VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 40/2021/TT-BTC về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân
Kính gửi: Tổng cục Thuế – Bộ Tài chính
Trả lời Công văn số 10569/BTC-TCT ngày 14/9/2021 của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:
- Phạm vi sàn thương mại điện tử thực hiện nghĩa vụ liên quan đến thuế của hộ, cá nhân kinh doanh
Điều 1.2 Dự thảo (sửa đổi Điều 8.1.đ Thông tư 40/2021/TT-BTC) quy định tất cả các sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) đều có trách nhiệm liên quan đến nghĩa vụ thuế của cá nhân (bao gồm cung cấp thông tin doanh thu hoặc kê khai, nộp thuế thay). Tuy nhiên, quy định như vậy cần được xem xét lại do thiếu tính khả thi với một nhóm các sàn TMĐT. Theo kết quả nghiên cứu của VCCI tại Báo cáo “Thương mại điện tử trên mạng xã hội tại Việt Nam: Một số vấn đề pháp lý”[1], sàn TMĐT có thể được phân chia làm hai nhóm: (i) sàn TMĐT không có chức năng đặt hàng trực tuyến và (ii) sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến.[2] Điểm khác biệt giữa hai loại sàn này là chức năng đặt hàng trực tuyến (và thường đi cùng với chức năng thanh toán, xử lý đơn hàng, vận chuyển giao hàng, hậu kiểm sau giao hàng), dẫn đến sự khác nhau trong lượng thông tin mà các sàn TMĐT nắm giữ, cụ thể:
- Các sàn TMĐT không có chức năng đặt hàng trực tuyến chỉ đơn giản có chức năng trưng bày sản phẩm hàng hóa (hay chức năng rao vặt), còn việc trao đổi, chốt đơn hàng và giao nhận, thanh toán đều do người bán và người mua chủ động liên lạc, trao đổi với nhau và sử dụng các phương tiện, dịch vụ của bên thứ ba. Vì vậy, các sàn TMĐT không có chức năng đặt hàng trực tuyến sẽ không có thông tin về doanh thu của người bán (không có thông tin về số đơn hàng được đặt, mức giá mặt hàng, doanh thu của từng đơn hàng…);
- Các sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến sẽ có khả năng biết được doanh thu của cá nhân kinh doanh, và do đó mới có khả năng thực hiện các nghĩa vụ liên quan tại Dự thảo.
Từ những phân tích trên, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng chỉ áp dụng với các sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến
- Nghĩa vụ kê khai, nộp thuế thay của sàn thương mại điện tử
Điều 1.2 Dự thảo (sửa đổi Đều 8.1.đ Thông tư 40/2021/TT-BTC) quy định sàn TMĐT thực hiện khai, nộp thuế thay cho cá nhân trên cơ sở ủy quyền theo pháp luật dân sự. Tuy nhiên, quy định dẫn chiếu sang pháp luật dân sự như tại Dự thảo là chưa rõ ràng về hình thức ủy quyền. Việc ủy quyền, trên thực tế, có thể thực hiện theo một trong hai hình thức sau: (i) ủy quyền thông qua hợp đồng ủy quyền; (ii) ủy quyền thông qua Giấy ủy quyền. Hai hình thức này có một số điểm khác biệt sau đây:
- Quy định pháp luật: hợp đồng ủy quyền được quy định tại Mục 13 Chương XVI Bộ luật Dân sự, trong khi Giấy ủy quyền được quy định tản mạn ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau (và mỗi văn bản lại có một số yêu cầu khác nhau);
- Chữ ký trên văn bản ủy quyền: hợp đồng ủy quyền cần có chữ ký của cả hai bên (bên ủy quyền – ở đây là người bán và bên được ủy quyền – ở đây là sàn TMĐT), trong khi Giấy ủy quyền chỉ yêu cầu chữ ký của bên ủy quyền;
- Sự tham gia của các bên trong việc lập hợp đồng: Hợp đồng ủy quyền có sự tham gia của cả hai bên (sàn và người bán) trong khi Giấy ủy quyền thì chủ yếu chỉ do người bán lập;
Từ những phân tích trên, có thể thấy rằng hình thức ủy quyền thông qua Giấy ủy quyền sẽ gây rủi ro trong việc thực thi, cụ thể: (i) chưa có quy định pháp luật rõ ràng để các bên thống nhất thực hiện (và do đó Dự thảo cần có quy định cụ thể nếu cho phép hình thức này), (ii) thiếu sự tham gia của tất cả các bên liên quan[3]. Việc này dẫn đến khó khăn cho các sàn TMĐT trong việc tuân thủ quy định và cho cơ quan thuế trong giám sát, xác định trường hợp nào đã ủy quyền và trường hợp nào chưa.
Do vậy, để đảm bảo tính khả năng thực hiện, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng việc kê khai, nộp thuế thay được thực hiện trên cơ sở Hợp đồng ủy quyền theo quy định về pháp luật dân sự.
- Nghĩa vụ cung cấp thông tin của sàn thương mại điện tử
Điều 1.5 Dự thảo (bổ sung Điều 19a vào Thông tư 40/2021/TT-BTC) quy định sàn thương mại điện tử cần cung cấp các thông tin của cá nhân kinh doanh cho cơ quan thuế. Quy định này cần xem xét ở các điểm sau:
Thứ nhất, Dự thảo quy định các thông tin sàn TMĐT cần cung cấp gồm: họ tên người bán; số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân hoặc căn cước hoặc hộ chiếu; mã số thuế; địa chỉ; số điện thoại liên lạc; doanh thu; tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, quy định trên là chưa phù hợp, cụ thể:
- Một số thông tin trên không phải là thông tin bắt buộc mà sàn phải thu thập (theo quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP), chẳng hạn, thông tin về số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân hoặc căn cước hoặc hộ chiếu. Một ví dụ khác là thông tin về tài khoản ngân hàng của người bán, đặc biệt với các sàn TMĐT giao đồ ăn (Grab, ShopeeFood, Beamin…) – vốn thực hiện thanh toán và chi trả chủ yếu qua tiền mặt từ đội ngũ shipper.
- Việc yêu cầu các sàn tiến hành thu thập thêm các thông tin này sẽ gây tốn kém rất lớn cho các sàn bởi phát sinh chi phí kêu gọi người bán cung cấp thông tin, trong khi kết quả đạt được thực tế có thể rất thấp. Một tình huống đã xảy ra trong thực tế là tỷ lệ thực hiện được rất thấp với quy định yêu cầu bắt buộc chuyển đổi từ thẻ chip sang thẻ từ do người dân không chủ động thực hiện dù các ngân hàng đã thực hiện nhiều biện pháp khuyến khích.[4]
Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng chỉ quy định những thông tin người bán mà các sàn đã có sẵn.
Thứ hai, Dự thảo quy định sàn TMĐT cần cung cấp thông tin về tổng doanh thu bán hàng của người bán qua sàn. Tuy nhiên, quy định này chưa rõ ràng vì không rõ tổng doanh thu được tính như thế nào. Thực tế, các sàn hiện nay chỉ ghi nhận số lượng đơn hàng, giá trị đơn hàng. Giá trị đơn hàng lại bao gồm nhiều nội dung như giá trị hàng hóa (giá bán), tiền phí vận chuyển (trả cho đơn vị vận chuyển, tính riêng so với giá trị đơn hàng), phí giao dịch qua sàn (trả cho sàn TMĐT), các khoản giảm giá, khuyến mại (giảm giá của người bán; giảm giá của sàn)…Ngoài ra chưa kể các trường hợp hủy đơn, hoàn đơn… Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định hướng dẫn về cách tính tổng doanh thu bán hàng của người bán qua sàn TMĐT.
Thứ ba, Dự thảo yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin định kỳ theo quý hoặc theo yêu cầu của cơ quan thuế. Tuy nhiên, quy định này chưa rõ ràng ở điểm trong trường hợp nào cơ quan thuế được yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin theo yêu cầu. Việc này có thể dẫn đến tình trạng tùy tiện trong việc áp dụng, cũng như tạo gánh nặng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, trong khi toàn bộ thông tin đã được cung cấp định kỳ cho cơ quan thuế. Do vậy, để đảm bảo tính minh bạch của quy định, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ các trường hợp cung cấp thông tin theo yêu cầu.
Thứ tư, Dự thảo chưa có quy định cụ thể về chủ thể tiếp nhận thông tin cung cấp từ sàn TMĐT[5]. Không rõ đó là Tổng cục Thuế hay sẽ là các Cục thuế, Chi cục Thuế địa phương? Hơn nữa, quy định tại Dự thảo cũng như tại Thông tư 40/2021/TT-BTC cũng không có quy định về chia sẻ thông tin được cung cấp từ sàn giữa các cơ quan thuế với nhau. Do vậy, để đảm bảo tính rõ ràng của quy định, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định làm rõ các nội dung này.
- Phương pháp tính thuế với hộ, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử
Trên thực tế, hiện nay có nhiều hộ, cá nhân kinh doanh vừa kinh doanh tại chỗ (offline) vừa kinh doanh online trên nền tảng thương mại điện tử, chẳng hạn như các cửa hàng ăn uống hoặc quán cà phê…Khi kinh doanh trên thương mại điện tử, hộ, cá nhân kinh doanh sẽ phải nộp riêng thuế cho phần doanh thu này (từ dữ liệu mà sàn cung cấp). Tuy nhiên, thực tế, hộ, cá nhân kinh doanh đã phải nộp thuế theo phương pháp khoán. Việc xác định thuế khoán (khi thực hiện ấn định thuế) sẽ thực hiện thông qua việc khảo sát của cơ quan thuế, chẳng hạn như số lượng khách trong một ngày của quán, số lượng nhân viên… trong khi việc kinh doanh được thực hiện tại cùng một địa điểm. Việc này đặt ra vấn đề liệu có xuất hiện chồng lấn thuế giữa hoạt động kinh doanh tại chỗ và kinh doanh thương mại điện tử hay không? Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định hướng dẫn cụ thể, đặc biệt với việc xác định thuế khoán để tránh trường hợp thu hai lần thuế.
- Bảo mật thông tin được cung cấp
Hiện nay, dữ liệu được coi là một trong số tài sản quý giá nhất với doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp kinh doanh dựa trên nền tảng kinh tế số như các sàn TMĐT. Việc bảo mật các thông tin, dữ liệu được doanh nghiệp rất quan trọng. Việc lộ, lọt thông tin sẽ gây tổn thất lớn với các sàn, đặc biệt nếu trường hợp các đối thủ khác có thể nắm được các dữ liệu này. Khi cung cấp thông tin ra bên ngoài, doanh nghiệp lo lắng hai vấn đề như sau: (i) cơ chế bảo mật thông tin chống lại sự tấn công từ bên ngoài (như hacker); (ii) cơ chế quản lý dữ liệu nội bộ để tránh việc đánh cắp thông tin từ bên trong. Với vấn đề thứ nhất, cơ quan thuế cần có các biện pháp nâng cấp bảo mật của hệ thống thông tin để đảm bảo sự an toàn trước các cuộc tấn công mạng. Với vấn đề thứ hai, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định về cơ chế xác định lỗi khi phát hiện trường hợp lộ, lọt dữ liệu: Dữ liệu được truyền qua nhiều bên, từ doanh nghiệp đến Tổng cục Thuế rồi chuyển về các cơ quan thuế địa phương. Trong quá trình đó, dữ liệu có thể bị lộ, lọt ở bất kỳ khâu nào, kể cả từ phía doanh nghiệp. Do vậy, cơ chế xác định lỗi cần được xác định như sau:
- Xác định lỗi xuất phát từ doanh nghiệp hay từ cơ quan thuế: cơ chế này có thể tham khảo kinh nghiệm từ lĩnh vực điện ảnh. Các bản phim cần qua nhiều khâu chỉnh sửa, kiểm duyệt với nhiều bên khác nhau (cả tư nhân và cơ quan nhà nước). Ở mỗi bản khâu, bản phim sẽ được có một hoặc một số ít điểm nhỏ được thay đổi để làm điểm đánh dấu. Nếu có trường hợp lộ, lọt dữ liệu, đơn vị sản xuất sẽ đối chiếu các điểm đánh dấu với bản bị lộ, lọt nhằm xác định đơn vị nào có trách nhiệm. Áp dụng cơ chế tương tự, bản dữ liệu người bán mà doanh nghiệp chuyển sang cho cơ quan thuế có thể được sửa đổi một chút so với bản gốc để đánh dấu (thay đổi một chữ cái, một số nhỏ mà không làm ảnh hưởng đến số thu ngân sách). Điểm đánh dấu này sẽ là căn cứ để xác định lỗi từ phía nào;
- Xác định lỗi trong nội bộ đơn vị: khi đã xác định được lỗi ở đơn vị nào thì việc tiếp theo là xác định ai là người chịu trách nhiệm tại đơn vị đó. Thực tế, các doanh nghiệp đều có cơ chế, quy trình nội bộ về quản trị dữ liệu. Tương tự, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định theo hướng cơ quan thuế bổ sung quy định nội bộ về quản trị thông tin, dữ liệu và yêu cầu phân cấp với hệ thống thông tin, trong đó có quy định về phân quyền truy cập thông tin, yêu cầu đăng nhập khi truy cập và có bản ghi các lần đăng nhập;
- Doanh thu tính thuế giá trị gia tăng
Điều 10.1 Thông tư 40/2021/TT-BTC quy định doanh thu tính thuế giá trị gia tăng (GTGT) bao gồm cả khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền. Tuy nhiên, quy định này cần được xem xét do không phù hợp với các quy định pháp luật về thuế GTGT, cụ thể:
- Điều 5.1 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định các khoản tiền thưởng, tiền hỗ trợ không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT;
- Điều 7.5 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định giá trị thuế với hàng hóa khuyến mại là 0;
- Điều 7.22 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định giá tính thuế GTGT là giá bán đã chiết khấu cho khách hàng;
Như vậy, pháp luật về thuế GTGT quy định các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, chi hỗ trợ bằng tiền không gắn với hoạt động quảng cáo không chịu thuế GTGT. Hay nói cách khác, quy định tại Điều 10.1 Thông tư 40/2021/TT-BTC đang mâu thuẫn với quy định tại Thông tư 219/2013/TT-BTC.
Hơn nữa, quy định này cũng vướng mắc cho các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh khi thực hiện do không có căn cứ để khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo quy định tại Điều 15 Thông tư 219/2013/TT-BTC.
Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định nhằm bãi bỏ quy định này.
- Vấn đề khác
Trong thời gian vừa qua, VCCI cũng nhận được một số ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp, cụ thể như sau:
a.Ngưỡng chịu thuế thu nhập của hộ, cá nhân kinh doanh
Theo quy định tại Điều 2.1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế 2014, ngưỡng chịu thuế thu nhập cá nhân của hộ, cá nhân kinh doanh là 100 triệu đồng. Tuy nhiên, theo phản ánh, ngưỡng này đã được xây dựng từ năm 2014 và chưa phù hợp trong thời điểm hiện nay, khi giá cả đã có sự thay đổi khá lớn so với thời điểm trước. Đặc biệt, ngưỡng chịu thuế thu nhập từ kinh doanh có vẻ thấp hơn nhiều khi so sánh trong cùng tương quan với thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công (ngưỡng chịu thuế 132 triệu đồng/năm chưa tính giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu đồng/tháng/người phụ thuộc). Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định này.
b. Kê khai, nộp thuế thay cho hộ, cá nhân kinh doanh
Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định các tổ chức sau thực hiện kê khai, nộp thuế thay cho hộ, cá nhân kinh doanh:
- Tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân;
- Tổ chức chi trả các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền mặt;
Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này là chưa phù hợp. Lý do là vì tại thời điểm chi trả thu nhập, doanh nghiệp chưa có căn cứ xác định xem cá nhân đó có thuộc diện phải khấu trừ thuế hay không (có đạt mức doanh thu 100 triệu/năm). Việc này tạo ra gánh nặng chi phí và vận hành rất lớn cho doanh nghiệp trong quá trình theo dõi, đôn đốc, thu hồi các khoản thuế thu hộ. Một lý do khác là trong một số trường hợp, các hộ, cá nhân kinh doanh đã tự thực hiện nộp thuế với các doanh thu phát sinh từ việc bán hàng, do đó việc tách riêng trách nhiệm nộp thuế với khoản thưởng, hỗ trợ… giao cho doanh nghiệp là chưa hợp lý, tăng thêm đầu mối kê khai và tạo gánh nặng hành chính không hợp lý lên doanh nghiệp. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định này cho phù hợp hơn với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.
[1] Toàn văn Báo cáo được đăng tải tại: http://vibonline.com.vn/bao-cao-thuong-mai-dien-tu-tren-mang-xa-hoi-tai-viet-nam-mot-van-de-phap-ly.html
[2] Nghị định 52/2013/NĐ-CP cũng lấy chức năng đặt hàng chức năng làm mốc xác định phạm vi trách nhiệm của sàn TMĐT (Điều 36.6). Việc xác định sàn có chức năng này hay không rất dễ dàng bằng nhiều hình thức: kiểm tra trực tiếp trên website của sàn, qua hồ sơ đăng ký thiết lập sàn TMĐT, quy chế họat động của sàn TMĐT (được đăng tải công khai trên trang chủ website của sàn)…
[3] Mặc dù Nghị định 23/2015/NĐ-CP có quy định về việc chứng thực chữ ký trong Giấy ủy quyền, nhưng lại chỉ áp dụng để chứng thực chữ ký người ủy quyền, do đó không đảm bảo việc sàn TMĐT biết được việc đã được ủy quyền.
[4] https://vtv.vn/kinh-te/nguoi-dan-chua-man-ma-chuyen-doi-the-tu-sang-the-chip-20211005085621696.htm
[5] Điều 1.5 Dự thảo chỉ quy định trách nhiệm của Tổng cục Thuế trong việc xây dựng lộ trình cung cấp thông tin theo hình thức điện tử, mà không nhắc đến việc chủ thể tiếp nhận thông tin.