của năm 2022 so với năm 2021 theo cung cấp thông tin cao hơn 2.99 điểm phần trăm so với mức chênh lệch theo phương án không phải thực hiện nghĩa vụ. Trong đó, chi phí công nghệ thông tin sẽ cao hơn 1.81 điểm phần trăm; chi phí mua ngoài liên quan đến công nghệ thông tin cao hơn 3.28 điểm phần trăm và chi phí nhân sự tăng 10.52 điểm phần trăm.
Mức chênh lệch tỷ lệ tổng chi phí trên doanh thu của năm 2023 so với năm 2021 theo cung cấp thông tin cao hơn 3.26 điểm phần trăm so với mức chênh lệch theo phương án không phải thực hiện nghĩa vụ. Trong đó, chi phí công nghệ thông tin sẽ cao hơn 8.76 điểm phần trăm và chi phí nhân sự tăng 0.97 điểm phần trăm.
Như vậy, có thể thấy, các nghĩa vụ mới đều làm gia tăng chi phí vận hành cho các sàn TMĐT. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định quy định về kê khai, nộp thuế thay sẽ gia tăng tương đối đáng kể chi phí cho các sàn TMĐT, trong khi việc thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin sẽ giảm nhẹ hơn gánh nặng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.
2.2. Mức độ dễ dàng của quy định[7]
Cảm nhận về mức độ dễ dàng của từng công việc cần thực thi để đáp ứng nghĩa vụ theo 5 mức: “Rất dễ”, “Dễ”, “Trung bình”, “Khó”, “Rất khó” như sau:[8]
- 1% sàn TMĐT đánh giá việc tìm hiểu phạm vi nghĩa vụ và các công việc phải thực hiện là “Khó” và “Rất khó”;
- 9% sàn TMĐT đánh giá mức độ dễ dàng khi thực hiện phân loại hàng hoá theo tỷ lệ thuế là “Khó” và “Rất khó”;[9]
- 1% sàn TMĐT đánh giá mức độ dễ dàng khi thực hiện thu thập, trích xuất dữ liệu về doanh thu của người bán là “Khó” và “Rất khó”;
- 2% sàn TMĐT nhận định “Khó” hoặc “Rất khó” để thực hiện kê khai, nộp thuế thay;
- 6% sàn TMĐT cho biết mức độ dễ dàng của việc kê khai, nộp thuế bổ sung là “Khó” hoặc “Rất khó”;
Các doanh nghiệp cũng có lo ngại hoặc khó khăn khi thực hiện quy định:
- 4% sàn TMĐT lo ngại quy định sẽ thay đổi quy trình quản lý và vận hành của doanh nghiệp;
- 4% sàn TMĐT lo ngại về việc người bán có lo ngại, phản ứng;
- 2% sàn TMĐT cho biết nội dung quy định còn chưa rõ ràng để thực hiện;
- 100% sàn TMĐT cho biết quy định này có thể ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của hàng hóa/dịch vụ trên sàn;
- 100% sàn TMĐT lo ngại về việc phải phân loại hàng hoá theo thuế suất;
- 100% sàn TMĐT cho rằng họ gặp khó khăn trong việc xác định doanh thu của người bán tại kỳ tính thuế;
- 100% sàn TMĐT lo ngại gặp rủi ro liên quan đến việc nộp thừa hoặc thiếu tiền thuế;
Như vậy, việc thực hiện các quy định về kê khai, nộp thuế có thể gây ra nhiều khó khăn cho các sàn TMĐT trong quá trình thực hiện, từ việc tìm hiểu nghĩa vụ, thực hiện các công việc để đáp ứng nghĩa vụ, và các lo ngại để tuân thủ đúng nghĩa vụ.
[1] Link phiếu khảo sát nhóm A: https://khaosattmdt.questionpro.com/AIpQLSelL1jw3qRTSI1vOZKaRIVED7rA
[2] Link phiếu khảo sát nhóm B: https://khaosattmdt.questionpro.com/CIpQLSelL1jw3qRTSI1vOZKaRIVED7rA
[3] Link phiếu khảo sát nhóm C: https://khaosattmdt.questionpro.com/BIpQLSelL1jw3qRTSI1vOZKaRIVED7rA
Phiếu Khảo sát (bản word) được lưu trữ tại đường link: https://drive.google.com/drive/folders/194nGpkmhHzxwf3gK_zMKtDVxQ95UQoti?usp=sharing
[4] Dữ liệu được trình bày ở đây là dữ liệu tại trường hợp 1 Mẫu B, Mẫu C. Nội dung giả định của các trường hợp này tương đối giống quy định tại Dự thảo, sau khi đã được làm rõ tại Báo cáo giải trình của Hồ sơ thẩm định Dự thảo.
[5] Năm 2022 được giả định là năm chuẩn bị để thực thi nghĩa vụ
[6] Năm 2023 được giả định là năm đầu tiên doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ
[7] Phần này không đề cập đến các nội dung về mã số thuế. Lý do là vì cơ quan soạn thảo đã giải trình doanh nghiệp không cần chịu trách nhiệm về tính chính xác của mã số thuế mà doanh nghiệp thu thập từ người bán (trang 6 Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đóng góp, Tài liệu thẩm định Dự thảo, truy cập tại https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/chi-dao-dieu-hanh.aspx?ItemID=3460)
[8] Một số công việc xuất hiện chung ở 3 mẫu phiếu, tuy nhiên cũng có những công việc chỉ xuất hiện ở Mẫu B và/hoặc Mẫu C do chỉ liên quan đến các nghĩa vụ tại các mẫu phiếu đó.
[9] Do hàng hoá có mức thuế suất khác nhau, các sàn TMĐT có sản phẩm là hàng hoá phải thực hiện phân loại các mặt hàng trên sàn TMĐT để tính toán thuế và thông báo với người mua trước khi người mua tiến hành đặt hàng.
Mức thuế với hàng hoá được chia thành:
- Hàng hoá chịu thuế GTGT: 1% thuế GTGT; 0,5% thuế TNCN;
- Hàng hoá không chịu thuế GTGT: 0% thuế GTGT; 0,5% thuế TNCN