VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô
VCCI_Thẩm định đối với Dự thảo nghị định sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT và Thông tư 51/2014/TT-BNNPTNT
Kính gửi: Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Trả lời Công văn số 5327/BNN-QLCL của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT việc kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm; Thông tư 51/2014/TT-BNNPTNT quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và phương thức quản lý đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ; Thông tư 63/2010/TT-BNNPTNT quy định Giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến như sau:
- Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT
- Sửa đổi khoản 3 Điều 2 Thông tư 45 về cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản (khoản 7 Điều 1 Dự thảo)
Khoản 3 Điều 2 Thông tư 45 quy định theo hướng liệt kê cụ thể các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản. Điều này có thể tạo thuận lợi trong quá trình áp dụng khi xác định chính xác đối tượng áp dụng.
Dự thảo sửa đổi khoản 3 Điều 2 Thông tư 45 theo hướng không quy định cụ thể các cơ sở sản xuất, kinh doanh nào là cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản mà chỉ quy định các trường hợp không phải là các cơ sở trên, chủ yếu là các cơ sở kinh doanh có hình thức nhỏ lẻ, không có địa điểm cố định.
Việc sửa đổi quy định này sẽ khiến cho việc xác định các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản trở nên thiếu rõ ràng hơn so với Thông tư 45.
Vì vậy, để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng:
- Liệt kê các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông tư 45; và
- Bổ sung các trường hợp loại trừ như dự kiến tại khoản 7 Điều 1 Dự thảo.
- Sửa đổi điểm a, b khoản 2 Điều 9 Thông tư 45 về tần suất thẩm định (khoản 9 Điều 1 Dự thảo)
So với Thông tư 45 thì Dự thảo sửa đổi tần suất thẩm định áp dụng đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản đối với cơ sở xếp loại A từ 1 lần/2 năm xuống còn 1 lần/18 tháng (tức là tăng tần suất kiểm tra lên).
Cơ sở xếp loại A là cơ sở đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về điều kiện đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm (khoản 1 Điều 8 Thông tư 45). Việc Dự thảo tăng tần suất thẩm định đối với cơ sở được xếp loại A so với hiện tại rõ ràng là gia tăng gánh nặng cho các cơ sở này, vì vậy lý do tăng tần suất cần được giải trình một cách hợp lý, đặc biệt là cần chứng minh từ từ thực tiễn thống kê mức độ, tần suất vi phạm của các cơ sở này..
Nếu chưa thể giải trình lý do thực tiễn của việc cần thiết tăng tần suấtthì đề nghị Ban soạn thảo giữ nguyên tần suất thẩm định như quy định hiện hành, tức là 1 lần/ 2 năm.
- Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 51/2014/NĐ-CP quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và phương thức quản lý đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ (Điều 2)
Về yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định và cơ sở chế biến nhỏ lẻ (khoản 8 Điều 2 bổ sung Điều 8a).
Quy định này là để áp dụng cho các trường hợp kinh doanh quy mô rất nhỏ, không cần thiết phải áp dụng các điều kiện kinh doanh như thông thường.
Do vậy, quy định ở đây nên được thiết kế theo hướng đặt ra các yêu cầu cơ bản thay vì cách thiết kế tương tự các điều kiện kinh doanh như tại Điều 8a, ví dụ:
“Có đủ nước sạch, nước đá sạch để bảo quản, sản xuất, kinh doanh thực phẩm (nếu có sử dụng)” (khoản 2). Quy định này vừa chưa đảm bảo tính minh bạch (thế nào được cho là “đủ”) vừa có tính chất như là một dạng điều kiện phải thực hiện. Đề nghị Ban soạn thảo thiết kế lại quy định này theo hướng “Sử dụng nước sạch, nước đá sạch để bảo quản, sản xuất, kinh doanh thực phẩm (nếu có sử dụng)”.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT; Thông tư 51/2014/TT-BNNPTNT; Thông tư 63/2010/TT-BNNPTNT. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.