VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 52/2018/TT-NHNN quy định xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Thứ Năm 10:39 09-12-2021

Kính gửi: Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng,

  Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Trả lời Công văn số 1986/TTGSNH4 của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng về việc góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 52/2018/TT-NHNN quy định xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi tắt là Dự thảo). VCCI đã tiến hành lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp đối với dự thảo.

Mục đích của xếp hạng các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi tắt là TCTD) là giúp các TCTD tự nhìn vào tổ chức, hoạt động của mình, đồng thời phục vụ cơ quan quản lý ban hành chính sách, thanh tra, giám sát thị trường tài chính, ngân hàng và bảo vệ quyền lợi người gửi tiền. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc góp ý của các TCTD – đối tượng chịu sự tác động trực tiếp – đã có ý kiến. Bên cạnh đó, VCCI có một số ý kiến bổ sung như sau:

  1. Về chia nhỏ các mức xếp hạng để phân loại TCTD được chính xác hơn

Hiện tại Dự thảo Thông tư quy định 4 mức xếp hạng của các TCTD là: A B C D E dựa trên hệ thống xếp hạng tín dụng CAMELS đã được sử dụng phổ biến trên thế giới. Hệ thống này đã được sử dụng lâu dài bởi nhiều quốc gia, được coi là thước đo tiêu chuẩn sức khoẻ của các TCTD.

Tuy nhiên, nghiên cứu chính sách về xếp hạng doanh nghiệp và hoạt động dịch vụ xếp hạng doanh nghiệp trên thế giới cho thấy: dù việc xếp hạng các TCTD, ngân hàng nước ngoài của Thông tư không có mục đích và quy trình giống các bảng xếp hạng quốc tế như Standard & Poors, Moody’s, Fitch Ratings (các xếp hạng này dựa trên nhu cầu của thị trường, của bản thân các ngân hàng, các bên thứ ba khác vì vậy rất cần chi tiết) và việc xếp hạng cũng mới được áp dụng từ năm 2019 nhưng cần thiết xem xét chia nhỏ các mức xếp hạng thay vì chỉ có 5 mức: A B C D E như hiện tại để đánh giá sát hơn tình hình của TCTD từ đó có ứng xử tương ứng với từng TCTD được chính xác và hiệu quả hơn. Điều này xuất phát từ lý do sau:

Hiện tại, các xếp hạng B được tính như sau: “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xếp hạng B (Khá) nếu Tổng điểm xếp hạng nhỏ hơn 4,5 và lớn hơn hoặc bằng 3,5.” Đây là khoảng điểm có sự khác biệt tương đối lớn, bởi điểm được cộng, trừ tới 0,05/0,1 (khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 16, khoản 2 Điều 19 Dự thảo) sẽ khiến cho TCTD được 4,4 điểm và TCTD được 3,5 điểm dù có sự chênh lệch lớn về mức độ rủi ro/tuân thủ nhưng vẫn được xếp cùng hạng.

Tương tự với cách xếp hạng C (nhỏ hơn 3,5 và lớn hơn hoặc bằng 2,5); hạng D (nhỏ hơn 2,5 và lớn hơn hoặc bằng 1,5). Nếu không có các mức xếp hạng chi tiết hơn thì có thể dẫn đến tình trạng đánh đồng các TCTD với những khác biệt quá lớn, dẫn đến chính sách ban hành cho các TCTD này sẽ không hiệu quả do dựa trên kết quả không phản ánh đúng thực tế hoạt động của các tổ chức đó.

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc chia nhỏ các hạng căn cứ vào các mức điểm khác nhau nhằm phân loại chính xác và sát với tình hình hoạt động của các TCTD.

  1. Bổ sung tiêu chí đánh giá trong các tình huống đặc biệt của nền kinh tế

Một số ý kiến cho rằng, trong trường hợp các TCTD áp dụng các biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo quy định tại các Thông tư số 11/2020/TT-NHNN và Thông tư số 14/2021/TT-NHNN[1] thì cần thiết phải điều chỉnh các tiêu chí đánh giá hoặc có cách tính linh hoạt để bảo đảm tính khách quan, chính xác đồng thời khuyến khích các TCTD hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Các trường hợp đó không giới hạn ở tình huống dịch bệnh như COVID-19 mà có thể bao gồm thiên tai, hoả hoạn, khủng hoảng kinh tế quốc tế và các trường hợp bất khả kháng khác mà khi đó nhà nước sử dụng các công cụ chính sách tín dụng nhằm khuyến khích các TCTD hỗ trợ các khoản vay của doanh nghiệp, cá nhân dẫn đến làm tăng nợ xấu, tăng nguy cơ rủi ro của hệ thống ngân hàng.

Việc đánh giá linh hoạt có thể theo hướng xem xét nới lỏng chấm điểm đồng loạt cho tất cả hệ thống TCTD hoặc căn cứ vào từng trường hợp cụ thể. Việc này sẽ giúp thúc đẩy các chính sách của Ngân hàng nhà nước Việt Nam đạt hiệu quả tốt hơn, tuy nhiên cũng cần đánh giá tính thực chất việc thực hiện các chính sách ưu đãi này của các TCTD, tránh hình thức. Cơ chế này sẽ bảo đảm các TCTD tham gia vào chương trình hỗ trợ khách hàng được đánh giá khách quan, chính xác và hiệu quả. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc các trường hợp ngoại lệ, loại trừ hoặc áp dụng linh hoạt cách chấm điểm để xếp hạng các TCTD trong các tình huống tương tự.

  1. Bổ sung quy định về quyền được yêu cầu cơ quan quản lý giải thích về kết quả đánh giá

Hiện tại, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Nghị định hướng dẫn Luật này và các Thông tư liên quan chưa có bất kỳ quy định nào về quyền của TCTD được phản hồi về kết quả đánh giá và nghĩa vụ giải thích của cơ quan đánh giá về kết quả xếp hạng. Điều này đồng nghĩa là pháp luật đang thiếu vắng cơ chế khiếu nại, giải quyết khiếu nại, thủ tục, trình tự và thời hạn trả lời TCTD khi không đồng ý với kết quả xếp hạng.

Có thể có ý kiến cho rằng, việc xếp hạng của TCTD theo quy định tại Thông tư 52 được quản lý theo dạng bí mật nhà nước trong ngành ngân hàng. Vì vậy, cho dù trường hợp kết quả xếp hạng không được TCTD đồng thuận thì thiệt hại chỉ nằm trong bản thân TCTD đó.

Tuy nhiên, kết quả xếp hạng trực tiếp ảnh hưởng tới TCTD, đối với TCTD bị xếp hạng thấp thì sẽ bị cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn. Đây là điều không TCTD nào mong muốn. Do vậy, VCCI cho rằng cần thiết có quy định trong trường hợp TCTD không đồng ý với kết quả đánh giá của cơ quan quản lý thì TCTD có quyền trao đổi, giải thích và cơ quan quản lý hiểu rõ về hoạt động của mình. Đồng thời, cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng cũng phải có nghĩa vụ giải thích, trao đổi với TCTD khi có khiếu nại về kết quả xếp hạng. Hơn thế nữa, bổ sung quy định này không làm phát sinh chi phí quản lý mà còn tăng cường tính minh bạch của hoạt động xếp hạng các TCTD.

  1. Về quản lý kết quả xếp hạng:

Về quản lý kết quả xếp hạng, ý kiến của một số chi nhánh ngân hàng nước ngoài nêu rằng cần cho phép báo cáo kết quả xếp hạng với ngân hàng mẹ với điều kiện giữ bí mật thông tin này. Điều này là hợp lý và không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan quản lý cũng như các TCTD khác. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định tại Điều 23 Dự thảo theo hướng cho phép chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cung cấp kết quả xếp hạng cho ngân hàng mẹ với các điều kiện nhất định về giữ an toàn thông tin.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 52/2018/TT-NHNN quy định xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

[1] Thông tư số 01/2020/TT-NHNN và Thông tư Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13 tháng 3 năm 2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19.