VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 44/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 của Bộ Tài chính quy định về khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loạt tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau
Kính gửi: Vụ Chính sách thuế – Bộ Tài chính
Trả lời Công văn số 7477/BTC-TCT ngày 22/06/2018 của Bộ Tài chính về việc lấy ý kiến đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 44/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 của Bộ Tài chính quy định về khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loạt tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), vì tính chất chuyên sâu của quy định, thời gian qua đã tiến hành tham vấn rộng rãi các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và chuyên gia trong lĩnh vực này, có một số ý kiến như sau:
- Quan điểm chung
Việc Bộ Tài chính ban hành Khung giá tại Thông tư 44/2017/TT-BTC và các địa phương ban hành Bảng giá tính thuế là nhằm cụ thể hoá Điều 6.2 của Luật Thuế tài nguyên 2009. Điều luật này được đặt ra nhằm tránh tình trạng một số doanh nghiệp kê khai giá bán tài nguyên trên hoá đơn thấp hơn giá trị giao dịch thực tế nhằm giảm nghĩa vụ nộp thuế. Đây chỉ là giải pháp tình thế khi cơ quan thuế chưa có được công cụ và dữ liệu để giám sát giá tính thuế. Về lâu dài, cần áp dụng triệt để nguyên tắc giá tính thuế phải là giá bán tài nguyên theo đúng quy định tại Điều 6.1 của Luật Thuế tài nguyên. Còn việc doanh nghiệp kê khai giảm giá trên hoá đơn thì phải được xử lý thông qua công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm về thuế chứ không nên sử dụng phương pháp ban hành Khung giá, Bảng giá như hiện nay.
Trong giai đoạn vẫn phải duy trì biện pháp Nhà nước ban hành Khung giá tính thuế thì Khung giá này cần được xây dựng theo hướng như sau:
- Về danh mục phân loại khoáng sản thì nên quy định thật sự chi tiết, phân càng nhiều loại càng sát với thị trường.
- Về mức giá thì nên quy định rộng để các địa phương căn cứ vào tình hình thực tiễn có thể điều chỉnh Bảng giá cho phù hợp, tránh việc phải thường xuyên điều chỉnh Khung giá.
- Giá tính thuế tài nguyên của sản phẩm công nghiệp
Điều 5.4 của Thông tư 44 quy định giá tính thuế đối với tài nguyên đã chế biến thành sản phẩm công nghiệp được trừ đi chi phí chế biến nhưng phải bảo đảm nằm trong Khung giá tính thuế tài nguyên. Chính sách cho phép các doanh nghiệp khai thác khoáng sản được trừ chi phí chế biến khi tính thuế tài nguyên sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn cho công đoạn chế biến khoáng sản. Nếu yêu cầu các doanh nghiệp chế biến khoáng sản cũng phải nộp thuế tương tự, thậm chí cao hơn những doanh nghiệp xuất khẩu khoáng sản thô thì sẽ không khuyến khích được hoạt động này. Kết quả là, nền kinh tế sẽ có xu hướng chuyển dịch hoạt động chế biến khoáng sản ra nước ngoài để giảm nghĩa vụ thuế tài nguyên. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cho phép các doanh nghiệp khai thác khoáng sản được trừ các chi phí chế biến khi xác định giá tính thuế tài nguyên.
- Đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình
Hiện dự thảo quy định mức giá thấp nhất đối với đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình là 27.000 đồng. Theo ý kiến của một số doanh nghiệp phản ánh với VCCI, giá đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình có giá bình quân là 26.700 đồng, có địa phương chỉ ở mức dưới 20.000 đồng. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, điều chỉnh giá tính thuế ở mức từ 15.000 đồng đến 40.000 đồng.
- Đá hoa trắng
Đối với đá hoa trắng (không phân biệt màu sắc, chất lượng) kích thước ≥ 0,4m3 để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Cục Thuế Yên Bái đưa ra cách tính bình quân là 427.500 đồng/m3. Nghệ An đề nghị mức 250.000 đồng/m3. Tuy nhiên, Dự thảo lại đang đề nghị khung giá từ 350.000 đồng/m3 – 500.000 đồng/m3. Như vậy là cao hơn so với mức đề xuất của các địa phương và Nghệ An sẽ phải điều chỉnh từ 250.000 đồng/m3 lên ít nhất là 350.000 đồng/m3. Đề nghị cơ quan soạn thảo xác định mức giá tương ứng với đề xuất của hai tỉnh, tức là từ 250.000 đồng/m3 – 430.000 đồng/m3.
Đối với đá hoa trắng làm ốp lát, VCCI đồng tình với việc phân loại, chia nhỏ các sản phẩm để phản ánh chính xác hơn giá thị trường. Trên thực tế, các doanh nghiệp đều phản ánh tình trạng Khung giá tính thuế quá chung chung, không phản ánh chính xác nhiều loại phẩm cấp của đá trên thị trường. Giá của đá hoa trắng dùng cho xây dựng, ốp lát phụ thuộc nhiều vào kích thước tấm, mầu sắc và vệt lỗi trên bề mặt đá.
Quy định tại Thông tư 44 hiện nay đang đánh đồng nhiều loại đá có chất lượng chênh lệch vào một nhóm, đặc biệt là các loại đá có mầu sắc không trắng, hoặc có vệt lỗi. Với mức thuế cao bất hợp lý, trong nhiều trường hợp sẽ khiến các doanh nghiệp vứt bỏ tài nguyên, hoặc đập vụn đá to thành đá nhỏ để giảm nghĩa vụ thuế. Điều này gây lãng phí tài nguyên rất lớn và cũng làm thất thu cho ngân sách. Tại Nghệ An, tỉnh này còn chia nhỏ đá hoa trắng để làm ốp lát theo diện tích bề mặt ở các mức: dưới 0,1m2, 0,1m2 – 0,3m2, 0,3m2 – 0,6m2, 0,6m2 – 1m2, và trên 1m2. Cách chia này tương đối khoa học vì thực tế trên thị trường giá bán phụ thuộc rất nhiều vào diện tích bề mặt tấm đá. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu phương pháp chia nhỏ các sản phẩm theo diện tích tấm đá để ban hành giá tính thuế sát hơn.
Ngoài ra, cần nghiên cứu bổ sung giá tính thuế đối với đá nguyên liệu làm sỏi nhân tạo, vì đây là mặt hàng hiện đang được sản xuất và tiêu thụ nhiều. Nếu có quy định rõ ràng cũng sẽ khuyến khích doanh nghiệp tận dụng tài nguyên để đưa vào sản xuất.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 44/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 của Bộ Tài chính quy định về khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loạt tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Ngoài ra gửi kèm theo phụ lục một số góp ý cụ thể về Dự thảo mà một số doanh nghiệp gửi cho Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để Quý Cơ quan tham khảo.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.