VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng tem điện tử
Kính gửi: Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế
Ngày 23/12/2020 vừa qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp đối với Dự thảo Thông tư hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng tem điện tử (sau đây gọi tắt là Dự thảo).
Trả lời Công văn số 11014/BTC-TCT của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo, trên cơ sở ý kiến góp ý của các doanh nghiệp, hiệp hội tại Hội thảo trên, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam gửi tới cơ quan soạn thảo tổng hợp các ý kiến góp ý như sau:
- Về tên văn bản
Tên dự thảo Thông tư là hướng dẫn về việc in, phát hành, quản lý và sử dụng tem điện tử. Tuy nhiên, đối tượng áp dụng quy định tại Điều 2 Dự thảo lại chỉ áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu những sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó chỉ đề cập đến sản phẩm rượu và thuốc lá. Nội dung xuyên suốt Dự thảo chỉ quy định cụ thể về tem điện tử áp dụng đối với sản phẩm rượu và thuốc lá. Do đó, tên văn bản như hiện tại có thể quá rộng, có thể gây ra nhầm lẫn trong tra cứu, tìm hiểu và trích dẫn văn bản, đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình thêm các phương án lựa chọn và cân nhắc điều chỉnh tên văn bản theo hướng cụ thể, rõ ràng, tạo cách hiểu thống nhất.
- Về đơn vị thực hiện dán tem điện tử đối với thuốc lá nhập khẩu
Theo quy định khoản 3 Điều 3 Dự thảo, doanh nghiệp nhập khẩu thuốc lá thực hiện dán tem đúng quy định cho sản phẩm thuốc lá tại địa điểm của doanh nghiệp trước khi đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ.
Theo phản ánh của doanh nghiệp, nhằm tuân thủ quy định của pháp luật cũng như đảm bảo chất lượng sản phẩm, thuốc lá điếu sẽ được bọc màng bóng kính cho từng bao và đóng tút 10 bao tại cơ sở của nhà sản xuất ở nước ngoài. Nếu yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện dán tem tại địa điểm của doanh nghiệp như Dự thảo hiện tại, doanh nghiệp sẽ phát sinh thêm nhiều chi phí và nhân lực để tháo tút và màng bóng kính của từng bao để dán tem sau khi thực hiện thủ tục thông quan.
Do đó, để đảm bảo tính khả thi, giảm thiểu các chi phí và thời gian không cần thiết cho doanh nghiệp, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ quy định trên.
- Về việc lập kế hoạch mua tem
Khoản 2 Điều 5 và điểm b, khoản 2, Điều 6 Dự thảo quy định tổ chức, doanh nghiệp sử dụng tài khoản được cơ quan Hải quan và cơ quan Thuế cấp để đăng ký kế hoạch mua tem, chậm nhất là ngày 15 tháng 05 của năm liền trước năm kế hoạch.
Theo phản ánh của doanh nghiệp, để xác định được số lượng tem cần mua cho các sản phẩm nhập khẩu thì doanh nghiệp cần thời gian để khảo sát và tính toán thị trường. Hơn nữa, việc nhập khẩu sản phẩm phụ thuộc vào đơn đặt hàng của đối tác trong nước, thường vào gần cuối năm nhà phân phối mới có kế hoạch nhập hàng cho năm sau. Do đó, để doanh nghiệp có cơ sở lập kế hoạch mua tem, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét sửa đổi thời gian đăng ký kế hoạch mua tem, cụ thể là chậm nhất là ngày 31 tháng 10 của năm liền trước năm kế hoạch.
- Về việc bán tem
Hiện Dự thảo quy định quy định theo hướng cơ quan quản lý nhà nước về Thuế và Hải quan có trách nhiệm tổ chức bán tem cho doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuốc lá và rượu.
Theo phản ánh của doanh nghiệp, việc cấp tem có mục đích chính là phục vụ công tác quản lý Nhà nước đối với những sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (rượu, thuốc lá), doanh nghiệp hoàn toàn không chủ động yêu cầu nhà nước ban hành quy định cấp tem. Vì vậy, việc yêu cầu doanh nghiệp trả chi phí in tem là không hợp lý.
Mặt khác, để thực hiện quy định này, nhiều doanh nghiệp đã phải đầu tư thêm nhân lực, tốn kém thêm chi phí để bọc màng co bên ngoài. Việc ứng dụng tem điện tử trên thực tế, mẫu tem như quy định tại Phụ lục Dự thảo rất dễ rách/hỏng trong quá trình dán và vận chuyển. Tất cả yếu tố này dẫn đến tăng chi phí để tuân thủ quy định. Nếu phát sinh thêm chi phí để mua tem thì áp lực lên giá bán của sản phẩm sẽ tăng lên, càng bất lợi trong cạnh tranh với hàng nhập lậu. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc duy trì chế độ cấp tem miễn phí như trước đây.
- Về việc truyền dữ liệu thông tin của tem điện tử dán lên sản phẩm
Khoản 5 Điều 5 và điểm d, Khoản 2, Điều 6 Dự thảo yêu cầu tổ chức cá nhân thực hiện khai báo, gửi dữ liệu thông tin về tem về Cổng Thông tin điện tử của Tổng cục hải quan trước khi đưa sản phẩm thuốc lá, sản phẩm rượu để tiêu thụ, nhưng không quá 01 ngày kể từ ngày tem được dán lên sản phẩm. Các thông tin khai báo gồm: Tổng số lượng tem đưa vào dán, số lượng tem dán thành công, số lượng tem bị hỏng, tên tem, ký hiệu mẫu số tem, ký hiệu tem, mã số thuế, tên đơn vị sản xuất, ngày sản xuất, tên đơn vị nhập khẩu, ngày nhập khẩu, loại sản phẩm… Quy định trên cần xem xét ở số điểm sau:
Thứ nhất, về thời hạn gửi dữ liệu thông tin về tem lên Cổng thông tin điện tử của cơ quan Thuế và cơ quan Hải quan: theo phản ánh của doanh nghiệp, các nội dung mà doanh nghiệp phải thực hiện khai báo đối với tem được dán trên sản phẩm rượu, thuốc lá là rất nhiều, do đó, việc thu thập và thực hiện truyền dữ liệu chỉ trong 01 ngày là không khả thi. Đặc biệt, trong thực tế sản xuất, nhiều trường hợp tem hỏng do rách một phần/bị nát/ mất phần ghi ký hiệu và số thứ tự, do đó việc xác định được ngay và chính xác ký hiệu và số thứ tự tem hỏng sẽ cần thêm thời gian. Vì vậy, trong khi chưa có giải pháp công nghệ để xác định chính xác từng ký hiệu tem hỏng trong quá trình sản xuất, việc quy định chế độ báo cáo không quá 01 ngày sau khi dán tem trước khi đưa sản phẩm ra thị trường như Dự thảo là không hợp lý. Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kéo dài thời gian thực hiện khai báo thông tin về tem, cụ thể là cho phép doanh nghiệp tối thiểu là 7 ngày để thực hiện việc truyền dữ liệu thông tin của tem điện tử về Cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhà nước.
Thứ hai, về nội dung và phương thức báo cáo: dự thảo yêu cầu doanh nghiệp thực hiện báo cáo theo mẫu số 13/TEM trong phụ lục 6 Dự thảo Thông tư. Tuy nhiên mẫu này chưa quy định đầy đủ các nội dung cần thực hiện khai báo theo yêu cầu tại khoản 5 Điều 5. Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung các nội dung doanh nghiệp cần khai báo tại Mẫu 13/TEM. Ngoài ra, để công tác khai báo được nhanh chóng và thuận lợi, giảm thiểu gánh nặng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thực hiện theo phương thức điện tử thay vì khai báo bằng văn bản theo Mẫu 13/TEM.
Góp ý tương tự đối với quy định về xử lý tem trong trường hợp mất, cháy, hỏng, hủy tem. Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc về thời hạn doanh nghiệp thực hiện báo cáo và phương thức gửi báo cáo.
- Về hiệu lực thi hành.
Theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 3 Dự thảo về nguyên tắc dán tem thì rượu nhập khẩu và rượu sản xuất trong nước phải dán tem theo quy định và mỗi chai rượu được dán một (01) con tem.
Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu rượu đang thực hiện dán tem theo Thông tư 15/2020/TT-BTC về việc hướng dẫn in, phát hành, quản lý và sử dụng tem đối với các sản phẩm rượu sản xuất trong nước và nhập khẩu có hiệu lực thi hành ngày 07/5/2020 (sau đây gọi tắt là Thông tư 15). Theo đó, Thông tư 15 cũng quy định rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước và rượu nhập khẩu phải dán tem trên bao bì sản phẩm với mỗi chai rượu được dán một (01) con tem. Điều này sẽ gây lúng túng cho doanh nghiệp trong quá trình triển khai, cụ thể: doanh nghiệp không rõ là sẽ thực hiện theo quy định tại văn bản nào? Dự thảo khi được ban hành có thay thế Thông tư 15 nêu trên hay không? Do đó, để đảm bảo thuận tiện trong quá trình triển khai trên thực tế, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ ràng về hiệu lực và nguyên tắc áp dụng giữa các văn bản về in, phát hành, quản lý và sử dụng các loại tem đối với sản phẩm rượu.
Ngoài ra, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét có lộ trình chuyển đổi phù hợp trước khi áp dụng nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thời gian nghiên cứu, đầu tư, chuẩn bị về mặt công nghệ và nhân lực trong việc triển khai ứng dụng tem điện tử vào sản xuất và kinh doanh.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng tem điện tử. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.