VCCI_Thẩm định đối với Dự thảo nghị định sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông

Thứ Tư 11:07 22-08-2018

Kính gửi: Vụ Pháp luật, Dân sự – Kinh tế, Bộ Tư pháp

Trả lời Công văn số 556/GM-BTP của Bộ Tư pháp về việc mời tham gia thẩm định Dự thảo Nghị định sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến như sau:

Ngày 10/8/2018, VCCI đã có Công văn số 1721/PTM-PC gửi tới Bộ Thông tin và Truyền thông về việc góp ý Dự thảo. Đối chiếu với phiên bản được sử dụng tại phiên họp thẩm định và Báo cáo giải trình tiếp thu được đính kèm trong tài liệu, nhận thấy một số ý kiến của VCCI đã được tiếp thu, những ý kiến chưa được tiếp thu đã được giải trình khá đầy đủ, chi tiết. Điều này cho thấy tinh thần minh bạch, cầu thị của Ban soạn thảo trong quá trình xây dựng Dự thảo.

Đối với phiên bản Dự thảo được sử dụng trong phiên họp thẩm định, VCCI có một số ý kiến như sau:

  1. Sửa đổi một số điều của Nghị định 195/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xuất bản

VCCI cho rằng các quy định về thủ tục hành chính trong Nghị định 195 vẫn chưa đảm bảo yếu tố minh bạch, vì thiếu khoảng thời gian xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ. Điều này có thể tạo ra sự tùy nghi cho các cán bộ thực thi trong việc yêu cầu chỉnh sửa hồ sơ nhiều lần, gây khó khăn cho doanh nghiệp và khiến cho thời gian giải quyết thủ tục bị kéo dài. Để hạn chế tình trạng này, đề nghị quy định rõ về thời gian xem xét tính đầy đủ của hồ sơ trong các thủ tục hành chính quy định tại Nghị định 195.

Ý kiến này chưa được tiếp thu với lý do, hồ sơ đã quy định rõ ràng, cụ thể do đó “không thể xảy ra sự tùy nghi của cán bộ thực thi trong yêu cầu chính sửa hồ sơ”.

VCCI có ý kiến như sau: về nguyên tắc, một quy định về thủ tục hành chính minh bạch khi đảm bảo quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng các khoảng thời gian của từng bước giải quyết thủ tục. Việc cán bộ thực thi xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ là một trong các bước của thủ tục hành chính. Việc thiếu vắng khoảng thời gian xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ, thời gian yêu cầu chính sửa, hoàn thiện của hồ sơ, sẽ khiến cho quy trình này trở nên thiếu minh bạch và khiến cho thời gian giải quyết thủ tục bị kéo dài.

Vì vậy, VCCI bảo lưu ý kiến, cần phải có quy định về khoảng thời gian xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ tính từ thời điểm nhận hồ sơ (thời gian này nên là 01 ngày làm việc, tính từ ngày nhận hồ sơ).

  1. Sửa đổi một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP

VCCI bảo lưu các ý kiến góp ý sau:

  • Về điều kiện tổ chức, nhân sự cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 (Điều 32a Nghị định 27): Đề nghị bỏ điều kiện “có trụ sở chính với địa chỉ và số điện thoại liên hệ rõ ràng” (khoản 1) vì đây là điều đương nhiên, hơn nữa khi doanh nghiệp đăng ký doanh nghiệp thì đã có địa chỉ trụ sở chính rõ ràng ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp rồi. Vì vậy, quy định này là không cần thiết.
  • Điều kiện về kỹ thuật cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 (Điều 32b)

Đề nghị bỏ điều kiện “Có phương án bảo đảm chất lượng dịch vụ, bảo đảm quyền lợi của người chơi” (điểm g khoản 4). Quy định này là không cần thiết, vì trong bối cảnh cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử thì yếu tố về chất lượng dịch vụ, bảo vệ quyền lợi của người chơi là một trong những điểm để doanh nghiệp có thể thu hút khách hàng. Vì vậy tự bản thân doanh nghiệp sẽ phải nâng cao chất lượng dịch vụ nếu muốn tồn tại và phát triển. Do đó, đây là vấn đề của thị trường Nhà nước không cần/không nên can thiệp.

Về việc bảo vệ quyền lợi của người chơi, quy định hiện hành đã có nhiều ràng buộc để bảo vệ người chơi ở dưới góc độ (an toàn, bí mật thông tin cá nhân của người chơi; giới hạn thời gian chơi tối đa) – đây là những vấn đề thuộc về lợi ích công cộng, Nhà nước can thiệp là hợp lý. Còn vấn đề thuộc về lĩnh vực thị trường thì Nhà nước can thiệp là chưa hợp lý.

Tương tự, bỏ quy định này trong Điều kiện về kỹ thuật cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 (Điều 33 được sửa đổi tại Nghị định 27).

Các giải trình của Ban soạn thảo chưa giải trình thuyết phục việc giữ lại điều kiện này, nhất là vấn đề liên quan đến yếu tố thị trường.

 

 

  1. Bãi bỏ một số điều, điểm của Nghị định 47/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bưu chính (Điều 4)

Liên quan đến điều kiện kinh doanh dịch vụ bưu chính, trong Công văn góp ý đối với Dự thảo, VCCI đã có đề xuất cân nhắc xem xét bỏ các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 21 Luật bưu chính:

  • Có khả năng tài chính, nhân sự phù hợp với phương án kinh doanh theo nội dung đề nghị được cấp phép (điểm b)
  • Có phương án kinh doanh khả thi phù hợp với quy định về giá cước, chất lượng dịch vụ bưu chính (điểm c)

Vì các quy định này chưa phù hợp với mục tiêu khi quy định về điều kiện kinh doanh quy định tại Điều 7 Luật đầu tư 2014 và can thiệp vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp.

Vì các điều kiện này quy định tại văn bản cấp Luật do đó Nghị định không thể quy định trái luật. Tuy nhiên, để đảm bảo tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và thể hiện tính cải cách, đề nghị bãi bỏ các điều kiện này khi sửa đổi Luật bưu chính, còn tại Dự thảo, đề xuất quy định hướng dẫn các điều kiện này theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cụ thể:

  • Đối với điều kiện về khả năng tài chính: đề nghị bỏ quy định về vốn pháp định quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 47 và để cho doanh nghiệp tự chủ về tài chính tùy thuộc vào quy mô hoạt động của mình;
  • Đối với phương án kinh doanh: đề nghị chỉ cần có nội dung về giá cước dự kiến và chất lượng dịch vụ bưu chính, đề nghị bỏ các nội dung còn lại quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định 47

Các lý giải của Ban soạn thảo việc giữ các quy định này như quy định hiện hành chưa thực sự thuyết phục, cụ thể:

“Thẩm định phương án kinh doanh là bước rất quan trọng trong quy trình cấp phép, nếu làm tốt bước thẩm định này sẽ hạn chế được rất nhiều rủi ro. Việc thẩm định doanh nghiệp và phân tích hồ sơ và phương án là nhằm đánh giá khả năng cung ứng dịch vụ bưu chính (dịch vụ thư) trên cơ sở tìm hiểu và đánh giá một cách toàn diện chính xác về doanh nghiệp.

Căn cứ phương án kinh doanh của doanh nghiệp, cơ quan thẩm định tìm hiểu và làm rõ các khía cạnh liên quan đến quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp một cách đầy đủ nhất để từ đó có kết luận về tình hình sản xuất của doanh nghiệp như phạm vi kinh doanh có phù hợp với tình hình hiện tại và tương lai … từ đó đánh giá khả năng tồn tại và phát triển của doanh nghiệp để có quyết định cho việc cấp giấy phép một cách chính xác …” (trang 7, 8, 9).

Mục tiêu quản lý theo giải trình trên đối với quy định về phương án kinh doanh là chưa phù hợp về quy định về điều kiện kinh doanh theo quy định tại Luật đầu tư. Đây là các vấn đề của thị trường, Nhà nước không nên và/hoặc không cần can thiệp. Mặt khác, quy định này chưa có tính khả thi ở chỗ: phương án kinh doanh có thể thay đổi dựa vào tình hình diễn biến của thị trường, vì vậy có thể thay đổi ngay sau khi cấp phép. Mỗi khi thay đổi, doanh nghiệp không thể lại đến cơ quan nhà nước chờ phê duyệt phương án kinh doanh rồi mới được thực hiện. Điều này sẽ tạo ra một gánh nặng về thủ tục hành chính. Như vậy thì cơ quan nhà nước chỉ biết phương án dự kiến của doanh nghiệp tại thời điểm cấp phép mà không có thông tin thực sự được triển khai.

Trên cơ sở phân tích trên, VCCI bảo lưu ý kiến góp ý, cần phải bỏ các điều kiện này, trong trường hợp chưa bỏ được do còn vướng Luật thì cần phải quy định theo hướng đơn giản, thuận lợi cho doanh nghiệp.

  1. Đối với hoạt động in

VCCI có kiến nghị bỏ điều kiện đối với người đứng đầu cơ sở in.

Ban soạn thảo giải trình đã bỏ trong Nghị định 25.

Tuy nhiên, Nghị định 25 chỉ bỏ các điều kiện kinh doanh của cơ sở in bao bì. Còn các cơ sở in khác vẫn cần phải có giấy phép thì vẫn giữ điều kiện này.

Để đảm bảo tính cải cách, đề nghị cân nhắc bỏ điều kiện chuyên môn của người đứng đầu cơ sở in của các cơ sở phải xin giấy phép.

Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

Các văn bản liên quan