VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 40/2021/TT-BTC về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản
Kính gửi: Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Trả lời Công văn số 6188/BNN-TCTS của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có một số ý kiến ban đầu như sau:
- Về đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực (điểm b khoản 16 Điều 1 Dự thảo sửa đổi điểm b khoản 4 Điều 36 Nghị định 26/2019/NĐ-CP)
Dự thảo quy định về trình tự, đăng ký lại nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực theo đó cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ “căn cứ quy định, kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản tại địa phương để xem xét cấp Giấy xác nhận”. Quy định này là chưa hợp lý cho trường hợp đăng ký lại khi giấy xác nhận đăng ký bị mất, bị rách, thay đổi chủ cơ sở nuôi – đây là các yếu tố không liên quan đến kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản tại địa phương.
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định này theo hướng đối với trường hợp cấp lại do thay đổi diện tích ao nuôi; đối tượng nuôi, mục đích sử dụng thì mới căn cứ vào kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản tại địa phương để cấp lại.
- Cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho tổ chức, cá nhân Việt Nam (khoản 17 Điều 1 Dự thảo sửa đổi bổ sung Điều 37 Nghị định 26/2019/NĐ-CP)
Điểm a khoản 17 Điều 1 Dự thảo bổ sung vào hồ sơ cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển phải có tài liệu là “quyết định giao khu vực biển hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng khu vực biển hoặc hợp đồng thuê khu vực biển để nuôi trồng thủy sản”.
Theo quy định tại Nghị định 11/2021/NĐ-CP, một trong các điều kiện để được giao khu vực biển là “tổ chức, cá nhân đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp văn bản cho phép khai thác, sử dụng tài nguyên biển ở khu vực biển đề nghị giao” (điểm a khoản 1 Điều 9). “Văn bản cho phép khai thác, sử dụng tài nguyên biển của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” là “giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên biển được cấp theo quy định của pháp luật chuyên ngành” (khoản 6 Điều 2). Trong hồ sơ đề nghị giao khu vực biển phải có “Bản sao văn bản cho phép khai thác, sử dụng tài nguyên biển của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp” (điểm b khoản 1 Điều 15). Giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển có thể được xem là văn bản cho phép khai thác, sử dụng tài nguyên trên biển của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Như vậy, giữa quy định tại Nghị định 11/2021/NĐ-CP và Dự thảo đang có quy định mâu thuẫn, không thể thực hiện được khi xin cấp các giấy phép liên quan (theo Dự thảo thì Quyết định giao khu vực biển phải có trước giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển trong khi đó theo quy định tại Nghị định 11/2021/NĐ-CP thì giấy phép nuôi trồng thủy sản phải có trước).
Đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại điểm a khoản 17 Điều 1 Dự thảo để đảm bảo tính thống nhất giữa các văn bản pháp luật.
- Về cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (Điều 38 Nghị định 26/2019/NĐ-CP)
Điều 38 Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định về trình tự cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển, theo đó trong giai đoạn thẩm định hồ sơ, cơ quan cấp phép sẽ lấy ý kiến địa phương, các hiệp hội, các cơ quan liên quan. Tuy nhiên, Nghị định 26/2019/NĐ-CP lại không quy định là sẽ lấy ý kiến về vấn đề gì? Căn cứ đâu để các cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến cho ý kiến? Các cơ quan lấy ý kiến phải trả lời trong vòng bao nhiêu ngày kể từ ngày nhận được đề nghị cho ý kiến.
Trong trường hợp nếu có một ý kiến không đồng ý thì cơ quan cấp phép sẽ báo cáo xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Nghị định 26/2019/NĐ-CP cũng không quy định rõ Thủ tướng Chính phủ sẽ cho ý kiến trong thời hạn bao nhiêu ngày kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến.
Các vấn đề trên liên quan đến quy trình cấp phép cho doanh nghiệp, vì vậy cần phải được thiết kế một cách rõ ràng để đảm bảo thuận lợi trong quá trình thực hiện. Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định để quy định rõ những vấn đề trên.
- Về chuyển đổi hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi (khoản 20 Điều 1 Dự thảo bổ sung khoản 4 Điều 43 Nghị định 26/2019/NĐ-CP)
Dự thảo bổ sung quy định về chuyển đổi hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi, theo đó:
- Khi thực hiện chuyển quyền sở hữu tàu cá giữa các tỉnh phải đảm bảo không tăng tổng số hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản tại vùng khơi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi tổ chức, cá nhân bán tàu sẽ cấp văn bản đồng ý điều chuyển hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản theo tàu được chuyển quyền sở hữu sang tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tổ chức, cá nhân mua tàu
Quy định trên cần xem xét ở các điểm sau:
Làm thế nào để đảm bảo không tăng tổng số hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản tại vùng khơi? Cơ chế quản lý, đảm bảo việc thực hiện quy định này như thế nào? Trước khi thực hiện hoạt động giao dịch chuyển quyển sở hữu các bên có thực hiện thủ tục gì không?
Hiện tại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phân bổ hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản tại vùng khơi rất chi tiết cho mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sẽ có trường hợp, vùng khơi của tỉnh của bên nhận chuyển quyền sở hữu đã đủ hạn ngạch thì sẽ giải quyết như thế nào? Bên nhận chuyển quyền sở hữu có được cấp giấy phép khai thác thủy sản không?
Việc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp văn bản đồng ý điều chuyển hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản theo tàu được chuyển quyền sở hữu sang tỉnh có tổ chức, cá nhân mua tàu có được xem là văn bản đảm bảo cho việc bên mua tàu được cấp giấy phép khai thác thủy sản không?
Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ những vấn đề trên.
- Quản lý, lắp đặt, tháo gỡ, thay thế thiết bị giám sát hành trình (điểm 5 khoản 21 Điều 1 Dự thảo bổ sung khoản 5 Điều 44 Nghị định 26/2019/NĐ-CP)
Theo quy định tại Dự thảo thì trong trường hợp thiết bị giám sát hành trình bị hỏng thì “trước khi tháo thiết bị phải thông báo trước cho Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh để lập Biên bản kiểm tra tình trạng thiết bị trước khi tháo gỡ, thay thế”.
Việc yêu cầu phải thực hiện thông báo, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải lập biên bản mới được tháo gỡ, thay thế tạo ra thủ tục phức tạp cho cá nhân, tổ chức sở hữu tàu cá. Đối với thiết bị giám sát hành trình, cơ quan quản lý nhà nước chỉ cần yêu cầu thiết bị hoạt động tốt, việc truyền dẫn, lưu trữ dữ liệu đảm bảo các yêu cầu phục vụ mục tiêu quản lý. Việc tháo gỡ, thay thế thiết bị này không làm ảnh hưởng đến việc thu nhận, truyền dẫn dữ liệu thông tin thì cơ quan nhà nước không cần thiết phải can thiệp theo hướng tạo thêm thủ tục cho các tàu cá.
Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định trên hoặc sửa theo hướng chủ tàu chỉ cần gửi thông báo cho cơ quan nhà nước về việc lắp thiết bị giám sát hành trình mới.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.